VẼ HÌNH

Tôi nói vẽ hình thiệt, dùng bút mực vẽ hình đen trên giấy trắng, chớ không phải vẽ theo kiểu hề hát bội vẽ rồng, chấm vảy bằng chưn đâu.

Đời bây giờ người ta dùng đủ cách để gợi ý tưởng cho người đời, như văn chương, như âm nhạc, như ca xướng v.v…, song theo tôi thời cái cách vẽ hình để gợi ý cho người xem là một cách vừa giản đơn mà cũng vừa bao quát hơn hết.

Trong quyển nhựt ký về cuộc bỏ á phiện của nhà văn sĩ Pháp Jean Cocteau, (a) ông có nói, lắm lúc bịnh hành ông, ông muốn tả cho ra những nỗi khổ của bịnh chứng mà không sao tả xiết. Ông bèn vẽ hình một người gầy còm, đầu bự, tóc thì hóa ra một núi trùng lút nhút đang nhóc mỏ lên trời, mình nổi cục nổi hòn có vô số rắn loi nhoi xắng xít, cánh tay mặt đưa lên đem rụng mất, đùi chơn trái ai đoạn đã cụt rồi, còn lợi có một tay với một chơn, mà co rút sợ mặt mày coi trợn giộc!

Đó, cô bác anh chị thử tưởng tượng xem cái cảnh khổ của người chừa á phiện có phải hệt như vậy chăng?

Bạn đồng nghiệp rất có giá trị của Trung lập là tờ tuần báo Phong hóa (b) ở Hà Nội đã hiểu rõ cái lẽ ấy, nên chi những bức hình của Phong hóa vẽ ra để chế diễu những thói tệ giữa xã hội kim thời, thật là cay xé! Ôi! Cay xé mà ngon cũng như món ca-ri Chà, ăn hít hà mà khen vậy.

Hôm nay Thông Reo muốn chỉ sơ mấy bức hình vẽ về tứ đổ tường thôi.

Tiếng ta nói "Nhứt chơi tiên, nhì giỡn tiền", vậy để xin thuật chuyện bức hình vẽ của Phong hóa về cuộc chơi tiên trước nhứt.

Một gian phòng nhỏ trong nhà hát ả đầu. Trên một cái sập gụ (bộ ván gỗ) có đờn có địch có tiệc có tùng, một ông lão đã ra áo ra khăn đang lả lơi cùng chị em son phấn. Thình lình một mẹ đĩ Hà Đông sư tử chợt xông vào giữa tiệc, đưa ngón trỏ vào mũi ông chủ tịch mà vừa nhảy vừa la:

− Bản mặt kìa! Vậy mà nói đi hội Cứu tế, cứu ai! tế ai?

− Ơ… cứu tế chị em thất nghiệp mà!

Bức hình vẽ giỡn tiền: Một gian phòng sắp đặt trang hoàng, trên cái sập gụ gầy một sòng sóc đĩa (một điệu cờ bạc ở Bắc) dưới bức hình vẽ chỉ đề một hàng chữ “Làm việc nhà, từ 8 giờ đến 11 giờ”. Làm việc nhà mà có giờ có khắc, chăm chỉ siêng năng thì còn chi hơn nữa!

Một bức hình khác vẽ có hai ông khách, một ông dốc bầu rượu đương ực, còn ông nữa thì nằm tréo mảy quế đang xơi điếu thuốc phiện. Dưới bức hình nầy chỉ đề, bên ông nhậu: “Lưu thủy”, bên ông hút: “Hành vân”, mà đã gợi được cho người xem biết bao nhiêu ý nghĩa!

Thông Reo tôi cũng muốn vẽ bức hình: Một ông già đạo mạo đứng giữa một bầy tám con gà; một tay ông nắm gạo vãi cho ăn, còn tay nọ thì ông cầm dao ngó quanh quẩn điểm từ con mà đếm. Dưới bức hình viết: "Nhứt, nhì, tam, tứ, ngũ, bát, mỗi nhựt thí nhứt kê".

Tám con gà, cứ mỗi ngày làm thịt một con, anh chị liệu ổng ăn được bao lâu thì liệu lấy.

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6930 (5 và 6. 2. 1933)

Chú thích

(a) Jean Cocteau (1889-1963) nhà văn Pháp.

(b) Phong hóa (Hà Nội, 1932-1936) tuần báo của nhóm Tự Lực văn đoàn.