Tế có nghĩa gì? Nghĩa ăn!

Tục ta, đặt sinh tư hào soạn lên bàn thờ, thắp đèn thắp hương rồi vái lạy, như thế gọi bằng “cúng”. Còn thêm có lễ, nhạc, chiêng, trống nữa thì gọi bằng “tế”. Nhưng theo chữ Hán thì hai việc chỉ dùng có một chữ, là “tế” thôi.

Tế có nghĩa gì? Theo trong Kinh Lễ thì trọng nhất là cái nghĩa “báo bản phản thuỷ”. Nghĩa là: “Người sinh ra bởi trời, con cháu sinh ra bởi ông vải”, cho nên người ta bày lễ tế tự ra để “báo đáp cội gốc và trở lại ban đầu”.

Kinh Lễ tuy nói vậy, song các sách khác cũng có nơi nói “cúng tế để cho quỷ thần hâm hưởng và ban phúc cho người đứng tế”. Đến đời trung cổ, cái nghĩa này thịnh hành mà cái nghĩa “báo bản phản thuỷ” trên kia lại lu lờ đi.

Bấy giờ ngang đời nhà Hán, có Vương Sung, một vị đại nho hay phê bình, ông ta bắt đầu công kích nghĩa thứ hai mà xiển minh nghĩa thứ nhất. Đại ý Vương Sung bác cái thuyết ấy như vầy:

Cúng tế không phải để cho quỷ thần hâm hưởng. Hâm hưởng tức là hít lấy cái hơi. Mà quỷ thần đã không có miệng để mà ăn, thì thôi, có mũi đâu để mà hít? Quỷ thần cũng không có bụng và ruột nữa, thì dù cho có hít cũng chẳng biết để cái hơi ấy vào chỗ nào. Vả chăng, theo hình thể người ta mà nói, thì trời đất cũng như toàn thân, các núi các sông cũng như xương và huyết. Người ta ăn vào nơi miệng, tự khắc tiêu hóa ra mà bổ cho xương và huyết, chứ không ai hề cho xương và huyết ăn lần thứ hai. Nếu có hâm hưởng thật, thì chỉ tế Trời và Đất một lần là đủ, sao còn tế các thần Sơn Xuyên nữa? Thế mà xưa nay sau lễ Giao là lễ tế Trời Đất rồi, nhà vua còn tế khắp các thần Sơn Xuyên, như thế há chẳng giống như cho một người nào ăn rồi, còn cho các lóng xương và các mạch máu của người ấy ăn lần nữa sao? Thế cho biết cái thuyết “hâm hưởng” là vô lý, vì không thể nào cắt nghĩa cho thông được (Đoạn này lấy đại ý trong sách Luận hành).

Vương Sung cốt muốn phá một sự mê tín của người đương thời, đem cái triết lý của sự tế tự ra mà giảng giải cho họ hiểu. Song cũng gần như vô ích: Từ đời Hán về sau, cho đến nước ta ngày nay nữa, người ta vẫn ưa hiểu theo cái nghĩa thứ hai hơn là cái nghĩa thứ nhất trong Kinh Lễ kia.

***

Hiểu theo nghĩa thứ hai, ấy là nói về mặt lý tưởng của người mình; chứ còn xét về mặt thực tế thì lại hình như họ chẳng thèm hiểu một nghĩa nào hết, mà chỉ biết có cái nghĩa “ăn”. Cái nghĩa ăn là lớn vậy thay!

Các ông nhà nho thường hay chê bọn kỳ mục lý dịch trong làng, bảo họ chỉ biết tranh nhau xôi thịt tộ biếu; cho nên ở đây tôi vứt đi, những đám tế trong làng, như tế thành hoàng, tôi không nói đến, mà nói ngay vào cuộc tế Văn chỉ của hàng huyện, tức là tế đức thánh Khổng Tử mà các ông nhà nho lấy chính mình ra chủ trương.

Sẵn có một tập điều lệ của Văn hội huyện Thượng Phúc, là huyện thuộc về tỉnh Hà Đông, tôi xin dịch đem vào đây mấy đoạn làm chứng.

Bản điều lệ này đặt ra từ ngày 20 tháng 3 năm Ất Hợi, Tự Đức 28, các văn thân cùng hào mục các tổng đứng đặt.

Điều đầu hết nói về hai lễ tế đinh về mùa xuân và mùa thu:

Mỗi năm cứ lấy ngày trung đinh tháng ba tháng chín làm ngày chính tế. Trước một ngày lý trưởng sở tại cho bốn tên sái phu tới nhà viên Hội trưởng rước người tới Văn chỉ chờ làm lễ. Các văn thân cũng trước một ngày, tới chực đó, mà có đem đồ phẩm phục theo. Chiều hôm ngày chính tế, người thủ từ sắm sẵn một con lợn, làm thịt ra. Trước lấy cái đầu lợn luôn với cỗ xôi, trầu rượu làm lễ yết cáo. Lễ xong, lấy cái đầu lợn ấy và thịt và lòng sắm sửa dọn bữa cơm tối, gọi là “bữa cơm túc yết”.

