ÁI TÌNH ĐÁNH ĐỔ GIAI CẤP

MỘT CÔ THIẾU NỮ QUÝ PHÁI NHẬT

BỎ NHÀ ĐI THEO TRAI

            Nước Nhật Bản gần nay vì đám quân phiệt choán lấy cái địa vị cao trong trường chánh trị, họ muốn thực hành trọn vẹn cái chủ nghĩa tôn quân là cái chủ nghĩa truyền thống của họ, nên họ ra tay dập tắt các mối tư tưởng tự do. Chẳng những họ coi những chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cọng sản là bạn nghịch mà cho đến chủ nghĩa dân chủ, họ cũng cho là đụng chạm đến quốc thể nữa. Họ nói, nước Nhật là nước mà có dòng vua vĩnh viễn từ hồi lập quốc đến giờ thì không khi nào dung được chủ nghĩa dân chủ.

            Bởi vậy vừa rồi ông Mỹ-nông Bang-đạt-kiết, luật khoa bác sĩ, có làm một cuốn sách gọi là “Hiến pháp giảng nghĩa”, chỉ vì trong đó cắt nghĩa Thiên hoàng là một cơ quan của quốc gia mà gây cho ông ta bao nhiêu chuyện. Trước hết bọn quân phiệt đứng ra phản đối ông về sự giải thích ấy. Sau chánh phủ Nhật ra lệnh cấm cuốn sách của ông, lại miễn chức quan ông đương làm; ông nguyên có chân trong nghị viện quý tộc thì chánh phủ cũng ép ông phải từ chức nghị viện ấy. Sau hết, nội các Nhật còn thanh minh một lần nữa, về cái bản nghĩa quốc thể của nước mình: Thiên hoàng là đấng cầm cả cái chủ quyền thống trị chớ không phải một cơ quan của quốc gia, rày về sau hễ ai còn giải thích khác cái nghĩa ấy đi sẽ bị coi là phản quốc.

            Kể một chuyện đó đủ thấy chánh phủ Nhật thật đã dùng hết cách để ngăn trở các mối tư tưởng tự do. Thế thì những người làm thần dân Nhật lẽ đáng theo một con đường tôn quân mà đi, không còn lệch sang đường khác được.

            Lạ làm sao, chánh phủ tuy đã hết sức ngăn ngừa như thế mà cái hạt giống tư tưởng tự do vẫn còn ngầm ngấm nứt ra được trong óc các con em. Hạt giống ấy chẳng những mọc ở trong đầu bọn dân thường mà thôi, lại còn mọc tới trong đầu tử đệ các nhà quý phái nữa.

            Lần nọ có một cậu con cả của một vị tử tước kia đành bỏ tổ quốc mà dắt cả vợ con sang ở bên nước Nga, làm cho dư luận cả nước Nhật nhao nhao lên, cho là một sự đại biến.

            Vừa rồi lại có một cô thiếu nữ, cháu nội một ông bá tước, nhân phải lòng một người học trò khó rồi bỏ nhà mà đi theo người ấy mới càng lạ hơn.

            Nguyên Y-đông bá tước, một bậc danh thần đời Minh Trị duy tân, ông có công lớn trong việc chế định hiến pháp, nên mới được phong tước bá. Ông qua đời rồi nhưng nghiệp nhà vẫn bền vững, con cháu vẫn còn giữ được nền nếp quý phái như lúc ông còn. Duy có cô cháu gái ông là cô Đạt-tử, thật cũng đáng kể là tay nữ cách mạng của nhà ông vậy.

            Đạt-tử năm nay 22 tuổi, tốt nghiệp ở một trường nữ học lớn, gọi là “Nữ tử học tập viện”. Đây là một trường nữ học duy nhất riêng cho hạng quý tộc Nhật Bản, đến hoàng hậu và các công chúa cũng học ở đó mà ra. Đạt-tử có tiếng đẹp quán một thời, lại thạo nghề âm nhạc, ham văn nghệ, nên các cậu con quan đều chết mệt vì nàng. Nhưng thực ra thì trong con mắt của nàng chẳng để một ai vào cả.

            Thình lình mùa hè năm nay bỗng đồn lên rằng cô Đạt-tử mất tích. Người anh ruột của cô là Trị-chánh bá tước bèn báo cáo cho sở mật thám hay. Họ sai đi tìm khắp nơi trong ba bốn tháng trời mà chẳng thấy cô đâu cả. Vừa rồi Trị-chánh liệu bề tìm em không được mà nghĩ việc em làm là có hại đến thể diện nhà quý phái, bèn đem trình với Cung-nội-tỉnh, xin tước tịch Đạt-tử đi. Nhân đó mà người ngoài mới vỡ chuyện. Không đầy ba ngày thì các báo Nhật đều đăng rõ tông tích của cô con gái vong mạng ấy.

