VĂN HÓA BÌNH LUẬN

CÁI ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TRUNG QUÔC

TRUYỀN ĐẾN PHƯƠNG TÂY

dịch của GIANG CANG HỔ

Giang Cang Hổ, một nhà xã hội học có tiếng ở Trung Hoa, từng du lịch nhiều nước và có ở lâu bên nước Mỹ, làm chủ nhiệm bộ Hán văn trong Quốc gia Thơ viện của nước ấy, rất có ý tuyên truyền văn hóa Trung Quốc cho Tây phương. Đây chúng tôi dịch một bài giảng diễn của ông ấy nói về việc đó.

            Có nhiều nhà nho bên Tàu thấy nước mình kém các nước Tây về các phương diện cả đến phương diện học thuật nữa, bèn tìm tòi và chưng ra những cái mình cho là ưu điểm để khoe khoang cho nước mình, tức là cái thuyết “Tây học tự Đông lai” mấy chục năm về trước. Nhưng, sự họ nói đó không thật, vì không đủ chứng cứ, cho nên nó chỉ là điều khoe khoang hão mà thôi.

            Giang Cang Hổ cũng có ý quảng cáo cho nước mình nhưng những điều ông ta nói đều căn cứ ở sự thực, lấy sử liệu và việc trước mắt làm bằng, vậy có chỗ đáng tin hơn.

            Chúng tôi dịch bài này có ý cho những người nào chuyên chuộng một văn hóa châu Âu, không coi văn hóa Đông phương vào đâu cả thì xem đây để biết được chút ít giá trị thật của nó cho được nảy ra cái hứng thú nghiên cứu. – LỜI NGƯỜI DỊCH

Trung Quốc vốn là một nước văn minh rất xưa. Chỉ vì nó tiến bộ chậm trễ, quốc thế sa sút nên có ít nhiều người Tây nhận cho là nước mới đến bậc bán khai hóa. Đến nỗi có kẻ cho rằng Trung Quốc là nước có văn hóa hay không có văn hóa, sự đó còn là một vấn đề chưa giải quyết! Rất đỗi đến chính người Tàu cũng có người đứng trước cái văn minh rực rỡ của Âu châu sinh ra lòng khiếp sợ quá thể, rồi chẳng còn bụng dạ nào dám nghĩ đến nước mình.

            Thực ra thì văn hóa của Trung Quốc dù đối với cả thế giới cũng rất có giá trị; vả lại nó cũng từng có ít nhiều cống hiến cho văn hóa phương Tây.

            Văn hóa phương Tây có thể gọi là vật-chất-văn-hóa hay khoa-học-văn-hóa. Thế mà, chúng ta xem, ba sự phát minh lớn về vật chất, về khoa học, há chẳng phải đều bởi công khó nhọc của người Trung Quốc?

            Ba phát minh lớn về khoa học là: kim chỉ nam, nghề in thuốc súng.

            Hồi tôi ở ngoại quốc, đã nhiều lần toan đem cái nguồn gốc chắc chắn của ba sự phát minh lớn ấy và cái lịch sử nó dần dần truyền sang phương Tây thế nào viết thành một cuốn sách khảo cứu cho thật đúng. Sau lại, vì những tài liệu nói về ba sự ấy ở Trung Quốc không được dồi dào cho lắm, không đủ mà viết, nên giữa chừng lại thôi.

Nay tôi chỉ có thể đem cái đại khái của ba sự ấy ra mà nói:

1/ Kim chỉ nam. – Theo sử chép, bắt đầu chế ra kim chỉ nam [a] là vua Hoàng Đế. Nhơn vua đi đánh giặc Xuy Vưu mà tạo ra xe chỉ nam. Mà sở dĩ Hoàng Đế chế ra xe chỉ nam là vì Xuy Vưu có phép màu hay làm ra những cơn sa mù lớn. Sự đó hơi giống như thần thoại, lấy nghiêm cách mà nói, thật có chỗ khó làm cho chúng ta tin. Nhưng sử còn có nơi chép ông Chu Công chế xe chỉ nam để giao thông với nước Việt Thường thì có thể tin được, vì Trung Quốc đến thời đó đã là văn minh lắm, rất có thể phát minh ra kim chỉ nam và ứng dụng nó.

