CÓ CÓ KHÔNG KHÔNG

TIỂU DẪN – Có có không không là tên một chuyên mục mà Bùi Thế Mỹ và Phan Khôi đã từng mở trên nhật báo Trung Lập ở Sài Gòn những năm 1930-32, tuy không thường xuyên và không thật nổi bật so với chuyên mục Những điều nghe thấy ký Thông Reo. Đến khi làm chủ bút Tràng an báo ở Huế, Phan Khôi lại mở chuyên mục mang tên Có có không không này. Đây là chuyên mục hài đàm, mỗi bài là một tiểu phẩm châm biếm, trào phúng; cũng vì vậy ở chuyên mục này tác giả bao giờ cũng ký bút danh. Ban đầu Phan Khôi ký bút danh Tuệ Tinh, sau ký bút danh Sao Đuôi. Đôi khi trong mục này có một số bài ký các bút danh khác, như Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh tức Nguyễn Đức Nguyên), hoặc Hương Giang Thiếu Niên (cây bút này, xem ra giọng văn không phải của Phan Khôi, có thể là của Nguyễn Đức Bính, tác giả các bài phóng sự và bình luận trên Tràng an dưới bút danh Tiêu Diêu Tử). Từ khi Phan Khôi thôi vị trí Chủ bút, mục này cũng không còn trên báo Tràng an nữa.

N. B. S.     

KHÔNG, HỌ THÍCH PHẨM HÀM HƠN TIỀN BẠC

 

Theo như Tràng An số vừa rồi, Bộ Giáo dục sẽ treo một giải thưởng về văn chương. Đây là cái tin chưa phải chánh thức, thiên hạ lấy làm chú ý lắm, nhất là đám người mà công chúng đã tặng cho cái huy hiệu “văn sĩ”.  

Chỉ một điều họ đương ậm ực muốn biết, là cái giải thưởng ấy treo bằng giống gì, bằng tiền bạc hay phẩm hàm.           

Theo nhiều người nghĩ thì gặp hồi kinh tế này, văn sĩ làm ra một cuốn sách mà được thưởng một món tiền 1.000 đồng, cùng không 500 đồng, cùng không 100 đồng, cùng không 50 đồng, mạt hơn nữa 10 đồng, cũng đỡ lắm, cũng còn hơn viết bài cho các nhà báo chết đói mà ăn tiền một dòng chỉ có nửa xu.

            Ấy thế mà chỉ Tuệ Tinh tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng thưởng phẩm hàm thì đã đỡ tốn cho sổ dự toán của Nam triều mà cũng toại cái chí sở cầu của mấy nhà văn sĩ hơn kia đấy.

            Thật nhà nước vài năm nay túng lắm. Nghe nói quan Thượng thơ Bộ Giáo dục muốn khuếch trương công việc của Bộ mình, muốn mở trường sư phạm và biên tập sách giáo khoa, mà vì đồng tiền kiệt lắm nên ngài chưa làm được. Thế thì bây giờ bỏ một ngàn hay năm trăm ra treo giải thưởng, tưởng cũng là một điều làm khó cho sổ dự toán của Triều đình.

            Âu là chi, đem mà thưởng phẩm hàm cho họ quách, tôi tưởng là hơn.

            – Văn sĩ cần dùng tiền bạc cơ! – Hẳn có người nói với tôi như thế.

            Tôi phải lấy chứng cớ hiển nhiên mà bảo cho họ biết:

– Không, văn sĩ thích phẩm hàm hơn tiền bạc.

Chứng cớ đây nầy. Trong báo Phong hóa có anh chàng họ Nhát, lót chữ Dao, tên Cạo; anh chàng ấy mỗi khi ký tên thường cước vai bằng một hàng chữ là “Hàn lâm viện Đãi đậu”. Đó, thấy chưa? Của người ta là “Hàn lâm viện đãi chiếu”, mà cái chức phận anh ấy trong báo chỉ là “đãi đậu”, được một chữ, mất một chữ, thế mà cũng phô trương ra, làm như mình có được viện hàm rồi. Có phải là anh ta mê tít cái viện hàm quá đi mất mà làm ra rứa chứ gì?

Lại một chứng cứ nữa. Đầu năm ngoái, một số báo Tết trong Nam, có bài nói về thuốc phiện, dưới cũng ký tên là “Hàn lâm viện chấm chiếu”. So với “đãi chiếu” thì “chấm chiếu” cũng như “đãi đậu”, chỉ được một chữ thôi, thế mà cũng chưng ra, đủ biết đám văn sĩ họ còn ưa phẩm hàm lắm, chứ chưa chịu chán.

Vậy thì xin quan Thượng Giáo dục cứ thưởng phẩm hàm cho họ đi. Đó cũng là một cách kinh tế (économiser) cho cái tủ bạc Triều đình mà lại làm bằng lòng đám văn sĩ lắm nữa.

Ngài còn không tin tôi? Tôi lại chịu khó cung cấp thêm cho ngài it nhiều tài liệu.

Một văn sĩ đã nói: “Kêu tôi bằng me-sừ Mít me-sừ Xoài gì cũng được, nhưng phải kêu vợ tôi bằng bà Hàn”. Lại một anh, trong người chẳng có danh phận rùa mốc chi hết, cũng mượn cho được một tấm thẻ bài ngà “Hàn lâm viện biên tu” mang vào ngực tòn ten mà đi đám cưới.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 5 (15 Mars 1935), tr. 2.     

 

LẠ CHO ĐÁM DÂN THẦY Ở HUẾ

 

            Dân thầy ở Huế đông không bằng ở Hà Nội, Sài Gòn, chớ cũng không phải ít.

            Các cụ lớn, các quan, không dám nói đến; chỉ kể những người cạo giấy ở các ty các sở của hai chính phủ kể cũng bộn bề rồi. Còn bọn cạo giấy của các nhà buôn, các xưởng máy là khác. Thêm có ba nhà báo nữa; nhưng người ở đây họ không cạo giấy, họ chỉ dùng kéo cắt giấy thôi, cũng được non vài tá.

            Ngày chủ nhật, họ đi đường nào? Ai biết xin bảo cho một chút?

            Họ đi đường nào mà ngày chủ nhật, có một cuộc diễn giảng lớn, họ chẳng thèm đến nghe, đếm đầu thính giả, chỉ có 15 người vỏn vẹn?

            Cuộc diễn giảng ở viện tàng cổ Khải Định ngày chủ nhật 17 Mars vừa rồi, ông Peyssonneaux nói hay lắm. Ông cắt nghĩa hết thảy những đồ trong viện, cái nào có lai lịch của nó làm sao.

            Thế mà không có mấy người đi nghe. Trong mười lăm thính giả ấy chỉ có vài người An-nam, còn bao nhiêu là Tây hết. Té ra là ở Huế có bao nhiêu Tây là họ kéo nhau hết đi nghe diễn giảng hôm ấy.

Còn An-nam, An-nam ở nhà làm gì, đi đâu? Lạ nhất là có ba nhà báo [a] mà hết hai nhà không có mặt người nào trong cuộc diễn giảng hết. Cụ Huỳnh, báo Tiếng dân, người ta nói cụ đi câu ở sông Hương, và từ dưới đò bước lên hồi 6 giờ chiều hôm thứ bảy, rồi sáng chủ nhật này cụ mệt, cụ không tới được. Thương hại quá!      

            Cụ Huỳnh là người ham học, tôi mới nhắc đến mà lấy làm tiếc; chứ còn các cụ lớn, tôi đã nói rồi, tôi có dám nói đến đâu. Các cụ lớn đã lớn rồi, còn học gì nữa? – Nghe diễn giảng cũng như học.