            Thì ra Đạt-tử trước có phải lòng một nhà văn sĩ nghèo tên là Tự-hạ Thần-phu, anh chị đã ở chung với nhau và Đạt-tử đã có mang với chàng bảy tháng. Tự-hạ năm nay 33 tuổi, nguyên tên là Tông-hiếu, còn Thần-phu là tên ký trên các báo chí của va vì va là tay viết có tiếng. Nguyên Thần-phu có học với một ông thầy mà ông thầy ấy lại là người đồng làng với nhà bá tước. Bởi vậy lúc ông thân cô Đạt-tử qua đời, Thần-phu có đến nhà giúp đám tang, rồi hai người thấy nhau mà sinh ra yêu nhau, vì cả hai đều có chung một sự ưa thích về âm nhạc và về văn nghệ.

            Bao nhiêu lần Đạt-tử đem việc riêng của mình nói với anh mà anh quyết không đồng ý, cũng vì cái điều kiện môn đương hộ đối. Sau Đạt-tử không thèm kể gia đình nữa, nhất là không thèm kể cái quyền lợi của quý phái là gì nữa, bèn bỏ nhà đi theo người yêu.

            Đạt-tử nói ngay với một phóng viên nhà báo nọ rằng: “Tôi ghét cái sinh hoạt của quý phái nó có nhiều sự giả dối lắm, thà tôi theo ở với một một anh văn sĩ nghèo trọn đời mà hơn!” Coi đó thì biết cô thiếu nữ cành vàng lá ngọc ấy nhiễm phải cái tư tưởng tự do là dường nào!

            Cung-nội-tỉnh của Nhật Bản cũng giống như Tôn-nhân-phủ của ta, nhưng chẳng những coi nội nhà vua, mà còn coi nhà các quan nữa. Thấy nói gặp việc này, Cung-nội-tỉnh mới bắt đầu tra soát lại cách sinh hoạt của hết thảy các nhà quý phái thì thấy ra có nhiều người tháo cũi sổ lồng như cô Đạt-tử lắm. Có lẽ là con người ta ở trong cảnh phú quý vinh hoa mà phải làm nhiều sự giả dối mãi rồi cũng lấy làm chán. 

QUÝ PHÁI KHÔNG BẰNG GÁI TÂY PHƯƠNG

            Trong phụ trương kỳ trước có bài nói chuyện cô Đạt-tử nước Nhật bằng lòng bỏ một gia đình sang trọng mà đi theo một văn sĩ nghèo. Nay xem báo, thấy có một người đàn ông Nhật nữa cũng giống như cô Đạt-tử; vậy thuật lại đây để bạn đọc biết có nhiều người Nhật xem phú quý chẳng bằng tình.

            Bản-trang tử tước năm nay mới 26 tuổi, là con thứ 5 của một nhà quý phái có chân trong Quý tộc viện. Bản-trang từ nhỏ đã đi ra ngoại quốc. Năm Đại chánh thứ 14 sang Mỹ châu học cỡi máy bay; rồi sau qua các nước Pháp, Đức, Anh khảo sát về việc hàng không ở các nước ấy. Khi ở nước Pháp, Bản-trang có lãnh được giấy phép lái máy bay. Người Nhật Bản lãnh được giấy này ở ngoại quốc, Bản-trang là thứ nhất. Năm Chiêu-hòa thứ hai, Bản-trang trở về tổ quốc. Sau lại sang Pháp, Bản-trang phải lòng với một cô thiếu nữ ở đó tên là Misbeau. Tháng bảy năm nay, ông ta cùng người yêu về Nhật Bản, toan làm lễ kết hôn ở đó. Ngặt vì theo lệ Cung-nội-tỉnh (đại khái giống Tôn nhân phủ của ta, nhưng coi nhà vua, lại coi cả nhà các quan nữa), con cái nhà quý phái không thể kết hôn với người ngoại quốc. Bản-trang khi biết được sự trở ngại ấy, bèn quyết lòng đoạn tuyệt.

            Ngày 13 tháng 10 mới đây, Bản-trang ở Hoành-tân xuống tàu sang Pháp lại, tự nhiên là cắp tay nàng Misbeau cùng đi. Ông ta định sang Paris làm lễ kết hôn rồi ở luôn bên đó không về nữa. Bà mẹ đẻ ra Bản-trang, năm nay 65 tuổi, thân hành đưa con trai tới Hoành-tân. Lúc chia tay, bà khóc rưng rức. Bản-trang bèn nói để bà khuây bớt rằng trong năm mười năm nữa mình sẽ trở về. Nhưng theo người ta đoán thì Bản-trang có ý quyết tuyệt lắm, không chắc về đâu.

            Lúc đi xong, quan Tổng tài Cung-nội-tỉnh mới nói với người ta rằng, việc kết hôn với con gái ngoại quốc không phải là dứt khoát không có thể được, tiếc sao Bản-trang không ngỏ cho hay.

            Đại khái cái sự phú quý tôn vinh của quý tộc Nhật Bản đến ngày nay đã không còn ràng buộc được bọn thanh niên nam nữ, cho nên mới có những chuyện như thế.     

              V.T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 74 (12 Novembre 1935), tr. 4;

s. 78 (26 Novembre 1935), tr. 5.