[Kỳ 4]

Thiên tử đáo gia

Xưa ở làng Đàng Hào có người đàn bà, làm nghề thợ nhuộm. Mụ, góa chồng sớm, có đứa con trai. Khi chồng mụ chết, có ông thầy Khách coi đất chôn cho, và đoán rằng: Chôn đất nầy, trong vòng ba năm sẽ có vua đến nhà (thiên tử đáo gia), rồi thì giàu sang rực rỡ (đại phát phú quý).

Thuở ấy về triều Hồng Đức (Lê Thánh Tôn), nhằm năm sứ Tàu quan tuyên phong. Vua troàn cho các nhà ở phố phường đều phải quét vôi lại hết, và trên các cột trước cửa phải có dán câu đối đỏ, coi cho lịch sự.

Một đêm kia, vua đi nhẹm để xem họ dán câu đối thế nào. Vào đến nhà mụ thợ nhuộm, không thấy câu đối thì vua hỏi: “Nhà ai cũng có câu đối hết, sao một mình nhà mụ không có?” Mụ thưa rằng: “Tôi có một đứa con mà nó đi học xa; một mình tôi ở nhà, không mượn ai làm câu đối được”. ‒ Vua nói: “Thế thì ta làm câu đối giúp cho mụ có được không?” ‒ Mụ nói: “Như thế thì tốt lắm, tôi cảm ơn lắm!”

Đó rồi vua bảo tìm giấy và bút mực, viết một câu rằng:

Thiên hạ thanh hồng giai ngã thủ;

(Sắc xanh sắc hồng trong thiên hạ đều từ tay ta)

Triều trung chu tử tổng ngô gia.

(Màu đỏ màu tía trong triều cũng là từ nhà ta mà ra)

Sáng hôm sau, ông Trạng nguyên họ Lương vào triều, đi ngang qua đó, hỏi mụ thợ nhuộm chứ ai làm câu đối ấy. Mụ đem sự thực tối hôm qua mà thưa (kỳ tình mụ chỉ biết là một ông khách nào làm cho, chứ không biết là vua).

Lương Trạng nguyên vào triều, tâu cùng vua rằng: “Hiện nay Thánh nhân ở ngôi, phúc đức đương thịnh lắm; thế mà tôi xem thấy nhà mụ thợ nhuộm kia có đôi câu đối tỏ ra cái khí tượng thiên tử, hoặc giả là ý trời đã muốn sinh ra người khác hay sao?” ‒ Vua liền phán rằng: “Câu đối ấy, chính trẫm đã làm tối hôm qua đó”.

Lương Trạng nguyên nghĩ rằng thiên tử đến nhà, ấy là cái điềm “bạch ốc xuất công khanh” (nghĩa là nhà dân phát làm quan lớn), bèn đem con gái mình gả cho con trai của mụ thợ nhuộm ấy. Về sau đến triều vua Túc Tôn, con trai của mụ ấy cũng đỗ tiến sĩ. (Bản quốc dị văn)

Lời người dịch: Chuyện này không luận có thực hay không, chỉ thấy rằng chép không khéo. Nhất là câu Lương Trạng nguyên tâu cùng vua tại triều sau khi đã thấy đôi câu đối thì khó nghe lắm. Vì theo tình và lý, chẳng có khi nào một người bầy tôi dám nói với vua như vậy. Vua đương làm vua sờ sờ đó, mà dám nó trời sinh người khác, xưa nay chẳng có ông quan nào dám nói thế trước mặt vua mình bao giờ. Ý người chép chỉ muốn tỏ ra văn chương của vua thì bao giờ cũng có khí tượng khác người đó thôi; mà vì chép không khéo, thành thử dù là có thực nữa cũng khiến cho kẻ đọc sinh lòng ngờ vực.

Lại xem những chuyện cũ của ta, người xưa chép để lại, phần nhiều hay nói đến địa lý. Người nào đã đạt, người nào có sự nghiệp phi thường, cũng đều cho là nhờ ngôi mộ nọ, ngôi mộ kia, không phải là ngôi mộ “thiên táng” thì ắt là thầy Tàu chỉ cho. Như chuyện này là một. Như thế thành ra người nước mình thuở nay ăn nên làm nổi chẳng phải bởi tài cán học thức gì cả, mà chỉ nhờ một miếng đất với ba nhắm xương tàn! Xấu hổ quá!

Những chuyện có ý tỏ ra cái hiệu nghiệm của địa lý, chúng tôi đều bỏ đi không dịch đăng vào đây, vì không muốn rắc thêm cái mầm tin nhảm cho xã hội ta nữa. Chuyện này được đem vào đây vì trong đó có hai cái tài liệu tốt: một là biết được sự cử động của một ông vua hồi đời Lê; một là biết được cái cách quét vôi, chưng diện thành phố trong khi có người quý khách ở ngoại quốc đến, đời bấy giờ cũng có.