TRỞ LẠI NHƯ ĐỜI XƯA…

Trong sách Tàu có câu "Thiên vận tuần hoàn, châu nhi phục thỉ", nghĩa là cái khí vận của trời đất nó đi vòng quanh, cứ hễ giáp thời thế thì nó lại trở về chỗ sơ khởi.

Khí vận của trời đất đi đã gần giáp vòng chưa? Mình chẳng phải là một nhà lý học giỏi như ông trạng Trình mà biết được. Nhưng cứ lấy con mắt thịt mà nhìn xem việc đời, thì thấy rằng bây giờ đây coi mòi có nhiều cái đã bắt đầu muốn "phục thỉ", (a) nghĩa là lộn trở lại giống như hồi đời xưa rồi.

Theo sách nói thì đời xưa, người ta chẳng biết buôn bán cóc khô gì hết, chỉ biết có môn đổi chác với nhau mà thôi! Anh làm ruộng nếu muốn sắm áo sắm quần thì đem lúa mà đổi lấy vải bố của anh thợ dệt, anh thợ dệt nếu muốn có thịt cá mà ăn, thì đem vải bố mà đổi lấy thịt cá của anh hàng thịt, anh thuyền chài, v.v… Cứ đem món đồ này đổi lấy món đồ kia vậy thôi, chớ chẳng hề biết dùng đến tiền bạc.

Tiền bạc cũng như sự buôn bán, mãi sau nầy người ta mới bày ra. Khi đã biết dùng tiền bạc, biết buôn bán rồi, nhứt là khi đã bày ra những giấy bạc nhà băng, thì thế giới nhơn loại coi bé trở nên giầu có và xa hoa hơn đời trước nhiều lắm. Chẳng dè có một ngày kia, vì đồng tiền mà thiên hạ phải bát đảo thất điên!

Thì đó, hiện nay trên thế giới đâu đâu ta chẳng đương rên siết kêu rêu những là "tài nguyên kiệt quệ", kinh tế khủng hoảng, sinh hoạt nguy nan, v.v…ấy chẳng có nghĩa gì cao xa mắc mỏ hơn là túng chạy không ra tiền! Đến đỗi người ta đã bảo cuộc khủng hoảng này là khủng hoảng vì sự sanh sản quá thăng (crise de surproduction). Ai có đời cà-phê gì nhiều quá mà đem đổ xuống biển, cao-su gì nhiều quá phải chất đống lại, đồ luá gạo gì nhiều quá phải ném cho thú vật ăn; kể ra thì những món đồ cần dùng, trăm ban vạn sự gì cũng vẫn có dư quá bội hết thảy, chỉ duy không biết đồng tiền nó chạy tọt về đâu hết, đến nỗi một phần đông nhơn loại phải ngồi khoanh tay rế mà chịu chết, thì nghĩ có chướng hay không?

Về kinh tế học thì Thông Reo xin thú thật rằng mình cũng dốt cái nữa, nhưng vì trông thấy cái tình cảnh éo le ở hiện thời mà có nhiều lần Thông Reo đã nghĩ vơ nghĩ vẩn nếu muốn thoát khỏi cái nạn kinh tế bây giờ thì chỉ có một cách là hãy bắt chước lại kiểu đời xưa mà đổi lẫn những đồ cần dùng cho nhau chớ đừng thèm dùng đến tiền bạc nữa. Vả chăng tiền bạc là đồ đã tự tay người bày ra, thì nay tự tay người xóa bỏ nó đi lại chẳng được hay sao?

Thông Reo nghĩ bá vơ như vậy đó mà nay xem chừng như trên thế giới đã có nhiều người muốn làm theo cái kiểu ấy chớ chơi gì!

Theo như tin đăng ở các báo, thì vừa rồi có nhiều nhà họa sĩ ở Paris vì bán những đồ tranh vẽ của mình không đặng bèn rủ nhau tổ chức một cuộc triển lãm (exposition − bày bố) đặng đem những tranh vẽ ấy mà đổi lấy hoặc là đồ nữ trang, hay áo quần và đồ ăn đồ uống.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Ừ được đa! Cứ rủ nhau mà làm trở lại như đời xưa quách đi bớ người ta! Hễ trong nhà mình có đồ gì nhắm có thể cấn cho kẻ khác để trừ nợ thì cứ việc đem ra mà cấn, chủ nợ chịu không chịu thì thôi; tự mình làm ra được đồ gì thì cứ việc đem đi đổi cho kẻ khác đặng lấy những đồ mình không có về mà dùng; cái gì cũng là đổi chác bù chì thuận thoàn đâu đó cả.

Dù có đồng tiền thì nhứt thiết tẩy chay đi! Đừng thèm xài đến nữa thử coi nó còn báo hại người ta đặng hay không cho biết! Việc dễ như bỡn có gì đâu mà sợ làm không được.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6943 (21. 2. 1933)

Chú thích

(*) “phục thỉ” đọc theo phương ngữ Nam Bộ, chính là “phục thủy”