Đến như cái lịch trình kim chỉ nam truyền sang phương Tây thì đại khái là do Trung Quốc truyền sang Cao Ly, do Cao Ly truyền sang Nhật Bản, do Nhật Bản truyền sang Hà Lan, do Hà Lan truyền sang nước Đức. Cái công dụng của kim chỉ nam thật là rất lớn. Chúng ta thử nghĩ mà xem: giá phỏng thế giới không có kim chỉ nam thì môn học thiên văn cũng không tìm ra manh mối được; sự nghiệp chạy tàu biển cũng quyết chẳng thành công; như thế, chẳng những đất Mỹ châu không có thể tìm thấy mà cái thuyết trái đất tròn cũng không khi nào có được chứng cứ chắc chắn vững vàng. Theo đó, chúng ta nhớ đến sự phát minh rất lớn ấy của người Trung Hoa thuở xưa, phải nhìn nhận rằng nó có công trạng lớn lao vô cùng đối với thế giới vậy. 

2/ Nghề in. – Về nghề in sách, hồi trước người châu Âu cho rằng phát minh từ nước Đức. Vì ở hồi thế kỷ XIV, nước Đức đã có in ra Kinh Thánh bằng bản khắc, ấy là một vật ấn loát xuất hiện rất sớm ở phương Tây. Trước đây chừng 50 năm, người Tây đọc nhiều sách xưa của Tàu, mới biết rằng nghề in ở nước Tàu bày ra còn sớm hơn nước Đức.

Sự phát minh nghề in ở Trung Quốc bắt đầu từ đời nào? Theo sử chép, ở hồi Ngũ Đại, Phùng Đạo đã khắc bản Cửu kinh, người ta cho rằng đó là ông tổ bày ra nghề in vậy. Nhưng vào lúc cuối triều Mãn Thanh, ở huyện Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, người ta đào ra nhiều đồ chôn dưới đất thấy có thứ kinh Phật in vào hồi cuối nhà Tùy, niên hiệu là Khai Hoàng năm thứ ba. Hiện nay ở Nam Kinh còn có nhà giữ được những mảnh tờ báo rách nát của Trung Quốc đời xưa tên là “Khai nguyên tạp chí”. Theo hai cái sử liệu ấy thì nó lại còn xưa hơn Phùng Đạo nữa.

Nói về cái phương pháp của bản in, đại khái là từ sự chạm đá đập lấy chữ biến hóa ra mà thành. Ban đầu chạm chữ mặt sau đổi ra chạm chữ trái. Đến chạm chữ trái là cái công dụng bản in đã thấy phương tiện lắm rồi.

Cho đến lối in hoạt bản ngày nay cũng phát minh từ Trung Quốc. Sách Mộng Khê bút đàm chép: Có người tên Thất Tăng ở về đời nhà Tống đã chế ra thứ hoạt bản chữ bằng đất sét. Đến đời Nguyên có ông tri huyện ở huyện Sinh Đức bắt chước lối ấy chạm chữ bằng săng. Rồi sau nữa có người dùng chữ đúc bằng kẽm. Cái lịch trình nghề in truyền qua phương Tây cũng y hệt như cái lịch trình của kim chỉ nam truyền sang.

3/ Thuốc súng. – Thuốc súng là một chủ liệu để chế ra súng và trái phá, thật là một cái lợi khí giết người. Nhưng ban đầu người Tàu bày ra thuốc súng (vốn không kêu bằng thuốc súng, kêu bằng thuốc lửa, hỏa dược), không cốt vì sự giết người. Nguyên vua Vũ Đế nhà Hán ưa chơi một thứ trò gọi là “ngư long mạn diễn”, cái trò giống như ta đốt pháo bông ngày nay. Nó vốn là trò chơi, không bày ra để làm đồ binh khí giết người. 

 

***

 

Nhẫn lên nói về những việc cũ do đó biết văn hóa Trung Quốc truyền sang phương Tây. Đây nhẫn xuống tôi đem những việc tai nghe mắt thấy trong khi ở Âu châu 12 năm, ở nước Mỹ 8 năm, chọn những điều lớn lao mà nói để cho thấy sự phát triển của văn hóa Trung Hoa từ Đông sang Tây là thế nào.

Đây tôi chia ra làm ba hạng: 1/ tông giáo; 2/ văn học; 3/ mỹ thuật.

