[Kỳ 5]

Trúc Lâm tam tổ

Vua Nhân Tôn nhà Trần nhường ngôi cho con rồi xuất gia, ngài cất một cái am bằng tranh ở núi Vũ Lâm gần Trường An, cùng sư Pháp Loa, sư Huyền Quang thuyết pháp, tự hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng, ấy là vị tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm.

Pháp Loa người làng Phù Vệ, trú trì ở núi Côn Sơn huyện Chí Linh; Huyền Quang quy y tại đó. Sư Pháp Loa lập một cảnh chùa ở trong núi, dưới núi có cái động, trong động có thạch bàn, bốn mùa đều có suối trong chảy ra. Về bên tả chùa, đề là Thanh Hư động; về bên hữu, có cái cầu, đề là Thốc Ngọc kiều. Vua Nhân Tôn nhà Trần hay tới chơi với sư luôn, tôn là quốc sư, hiệu là Tuệ Độ. Sau sư Pháp Loa tịch, vua Anh Tôn có làm thơ vãn, dân làng sùng tự, lại cũng có thờ trong chùa Hương Hải ở Chí Linh. Pháp Loa là vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm.

Huyền Quang người Vạn Tư, thuộc Gia Định, tức là Lý Đạo Tải, đỗ trạng nguyên trong niên hiệu Bảo Phù. Hồi nhỏ nghèo khó lắm, hỏi vợ đâu cũng không được, đến chừng đỗ trạng nguyên rồi, Lý Đạo Tải không nói đến chuyện vợ con nữa, lại từ chức đi làm thầy tu, đến quy y với sư Pháp Loa ở Côn Sơn.

Huyền Quang rất tinh về tượng giáo, sau trú trì tại núi An Tử huyện Đông Triều, trên núi có chùa Vân Yên, chùa Long Động, am Ngọa Vân, đỉnh Tử Tiêu, cảnh trí thật là lạ lùng đẹp đẽ. Thế nhưng vua Nhân Tôn có ý ngờ cho Huyền Quang là ngụy ẩn, giả tu chớ không thật, bèn sai một người cung nhân giả trang làm một người đàn bà bách tánh đến núi An Tử chọc ghẹo ve vãn Huyền Quang, toan phỉnh lấy cho được những vàng mà vua đã ban cho sư từ trước. Huyền Quang đóng cửa, nhất định không chịu tiếp; người cung nhân vào trong am không được, bèn thưa thực với Huyền Quang rằng mình bị vua ép sai đi, nếu lấy không được vàng thì không dám về. Huyền Quang thương hại, lấy vàng đưa cho; người cung nhân mừng lắm, về tâu lại sự tình với vua là thế.

Vua liền vời Huyền Quang đến kinh, thiết lập đàn tràng, đặt lễ tam sinh, trên mỗi con sinh đều phủ thứ hoàng quyến (lụa màu vàng): hoàng quyến nói lái là huyền quang, vua có ý đùa sư đấy. Rồi vua khiến Huyền Quang thuyết pháp để xem tượng giáo giả thật thế nào. Huyền Quang bước lên đàn, vảy nước rửa sạch, tam sinh đều biến làm hương hoa cả. Vua trông thấy, cả kinh, ban thưởng cho và khiến trở về. Đoạn vua lập chùa Giải Oan cho Huyền Quang tại núi An Tử; Huyền Quang tức là vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.

Đến bây giờ, các chùa ở Vũ Lâm, Côn Sơn, An Tử đều có lên tượng tam tổ để thờ. Mỗi năm ngày 21 tháng giêng, ngày kỵ Huyền Quang, chùa Đại Bi ở Vạn Tư cùng các chùa ở Vũ Lâm, Côn Sơn, An Tử, các nhà chùa đều dâng lễ cúng thịnh lắm; các nơi xa gần nhóm về làm một ngày hội rất tấp nập.

(Trần Lê ngoại truyện)