Thói xấu trong làng báo

Cũng như trong làng khác, làng báo chúng tôi có nhiều thói xấu. Nói ra, người ta bảo "vạch áo cho người xem lưng"; còn không nói, có lẽ nào cứ để vậy mà chịu được hoài? Thôi thì nói.

Lạ quá! cái tánh chất nhà báo chỉ có nửa phần là buôn bán, sao cái sự ganh tị nhau, gìm ếm nhau lại bằng mười các nhà buôn đối với nhau! Chỉ có cái thói này là xấu hơn hết cả, hại hơn hết cả, vì chẳng những nó có ảnh hưởng riêng trong làng báo với nhau, mà lại có ảnh hưởng đến xã hội nữa.

Thật thế, họ ganh nhau đến nỗi có một cái tâm lý chung là không chịu nói đến tên nhau, sợ nói tên một báo nào, tức là làm quảng cáo cho báo ấy, trừ ra có khi nào nói xấu cho thì họ mới nói.

Nhất là tờ báo nào mới ra đời mà có vẻ khả quan, ấy là cái đanh trước con mắt họ đó. Họ làm như một đám chị em bạn dâu, cứ theo mà háy nguýt thím nó mới về, có vẻ bảnh hơn mình.

Chính Phụ nữ thời đàm này mới hơn một tháng nay mà đã bị mấy lần rồi. Có lần, một bạn đồng nghiệp trong Nam rút trọn một bài của nó, không sai một dấu phảy, thế mà chớ hề làm ơn nhắc qua cái tên nó cho. Ấy vậy mà khi nó mới bước chân ra, đã vội vã chào mừng bạn nó, nhìn làm đồng chí đấy! Rõ thật hoài của!

Bụng dạ người ta tử tế quá như vậy, cho nên khi thấy tờ báo này, số mới rồi, có bài phê bình báo Phong hóa mà bảo là dại, làm sao lại tốn cơm nhà đi rao hàng cho kẻ khác, mà hàng ấy lại là hàng đương giành mối bán với mình!

Chẳng những dại một lần, tờ báo này còn dại nữa, nó dại đến nỗi gặp kẻ ở dở với nó bị gìm ếm mà nó cũng ra tay cất nhắc lên cho.

Nó cứ mãi dại như thế đấy, nhưng đây rồi bẻ cọng rau sam, chống con mắt lên (1) xem thử Phụ nữ thời đàm nó có thua kém gì ai, nó có chết!

Gìm ếm nhau đến nước này mới tệ chứ: Cái học bổng của Phụ nữ  tân văn tác thành được hai nhân tài, ai chả biết, thế mà người ta cũng muốn làm khuất lấp đi, xóa công đi, phi ơn đi.

Bắt đầu từ năm 1929, sau khi ra đời mới ba số, báo ấy tổ chức cuộc học bổng, lấy 15% tiền mua báo đồng niên mà cấp dưỡng hai người học sinh sang Pháp: Nguyễn Hiếu và Lê Văn Hai. Đến nay ba năm, hai người đều tốt nghiệp đại học cả: Nguyễn Hiếu đỗ kỹ sư canh nông; Lê Văn Hai đỗ cử nhân văn học.

Lê Văn Hai còn ở lại, lo học để thi Agrégé; còn Nguyễn Hiếu mới rồi đã về nước. Khi ghé qua Sài Gòn, Phụ nữ tân văn thiết tiệc mừng, Nguyễn Hiếu có đọc lời cám ơn. Bữa tiệc này chẳng được long trọng lắm, nhưng chẳng phải có một mình Nguyễn Hiếu với những người của Phụ nữ tân văn đến dự đâu.

Thế mà sau đó, hơn mười tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn, chỉ có hai tờ nói sơ qua mấy hàng, còn thì họ làm thinh; cả việc báo Phụ nữ cấp học bổng cho đến việc Nguyễn Hiếu đỗ kỹ sư trở về, họ đem vùi xuống dưới ba mươi sáu lớp bùn sông Bến Nghé!

Việc Phụ nữ tân văn đã làm đó, thật là một việc có công mà ít ai làm được. Viết một bài, kể đầu đuôi sự tích mà khen nó cũng đáng lắm chứ; thế mà cái lòng ganh tị nó xui cho các bạn đồng nghiệp chúng tôi không dám viết, lại còn cố mà làm khuất lấp đi, ghê chưa?

Nhớ như có người đời xưa đã từng nói: "Một xã hội mà toàn là tiểu nhân thì bất kỳ vào trong đám nào cũng là tiểu nhân tất cả". Câu ấy tuy như có ý bi quan lắm mà ở trong cũng có phần lạc quan. Bởi vì cả xã hội có toàn là tiểu nhân thì mới đám nào cũng toàn là tiểu nhân; chứ xã hội ta còn có ít nhiều quân tử thì trong báo giới há lại không có ít nhiều quân tử?

Sao chẳng… bài trừ cái thói xấu ấy đi, hỡi những người quân tử trong làng báo?