HÃY BƯNG NHỮNG CÁI MỒM THỦ CỰU LẠI

ĐỂ CHO TỈNH LỴ BÌNH ĐỊNH DỜI XUỐNG QUY NHƠN

Theo như tin Tràng an đăng trước đây cách một số, [a] tỉnh lỵ Bình Định, bởi Sứ tòa đồng ý với Tỉnh đường [b] ở đó, đã quyết dời xuống Quy Nhơn rồi, chỉ còn đợi chỉ dụ về nữa là yên chuyện. Thế mà hôm nay chừng như lại có sự ngăn trở lôi thôi. Nếu chúng tôi nghe không lầm thì gốc bởi một vài mối dư luận giữa đám sĩ phu bản tỉnh mà gây nên sự ngăn trở ấy.

Thấy nói họ chia nhau ra mà chủ trương hai cái thuyết.

Một thuyết căn cứ ở thuật phong thủy mà để tâm lo cho vận mạng một tỉnh ở tương lai. Họ bảo rằng Bình Định từ ngày đặt tỉnh lỵ ở đó đến giờ, nhân dân làm ăn sung túc, thân sĩ phát đạt, chỗ cát địa như thế mà lại bỏ đi, dời sang chỗ khác, chưa biết lành dữ ra sao; sự ấy quan hệ với mạng mạch một địa phương, hãy nên cẩn thận.

Một thuyết nữa căn cứ ở lòng hoài cựu mà không muốn bỏ một cái thành có nhiều dấu vết về lịch sử. Những kẻ chủ trương thuyết này không còn nghĩ chi đến cái lợi hại bên ngoài nữa hết, họ cứ một mực nói: ngôi thành Bình Định hùng tráng như thế mà ngày kia phải trở nên hoang phế, là một sự thương tâm.

Hai thuyết tuy khác nhau nhưng ra từ cái óc thủ cựu thì có một. Theo chúng tôi, nếu bởi nó mà việc dời tỉnh phải đình đi, là sự đáng tiếc và đáng giận lắm.

 

Tỉnh lỵ Bình Định cũng như tỉnh lỵ Quảng Nam, một điều cách xa tòa Sứ, thật là bất tiện cho sự làm việc cả quan lẫn dân. Nếu một lần dời mà không tốn kém chi mấy thì chỉ vì một điều đó cũng nên dời từ lâu rồi: đem Tỉnh  nhập với Tòa, không thì đem Tòa nhập với Tỉnh.

Huống chi trong thành Bình Định lâu nay lại còn thêm cái hại “nước độc” sinh ra đau ốm liên miên nữa. Vì tránh bệnh, các quan tỉnh tiếng rằng ở tại tỉnh chớ kỳ thực là hay lên xuống Quy Nhơn luôn. Bởi cớ đó, dân sự đi hầu quan lại càng thêm khó một từng. Như họ nói, nhiều lần tới tỉnh hỏi quan Tổng đốc, người ta bảo ở Quy Nhơn; xuống Quy Nhơn tìm, người ta lại chỉ về trên tỉnh! Đã hại cho đằng quan lại không tiện cho đằng dân, một nơi tỉnh lỵ như thế, để làm chi mà chẳng dời?

Cứ như ý chúng tôi thì ngoài những lẽ ấy, còn có một lẽ mà cũng nên dời  nữa là quang cảnh tỉnh lỵ mỗi ngày một thêm buồn. Chỉ được có Quảng Ngãi, tỉnh và tòa đóng một chỗ, thành ra vẫn được vui, Quảng Nam và Bình Định, sau Kinh thành thất thủ trở đi, một ngày càng buồn dẫn tới một ngày. Ai lại chẳng biết chánh quyền về đâu thì dân sự đổ về đó và đó vui hơn, sau cuộc bảo hộ yên rồi, cái tình thế tất nhiên làm vậy?

Nếu là một người có lòng hoài cựu thật thì khi đi dạo trong thành tỉnh Quảng Nam hay tỉnh Bình Định, sao cho khỏi gợi mối cảm tang thương! Vậy thì, dữ kỳ để chỗ buồn đó cho thấy mà đau lòng, thục nhược đem nó đánh lộn sòng với chỗ vui cho khuây khỏa.

