THEO LUẬT TIẾN HÓA HAY NGHĨA NHÂN ĐẠO

NGƯỜI AN-NAM ĐỀU KHÔNG ĐÁNG

Ở DƯỚI QUYỀN CAI TRỊ CỦA NGƯỜI LÀO

            Tràng an số 75 ra ngày 15 Novembre, ở chỗ này [a] chúng tôi đã có bài nói về sự bắt người An Nam chịu dưới quyền cai trị của người Lào hình như là việc trái với nghĩa hai chữ “bảo hộ”.

            Chúng tôi đã viện ra mấy lẽ.

            Trong khi người An Nam chúng tôi qua ở đất Thượng Hải là đất Tàu, chúng tôi đã nhờ pháp luật nước Pháp che chở cho, thì sao khi chúng tôi sang ở đất Lào, lại phải vâng phục dưới quyền cai trị người Lào?

            Thế thành ra nước Pháp chỉ bảo hộ người An Nam trong khi sang ở đất Tàu, còn khi họ sang ở đất Lào thì chánh phủ lại phó mặc người An Nam dưới tay người Lào mà không bảo hộ?

            Còn như người Nam Kỳ ra ở Kinh đô Huế, gặp việc thưa kiện vẫn do tòa án Tây, cho đến nỗi lính cảnh sát ở đây cũng không được phép vào nhà những người ấy nữa, nghĩa là người Nam Kỳ dù ở Huế cũng không chịu trị dưới quyền vua An Nam. Thế mà người An Nam ở đất Lào, bị quan “Châu mường” của Lào cai trị, tức là chịu dưới quyền vua Lào cai trị.

            Trong hai “ca” ấy cũng thấy ra như chánh phủ Pháp chỉ bảo hộ người Nam Kỳ trong khi ra ở đất Huế mà không bảo hộ người An Nam trong khi lên ở đất Lào.

            Lại thấy ra như chánh phủ Pháp có ý mặc nhận cho vua Lào đủ tư cách cai trị và cai trị được cả đến người khác giống là người An Nam; còn trái lại, coi vua An Nam là không đủ tư cách cai trị, dù đến dân cùng nòi cùng giống lại dân cũ của mình là người Nam Kỳ mà cũng không cai trị nổi.

Chúng tôi vẫn biết chánh phủ Pháp không khi nào có ý thiên lệch như thế; nhưng xem ở việc làm thì thấy ra như thế và ai cũng phải nhận cho là như thế.

Một sự đáng tủi và đáng tức!

Hồi trước, hồi nước Pháp chưa đến bảo hộ chúng tôi thì, đối với nước Lào, tuy chúng tôi chưa từng cai trị họ cách trực tiếp, nhưng mấy trăm năm họ vẫn triều cống và làm như thuộc quốc của nước chúng tôi. Đến bây giờ người Pháp sang bảo hộ chúng tôi mà cũng bảo hộ cả người Lào, người Lào nhờ đó tiến lên đứng ngang hàng với chúng tôi đã quá rồi, còn bắt chúng tôi ở dưới quyền họ thì thật là quá đáng.

Người An-nam sang Lào ở mà bị Lào cai trị, thì người Pháp còn bảo hộ gì người An-nam? Khi chưa bảo hộ, đối với Lào, người An-nam ở bậc đàn anh; khi bảo hộ rồi, người An-nam lại bị Lào cai trị, thế thì người An-nam sao lại phải cần có sự bảo hộ của người Pháp?

Dựa vào những lý lẽ ấy, chúng tôi bảo việc này sai với nghĩa hai chữ “bảo hộ”, tưởng chẳng phải là chúng tôi nói bậy đâu.

 

Chúng tôi đã cố tìm cho ra thử, quan Khâm sứ Lào căn cứ vào đâu mà làm ra cái nghị định ấy, nhưng chúng tôi tìm không được.

Việc ấy chẳng những không căn cứ vào một cái lẽ phải nào cả, mà còn đem chiếu với luật tiến hóa hay nghĩa nhân đạo cũng đều thấy nó là không nên.

Loài người ở dưới luật tiến hóa là cái luật tự nhiên, ai khôn thì thống trị kẻ không khôn bằng mình, ai giỏi thì cai trị kẻ không giỏi bằng mình, chớ chẳng có khi nào người giỏi trở đi vâng phục người hèn, kẻ khôn trở đi luồn cúi kẻ dại.

So với người An-nam chúng tôi, người Lào còn kém xa về hết thảy mọi phương diện. Sự đó chính người Pháp cũng phải công nhận. Thế thì làm sao cho chúng tôi bằng lòng ở dưới trị quyền của người Lào?

Tức như một thành Vientiane, An-nam chúng tôi ở chừng ba bốn ngàn người, mọi việc công tác hằng ngày trong thành ấy hầu hết vào tay chúng tôi cả. Giả sử không có người An-nam ở đó, một mình người Pháp với người Lào cũng không thể nào đánh mọi việc cho đi. Một đoàn thể như thế, lẽ nào bắt họ phải cúi đầu dưới một cái trị quyền chưa tiến hóa.

Người ta làm được việc này thật chẳng bởi nghĩa lý gì mà chỉ nhờ một cái sức mạnh. Duy có cái sức mạnh của nước Pháp thì mới bắt chúng tôi chịu sự sỉ nhục như thế được mà thôi. Nhưng, các ngài thử nghĩ xem, cái sức mạnh ấy há đáng dùng mà làm một việc hơi tàn nhẫn như thế !  

Ngó có kẻ căm vì việc này mà không nói ra, chỉ che miệng cười ngầm khi đứng dưới lá cờ ba sắc, điều đó chúng tôi tưởng chẳng có tổn hại gì đến các ngài nhưng mà tất có tổn hại đến danh dự nước Pháp.  

Khi đã ngược đường với luật tiến hóa thì cũng sấp lưng lại với nghĩa nhân đạo nữa.

Lúc trước, người Pháp cho đến người thuộc địa hay bị bảo hộ của Pháp khi ở đất Tàu không chịu trị dưới pháp luật Tàu. Dù là kẻ phạm tội nữa cũng không để phải đến lao ngục Tàu mà đền tội. Vì cho rằng pháp luật và lao ngục của Tàu đều còn đeo cái tánh chất dã man. Người dân của nước văn minh không đáng chịu cách đối đãi dã man, ấy là theo nghĩa nhân đạo.

Cái nghĩa nhân đạo ấy đến khi bắt người An-nam chịu dưới quyền cai trị người Lào, là không có nữa! Chúng tôi không tin được rằng người Lào ngày nay đã văn minh hơn người Trung Hoa lúc trước!

Theo một cái tin bên Lào đăng ở báo này số trước thì cái nghị định đó đã thực hành ở các tỉnh Lào rồi. Tuy vậy, cái nghị định có ban ra được thì có thu lại được, nên chúng tôi cứ nói để mong chánh phủ sửa đổi cho. [b]     

P. K.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 77 (22 Novembre 1935), tr. 1

Chú thích

[a]  “ở chỗ này”: ý nói vị trí trang đầu, ngay dưới tên báo.

[b]  Bài báo này, tương tự bài xã thuyết của Phan Khôi ở  Tràng An số 75, đã vô tình tự bộc lộ một thái độ ít nhiều sô-vanh đối với những dân tộc ít người hơn so với dân Việt trên bán đảo Đông Dương, như N.B.S. đã nhận xét ở chú thích dưới bài ấy.