Tú Suất

Bấy giờ có người Tú tài tên là Suất, mặt mũi khôi ngô, và có tài học nữa, ngồi dạy trong đình ông Nguyễn Đăng Giai, Tổng đốc Sơn Tây. Một hôm Tú Suất bẩm với quan Tổng đốc rằng nhà va có một bộ sách lạ của cha va để lại cho, mà vì nghèo quá đã đem bán cho người khác; nhân xin tiền về chuộc, và chuộc về sẽ đem dâng cho quan. Quan Tổng đốc nghe lời, cho mười nén bạc.

Tú Suất cầm bạc về, ngày đêm chỉ uống rượu và hát ả đầu mà hết. Khi ấy va ở nhà quán của người thuộc phủ Quảng Oai, cũng vẫn cứ đánh chén dầm dề. Tâm sinh nhất kế, Tú Suất bảo người đến cai tổng sở tại nói Ba Nhàn nay túng thế rồi, duy còn mấy đứa đồ đảng đi theo, giả dạng náu hình ở trong một quán rượu. Cai tổng nghe, bỏ bụng, liền đi với người thủ hạ biết mặt Ba Nhàn đến đó xem. Đến thì thấy một người trạng mạo giống Ba Nhàn lắm (tức là Tú Suất). Cho là Nhàn thật, cai tổng hô lên, thủ hạ đổ ra vây lấy. Người kia (Tú Suất) nói: “Bọn mầy muốn lập công thì phải nghe lời tao. Bây giờ bay hãy đưa tao về nhà, tiếp đãi tao cho tươm tất; bằng không, tao nay dù cùng túng rồi cũng còn đủ sức giết bay vài mạng rồi hãy tự tận, cũng không đến nỗi làm sao”. Cai tổng mừng lắm, rước về nhà, giết lợn làm rượu, gọi ả đào hát, thù phụng rất là tử tế.

Ngày sau, khiêng ra một cái cũi đóng sẵn, mời Ba Nhàn (Tú Suất) vào ngồi, rồi giải về tỉnh mà nạp cho quan trên. Đến nơi người ngồi trong cũi (Tú Suất) cứ lấy khăn che mặt lại, không cho ai thấy mình hết. Đến chừng quan Tổng đốc thân hành ra nhận tù, đến sát bên cũi, người ấy mới giở khăn ra và khóc rống ồ ồ, nói rằng: “Bẩm quan lớn, bao nhiêu tiền quan lớn cho tôi, bị chú cai tổng này lấy hết. Chẳng những thế mà chú còn đóng cũi tôi mà giải nạp nữa, chẳng biết vì cớ gì, xin quan lớn xét cho”. Ông Nguyễn Đăng Giai thấy thế thì tức cười quá, liền mở cũi cho Tú Suất ra.

Tên cai tổng này vì việc ấy bị tội, quan tỉnh ghép án vào mặt luật “dĩ lương vi cường” (cùng một sách với bài trên).

Lời phụ của người dịch ‒  Tương truyền ở xứ ta thuở trước có những tay khôi hài ngộ lắm là như Tú Suất, Ba Giai, Đồ Cua… Nhưng người ta vẫn tưởng hai người kia ở Bắc Kỳ còn Tú Suất là người ở Nghệ An, vì lâu nay nghe như vậy. Nay cứ theo sách trên này, tuy không nói rõ Tú Suất ở tỉnh nào, nhưng nói ngồi dạy ở dinh quan Tổng đốc Sơn Tây thì có lẽ là người Sơn Tây chăng. Nếu vậy thì ra ba tay khôi hài cũng đều là người Bắc Kỳ hết.

Có người nói rằng Tú Suất chính người làng Phương Trung, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, thuộc tỉnh Hà Đông bây giờ.  huyện này thuở trước thuộc tỉnh Hà Nội, cũng có khi thuộc tỉnh Sơn Tây.

C. D.

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 2 (24. 9. 1933), tr. 21-22.

Chú thích

(a) chỉ xích: thường được giải nghĩa là "gang tấc" tức "rất gần gũi"; tuy vậy nghĩa này không hợp với ý của câu viết ; phải chăng ở đây có lỗi in sai, và dạng đúng là "chỉ trích"  指 摘 = xoi móc những chỗ khuyết điểm của người = critique (theo Đào Duy Anh, sđd.) ?