BÁO HẠI CHỈ TẠI

ÔNG NGHỊ VIÊN THƯỜNG TRỰC NÀY THÔI

         Bản báo số 3 ra ngày 8 Mars có bài xã thuyết nói về việc Viện Dân biểu Trung Kỳ cử người đi dự hội đồng bàn về thuốc lá. [a]      

            Trong bài ấy chúng tôi chỉ cứ theo lời một ông nghị viên thường trực trong viện mà nghị luận, chứ không khi nào một tờ báo như tờ báo Tràng An lại đi đặt điều ra mà nói hay là vặn bẻ câu chuyện thế này thành thế khác.

            Trong ban thường trực có ba ông. Ba ông ấy đối với dân hay đối với người ngoài, chúng tôi tưởng có hiệu lực về tín nhậm như nhau cả. Thế thì lời nói của một ông trong ba ông ấy, chúng tôi có quyền coi như lời nói của ban thường trực mà đem ra bàn.

            Nay nếu lời bàn ấy có sai đi, thì cái lỗi ai chịu chứ chúng tôi hẳn là không chịu. Tưởng ai nấy đều phải nghĩ như chúng tôi vậy.

 

***     

            Mới rồi, ông Hà Đằng, viện trưởng Viện Dân biểu có tới thăm bản báo và sau có đưa một cái giấy (không phải thơ) như muốn cải chánh về bài ấy; chúng tôi xin trích những chỗ cốt yếu lên đây.

            1/ Tại sao cử ông Võ Đình Thụy? –  Từ khi thi hành nghị định 14/12/1931 về khoản thuế thuốc lá thì ở dân gian xảy ra nhiều việc rắc rối, nhất là vụ soát nhà bắt thuốc, tây Thương chánh bắn chết tên Trương Quang ở làng Chánh Lộ phủ Tư Nghĩa là hạt ông Võ Đình Thụy làm đại biểu, ông Thụy lấy làm tức giận, trông cho có dịp để tỏ bày sự bất tiện về điều lệ thuế thuốc hiện hành, và tố cáo cho chính phủ biết cũng vì điều lệ ấy mà Trương Quang bị chết oan. Thế thì bây giờ cái dịp tới rồi đây. Ban thường trực bèn cử ông Võ Đình Thụy.

            2/ Vì lẽ gì ông Võ Đình Thụy từ? – Ông Thụy từ không đi, lấy lẽ rằng không được toàn viện cử mà lại ban thường trực cử. Ấy là ông chưa thấy công văn của Tòa Khâm mà ông lẩy ban thường trực đó.

            3/ Vì sao không cử ông Quang Cự? – Ông Quang Cự có viết thư cho viện biết trước rằng ông ấy đã được Phòng Thương mãi và Canh nông Tourane cử đi đại biểu cho phòng ấy cũng về hội nghị nầy rồi. Cho nên viện không cử ông Cự.    

 

***

            Cứ như ba điều đó thì bản báo nên không có bài xã thuyết kia. Nhưng có nó, là tại lời của của ông nghị viên thường trực nọ.

            Trong giấy có trách bản báo sao không hỏi cho tới đầu tới đuôi đã rồi hãy viết. Nhưng chúng tôi làm báo chứ có làm thuộc viên ai đâu mà phải hỏi đi hỏi lại ai? Nếu ông nghị trưởng buộc chúng tôi phải hỏi lại viện, thế chẳng khác nào ông tuyên bố với chúng tôi rằng lời của ông nghị viên thường trực đó không có giá trị chút nào hết. Chúng tôi xin hỏi lại: Thế thì làm sao ông ấy vẫn ở trong ban thường trực, cọng sự với các ông?

            Ông ấy tên gì? – Ấy đừng hỏi, chúng tôi không bao giờ nói.  

 

TRÀNG AN

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 7 (22 Mars 1935), tr. 2.

Chú thích

[a] Lưu ý: Về bài xã thuyết đăng Tràng An số 3, hiện người sưu tầm chưa tìm được tài liệu này (bộ sưu tập Tràng An duy nhất hiện còn được biết, tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, đã bị xé mất toàn bộ 3 số đầu). – N.S.T.