Cho nên chúng tôi nói, những cái tỉnh lỵ như Bình Định, Quảng Nam, dời đi là phải, nhập với Tòa là phải, không luận bởi lẽ gì và lẽ ấy về phương diện nào.

Gần hết thế kỷ hai mươi rồi mà người An Nam còn đem sự mê tín, tức cái thuyết phong thủy, bàn góp vào một việc đáng gọi là việc lớn trong nước, thì cũng dễ ngán thay! Đối với việc này xin bề trên lấy một cái quyết tâm mà làm, đừng thèm nghe họ và cũng đừng thèm đoái đến sự lo ngại của họ làm chi nữa. Những người này đã một lần phàn nàn sự đắp đường xe hỏa làm đứt long mạch rồi, nhưng đến bây giờ họ đã chịu lấy sự đi xe hỏa làm tiện, làm vui!

Bây giờ chỉ còn có đánh đổ cái thuyết hoài cựu đi là được, và nó cũng đáng đánh đổ lắm.

Người mình vẫn có cái thói tiếc đồ cũ, đến cái chai cái bát không dùng được mà còn cất đi, huống là cái thành Bình Định. Thêm bây giờ thấy người Tây hay bảo tồn cổ tích, thành thử càng mạnh thêm cho họ cái sức bảo tồn. Không biết rằng sự bảo tồn cũng tùy từng thời và tùy từng việc. Đối với một dân tộc sắp tiêu diệt thì người ta mới lo bảo tồn, chớ còn ở giữa một dân tộc đương xô xố lên, người ta chỉ lo cải cách.

Người Chàm sắp tiêu rồi, chúng ta cần phải giữ lại những cái tháp để khỏi mất dấu vết của họ ở đất này. Chớ còn ta, hai chục triệu người đương tràn đầy trên cõi đất chữ S, tuy có bị gì đi nữa mà hy vọng còn xa, sự nghiệp còn nhiều, việc gì đã lo bo bo giữ những di tích của ông cha? Ngày nay là ngày chúng ta nên phá những cái xấu của tổ tiên đi mà tạo nên cái tốt, thì chúng ta mới tiến bộ được chớ.

Cái thứ thành trì để giữ nước là đồ quê mùa vụng về của đời xưa, bây giờ không ai thèm dùng nữa. Giá hồi đó đến giờ nước ta không bị bảo hộ mà được độc lập duy tân như Nhật và Tàu thì đừng nói thành các tỉnh, cho đến thành Kinh chắc cũng phá rồi không còn. Theo kiểu đô thị kim thời, có phá thành đi thì mới đẹp được. Thử coi như Sài Gòn và Hà Nội, lúc về quyền nước Pháp rồi thì họ phá thành ngay. Mà cho đến bên Nhật bên Tàu, họ cũng phá thành như vậy.

Vậy thì ta chẳng nên tiếc làm chi nữa. Ví dầu đập cái thành Bình Định đi để lấy gạch làm việc khác ta cũng nên coi là việc đương nhiên. Huống chi là chưa ai nói đến chuyện đó, chỉ mới nói dời xuống Quy Nhơn để cho vui cái tỉnh...

Chúng tôi mong những ông nào có ý phản đối việc dời tỉnh hãy nghĩ lại mà làm thinh đi để cho người ta làm hoàn thành một việc nên làm.

PHAN KHÔI

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 63 (4 Octobre 1935), tr. 1.

Chú thích

[a]  Tràng an số 61 (27 /9/ 1935) đăng tin: Tỉnh lỵ Bình Định sẽ dời xuống Quy Nhơn.

[b]  Sứ tòa (hay tòa Sứ): cơ quan hành chính cấp tỉnh của chính phủ Bảo hộ (chính quyền thực dân của Pháp) do viên Công sứ (Résident) đứng đầu. Tỉnh đường: cơ quan hành chính cấp tỉnh của Việt Nam, do viên Tổng đốc đứng đầu; Tỉnh đường trực thuộc triều đình Huế nhưng chịu sự giám sát của tòa Sứ.