1/ Tông giáo. – Hết thảy các tông giáo trên thế giới, phần nhiều do người Âu châu phát minh ra. Sự đó ai ai đều biết. Hiện nay văn minh vật chất của phương Tây đã là phát đạt lắm; hễ cái gì lên đến cùng tột thì nó phải trở lại, cho nên gần nay người Tây đối với tông giáo lại đã bắt đầu có ý sốt sắng nghiên cứu rồi. Ví như triết học của Ấn Độ tức là một thứ triết học của phương Đông, người Âu Mỹ họ đương sốt sắng nghiên cứu lắm. Vả lại thứ triết học Ấn Độ mà họ nghiên cứu rất là hoàn toàn, chứ không những một Phật giáo mà thôi. Cho đến các môn ngoại đạo Ấn Độ dù không phải Phật học họ cũng nghiên cứu một loạt.

Có điều hết thảy các sách kinh, luận thuộc về Phật học hầu hết đã dịch ra chữ Tàu bởi người Trung Quốc thì thật là hoàn bị. Rất đỗi có nhiều sách kinh, luận hiện nay ở Ấn Độ đã thất truyền mà ở Trung Quốc đều còn có các bản dịch rất tốt. Bởi vậy người Tây họ nghĩ rằng nếu muốn nghiên cứu Phật học thì phải ra công học kinh Phật bằng chữ Tàu cho lắm mới dễ thành công.

Thứ đến các kinh sách của Nho giáo, Đạo giáo là các tông giáo cố hữu của Trung Quốc, người Âu Mỹ họ cũng hoan nghinh một cách đặc biệt. Theo như chỗ tôi (Giang Cang Hổ tự xưng mình. –  V.T. chú) biết: Đạo đức kinh của Lão Tử, bản dịch bằng chữ các nước đã có một trăm thứ trở lên; chỉ nói nội một thứ tiếng Anh đã có hai chục bản dịch rồi. Họ đối với sách Lão Tử, người hiểu thế này kẻ hiểu thế khác mặc dù, chỉ thấy nhiều bản dịch như vậy cũng đủ biết họ nghiên cứu sách ấy một cách chu đáo lắm. Ngoài ra như các sách Trang tử, Liệt tử, Doãn văn tử, Át quan tử, mỗi thứ đều có mấy bản dịch tiếng Anh rồi. Chẳng những dịch sách thôi đâu, về các môn học phương Đông họ đều có tay học giả chuyên môn. Họ nghiên cứu Phật học hay Đạo học của Trung Quốc đều có chia ra từng học phái. Họ cũng có chia ra Nam tông, Bắc tông, Nội tông, Ngoại tông. Lại cũng có ít nhiều học giả tính đem hai bộ sách Dịch kinh Đạo đức kinh nghiên cứu làm một để lập ra một môn học gọi là “Dịch kinh Đạo”, như thế, họ cho rằng họ đã nhận được cái bí quyết xưa nay chẳng truyền cho ai mà tự lấy làm đắc ý lắm. Do sự sốt sắng nghiên cứu đó đến nỗi lắm lúc sinh ra cho họ những cách cử động như là mê tín vậy.

Các bản dịch kinh sách của Khổng giáo bằng tiếng Anh nên cho bản dịch Tứ thơ Ngũ kinh của ông Legge đứng thứ nhất. Ông này ở ngang đời Đạo Quang Hàm Phong [b] thuở Mãn Thanh, đi truyền giáo lâu năm ở Trung Quốc, vì đó mà ông rất tin đạo Khổng, cho nên đã dùng cả tinh thần vào việc dịch sách Tứ thơ Ngũ kinh. Hồi đó ông Vương Thao, tự Tử Thuyên, vốn là một bậc tiền bối có tư tưởng cách mạng, vì làm việc không thành, cực chẳng đã chạy ra ngoại quốc, trước đến Nam Dương, [c] sau qua các nước Anh, Pháp, bấy giờ chính là lúc ông Legge đương dịch sách nho, ông Vương Thao có giúp cho ông Legge trong việc dịch rất nhiều.