            Đáng tiếc nhất là cụ Huỳnh không đi nghe diễn giảng, rồi đến bọn cạo giấy, bọn cắt giấy như chúng tôi.

            Sáng chủ nhật ở nhà làm gì? Hồi 9 giờ rưỡi thì ngủ dầu trưa cũng đã dậy, ở nhà làm gì, đố ai biết?...

             TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 6 (19 Mars 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Từ “nhà báo” ở đây không trỏ đơn vị người viết báo làm báo, mà trỏ đơn vị tờ báo, tòa soạn mỗi tờ báo (từ “nhà báo” với nét nghĩa này đến nay hầu như đã không còn thông dụng); đương thời vào lúc xuất hiện bài báo này, ở Huế ngoài tờ Tiếng dân (1927-1943, ra 2 kỳ/tuần) của Huỳnh Thúc Kháng, chỉ có 2 tờ của Bùi Huy Tín là nhật báo chữ Việt Tràng An báo (1935-1943, ra 2 kỳ/tuần), và tờ báo chữ Pháp La Gazette de Hue (1935-1936, ra 1 kỳ/tuần); sau thời điểm này một chút mới xuất hiện thêm nhật báo Ánh sáng (26/3/1935 – 26/10/1935) của Nguyễn Quốc Túy. - N.S.T.

    

RAO MUA GIẤY NẶNG

           

Vào khoảng Tự Đức thập niên [a] có câu chuyện hay hay (bạn đọc chớ lầm với des bonnes choses của ông Nguyễn Văn Vĩnh), không thấy truyền nhau ở cửa miệng người An-nam, chỉ thấy chép trong sách Đạo là sách Truyện các Thánh tử vì đạo ở địa phận Tây Đàng Ngoài.

 

Nói hồi bấy giờ cấm đạo ngặt lắm. Có một lần nhân vỡ ra cái án gì ở đâu đó mà những người có đạo ở hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định bị bắt hầu hết. Trong những người bị bắt có thầy già Tịnh là người khảng khái lắm, về sau không chịu “khóa quá thập tự” mà bị hành hình. [b]

 

Thầy già Tịnh có lập trường dạy đạo ở Ninh Bình. Ninh Bình hồi đó cũng thuộc dưới quyền quan tổng đốc Nam Định. Ông Nguyễn Đình Tân thì làm tổng đốc Nam Định.

Một buổi hợp nghị tại dinh quan tổng đốc, đủ mặt ba quan tỉnh, [c] thầy già Tịnh cung khai về lý lịch và việc làm của mình. Thầy khai rằng mình trước là đạo đồ, sau làm thầy giảng, vào đời Thiệu Trị đã một phen vì cớ đạo mang án đi đày, đến năm vua Tự Đức tức vị được ân xá. Về ở nhà ít lâu rồi được phép lập trường dạy đạo, mà phép ấy, quan tổng đốc Nam Định cho.

Ông Nguyễn Đình Tân nghe nói biến ngay sắc mặt. Còn quan Bố là ông gì đó hỏi giục tới:

– Cho phép thế thì có giấy không?

– Bẩm có, giấy đây, trình quan lớn.

Thầy già Tịnh vừa nói vừa đưa cái đơn đã nhàu ra có chữ quan tổng đốc phê và có đóng ấn son đỏ chót.

Ông Nguyễn Đình Tân bấy giờ mới nhớ ra chuyện cũ, rồi ông gằm mặt xuống, để mặc quan Bố nói gì nói, làm gì làm.

 

Số là trước đó hơn mười năm, khi ông Nguyễn Đình Tân còn làm ngự sử tại kinh, mang bệnh đỏ mắt, uống thuốc mãi chẳng lành, nhơn thầy già Tịnh đi đày ngang qua Huế, ở lại chờ lệnh phát vãng, thầy già Tịnh chữa cho ông được khỏi. Sau ông ra tổng đốc Nam, thầy già Tịnh ở chỗ đày về, đến thăm ông, ông phê đơn cho phép lập trường để đền ơn. 

Ông Nguyễn Đình Tân, nói cho tiêu tội, thật không xơ múi gì trong sự phê đơn cho phép ấy. Song quan Bố phát nghi, ngài cầm lấy cái đơn trong tay thầy già Tịnh rồi nhắc lên nhắc xuống mà nói rằng:

 – Mẹ cái quân kẻ Bưởi, (1) nó làm giấy nặng cha chả!...

Cái óc người đời đó còn đơn giản quá, nên các viên tư tào [d] đứng bên nghe vậy mà chẳng hề để ý. Chỉ một mình ông Nguyễn Đình Tân chốc chốc lại thở dài, vì ông tức cho mình bị đồng liêu nghi ngờ mà không thể bộc bạch ra được.

 

Còn bạn đọc bây giờ khôn tinh hết thảy, nghe tôi thuật câu chuyện như thế, chắc đã hiểu quan Bố muốn nói gì rồi.

Có hiểu thì tôi mới nói chuyện.

Tôi có cần dùng thứ giấy nặng ấy.

Hai năm về trước tôi nghe ở Huế có nhiều giấy nặng lắm. Nhưng năm nay tôi đến đây, tìm mãi mà không ra. Người ta nói với tôi đã hết từ hai năm nay rồi.

Nhưng có kẻ lại nói, họ giấu kỹ, khó kiếm đấy thôi, chứ ở Huế bao giờ cũng vẫn có thứ giấy ấy.

Tôi cố tìm nữa. Nay tôi lại rao trên báo, ai biết có thứ giấy nặng ấy, kiếm đem tôi mua cho. Tôi trả giá phải chăng, cứ mỗi một gờ-ram tôi cũng trả cho một đồng bạc, có gờ-ram có tiền. [e]  

   TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 7 (22 Mars 1935), tr. 2.     

Chú thích

(1) Làng Bưởi là làng làm giấy ở gần Hà Nội (nguyên chú)

[a] Tự Đức thập niên = năm Tự Đức thứ mười (khoảng 1857)

[b]  Sự việc này Phan Khôi đã thuật kỹ trên Đông Pháp thời báo; xem: C. D.: Ba cái sử liệu tìm thấy trong sách đạo: 3/ Nguyễn Đình Tân trả ơn cố đạo // Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s. 724 (26. 5. 1928), s. 726 (2. 6. 1928); cũng xem trong sưu tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 / Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Đà Nẵng – Hà Nội: Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm VH&NN Đông Tây, 2003, tr. 70 – 75. “Khóa quá thập tự” (chữ Hán): bước qua thập tự. Trong các chiến dịch cấm đạo, quan quân triều Nguyễn buộc người theo đạo Thiên Chúa, nếu muốn được tha bổng, phải bước qua cây thập tự, –  hành động biểu trưng cho sự từ bỏ đức tin Thiên Chúa của họ.

[c] ba quan tỉnh ở đây gồm quan Tổng đốc, quan Bố (Bố chánh), quan Án (Án sát).

[d] tư tào (bản in gốc không ghi dạng chữ Hán): chưa thật rõ nghĩa; Đào Duy Anh (Hán-Việt từ điển, sđd.) có ghi từ “tào ty”   (= các bộ phận lớn nhỏ trong quan sảnh chia ra để làm việc; “ty” cũng đọc là “tư”).

[e]  Mục “Có có không không” ở Tràng an s. 8 (26.3.1935) là bài “Chết, hết khoét”, ký Hương Giang Thiếu Niên.

LÀM THEO SÁCH

       Bạn đọc hãy giở xem cái tin ngăn ngắn đăng ở Tràng An số 7, trang 2 cột 7.