Sáng ngày sau, chính lễ, sắm sẵn một con bò, làm thịt ra, lấy cái đầu, cái nọng (lâm), hai miếng thịt tộ, hai miếng bả vai; lại làm thịt một con lợn, một con gà nữa: hết thảy các vật trên đó đều đặt ở bàn thờ căn giữa. Hai đùi sau con bò thì đặt ở bàn thờ căn hai bên. Bốn cái sườn bò thì đặt ở bàn thờ hai căn chái. Lòng bò, mỗi bàn một đĩa, hết thảy là bảy đĩa. Xôi, mỗi bàn một mâm, hết thảy là bảy mâm. Lại đủ đồ trầu rượu các thứ.

Lễ xong, cái đầu bò đem biếu các viên đỗ tiến sĩ. Bằng chưa có tiến sĩ thì biếu các viên phó bảng. Nếu cả hai đều chưa có thì đem biếu ông quan văn nào lớn hơn cả. Cái nọng bò đem biếu hai viên chính hội trưởng và phó hội trưởng. Hoặc có viên nào xuất ngoại có công vụ, cũng phải sức dân phu đem biếu tận nhà. Cái thủ lợn và một đĩa lòng lợn thì đem biếu quan phủ sở tại. Cái lâm lợn và một đĩa lòng lợn thì đem biếu quan giáo thụ. Một miếng tộ bò biếu viên chính hiến. Bốn giò bò và bốn giò lợn biếu hai viên bồi hiến, hai viên phân hiến, hai viên lạy ở chái đông tây và hai viên viết văn, đọc văn. Bất kỳ các viên nào có tới hầu tế, đội mũ mang hia, đều được biếu một miếng thịt lợn. Lại kể từ thân hào trở xuống những ai có dự sự ở đó đều được chia cho một phần: có đủ thịt bò, thịt lợn và xôi. Thừa ra, còn bao nhiêu thịt bò, thịt lợn, thịt gà, cho đến lòng nữa, đều đem nấu dọn uống rượu một diên, gọi là “thần huệ”.

***

Một điều nữa định cái lệ ngồi cỗ ăn:

 

Tiến sĩ, phó bảng mỗi viên một cỗ. Cử nhân hai viên một cỗ. Tú tài, hào mục trở xuống bốn viên một cỗ. Ngồi ăn phải cho nghiêm chỉnh. Ai say rượu to tiếng sẽ bị phạt một quan tiền.

 

Một điều nữa nói về “đêm túc yết”:

 

“Cái đêm túc yết, thân hào tắm rửa sạch sẽ tới đó là để giữ mình cho thành kính. Như có ai muốn chơi trò tiêu khiển thì chỉ được đánh cờ, đánh kiệu ngũ hoặc kiệu thất cũng đủ vui. Muốn đánh tổ tôm cũng được, nhưng không nên chăm sự ăn thua. Nếu chăm sự ăn thua thì còn gì là thành kính? Ai trái lệ cũng sẽ bị phạt một quan tiền”.

 

Cái điều lệ sau cùng đây chắc phải làm cho độc giả cười nôn ruột! Sao đã “tắm rửa sạch sẽ, giữ mình thành kính” lại còn bày ra chơi kiệu, cờ, cùng tổ tôm? Bày ra đánh bạc còn bắt đừng chăm sự ăn thua, thật các ông nhà nho cổ quái quá! Mà hễ đã bày ra cuộc chơi như thế thì còn chủ tâm gì vào sự tế?

Tuy vậy, ta nên chú ý về các điều trên. Coi đây thì trong một diên tế Văn chỉ đây, người ta chỉ tính việc ăn chứ không chủ trọng gì về việc cúng. Sao vậy? Vì người ta tính trước biếu những ai, đãi những ai, bao nhiêu người ăn, bao nhiêu người có phần, rồi người ta theo đó mà định số mấy con bò, mấy con lợn phải làm thịt. Bằng chẳng vậy thì sao tế thánh thường dùng lễ tam sinh: bò, lợn, dê, mà ở đây người ta lại bỏ con dê đi, đem thế bằng một con gà? Một điều đáng ngờ nữa là có lẽ trong huyện đó thân hào không ai quen ăn thịt dê hết cho nên cũng không làm thịt mà tế đức Khổng!

Ôi! Tế là vậy đó! Hèn chi trong triều Huế bỏ sinh tư không dùng nữa là phải! (d)

HỒNG NGÂM

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 4 (8. 10. 1933), tr. 6- 9.

Chú thích

(a) Chỗ này báo gốc chấm lửng một khoảng, ước chừng có 1-2 từ bị bỏ khỏi khuôn chữ trước khi báo in.

(b) Chỗ này báo gốc để chấm lửng liền một dòng, hẳn là có một đoạn bị bỏ khỏi khuôn chữ trước khi báo in.

(c) Ở trang báo đăng đoạn này (tr. 8) có in một biếm họa với chú thích:  "Theo sau linh cữu, ông trưởng nam vác gậy đánh trẻ con" 

(d) Ở trang báo đăng đoạn này (tr. 9) có in một biếm họa của Palapout với mẩu đối thoại sau: Mợ Cả – Cái gì mà cũng đòi nói nhỏ đấy ? Cô Thanh – Chị cả! Thầy em cho em sang nói với chị rằng sáng mai giỗ ông đừng làm thịt gà đấy, vì thầy em đau phong!...