Từ khi có các bản dịch sách Tàu bằng tiếng Tây, rồi người Tây mỗi năm một nhiều những người chăm nghiên cứu học thuật Trung Quốc. Các sách dịch lại càng ngày càng ra nhiều thêm nữa. Cho đến sau trận Âu châu đại chiến, [d] người Âu Mỹ họ nghiên cứu học thuật Trung Quốc lại càng nhiều hơn. Trong các sách nho, họ ưa đọc hơn hết là Kinh ThiKinh Dịch. Kinh Thi  là sách về văn học bậc cao đẳng, Kinh Dịch  là sách về triết học thuần túy. Trong hai sách ấy người nghiên cứu Kinh Dịch lại nhiều hơn. Vì Kinh Dịch chuyên nói về triết lý, trong khi nghiên cứu, có thể đem ý riêng của mình xen vào đó một cách dễ dàng, tùy mình giảng ra thế nào tức là nó có nghĩa lý thế ấy.

Đến vài ba năm gần đây, ở nước Mỹ, người ta lại đã đem sách Truyền tập lục của Vương Dương Minh mà dịch ra rồi. Những người nghiên cứu sách ấy cũng nhiều lắm. Thế rồi trong các lớp học cũng nổi lên những vấn đề “Chu Lục dị đồng” và “Lục Vương thọ thọ” mà biện nạn cùng nhau một cách rất kịch liệt cũng như ở bên Tàu thuở trước có một hồi như thế.

2/ Về văn học. – Văn học của Âu Mỹ, tiểu thuyết chiếm một địa vị trọng yếu. Trước đây mấy năm họ xu hướng về chủ nghĩa “tả thực”, gần đây lại xu hướng về chủ nghĩa “tân tượng trưng”. Chủ nghĩa kêu bằng “tân tượng trưng” tức là thứ tiểu thuyết gần giống như tiểu thuyết thần quái, phưởng phất với truyện Tây du  truyện Phong thần của người Tàu thuở xưa. Cái chỗ hay của thứ tiểu thuyết ấy là có thể mở mang một thứ lý tưởng của người đọc nó. Tức như chuyện Na-cha cưỡi được “phong hỏa luân” ở truyện Phong thần có thể mở mang cho chúng ta cái tư tưởng chế tạo ra máy bay hay xe bay. Sự đó rất là có thú vị.

Tiểu thuyết rồi đến thi. Hiện ở Trung Quốc có nhiều nhà văn học làm thi hay bắt chước theo lối thi Tây; thế mà ở nước Mỹ người ta lại ưa làm theo lối thi cũ của Trung Quốc. Kinh Thi  ba trăm bài đã có nhiều bản dịch bằng các tiếng Tây rồi. Còn thi Hán, Ngụy, như cổ ca, nhạc phủ, người Tây dịch ra chữ Tây cũng chẳng ít. Họ trải qua nhiều lần nghiên cứu, gần nay mới biết chú trọng về Đường thi, và về Thạnh Đường, họ còn chú trọng hơn. Các tên họ của các nhà làm thi đại gia như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, họ nhắc đến luôn luôn ở cửa miệng. Những người Tây dịch thi Trung Quốc, trước kia có ông Đinh Vĩ Lương dịch nhiều lắm. Thứ đến ông Giles người Anh dịch cũng nhiều. Mới đây nước Mỹ có ông Carose đối với thi Trung Quốc có lòng nghiên cứu sốt sắng lắm. Ông ta lấy làm bực mình vì học chữ Tàu còn kém nên tính mượn một người Tàu giúp sức mà mượn không được ai. Những người Tàu ở nước Mỹ duy có học trò và thợ là nhiều hơn hết, thợ thì rất kém về văn học, còn học trò mắc lo công khóa trong trường, không có thời giờ dư; vì vậy ông ấy phải mượn một người Nhật Bản để giúp mình về sự dịch.

Mấy năm gần đây ông Carose đã xuất bản mấy cuốn sách dịch thi Trung Quốc. Mới rồi dịch thi tập bốn nhà đại gia về đời Mãn Thanh: Ngô Mai Thôn, Vương Ngư Dương, Triệu Âu Bắc, Viên Giản Trai, rao bán cách dự ước trước khi ra sách được chạy lắm, không bao lâu mà bộ sách dịch thi tứ gia ấy đã in đến lần thứ ba.

Tôi (Giang Cang Hổ xưng mình – V.T. chú) ở nước Mỹ, trong lúc rảnh việc, cũng định dịch bộ Đương thi tam bách thủ  ra Anh văn, hiện tôi đã dịch được một mớ. Có ông Bynner người Mỹ, bạn tôi, chuyên nghiên cứu về thi học Trung Quốc, cố giúp tôi dịch cho xong bộ sách ấy. Sách đó chúng tôi cũng đã rao bán dự ước rồi, người ta gửi đến mua cũng nhiều.