            Một anh thợ khắc con dấu ở Quảng Bình nhân có khắc con dấu đồng triện lý trưởng cho cả hạt, được tiền công 500 đồng, anh ta không nhận số tiền ấy mà xin với tỉnh tư về bộ, để anh ta bằng lòng cúng số ngũ bách đó cho hội Cứu tế rồi cho anh ta chút đỉnh phẩm hàm.

Từ hôm xin với tỉnh như thế rồi chắc anh thợ tự nghĩ: Chuyến này mình mất năm trăm bạc, mình sẽ được phẩm hàm; mà như không cho phẩm hàm thì năm trăm bạc, người ta sẽ trả lại.

Chẳng những thế, anh thợ còn nghĩ đâu ra đó hơn nữa. Anh ta hiểu năm trăm bạc là vì chút phẩm hàm mà bỏ ra; nếu không cần chút phẩm hàm ấy thì cũng không cúng năm trăm bạc. Theo kiểu nói mới, anh ta có thể nói rằng đó là “sự thỉnh cầu có điều kiện”. [a]

Sai bét! Nếu hôm nay đã đọc Tràng An số 7, anh thợ sẽ thấy sự mình nghĩ đó chẳng khác nào mình thấy chiêm bao!

Hội đồng Cứu tế họp. Sau một lúc thảo luận về việc ấy, quyết định rằng hẵng nhận 500 đồng của anh thợ bằng lòng cúng, còn phẩm hàm, Hội đồng không biết, vì Hội đồng không có quyền biết đến phẩm hàm.

Chỉ thòn lỏn một câu như thế, anh thợ cũng đến nguy. May Hội đồng Cứu tế còn thả thòng câu nữa rằng chí như việc thưởng phẩm hàm nhờ có Hoàng thượng và Tòa Khâm định đoạt.

Thế nhưng cũng còn nguy. Vì Hội đồng Cứu tế không thấy nói đề đạt việc ấy lên bề trên, rồi rủi như bề trên không biết mà định đoạt thì mới làm sao?

Nói vậy chớ Hội đồng Cứu tế quyết định như vậy là phải. Đó là làm theo đúng chủ nghĩa cứu tế.

Có người bảo: Hội đồng Cứu tế khoan nhận 500 đồng đã, mà làm thế này thì phải hơn: Hội đồng nên tâu việc ấy lên Hoàng thượng và tư qua Tòa Khâm, nếu bề trên chịu cho phẩm hàm thì Hội đồng Cứu tế sẽ nhận lấy số tiền ấy, bằng không thì trả lại. Làm như thế nó hợp với câu “tài tượng phân minh” lắm mà cũng đỡ cho anh thợ khắc con dấu khỏi phải hồi hộp từ khi đọc Tràng An  số 7 về sau.

Nhưng làm vậy thì sai với chủ nghĩa cứu tế đi, nên Hội đồng không làm.

Chủ nghĩa của Hội Cứu tế là cứu tế. Chỉ cứu tế mà thôi, ngoài ra không cần biết. Ai cho đồng tiền làm phúc, cứ ngửa tay nhận cái đã, rồi còn gì nữa mặc họ.

Được!

Nhưng, giá theo sách mà làm cách này, còn hay hơn.

Thuở Vũ Đế nhà Hán vì đánh nhau với giặc Hung Nô mãi, trong kho cạn tiền, quân kéo đi mà đằng sau lương phạn thiếu. Thấy thế, Bốc Thức, nhà cự phú, chỉ chăn dê mà giàu, đem dâng vua một trăm vạn. Vua mừng quá, đòi Thức vào chầu. Sau khi khen lấy khen để về cái lòng trung nghĩa của hắn, Vua hỏi:

– Tự dưng nhà gã đem gia tài dâng cho trẫm, thế nhà gã có muốn gì không?

– Muôn tâu, thần chẳng muốn gì sốt.

– Thế nhà gã có muốn làm quan không?

– Muôn tâu, thần bình tổ là kẻ chăn dê, biết quan là cái gì mà làm!

– Thế thì, trẫm có bầy dê trong vườn thượng lâm, nhờ nhà gã chăn hộ có được không?

– Muôn tâu, thần sẵn lòng lắm.

Thế rồi Bốc Thức từ đó tay cầm roi tay mang giỏ cơm khô nước lã, đi theo bầy dê của hoàng đế trong vườn thượng lâm. Theo sách nói, Thức chăn khéo lắm, không bao lâu thì bầy dê của vua sinh sản ra quá bội.

Lợi dụng được thì cũng nên lợi dụng cho chủ nghĩa cứu tế. Ngày nay ta quê gì mà chẳng biết mời anh thợ ấy vào ở Huế để ảnh khắc con dấu, được bao nhiêu tiền lấy hết mà bỏ vào quỹ Cứu tế của ta, rồi có ai hỏi ta sẽ trả lời rằng “Làm theo sách”? [b]

  TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 9 (29 Mars 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Về việc này, Tràng an số 14 (16/4/1935, tr. 3) cải chính: “Trong một số trước, bản báo có nói việc người thợ khắc con dấu ở Quảng Bình cúng 500 $ 00 tiền công của mình để xin thưởng phẩm hàm. Nay rõ ra việc ấy bởi nghe sai, người thợ chỉ thành tâm cúng chớ không xin gì hết. Vậy nên sửa lại cho đúng và nói thêm rằng nếu như thế thì dù không được phẩm hàm, người thợ chắc cũng không oán hận gì. Thật ít người có được lòng tốt như thế. đáng khen.”

[b]  Mục “Có có không không” ở Tràng an s. 10 (2.4.1935) là bài “Ông Nguyễn Phan Long với dư luận Nam Kỳ”, ký Hương Giang Thiếu Niên.                

CHỬI NHƯ VẬY KHÔNG OAI

                Chủ nhật trước, ở Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, linh mục Thomas Coté giảng diễn về Victor Hugo, mà nói cho đúng, không phải giảng diễn chi hết, đó là chửi Victor Hugo tận mặt.

            Tôi nói “tận mặt” lại không đúng nữa, vì Victor Hugo đã chết tám mươi đời vương rồi. Linh mục Thomas Coté cùng các cố dự thính, biểu đồng tình với diễn giả mà vỗ tay hôm ấy, chỉ là chửi nắm xương tàn của Victor Hugo chứ cũng không được gọi là chửi sau lưng nữa kia.

            Victor Hugo chết rồi thì cái lưng của lão đâu còn nữa mà chửi sau nó được? Họ chửi đến những cái xương sống xương sườn của lão mà bây giờ có lẽ đã hóa ra tro.

            Thế mà cũng chửi được đi!

            Một ông cố đầu bạc đứng lên nhục mạ một người đã quá vãng, rồi mươi, mười lăm ông cố khác cũng đầu bạc, ra dáng đạo mạo quá chừng, thi nhau vỗ tay, biểu đồng tình với sự nhục mạ ấy: đứng trước cái cảnh tượng ấy, thằng hèn này nhiều lúc phải né mình.

            Theo kiểu nói Nam Kỳ, người ta nói: chửi như vậy không oai.

            Oai làm sao được thứ hàng mấy chục người nhè chửi một người đã chết rồi mà oai?

            Linh mục Coté bảo Victor Hugo là người kiêu ngạo, vì lão có nói: “Trong Viện Hàn lâm nước Pháp 40 người mà hết 35 người không biết tiếng Pháp. Chỉ mình tôi biết giỏi tiếng Pháp mà thôi”.

            Tôi cho Victor Hugo nói thế là nói thật, chứ có gì đâu mà kiêu ngạo?

            Chẳng chưng ra làm chi cho nhiều, tôi chỉ nói Victor Hugo đã làm ra rất nhiều sách, mà sách đủ các môn, lại môn nào cũng hay hết. Nào văn học, nào sử học, nào tản văn, nào vận văn, gì cũng hơn kẻ khác về đằng phẩm cả về đằng lượng. Như thế, tôi bằng lòng cho phép Victor Hugo được tự phụ, được đặt mình lên trên hết thảy mọi người.

