CHÁNH PHỦ BẢO HỘ VỚI ĐIỀU ƯỚC 1884

Chừng mươi năm trở lại đây, ở xứ nầy, thấy người ta hay nói đến điều ước 1884. Chúng tôi nói “người ta”, đó là gồm cả người Pháp và người Nam. Thật thế, chừng mươi năm nay, đôi khi người Pháp hay nhắc đến điều ước 1884 và người Nam cũng vậy.

Điều ước 1884 là điều ước gì? Tức là điều ước năm Giáp thân, sau khi quân Pháp đánh cửa Thuận An mà quân Nam không kháng cự nổi rồi mới ký với nhau bản điều ước ấy.

Thế thì điều ước ấy là điều ước của kẻ chiến bại ký với kẻ chiến thắng, của kẻ mạnh ký với kẻ yếu, lúc thò tay ký với nhau, hai bên cũng đã biết trước rằng nó về sau sẽ vô giá trị.

Vô giá trị là phải. Vì hai bên có sức cân nhau thì khi ký với nhau một bản điều ước mới sợ nhau mà lý hành và không dám xâm phạm. Chớ còn một bên yếu, một bên mạnh, thì khi bên mạnh nếu có xâm phạm điều ước, bên yếu cũng phải làm thinh: khi ấy điều ước sẽ thành ra giấy lộn, là sự tất nhiên.

Quả nhiên sau khi ký điều ước chừng mười năm thì chánh phủ Bảo hộ bắt đầu xâm quyền nội trị mười hai tỉnh của nước Nam, không kể gì điều ước.

Sự xâm quyền ấy, vua quan nước Nam vẫn lấy làm khó chịu, nhưng cái thế mình đã yếu thì cũng phải thuận thọ một bề. Còn dân nước Nam, khi thấy mình chịu cai trị thẳng dưới quyền Bảo hộ lại lấy làm dễ chịu hơn nên không ai hề nói năng chi hết.

Vì đó cái điều ước 1884 đã như bỏ vào hũ mà nhét nút lại trong một khoảng thời gian hầu bốn mươi năm.

Cũng như cô Kiều chịu trót một bề, … liều thân thì cũng phải liều thế thôi, người nước Nam không nên đả động gì đến điều ước ấy mới phải, vì có đả động tới cũng vô ích.

Vậy mà chừng mười năm nay có mấy ông dân biểu đã mấy lần mở nói câu chuyện ấy: xin Chánh phủ Bảo hộ lý hành điều ước 1884, trả quyền nội trị lại cho Nam triều.

Mấy ông ấy muốn khôi hài mà chơi hay sao chớ? Một việc hệ trọng như thế, sao lại mở miệng mà xin được? Một ngày kia, Chánh phủ Bảo hộ nếu có trả quyền nội trị lại là trả cho người nào làm cách nào kia, chớ chẳng hề trả cho những người xin! Nó đã là giấy lộn thì cho nó là giấy lộn, chúng tôi chẳng muốn nghe người An Nam nào nhắc lại điều ước 1884 làm chi.

 

Nhân nói đến điều ước 1884 mà chúng tôi nói kèm người An-nam vào một đoạn trên đó mà chơi; chớ bài này chúng tôi cốt nói về sự Chánh phủ Bảo hộ đối với cái điều ước ấy.

Chánh phủ Bảo hộ lâu nay mới xâm phạm một vài khoản hay là ba bốn khoản trong điều ước ấy chăng? Đừng nói một vài hay ba bốn khoản: dù cho chánh phủ Bảo hộ xâm phạm hết cả đi cũng được, hay xé bỏ đi cũng được, dân An-nam chúng tôi chẳng nói làm sao hết.

Chúng tôi chỉ duy không bằng lòng một điều là các ngài cầm quyền khi cố làm một việc chi thì không kể điều ước 1884, còn khi không muốn làm một việc chi lại sốt sắng mà nhắc tới điều ước 1884. Thế ra các ngài đối với xứ này không có thành tâm. Thế ra các ngài đối với điều ước 1884 chỉ coi là một vật lợi dụng để được việc cho mình.

Dân An-nam chúng tôi không bằng lòng các ngài làm như thế. Điều ước 1884 đáng vứt đi thì các ngài cứ việc vứt đi cho rảnh, đừng nhắc lại nữa làm chi.