Lại có một điều nghĩ đến mà có thú lạ! Người nước Mỹ mỗi khi họ làm bài thi tiếng Anh, họ rất ưa dùng điển cố sách Tàu trong bài thi của họ: nào Hán nào Đường, họ nhắc đến luôn luôn. Chẳng khác nào các nhà văn học mới của Trung Hoa mỗi khi làm thi cũng hay dùng những sự tích ở các sách bằng tiếng nước ngoài! 

3/ Về mỹ thuật. – Về mỹ thuật trước hết nói về nghề vẽ. Nghề vẽ của Trung Quốc đời xưa rất trọng về cái thần cho giống, cho nên lấy khí vận sanh động làm hơn. Còn nghề vẽ đời xưa của phương Tây rất trọng về cái hình cho giống, cho nên lấy in hệt làm quý. Ấy là nói về cái tình hình thuở trước thì như vậy. Đến bây giờ đây, tư tưởng của người Âu Mỹ thay đổi rồi, họ cho rằng giống cái hình không lấy gì làm khó lắm, hết sức giống cũng chẳng qua thành ra một bức chụp bóng [e] mà thôi. Cái đó có đủ lạ gì đâu! Nghề vẽ là một mỹ thuật mà làm sao cho trong đó thấy ra cái nhân cách, làm sao cho gợi ra được cái lý tưởng cao thượng của người ta, chớ chẳng nên lấy một sự giống làm xong việc. Cái lý thuyết ấy xướng lên một cái, nghề vẽ của Âu Mỹ liền chịu ảnh hưởng mà cải cách ngay, họ xây qua chuộng những bức vẽ tả ý. Lối vẽ tả ý mới ở Âu Mỹ có hơi giống với lối vẽ của phái tả ý ở Trung Quốc đời xưa: coi gần bức vẽ thấy như chẳng ra cái gì hết, mà coi xa thật là đâu ra đó và rất hữu thần. Đó là cái xu thế mới của nghề vẽ phương Tây, kêu là vị lai chủ nghĩa (futurisme).

Vì cớ ấy nên người Âu Mỹ đối với những bức vẽ xưa của Trung Quốc họ yêu chuộng quá chừng. Tại kinh đô Hoa-sinh-tôn nước Mỹ có một nhà cự phú tên là Jreer rất ưa thích những bức cổ họa của Trung Quốc, ông ta hiện đương cất một sở nhà lớn để chứa những bức cổ họa ấy mà ông ta đã mua được; sở nhà cất tốn đến một trăm vạn Mỹ kim, chừng một vài năm nữa mới xong.

 

 

***

 

Như đã kể, gần đây người Âu Mỹ sùng thượng những tông giáo, văn học, mỹ thuật của Trung Quốc, đều là sự thực. Suy nghĩ cho kỹ mà xem rồi cũng có chỗ đáng tức cười! Vì có hai cái nguyên nhân nên mới có sự ấy.

Một là vì thường tình ai cũng ham mới chuộng lạ. Bất kỳ học vấn hay nghệ thuật, cái mà người Tàu cho là cũ thì ở dưới mắt người Tây lại cho là mới. Bởi đó việc gì họ cũng cố mà nghiên cứu hoặc mô phỏng theo.

Hai là họ bị khích thích sau cuộc Âu châu đại chiến. Nhơn bị khích thích mà sanh ra các thứ lý tưởng mới, trở hoài nghi với cái văn hóa cũ của mình, mà đối với thứ văn hóa trái với mình từ trước lại có cảm tình nồng nàn đến cực điểm. Từ đó đến giờ coi họ có ý sốt sắng về việc hấp thụ văn hóa phương Đông, gần như quên mất sự lựa chọn cái nào dở cái nào hay. Đó tuy là sự hành động nhất thời, nhưng mỗi ngày một ít, lâu rồi cái tinh thần văn hóa phương Đông cũng có thể thu trọn qua phương Tây được vậy. Trái lại, cái tình hình người phương Đông du nhập văn hóa phương Tây cũng giống như thế.

     Tôi (Giang Cang Hổ xưng mình – V.T. chú) ở luôn nước Mỹ một lần tám năm, những việc tôi làm đều có quan hệ với việc phát triển văn hóa Đông phương. Kể ra có ba việc.