            Mà Victor Hugo thốt ra những câu như trên đó, không phải lão khoe khoang với các ông làm gì đâu, lão chỉ nói thật thôi.

            Jésus-Christ cũng là người như các ông, khi ngài nói ngài là Con một của Đức Chúa Trời, thì các ông tin; còn Victor Hugo nói lão học giỏi hơn người khác, sao các ông lại không tin lão?

            Mỗi lúc Jésus-Christ nói chuyện với ai, hay lắp đi lắp lại rằng: “Ta nói thật, ta chỉ nói thật thôi…” thì các ông chịu nghe, còn Victor Hugo nói thật thì sao các ông lại không để cho lão nói?

            Linh mục Coté còn cáo Victor Hugo về tội phản đối quân chủ và tôn giáo.

            Ủa hay! Victor Hugo phản đối quân chủ thì quân chủ phản đối lại lão, can gì các ông? Còn phản đối tôn giáo thì đành có tội thật. Nhưng theo lời Chúa, ai phản đối ngài thì linh hồn người ấy sẽ sa vào địa ngục; nếu thế Victor Hugo đã xuống địa ngục rồi, các ông còn cáo lão làm chi?

            Theo tôi, các ông đừng chửi Victor Hugo nữa phải hơn.

            Muôn một các ông còn chửi nữa, tôi phải ra binh vực. Không phải binh vực cho Victor Hugo mà binh vực cho cái đạo mạo của các ông. Vì tôi thấy trong lúc các ông xúm nhau chửi Victor Hugo, như tuồng cái đạo mạo của các ông nó đã đi đâu mất. [a]

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 11 (5 April 1935), tr. 2.

Chú thích    

[a]  Tràng an số 12 (9.4.1935) không có mục “Có có không không”.

TIÊU SAO ĐƯỢC MÀ TIÊU 

            Ông Nguyễn Thành Hưng nói với người ta rồi họ chép và in lên trên giấy những lời của ông rất đành rành, tôi đọc tới mà thiếu điều bổ ngửa: tôi sợ thay cho ông.

            Ông Hưng thật to gan. To gan đến mẹ con mụ Tri là tột, ban ngày lừng lựng, đòi thả […..] xuống sông, song […..] [a] bằng ông Hưng. 

            Ông Hưng đòi chữa chữ “hoát miễn” trong điệu Sắc [b] khai phục của ông lại là “thủ tiêu”. Rất đỗi ông gởi việc ấy ra phủ Toàn quyền, ra Tòa án Hà Nội, nhờ người ta dịch lại như ý ông muốn, thật là to gan quá.

            Làm ra điều ta cũng biết chữ Pháp đây, ông Hưng bẻ: chữ “rapporté” sao không dịch là “thủ tiêu” mà lại dịch là “hoát miễn”?

            Ấy, ông Hưng, tôi bảo, đừng to gan quá như thế mà rồi có ngày khốn.

            Này, tôi nói cho ông biết, họ dịch “hoát miễn” có sai cũng còn được; chứ như ông dịch “thủ tiêu” nó mới bậy chí ư vô cùng đó ông.

            Nguyên điệu Sắc thế này:

            “Sắc số 70 ngày 12 tháng Bảy năm Bảo Đại thứ 8, cách khứ Nguyễn Thành Hưng phẩm hàm và thâu tiêu các hạng huy chương, nay được hoát miễn”.

            Chữ “hoát miễn” đó có nghĩa, nhưng chiếu với văn pháp [c] là sai. Vì trong câu ấy chữ “Sắc” làm chủ thể (sujet), ăn xuống động từ “hoát miễn”, thế thành ra cái Sắc được hoát miễn đi mất! Mà hoát miễn thì hoát miễn được cái tội, chớ có khi nào lại nói hoát miễn được cái Sắc?

            Nhưng còn nhờ trong câu có chữ “cách khứ” và chữ “thâu tiêu” nên cũng hiểu được, người ta có thể tạm hiểu là hoát miễn sự cách khứ với sự thâu tiêu ấy đi.

            Không tin, gióng với bên chữ Pháp sẽ thấy nó đúng với văn pháp hơn. Điệu Sắc bằng chữ Pháp, chữ “Sắc” cũng ăn xuống chữ “rapporté”, “rapporté” nghĩa là thu hồi, chỉ nghĩa cái Sắc ấy bị thu hồi.

Đó, ông Hưng, muốn dịch cho đúng thì “rapporté” phải dịch là “thu hồi” như tôi kia ông.

Chết đi ông Hưng ôi!

Vì thu hồi thì cái Sắc vẫn còn đó, mà “thủ tiêu” thì ông đã làm cho cái Sắc mất đi – ông làm mất Sắc của nhà vua, ông sẽ chết!

Nói như thế ông Hưng e còn chưa hiểu, vì nó có hơi trừu tượng, tôi xin bịa chuyện ra mà nói bằng cách cụ thể cho ông Hưng dễ nghe hơn.

Giả đò như năm kia Hoàng thượng có dùng con roi mà đánh ông Hưng. Năm nay ngài nghĩ lại, ngài bảo lấy con roi ấy về mà cất đi. Cất đi như thế, chưa biết chừng, một ngày kia ông Hưng có lý lắc [d] nữa, ngài sẽ đánh nữa.

Tôi nhắc ông Hưng lần nữa, “rapporté” là thu hồi. Thế mà ông Hưng bảo là “thủ tiêu” khác nào ông đem con roi ấy mà bẻ đi hay liệng xuống sông cho mất tích. Rồi một ngày kia, Hoàng thượng hỏi con roi tao đâu, ông Hưng chỉ có đưa cái cổ ra chớ biết nói làm sao?

Chết đi ông Hưng ôi!

Thôi, ông lãnh hành thì cứ việc lãnh hành, ông đừng dịch chữ Pháp ra chữ An-nam mà có ngày khốn!

À mà sao hồi triều Khải Định, người ta đổi thình lình chữ “lãnh biện” ra chữ “lãnh hành” không thấy ông nói chi? [e]

 TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 13 (12 Avril 1935), tr. 2.     

Chú thích

[a]  Hai chỗ này, mỗi chỗ mất 1 - 2 từ, do báo rách.

[b]  Sắc (nghĩa: cảnh tỉnh, cáo giác) một trong các loại tờ chiếu thư của vua ban cho thần dân (theo Thiều Chửu: Hán-Việt tự điển).

[c]  Văn pháp: từ này Phan Khôi dùng như từ grammaire của tiếng Pháp, tương ứng từ “ngữ pháp” ta dùng ngày nay.

[d]  Lý lắc: nghịch ngợm (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.), ở đây dùng nghĩa rộng của từ này.

[e]  Tràng an s. 14 (16.4.1935) và s. 15 (19.4.1935) đều không có mục “Có có không không”.

CÁI CHẾT SAO LẠI KHÔNG CẦN

                Hội Đồng châu người Quảng Nam ở Huế trong một buổi nhóm vừa rồi, có quyết định góp tiền tay nhau lập một sở nghĩa địa riêng cho người Quảng ở Huế để có chết thì chôn.

            Báo Tiếng dân ra ngày 20 Avril có một bài phê bình việc ấy, tác giả Lạc Nhân, trước còn cho là một việc hay, sau lại tỏ ý không cần, bảo nên lo sự sống, đừng vội lo sự chết.

            Tôi đọc đến mà lấy làm quái: sao cái chết của người ta mà lại bảo đừng lo?