 

Mới rồi ở Hà Nội có xảy ra một chuyện đáng buồn cười. Nghe chuyện này, phàm là người An-nam có trí khôn, ai cũng phải tức giận cho cái điều ước 1884, ai cũng phải coi nó như là con ma có sức giam hãm chúng ta vào vòng dã man ngu muội!

Số là trước đây ông Đốc lý Hà Nội Virgitti có họp một ban ủy viên người Nam xét về việc thờ phượng thần phật và lên đồng lên bóng trong thành phố. Được đồng ý của ban ủy viên ấy, ông Đốc lý đã lệnh cấm trong thành phố không được lên đồng, cho bùa, cho thẻ, v.v…

Những người tri thức thấy cái lệnh ấy ai cũng mừng cho dân Hà Nội thoát được vòng mê tín. Nhưng bọn đồng cốt vì mất nghề sinh nhai thì làm giấy kêu cùng ông Đốc lý. Dù vậy, ông một mực cương quyết không cho.

Bọn đồng cốt bèn rủ nhau làm đơn kêu đến quan Toàn quyền. Trong đơn nhắc đến một khoản điều ước 1884 rằng Chánh phủ Pháp ở đây sẽ không hề động chạm tới sự tín ngưỡng của dân bản xứ.

Sự viện lẽ ấy làm xiêu [a] được lòng quan Toàn quyền. Ngài bèn sức cho ông Đốc lý Hà Nội thu hồi cái lệnh cấm đồng bóng mà để cho họ được tự do làm cái nghề nghiệp dị đoan của họ như xưa.

Thấy thế, người An-nam đều nói rằng quan Toàn quyền sẵn có ý không muốn cấm đồng bóng nên lấy cớ lý hành theo điều ước; chớ nếu ngài sẵn lòng cấm thì dù xâm phạm điều ước là cũng chẳng hại chi. Hơn 30 năm nay, các việc nội chánh như thu thuế, xử kiện, Chánh phủ Bảo hộ đều can thiệp đến mà nào có hề ngại rằng trái với điều ước đâu? Huống chi tín ngưỡng với mê tín khác nhau. Sự thờ phượng thần phật và lên đồng lên bóng là thuộc về mê tín chớ không phải tín ngưỡng. Quan Toàn quyền lấy cớ tôn trọng điều ước mà dung cho bọn đồng cốt gieo cái mầm mê tín trong lòng người An Nam càng ngày càng sâu, là sự mà bọn thức giả An Nam lấy làm không bằng lòng lắm. Thà ngài cấm đi như ông Đốc lý thì dù có xâm phạm điều ước 1884 dân An-nam cũng không trách móc gì hết; huống nữa là sự này vốn không hề xâm phạm.

Vậy chúng tôi xin quan Toàn quyền nghĩ đến chỗ di hại cho một dân tộc bởi sự mê tín mà y theo lời ông Đốc lý Hà Nội sức cấm đồng bóng đi. Ngài đừng nên sợ rằng làm như thế là xâm phạm tới điều ước.

Đối với điều ước 1884, xin các ngài cầm quyền thống trị xứ này đừng lấy làm quan tâm nữa. Nó đã bị xâm phạm bốn mươi năm nay rồi, không đợi đến bây giờ.

Xin các ngài cứ lấy lòng thành đối với xứ sở chúng tôi. Việc gì lợi cho dân thì dù trái với điều ước các ngài cũng cứ làm. Như thế thì dân chúng tôi mới phục. 

TRÀNG AN

Nguồn:

Tràng an,  Huế, s. 90 (10 Janvier 1936), tr. 1.

Chú thích

[a]  nguyên văn báo in là “xiu”; dạng này không thấy trong các từ điển từ cổ hoặc phương ngữ; nên tôi ngờ là tác giả định viết “xiêu” (= nghiêng chiều, “xiêu lòng” = mê theo, lạt lòng. – theo Huình Tịnh Paulus Của: sđd.; hoặc: “xiêu” = không còn kiên định ý kiến nữa, mà bắt đầu nghe theo do bị thuyết phục; “xiêu lòng” = không còn kiên định ý kiến nữa, bị thuyết phục mà nghe theo, ngả theo ý của người khác. – Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ, 2006); vậy tạm sửa là “xiêu”.