THẤY NÓI

Chắc bà con hãy còn nhớ, tại đây tôi đã từng thanh minh rằng: Người hiếu học chẳng bao giờ tự mãn, vì họ nghĩ: đem cái mình biết mà so sánh với cái mình chưa biết, thì ví chẳng khác như một hột bụi ở trên đường, một hột cát ở bãi biển vậy.

Bởi nghĩ thế nên chi hôm qua, thấy bạn đồng nghiệp Sài thành chữa sai cho Thông Reo về hai chữ "thấy nói" ở trong bài "Tiếng nói giết người" mà gọi là "mài giùm lưỡi dao lụt của Trung lập", thì tôi mừng và mang ơn bạn lắm!

Bạn có biết tại làm sao mà ngay trên đề mục tôi đã đặt hờ hai chữ "Nghe thấy" sẵn hay không? Không chi lạ, tại vì ham  "học hỏi" đó. Thấy, theo chữ Tàu, là "kiến", mà nghe là "văn"; hai chữ đem hiệp nhau lại thành "kiến văn", là "nghe thấy".

Muốn cho rộng kiến văn, tôi từng thấy lắm khi một người Tàu không biết nói tiếng ta, với một người Nam không biết nói tiếng Khách, mà cả hai đều hay chữ Hán, họ dùng chữ mà nói chuyện với nhau rồi gọi cuộc nói chuyện ấy là "bút đàm". Trong những cuộc "bút đàm", ta nghe nói hay là ta thấy nói?

Vả lại trong hai chữ “nghe thấy” của ta nó chẳng phải chỉ có nghĩa là tai nghe mắt thấy mà thôi, mà nó lại còn có nghiã là "hay biết" nữa (hay biết, chữ Tàu gọi “cảm giác”, chữ Pháp dịch sentir). Thông Reo thường khi đi thăm bịnh, hỏi họ: Sao! Bữa nay anh  nghe trong mình anh thế nào?" Có lẽ người bịnh hiểu mình, nên họ liền đáp lại: "Tôi không thấy khá chi hết!" Sao? Anh Đồ Điếu của Thông Reo ơi! Thấy hay nghe? Nghe hay thấy a anh?

“Thấy nói”, vẫn là một cái thành ngữ của tiếng ta. Mà đã là thành ngữ, thời phải hiểu cho nó có tự đời ông La-đa bà Lép-đép lận; cho nên những nhà ngữ nguyên hay khảo ngữ học trứ danh đời trước, như: Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, J. F. Génibrel v.v… họ đã dùng "thấy nói" đôi phen rồi, chớ có phải là "tiếng mới" đâu mà hòng sợ của ta rèn còn lập dập.  (a)

Nhưng thành ngữ cũng thời thành ngữ, mà cái thành ngữ "thấy nói" này nó hay chẳng thua gì tụi của nó là thành ngữ "coi hát" mà anh Đồ Điếu ở Sài thành ảnh cho là một cách nói của phường vô học đó. Vậy chớ anh, là bực thức giả, mỗi lần anh đi coi hát, anh mới nói làm sao? − Đi xem diễn hài kịch lẫn bi kịch lẫn ca âm à!

Mà thôi, cãi vã nó cũng buồn, vậy xin lỗi anh để Thông Reo kể chuyện đời nay cho bà con nghe trót thê:

Mấy năm trước tôi có dịp làm mai một người chị bà con của tôi, người có ăn, góa chồng, trạc chừng 35 tuổi cho một anh thầy giáo góa vợ, tác 40 ngoài. Ảnh lên ở nhà tôi, ghe ảnh đậu bến tôi. Tôi dắt ảnh lại nhà chị tôi, làm quen đâu mấy bữa. Một đêm nọ, thấy ảnh cứ cà rà nhà chị mãi, tôi lẻn bỏ ra về.

Rạng ngày sau, lúc tôi chưa thức giấc, anh giáo ra gặp nước lật đật lui ghe, có để lại cho tôi một tấm thiệp cáo từ, hẹn rồi đây sẽ tái ngộ. Mình nóng hiểu đầu giây mối nhợ, chạy hỏi chỉ, chỉ lại chận họng.

− Vậy chớ thấy nói với cậu làm sao?

Tôi có "thấy nói" cái gì!

− Ờ, hồi hôm, cậu về rồi, thầy giả đò vấn thuốc mắt ngó xuống mà nói giọng run run "Thưa Bà tôi biết Bà son và ở một mình. Bà cho tôi tới lui hổm rày ấy là ơn nặng đến thác tôi cũng không quên. Nhưng ở đây việc gì không thành việc gì, để cho Bà mang tiếng với xóm giềng thì lòng tôi bao nỡ! Vậy trước khi lìa chốn nầy, là nơi đã từng thấy tôi đầy hạnh phước, tôi xin Bà lên cho tôi một cái án: Một là Bà đày tôi đi biệt xứ, hai là Bà cho tôi trở lại đến trọn đời".

− "Thấy nói" phát ghét, tôi biểu về đâu thì về! rồi!… một ngày trở lợi…

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6911 (4.1.1933)

Chú thích

(a) lập dập: tạm bợ, không trọn vẹn  (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)