Việc thứ nhất, tôi làm thầy dạy chữ Hán ở trường đại học tỉnh California. Khi tôi mới tới trường đó là dạy thế cho ông Phó-lan-Nhã. Sau ông ấy từ chức rồi tôi làm giáo sư chánh thức. Tôi chuyên giảng về triết học và văn học của Trung Quốc thì các học sinh đều dụng công nghiên cứu một cách vui lòng. Đến nay những học sinh đồng tâm đồng chí với tôi, chịu khó nghiên cứu học thuật Trung Quốc mà có chỗ tâm đắc đã có hai trăm người rồi.

Việc thứ hai là mấy năm gần đây tôi chịu làm chức chủ nhiệm về bộ môn Hán văn trong Đồ thơ quán của nhà nước Mỹ lập ra. Những sách cổ bằng chữ Tàu ở trong đồ thơ quán ấy có đến hơn sáu vạn cuốn. Tôi đã theo phép phân loại kinh, sử, tử, tập mà làm nên một cuốn mục lục sách. Những sách ấy có hai cái đặc sắc: một là cóp nhặt những sách địa lý chí của Trung Quốc hầu hết, không thiếu thứ gì; hai là tìm được những sách nói về việc nông của hai đời Minh và Thanh có đến hơn ba trăm bộ: thật là hoàn bị!

Chánh phủ Mỹ và học giả nước ấy gần đây cũng thực tình chú ý đến sự học vấn của Trung Hoa. Nhơn vì bộ Canh nông ở đó có một lần muốn điều tra mấy thứ thực vật, các nhà khoa học nghiên cứu không ra cái tánh chất và cái năng lực của nó, sau nhờ xem sách Bổn thảo, thấy chép rất rõ ràng, theo đó mà thí nghiệm lại kiến hiệu không sai, nên từ đó họ rất trọng sách Bổn thảo. Mỗi năm nhà nước có phái viên nghiên cứu các thứ cây trong sách Bổn thảo và kiếm giống trồng để thí nghiệm. Đó đủ thấy học thuật của Trung Quốc được tin chuộng ở người Mỹ là dường nào.

Việc thứ ba là bốn năm trước đây tôi vì muốn tuyên truyền học thuật Trung Quốc mà có lập ra một cái học hội, đặt tên là “Hoằng đạo hội”. Đó là nơi tôi giảng học. Đại để tôi giảng có hai điều: một là triết học của Trung Quốc, hai là cố sự của Trung Quốc. Hiện nay những người Âu Mỹ vào học hội của tôi có tới hơn ba trăm người rồi. Trong đó cũng có nhiều nhà học giả trứ danh. Mỗi khi giảng học, tôi làm chủ giảng, những người ấy thì chia nhau làm phụ giảng. Lại các nơi mời chúng tôi đi giảng diễn, mỗi tuần lễ cũng có hai ba lần trở lên. Bởi vậy trông đằng trước mặt mà tôi có hy vọng rất lớn lao!

Mấy điều nói trên đây là về việc riêng tôi ở nước Mỹ làm cái phận sự tuyên truyền cho văn hóa tổ quốc. Tóm lại, học thuật vốn là cái vật chung của loài người trên thế giới; chỉ vì sự quan hệ về địa lý mà nó phát sanh và khai triển có khác nhau nên mới chia ra cái khu vực Đông và Tây. Đó là việc đời xưa mà bây giờ chúng ta đã không làm thế nào được! Còn ngày nay, thế giới giao thông, văn hóa của Đông của Tây trộn lẫn, loài người có thể dùng lẫn của nhau; cho nên sự tiến hóa sẽ có một ngày ngàn dặm và loài người sẽ thấy sự kết quả rất viên mãn, nghĩa là cách với ngày đại đồng mà ta mong ước không xa!

V. T. dịch

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 50 (20 Août 1935), tr. 4;

s. 52 (27 Août 1935), tr. 4;

s. 54 (3 Septembre 1935), tr.

Chú thích

[a]  Kim chỉ nam: đây là nói dụng cụ xác định phương hướng, tức là địa bàn, la bàn.

[b]  Đạo Quang: 1821-1850; Hàm Phong: 1851-1860

[c]  Nam Dương: Indonesia.

[d]  Âu châu đại chiến: ý nói chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918)

[e] chụp bóng: ý nói bức ảnh, sản phẩm của nghề nhiếp ảnh – photographie – vốn được phát minh ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XIX.