            Bạn Lạc Nhân dễ thường chỉ có sống mãi để viết mục “Chuyện đời” cho báo Tiếng dân thôi, chớ không chết hẳn? Ước gì bạn chết thử lấy một lần cho bạn biết thân!

            Bạn có biết tại sao chết lại phải chôn không? Này, cái thây của con người ta nó thối vô chừng đó bạn ạ! Nói đến thối, phải sắp hàng cái thây con người lên bậc siêu đẳng rồi mới đến thây các giống động vật, rồi mới đến nhân trung huỳnh (nó là một vị thuốc hay lắm, đừng khinh).

            Càng phú quý cao lương chừng nào, cái thây càng thối chừng nấy. Cho nên trong lễ, cái ván quan tài của ông quan nhất phẩm phải dày hơn của thường dân. Lại, bề ngoài quan tài, thường dân để mộc được, chứ ông quan nhất phẩm phải sơn phết nhiều lớp. Lễ còn lo xa nữa, anh dân trắng chôn cái cữu trần vô hại, mà bậc các cụ thì thế nào cũng phải có cái bao quan. Phàm các điều ấy, nói rằng lễ, cho lịch sự đó thôi, chớ kỳ thực là tại cái xác ông quan nhất phẩm nó thối một cách phi thường, thối hơn bình dân chúng ta lắm vậy.

            Vậy nên hễ chết thì phải lo chôn. Các quan lớn càng lo hơn nữa. Bạn không thấy nhiều ông sắm sẵn sinh phần?

            Ở vào các thành phố, chết khó kiếm chỗ chôn cũng như sống khó tìm chỗ đi ỉa. Mà không lẽ, bạn Lạc Nhân ơi, không lẽ bạn chết rồi vợ bạn ỳ thần xác ra không chôn để báo hại lỗ mũi người ta.

            Cho nên hội Đồng châu người Quảng Nam sắm sẵn một cái sở nghĩa địa là phải. Bởi vì nó là việc cần, tối cần, không có không được.

            Thật đấy, nó là việc tối cần, không có không được, bởi vì […] [a] hội Đồng châu Quảng Nam hết chín phần mười là các quan.         

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 16 (23 Avril 1935), tr. 2.     

Chú thích

[a]  Chỗ này mất 1-2 từ vì báo rách

QUAN NGỰ SỬ ĐỜI NAY

            Bài xã thuyết của Tràng An số vừa rồi có nói đến các quan ngự sử.

            Một ông bạn nhân đọc bài ấy, kể cho tôi nghe một vài chuyện can vua của các quan Ngự sử đời nay, nghĩa là vào khoảng Bảo Đại bát niên [a] đến giờ.

            Hồi Hoàng thượng mới ở Tây về thân chánh, thỉnh thoảng buổi chiều ngài ngự đi săn bắn cũng như bây giờ. Một hôm ngài đi bắn ở Quảng Trị về lúc sáu giời tối. Sang bữa sau liền nhận được sớ của Ngự sử dâng can. Đại ý bức sớ nói thánh vương đời xưa như Nghiêu, Thuấn, Thang, Văn, Võ mỗi ngày 12 giờ – không phải 24 giờ – lo việc dân việc nước, không rồi đâu đi săn bắn. Thì nay Hoàng thượng cũng nên bắt chước các ông ấy mà làm việc luôn. Huống chi đi ra cách kinh sư một trăm dặm – không phải một trăm cây số – nhọc thánh thể mà cũng nhọc cả đến dân sự, một việc nhọc mà vô ích, tưởng đừng làm nữa là hơn.

            Hoàng thượng xem sớ mỉm cười rồi ngài gấp lại đút vào ngăn kéo bàn giấy ngự phê. Trong ý Hoàng thượng nghĩ rằng làm lặng đi như vậy thì thôi, rày về sau Ngự sử chắc sẽ không can những chuyện bất thiết ấy nữa.

            Không ngờ, chẳng bao lâu, nhằm một ngày lễ gì đó, Hoàng thượng sang chầu Thánh cung, có Ngự sử đi theo. Ngài vào cửa giữa. Xong việc, lại có sớ can. Quan Ngự sử dẫn bao nhiêu lễ nghi trong nội đình của các tiên triều mà chứng rằng Hoàng thượng vào cửa giữa là thất lễ, vì cửa giữa chỉ dành riêng cho Thánh cung ngự đi mà thôi.

            Bài sớ này cũng theo bài sớ trước vào ngăn kéo bàn giấy ngự phê.

            Đối với việc ấy, Hoàng thượng phán một câu thành ra cả bài sớ dài của Ngự sử như không có. Ngài phán rằng: “Đã đành vậy, song quả nhân đã được ý chỉ của Thánh cung cho đi cửa giữa!”

            Nhân tiện, Hoàng thượng lại nhắc đến tờ sớ hôm trước. Ngài nói ngài không làm như mấy ông vua đôi ba ngàn năm trước được, vì ngài là con người sinh ra ở thế kỷ hai mươi. Và ngài khuyên các quan Ngự từ nay có nói thì nên nói những việc quốc kế dân sinh, còn những việc nhỏ mọn và riêng tây, chớ nên nói nữa.

            Ông bạn kể đến đó rồi nói thêm rằng từ ấy nhẫn nay các quan Ngự sử không nói nữa, ý chừng các ổng không thấy việc gì là việc quốc kế dân sinh hết.

            Tôi biết hồi trước kia chân Ngự sử có nhiều lắm, mà bây giờ nghe đâu còn có hai ông mà thôi. Mỗi ông lương tháng trăm rưởi bạc, hai ông cọng là ba trăm bạc.

            Từ Bảo Đại thất niên dĩ tiền bỏ đi không nói. Bát niên đến giờ chẳng là hơn hai năm. Hơn hai năm chẳng là tốn tiền lương cho Ngự sử tròm trèm mười ngàn đồng bạc. Tốn non mười ngàn đồng bạc mà chỉ được có hai bài sớ! Hai bài sớ lại đều bị liệm cả vào ngăn kéo bàn giấy ngự phê!

            Thế mà chúng tôi viết báo, xã thuyết 3 xu một giòng, truyện ngắn xu rưỡi, thời sự nửa xu, người ta còn kêu mắc! [b]

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 17 (26 Avril 1935), tr. 2.     

Chú thích

[a]  Bảo Đại bát niên: năm Bảo Đại thứ 8, tức là năm 1933 (Bảo Đại lên ngôi Hoàng đế vào năm 1926)

[b]  Tràng an số 18 (30.4.1935) không có mục “Có có không không”.

SỐNG PHẢI VUI

            Nghe nói ở Huế sẽ có ngày Vía Phật, mình đương hậm hực trông cho mau tới để xem chơi, thế mà vừa giở một tập báo ra, làm cho mình cụt hứng. Ấy là báo Ngày nay ở Hà Nội mà ông Nguyễn Tường Tam làm giám đốc, số mới vừa ra đây.

            Trước bìa có in bức ảnh một đám rước thần ở nhà quê thì phải. Lọng, tán, cờ quạt, bát âm đi chung quanh cái long đình sơn thếp, và kéo theo sau một đàn người khăn áo chỉnh tề vừa già vừa trẻ. Dưới có hai giòng chữ phê vào của nhà báo: “Lễ tế, hội hè, đình đám làm cho dân quê nghèo đói”.

            Lời phê ấy quả nhiên đúng lắm! Vì góc dưới bức ảnh ấy in thêm một bức ảnh nhỏ, trong đó thấy một người đàn ông đứng tuổi, trần mình – cái mình tất nhiên là da bọc xương – nằm queo dưới đất, như chết rồi; bên cạnh cùng nằm một cây gậy.

