TRỞ LẠI CÁI NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÁNH PHỦ LÀO

BẮT DÂN AN NAM CHỊU DƯỚI QUYỀN CAI TRỊ NGƯỜI LÀO LẠI LÀ ĐIỀU NHỤC CHO NAM TRIỀU VÀ THIỆT CHO KHO BẢO HỘ

Bạn đọc hãy lật sang trang nhì đây mà đọc cái tin bên Lào, vừa gởi sang: Ngày 16 Novembre vừa rồi ở Savannakhet người ta đã cử xong viên tổng trưởng, tức là đã thực hành cái nghị định 31 Mai, bắt người An-nam ngụ đất Lào phải thần phục dưới quyền cai trị người Lào.

Một sự đau đớn mà người An-nam chúng ta không thể quên đi được: Khi ông Nguyễn Văn Đản đắc cử tổng trưởng tại trước mặt quan Công sứ Savannakhet, ngài đòi quan “Châu mường” vào, làm như giới thiệu lẫn hai bên cho nhau và chỉ vào bọn ông Đản mà nói rằng: “Tất cả các người này từ rày phải tùy tùng quan Châu mường và theo ngạch quan lại Lào”!

Tùy tùng quan Châu mường và theo ngạch quan lại Lào! Chúng tôi có ngờ đâu người An Nam ngày nay lại được cái “vinh hạnh” ấy!

Chữ “ngày nay” đó, chúng tôi chỉ vào cái ngày nước Pháp bảo hộ chúng tôi. Có nước Pháp bảo hộ chúng tôi, sao khi chúng tôi sang Lào ở còn phải chịu dưới quyền cai trị của người Lào?

Tùy tùng quan Châu mường và theo ngạch quan lại Lào! Ở trước mặt ông quan đại biểu cho nước Pháp mà người An Nam sao còn bị nhục nhã như thế?

 

Về việc này, báo Tràng an chúng tôi trước đã có hai bài ở hai số 75 ra ngày 15 Novembre và 77 ra ngày 22 Novembre. Hai bài ấy chúng tôi chỉ mới nói đến sự thiệt hại về phương diện nhân dân trong việc ấy mà thôi, chưa nói đến sự thiệt hại về phương diện chánh phủ, tức là Nam triều và Chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ.

Hai bài ấy ra rồi, chúng tôi có tiếp được rất nhiều thơ của đồng bào chúng tôi ở bên Lào gởi về cảm ơn và giục giã chúng tôi. Ai nấy đều tỏ ý phàn nàn cái nghị định ấy và trông mong rằng ước gì quan Toàn quyền đủ nghe chúng tôi mà thủ tiêu đi để cả một dân tộc Việt Nam khỏi phải một sự đau  lòng!

Đáp lại những bức thơ ấy và cũng muốn tỏ nỗi bất bình về cái tin bên Lào đăng hôm nay, chúng tôi mới viết thêm bài này để nói cho hết những lẽ mà chúng tôi còn chưa nói.

Vả chăng theo cái nghị định của chánh phủ Lào, bắt kiều dân An-nam ở bên ấy phải thần phục dưới quyền vua Lào, sự ấy nào có phải làm thiệt hại cho dân An-nam mà thôi đâu, cũng chạm đến thể diện của Nam triều và giảm mất số thâu của kho bảo hộ Trung Kỳ nữa.

Ở trong cõi Đông Pháp liên hợp này năm xứ tuy đồng chịu dưới một quyền thống trị của phủ Toàn quyền, nhưng trừ ba xứ Trung, Nam, Bắc nguyên cùng một nước ra, ba xứ này đối với hai xứ kia, Cao Miên và Ai Lao, có những sự lợi hại quan hệ khác nhau cũng như giữa quốc tế thế gian, một nước này đối với một nước nọ, không thể không giữ quyền hạn được vậy. Thế thì trong khi chánh phủ Lào làm thiệt hại nhân dân ba kỳ kiều ngụ tại đất họ, há chẳng phải là điều nhục cho chánh phủ của ba kỳ hay sao?

Nhưng nói chánh phủ của ba kỳ thi về phần Bảo hộ chỉ là có một, ở đâu cũng như ở đó, nên chúng tôi không nói đến Nam và Bắc.

Nói riêng về Trung Kỳ, là xứ mà đất và dân còn thuộc về Hoàng đế An-nam, khi dân ngài bị một lân bang áp bách há chẳng phải là một điều tổn hại đến uy vọng của ngài?

Chúng tôi chẳng biết trong khi chánh phủ Lào ra cái nghị định đó có lấy được đồng ý của Hoàng đế chúng tôi không, nghĩa là có tư sang Nam triều xin để họ cai trị Việt kiều ở đất họ và đã được Nam triều chuẩn y không. Nếu có như thế thì Nam triều đã đành bỏ dân của mình, chúng tôi không nói nữa. Nhược bằng không có như thế thì chánh phủ Lào đã làm một việc trái phép quốc tế sao Nam triều lại mần ngơ đi mà không can thiệp?

Chúng tôi là thần dân của nhà vua mà khi chúng tôi đi sang nước khác làm ăn, bị người ta đè nén mà nhà vua không cứu vớt chúng tôi thì cái khổ ấy chúng tôi chịu đã đành, nhưng cái nhục thì hẳn là chẳng nhục riêng gì chúng tôi vậy!

Thế thì chẳng những chúng tôi là nhân dân mới kêu ca trong việc này, các quan đại thần Nam triều cũng nên thương thuyết với quan Toàn quyền mà bãi cái nghị định ấy đi nữa.

Về thể diện thì chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ cũng như chánh phủ Bảo hộ Nam Bắc Kỳ, không có tổn thất gì trong việc này hết, nhưng về tài chánh thì sao lại không tổn thất?

Theo như cái nghị định đó thì từ nay bao nhiêu người An Nam ở Lào phải nạp thuế cho chánh phủ Lào cả. Không có lẽ bị rút đi hằng mấy ngàn dân mà nóc thâu trong sổ dự toán Trung Kỳ lại còn giữ được nguyên?

Mất dân đi, tức là mất thuế. Chẳng có chánh phủ nào chịu như vậy hết, thì có lẽ nào chánh phủ Bảo hộ Trung Kỳ lại chịu để yên?

Vậy nếu những lời chúng tôi nói ở đây là có lý thì xin quan Khâm sứ Trung Kỳ cùng các quan đại thần Nam triều hãy hợp một chiến tuyến với chúng tôi.

P. K.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 83 (13 Décembre 1935), tr. 1.