PHỤ LỤC 1

CÁC BÀI TỒN NGHI

-------------------------------

CÁI YÔ-YÔ

Cái Ro Ro, − là cái ống vố kia, − là một cái đồ chơi lợi hại thế nào, dân mình đã biết dư, không cần phải nói tới.

Cái yô-yô, ở Âu châu mới tràn qua xứ Việt, là một cái đồ chơi rất lợi hại thế nào dân mình chắc chưa có mấy ai nghĩ đến.

Trừ cái Ro Ro kia là một cái đồ chơi riêng của người lớn, bao nhiêu những đồ chơi phô bày ở các gian hàng, từ xưa đến nay, đều là để cho con nít chơi. Duy có cái Yô Yô, ngày nay, lại là một cái đồ chơi chung của con nít và người lớn, chung cho cả các giai cấp trong xã hội.

Quan thượng thơ, chiều lại, nghỉ lo việc nước, nằm trên ghế dài, tay đánh yô-yô… Các ông nghị viên, nghỉ hội mười lăm phút, ra phòng nghỉ, uống nước chanh, rút yô-yô đưa nhau đánh thử. Thầy thông thầy ký đánh yô-yô. Cô giáo cô mụ đánh yô-yô. Học trò, nam nữ, cả thảy đều đánh yô-yô. Mấy chú lơ, mấy trẻ nhỏ bán chuối nấu, mía ghiêm, người nào cũng đánh yô-yô. Anh công tử kia, ăn mặc thiệt "ngon", lại còn dùng cái yô-yô như một cái đồ chơi thêm duyên cho mình vậy. Các chị lầu xanh nghễu nghện, khi ngồi khi đi, mỗi chị tay cũng đều có đánh yô-yô.

Chắc là cái yô-yô nó hạp với tánh chất gì chung của toàn cả dân tộc ta, và tánh chất chung của phần đông trong nhơn loại.

Bất lựa đối với vấn đề nào, trong xã hội thường chia ra làm hai phái: phái lạc quan, phái bi quan.

Đối với vấn đề "chơi yô-yô", phái lạc quan nói: Phật kia còn lo tìm ra lý thuyết nầy, phương pháp nọ để giải khổ cho loài người. Ai chế ra được vật chơi gì, suy ra được thứ chơi gì, để cho thiên hạ giải khuây, mình cũng có thể cho người đó là có ơn với thiên hạ. Như bài cào, tứ sắc, tam yêu túc lượng, rồng nằm, rồng bay kia, vì nó phá hại những người yếu trí phải hư nhà hại cửa, quên giữ phẩm giá, giữ trinh tiết của mình, lắm khi tới hóa ra điên cuồng. Vì vậy mà có chỗ cho thiên hạ đánh đổ món chơi ấy. Chớ như người ta chỉ mượn nó để giải khuây không mà thôi thì có ai mà không làm quen với "tây đầm ách", "tướng sĩ tượng". Hễ là một món chơi làm khuây lãng cho thiên hạ được, thì là có ích cho thiên hạ. Huống gì cái yô-yô là một cái vật chơi rất thiệt thà, rất vô hại. Có lẽ vì đó mà cả thảy đều thích nó chăng?

Phái bi quan lại nói: Con người, ai cũng muốn sống lâu. Sống lâu đặng làm chi mà mỗi khi rảnh nửa giờ một giờ thì coi bộ như  bối rối, không biết dùng nó để làm gì? Ai cũng nhìn nhận "thì giờ là quý báu" mà sao hễ có dư một vài phút thì thấy lật đật quăng bỏ nó đi, như nó làm khổ cho mình lắm vậy. Con người mắc trong cái lo xác thịt, ít ai dư thì giờ để trao đổi trí não, học hỏi suy nghĩ thêm. Muốn sống cho cao hơn thú vật, hơn cỏ cây, con người cần có dư thì giờ để học hiểu thêm và luyện tập tinh thần. Cả vấn đề xã hội ngày nay có thể tóm tắt trong câu đó. Ngày xưa bên Âu châu, nhà chánh trị thường gồm cả phận sự mình trong câu: "Cho dân ăn và cho dân chơi". Nhà chánh trị cần cho dân ham chơi. Song việc xã hội ngày nay, không có dân dự vào thì không thể giải quyết hoàn toàn được. Vả lại mình sống đây như nằm trên gươm đao, trên vực sâu, mà mình bình yên được, cứ lo giải khuây, điều ấy cũng khó coi một chút.

Phái bi quan nói nghe cũng có lý. Song nếu vậy thì vấn đề chơi yô-yô nó lôi đi đến vấn đề giáo dục.

Thông Reo nhớ có thấy trong một tiệm sách ở đường Catinat một quyển sách nhan đề: "Thể thao, cái máy hay lạ thường để làm trống đầu óc thiên hạ". Thể thao hữu ích cho gân cốt mà còn bị tác giả kia phê bình như thế ấy. Thì cái yô-yô, tác giả ấy cũng kêu được là cái bửu bối quăng ra thâu vô mà nạo cả đầu óc con người.

Đời người, mình hay gọi nó là "ba vạn sáu ngàn ngày". Nó là thì giờ đó. Rồi, "sống", lại là lo "giải khuây", người Pháp gọi là "giết ngày giờ". Giết một cách vui vẻ, như lánh khỏi một sự nặng nề.

Nếu chữ "sống", nghĩa nó là vậy. Hai chữ "tự sát" nghĩa nó là sao?

THÔNG REO

Nguồn:

Trung lập, Sài Gòn, s. 6966 (19 và 20. 3. 1933)