            Nếu quả hội hè, đình đám chỉ có được cái kết quả như thế thì cũng thật chẳng nên có hội hè đình đám làm chi.

            Nhưng ở trong thôn quê, làm ăn khó nhọc quanh năm mà không có mấy ngày hội hè đình đám thì cũng buồn quá đi mất.

            Các ông ở thành phố. Người nhà quê làm lụng cực khổ đem cung cấp cho các ông ăn chơi vui thích, rồi các ông bảo người nhà quê rằng “Bay phải chịu buồn mới được” – thì rõ thật các ông ích kỷ chẳng vừa.

Ở thành phố, muốn nghe hát có nhà hát, muốn xem chớp bóng có rạp chớp bóng, muốn nhảy có tiệm đăng-xinh… muốn chi có nấy, cựa ra đâu vui sướng đó, rồi các ông ngoảnh mặt lại nhà quê, bảo họ bỏ hội hè đình đám đi, ai mà nghe các ông?

Miếng ăn là miếng xấu, nhưng tôi phải nói cho các ông biết. Ngày nào các ông muốn ăn thịt cũng có mà ăn hết. Người nhà quê thâu năm chỉ nhờ đình đám mới chấm được vài lát thịt. Thế mà các ông nỡ bắt họ dẹp đình đám đi!

Hội hè đình đám sao lại có kết quả đến nghèo đói? Hẳn các ông chỉ cái chỗ mỗi người dân đóng góp. Song tôi tưởng các ông lầm. Nghèo đói là tại ở đâu, chứ không chỉ tại có đóng góp vào hội hè đình đám mà phải đến chỗ nghèo đói.

Một đình đám nào, cái số tiền tiêu mất đi chỉ là số tiền vàng mã, một số ít, còn thịt và rượu, rút cuộc cũng vào bụng những người đóng góp đó chứ đâu?

Người ta đóng góp đó cũng như các ông đậu tiền tay đi hát một chầu, có uống rượu, thế thôi. Các ông làm thì không nghèo đói, còn dân quê làm thì nghèo đói!

Huống chi trong xã hội ta, trừ việc cày cấy buôn bán, hết thảy việc làm ăn hàng ngày ra, nếu chẳng có hội hè đình đám thì thật là một xã hội chết đứng, không có cử động gì hết. Tôi cho thế là tẻ quá, tôi chịu không nổi.

Cho nên, tuy tôi không tin tông giáo nào hết, nhưng tôi rất ưa các đám rước của các tông giáo.

Tôi sống giữa những người sống. Họ có cử động như thế thì tôi mới thấy là họ sống.

Thôi, các ông im đi, để tôi xem đám hội ngày Vía Phật ở Huế sẽ tới nay mai.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 19 (3 Mai 1935), tr. 2.     

 

 VỨT MẸ NÓ ĐI

            Vừa rồi, Ngô Trĩ Huy, một danh nhân Tàu, có diễn thuyết cho người nước ông ta nghe về sự sạch của Nhật Bản.

            Có một đoạn nói: người Nhật sạch là cũng có nhờ ở cái tánh quả quyết phá bỏ. Trong nhà họ sở dĩ sạch là tại họ đã không chịu sắm đồ vô dụng; mà lại, cái gì hư, liệu không tu bổ mà dùng được nữa, là họ vứt mẹ nó đi, cho nên sạch.

            Đi trên tàu thủy, họ Ngô nói, gặp anh bồi Nhật, để ý mà xem, ảnh mở chai nước chanh hay là khui hộp bánh, liệu cái chai cái hộp không bán được là ảnh ném ngay xuống biển. Không như bồi Quảng Đông, bất kỳ cái gì cũng giữ lại và cất lấy, những chai những hộp đầy ngập trong buồng bồi.

            Nói đến trong nhà quê người Tàu, họ Ngô phàn nàn hơn nữa. Trong nhà, cái ghế còn ba chân, cái ấm sứt vòi, cái thanh sổ nấc, cái đồng hồ đứng 15 năm, cái đèn lờn máy họng, cái dao không cắt được, cái mai không đào được… cũng vẫn còn cứ để làm của; thế cho nên trong nhà, bước vào là thấy nó nghê ngói bộn bề.

            Ngô Trĩ Huy nói phải. Các ngài làm sao không biết, chứ tôi, tôi chịu nhất ông ta nói phải, tôi thích cái lối “vứt mẹ nó đi” như người Nhật Bản.

Nhà tôi, từ hồi nào đến giờ, cái gì hư, nhắm bề vô dụng, tôi vứt mẹ nó đi.

Giá các ngài cho tôi có quyền xử trí mọi vật trong nhà các ngài, cái gì hư, nhắm bề vô dụng, tôi cũng vứt mẹ nó đi.

Trong nước các ngài, giá các ngài cho tôi có cái quyền ấy nữa, cái gì hư, nhắm bề vô dụng, tôi cũng vứt mẹ nó sốt sắng hơn.

Tôi lấy làm lạ! Người ta tiếc làm gì? Người ta lưu luyến làm gì? Nó đáng vứt thì sao không vứt mẹ nó đi?

Thật đấy các ngài, tôi không khi nào nói “cải lương”. Vì tôi biết thứ “cải” không khi nào trở nên “lương” được!

Họ hay nói cải cách. “Cải” là chữa, “cách” là đổi. Thật đấy các ngài, tôi nói “cách” chớ không bao giờ nói “cải”. Vì tôi biết, chỉ có “cách” mới sạch chớ “cải” không bao giờ sạch.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 20 (7 Mai 1935), tr. 2.

MÀ HUẾ VẪN “CỨNG”

            Vua mà chơi ngẳng, [a] đến vua Thành Thái thuở trước là cùng. Sử sách truyền lại, như vua Ngọa Triều róc mía trên đầu thầy tu cũng chưa thấm vào đâu với các cách chơi ngẳng của vua Thành Thái. [b]

            Trong các cách ấy, “cứng” là một.

            Người ta nói, hồi ngài còn trị vì, mười đêm trong Nội có hát bội đến tám đêm. Mà trong tám đêm ấy ít cũng đến ba bốn đêm có “cứng”.

            Mỗi đêm trong Nội có hát, vua Thành Thái sai thị vệ ra ngoài bắt thiên hạ vào coi. Những người bị bắt hầu đủ mặt: cu li xe, bọn bán hàng rong, bọn bán nước, thợ mộc, thợ mã, thầy tu, học trò, v.v… Vả lại người nào đi vào cũng đều phải đem theo đồ nghề của mình vào, rồi ai làm việc gì cứ làm việc ấy.

            Bản ý vua làm vậy là muốn cho rạp hát trong Nội của mình như rạp hát ở nhà quê: có đủ các đẳng nhân coi hát, lại có kẻ bán kẹo, có người bán bánh.

            Chính mình vua cũng xen lộn trong đám đông mà coi hát như thường.

            Đương hát, đương mua bán, đương vui, tự dưng không ai biết gì hết, có lệnh truyền bắt “cứng”, ấy là ai nấy cũng phải “cứng”.

            Cái lệnh ấy do chính mình vua phát ra. Khi ấy vua ăn bận như người thường: cái quần trắng, cái áo the thâm, đầu bịt khăn lượt đen, chân dận giày hạ, đứng vào giữa rạp, nói lên độc một tiếng thật to mà rằng: “Cứng!” Đó là lệnh truyền.

            Bấy giờ hết thảy trong rạp ngoài rạp, bất kỳ ai, đều phải tuân lệnh. Ai không tuân mà chết! Những người nào từ cha sinh mẹ đẻ chưa biết “cứng” là gì, cũng phải coi theo kẻ khác mà “cứng”.

            Anh kép đương múa, vừa cất cái chân lên thì phải để nguyên cái chân như thế. Ả đào vừa mở miệng hát, cũng phải mở miệng như thế luôn, không được ngậm miệng mà cũng không được hát thêm tiếng nào. Kẻ đánh trống chầu mới vừa giá roi chầu lên cũng phải để y là lúc mới vừa giá lên. Ngoài rạp, người bán chè vừa đặt đòn gánh lên vai toan gánh đi rao bán, thì phải đứng im như lúc vừa đặt đòn gánh. Thậm chí có người đàn bà vén quần đi tiểu, cũng phải vén quần rồi để đó, không được có sự cử động gì khác.

Thế là “cứng”. Một cái quang cảnh của xã hội vua mới bày ra, vua cũng đặt cho cái tên mới ấy.

Ai nấy phải theo lệnh mà “cứng” mãi như thế cho đến khi nào vua hạ lệnh khác bảo “mềm” đi mới thôi.

Thế nhưng vua có chịu cho “mềm” liền đâu. Mỗi lần hạ lệnh bắt “cứng” rồi, là vua đi chơi, có khi đi tuốt lên Kim Luông hay xuống tới Bao Vinh lận. Có ông hoàng bà chúa nào thấy thế, lấy làm tội nghiệp cho những người bị “cứng”, bèn đi tìm vua, nhắc và xin vua hạ lệnh “mềm”, khi ấy vua mới chịu về mà hạ lệnh cho.

“Thôi cho mềm đi”. Vua lại vào giữa rạp, nói một câu như thế, ấy là ai nấy mừng reo như được tha cho tội chết. Mà được thế, cũng đã phải ngồi hoặc đứng im, không được rục rịch, ngứa không được gãi, muỗi đốt không được đập trong ba bốn giờ đồng hồ rồi!

Chơi thật là ngẳng!

Cách chơi ngẳng ấy, vua Thành Thái như đã làm cho tiêm nhiễm và thâm nhập trong đất Huế lâu quá rồi thì phải, cho nên dù ngài đã đi khỏi đây chốc 30 năm mà Huế vẫn cứ “cứng”!...

Huế, như ta thấy, không rục rịch, ngứa không gãi, muỗi đốt không đập!

Huế, tần ngần núi Ngự, lờ đờ nước chảy sông Hương!

Huế, được một vài ngày nhúc nhích như ngày Vía Phật nầy rồi đâu vẫn hoàn đó, vẫn “cứng”!

Thật ra thì Huế “cứng” luôn từ đời vua Thành Thái cho đến bây giờ.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 21 (10 Mai 1935), tr. 2.

Chú thích

[a] Ngẳng: chưa rõ về từ này; Huình Tịnh Paulus Của (sđd.) có ghi “ngang”, “ngáng”, “ngảng” (tức “ngảnh / nghểnh”), “ngẩng”… nhưng không có “ngẳng”; tuy vậy, nghĩa của từ “ngẳng” này đã phần nào được giải thích trong bài.

[b]  Thành Thái: vua thứ 10 của triều Nguyễn, ở ngôi: 1889-1907; họ tên Nguyễn Phúc Bửu Lân (14.3.1879 – 24.3.1954); do có ý đồ chống Pháp, bị chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương truất ngôi và đày ra đảo Réunion; giữa năm 1945 mới được về nước. 

645 CON CHÓ KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ

            Ở Sài Gòn có một hội gọi là hội Bảo hộ súc vật. Làm hội trưởng hội ấy là một bà đầm mà chúng tôi quên tên đi, đáng tiếc.

            Bà đầm này thật xứng đáng làm hội trưởng cái hội ấy. Một lần bà thấy một người đàn bà An Nam vô cớ đánh con chó của mình, bà cho là tàn nhẫn, phát đơn kiện tại tòa để binh vực cho con chó, thế mà rồi người đàn bà đó phải bị phạt.

            Tôi thấy việc bà làm như, cứ tủm tỉm khen bà là nhân từ, nhân từ còn hơn các ông thánh ông hiền đời xưa ở phương Đông. Vì các ông này chỉ biết nói “di vật” mà thôi, chứ chưa khi nào chịu đứng ra binh vực cho một con chó nào hết.

            Câu chuyện đó, tôi nhớ mà nhắc lại, bởi tôi vừa đọc cái tin ngăn ngắn ở mục “Việc vặt” trong báo Tràng An số 18. Cái tin nói sở Đốc lý Huế cấm chó chạy rông và nhân thể làm thống kế trong hai tháng Mars và Avril, có đến 645 con chó trong thành phố Huế và ba huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang đã bị bắt.

            À, té ra ở đây người ta bắt cho đến 645 con chó, người ta không sợ bị kiện như người đàn bà nọ ở Sài Gòn.

            Phải, ở đây không có hội Bảo hộ súc vật, không có bà đầm kia làm hội trưởng nên chẳng ai kiện ai. Huống chi 645 con chó này bị bắt là có cớ: người ta sợ chúng nó sẽ thành ra chó dại rồi làm hại cho nhân dân.

            Thế nhưng con chó bị đánh mà bà đầm nọ đi kiện như đã nói trên kia há không có thể thành ra chó dại?

            Như thế, thật tôi không làm sao hiểu được một hay nhiều con chó, khi nào đáng bắt nó và khi nào đáng binh vực cho nó?

            Rút lại, cái lẽ phải không khi nào ở nơi con chó mà luôn luôn ở nơi con người. Một con chó bị đánh, con người muốn kiện để bảo hộ thì cứ việc kiện mà bảo hộ; còn 645 con chó không được bảo hộ, con người muốn bắt nó thì cứ việc bắt.            

            Có kẻ ở nhà quê mới viết mà kêu ca cùng chúng tôi rằng ở đó lính bắt chó quá lạm: chó đương bị xích trong nhà mà họ cứ vào bắt, không đợi nó chạy rông. Kẻ ấy lại than phiền rằng ở nhà quê nhờ có chó để giữ nhà, mà bắt hết đi như vậy sợ rồi đây trộm đạo tung hoành mà làm rối cuộc trị an của dân chúng.

            Nhưng tôi nhắn cho người nào đó biết, đừng kêu ca than phiền làm chi vô ích. Hễ đã không phải chó ở Sài Gòn thì đều là chó có tội cả, người ta bắt nó trong nhà hay bắt cho hết cũng có làm sao! Làm rối cuộc trị an của dân chúng chứ có làm rối cuộc trị an của  chánh phủ đâu mà ngại!

            Thật thế, bao nhiêu chó ở đây đều có tội cả. Không có tội thì sao sau khi bắt, người ta đều cho mỗi con một phát súng hoặc nhận nước cho chết đi?

            Chẳng những 645 con chó không được bảo hộ mà có lẽ hết thảy chó xứ này đều có tội, đều không được bảo hộ, đều đáng chết! [a]

 TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 22 (14 Mai 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Tràng an số 23 (17.5.1935) không có mục “Có có không không”.

CHA CON NỐI NGHIỆP NHAU

            Đời xưa có người cha đỗ trạng nguyên, con cũng đỗ trạng nguyên, cha làm tướng đánh đông dẹp bắc, con cũng làm tướng đánh đông dẹp bắc; tục quen gọi là “kế thế”. Nhà nào có cha con kế thế như vậy, thường được xã hội hâm mộ và tôn sùng, dù rằng sự kế thế ấy chưa chắc là có ích cho xã hội.

            Ngày nay không còn có khoa cử nữa, lấy gì mà cha đỗ trạng nguyên, con đỗ trạng nguyên? Trong nước có giặc thì nhà nước Bảo hộ đánh dẹp cho, người Việt Nam ta không có dịp nào mà ngồi trên lưng ngựa, đeo gươm trường, phất cờ lệnh tiễn như thuở xưa, huống hồ có dịp cho cả cha lẫn con cùng được đánh đông dẹp bắc? 

            Sự kế thế là sự đắc ý của cá nhân, làm vẻ vang cho gia tộc, hầu như dứt hẳn, không còn lại thấy được trong xã hội Việt Nam.

            Ấy thế mà vẫn có. Có cha con ông Trần Quang Huy và Trần Quang Đoàn kế thế nhau về cái nghề lập hội, đứng làm chủ một hội buôn.

            Sự kế thế của nhà này lại có một cái đặc sắc đáng chú ý: không những con nối cha mà lại con nối cha rồi cha nối con!

            Thì vào khoảng năm 1921-22 gì đó, ông Trần Quang Huy thay ông Nguyễn Huy Hợi đứng làm chủ nhiệm Ích Hữu Thư xã ở Hà Nội. Chẳng bao lâu, Thư xã vỡ tan tành, các cổ đông đòi lại cổ phần của mình, làm ông Huy phải trốn chui trốn nhủi, khổ thân trong một lúc, song rốt cuộc cũng chẳng phải trả lại cho ai một đồng nào. Tuy thất bại nhưng đắc ý, ông Trần Quang Huy lập tức đem cái nghề của mình truyền lại cho con.

            Con ông là Trần Quang Đoàn, thật cũng xứng đáng với cái dòng “Trần Quang” ấy, liền lập một hội khác, gọi là Tiên Long thương đoàn, mình đứng làm chủ nhiệm, thu vét của bà con Trung Bắc Kỳ đến 20 vạn đồng bạc, từ năm 1926 đến năm 1933 mới thấy nuốt không trôi.

            Không trôi vì đến tháng tư năm 1934 tòa Thượng thẩm Hà Nội kết án Trần Quang Đoàn 2 năm tù và 2.000 đồng bạc phạt vì tội lừa đảo. Thế là Trần Quang Đoàn chịu nằm yên trong Khám lớn Hà Nội, đến nay mới vừa giáp một năm.

            Tuy thất bại nhưng đắc ý, trước khi vào khám, Trần Quang Đoàn trở đem cái nghề của mình đã chịu truyền ở cha mà truyền lại cho cha!

            Nhắm chừng ở xã hội Việt Nam này khó bề hành động, vì ai nấy cũng đã hâm mộ và tôn sùng cái sự kế thế vẻ vang của nhà mình quá lắm rồi, ông Trần Quang Huy, cha nối nghiệp của Trần Quang Đoàn, bèn lên Vân Nam cử đồ đại sự.

            Vừa rồi ở số nhà 33, đường phố Thái Hà, tỉnh Vân Nam bên Tàu có một hội buôn tên là “Phục dân thực nghiệp” đã thành lập, chủ trương tuy do một người Tàu, Lý Phúc Ydu, nhưng kẻ cầm lèo lái ở trong màn chính là ông Trần Quang Huy vậy.

            Hội Phục dân thực nghiệp toan đặt chi điếm khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Các quan công sứ sợ cho bà con lại phải mắc mưu lần nữa, nên đã có tờ thông sức, nhắc chừng cái lịch sử của người sáng lập cho ai nấy biết mà phòng bị; vì vậy mà đến tôi đây cũng rõ được đầu đuôi.

            Rõ được rồi, tôi xin cùng bạn đọc tán dương sự kế thế vẻ vang của nhà họ Trần và lắp đi lắp lại ngần này cái tên cho nhớ:

            Trần Quang Huy! Trần Quang Đoàn! Ích Hữu thư xã! Tiên Long thương đoàn! Phục dân thực nghiệp!

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 24 (21 Mai 1935), tr. 2.

       

 MỘT THỨ THUẾ MỚI

            Dân Trung Kỳ nghèo quá. Dân đã nghèo nên nhà nước cũng chẳng giàu chi. Đã lâu nay sổ dự toán cứ chịu lúng túng mãi mà không biết rờ vào đâu, đi lại cũng gia vào thuế đinh và thuế điền.

            Thuế đinh từ 2$20 một người lên đến 3$00 như chính tôi mới nạp cho ông lý làng tôi vừa rồi đây. Thuế điền thì ngoài số “chánh cúng” đã có “bách phân gia bát”, rồi “bách phân gia tam thập”, năm nay lại lù lù thấy “bách phân gia nhị” [a] nữa. Gặp năm kinh tế, người ta chạy cho ra đồng tiền để nạp, không phải là dễ.

            Quan trên cũng vẫn biết dân tình cật cứ, [b] gia thuế như thế là làm nặng gánh cho họ quá, song không gia thì lại rỗng sổ dự toán, lấy gì chi lương bổng cho các quan?

            Người ta cũng đã phát minh ra ít nhiều thứ thuế mới ở Trung Kỳ để đỡ bớt cho thuế đinh thuế điền khỏi mỗi năm thêm nặng. Như thuế sanh ý [c] các tiệm buôn ở hương thôn và thuế nhà ngói có chỗ đã bắt đầu khai báo. Nhưng sở đắc ít lắm, vì xứ đã nghèo thì sự buôn bán cũng sơ sài và nhà ngói chẳng có bao nhiêu.

            Có một món thuế mới nếu đánh thì được khá tiền lắm mà hình như mấy ông “tài thần” quên đi, tôi xin nhắc.

            Thuế “thẻ bài ngà”!

            Thẻ bài ngà sao lại đánh thuế? Để tôi kể cái lịch sử nó ra cho các ngài nghe.

            Về đời Minh Mạng mới bắt đầu chế ra thẻ bài chỉ để cho các quan ở Kinh đeo mà thôi, bản ý là để phân biệt ai là quan ai không phải là quan, hầu khi ra vào Hoàng thành cho lính gác tiện sự xét hỏi. Đến sau các quan tỉnh ở ngoài cũng có thẻ bài nhưng chỉ được mang trong lúc về Kinh cho khỏi lộn với các quan ở Kinh. Còn các quan chỉ có vinh hàm và đã hưu trí, các thuộc viên ở ngoài, không có dịp về Kinh thì không ai có thẻ bài cả.

            Coi đó thì sự các quan mang thẻ bài ngày xưa duy ở Kinh mới có, và cốt ý là để tiện sự tra xét trong khi vào ra Hoàng thành, như một vật làm dấu mà thôi, chớ không phải một vật ban thưởng, làm vẻ vang, như mề đay kim khánh.

            Gần 20 năm nay thẻ bài ngà bỗng dần dần đổi hẳn cái tánh chất của nó, bây giờ nó đã thành ra một vật trang sức cho người ta như các thứ huy chương.

            Lúc trước có ông quan, khi về thăm nhà mang thẻ bài ngà mà bị người làng phát giác rồi ông ấy bị phạt vì tội “lạm dụng công chương”, chớ không như ngày nay đi trên xe hỏa hay ô-tô-ca cũng có thể gặp được những ông đeo bài ngà, còn trên chiếu việc họ việc làng cũng thỉnh thoảng thấy mấy ông mang thẻ bài ngồi chỗm chuệ.

            Cứ theo hiện trạng thì thẻ bài ngà ở Trung Bắc Kỳ ngày nay nó đã thành ra một thứ đồ trang sức, có thể kể vào hạng “xa xỉ phẩm” mà không ai chối cãi được.

            Xa xỉ phẩm thì đánh thuế là phải lắm. Bây giờ chánh phủ bày ra đánh thuế thẻ bài ngà, cứ theo phẩm trật mà có khác, thì cũng như đánh thuế hột xoàn, bích ngọc hay là phấn, nước hoa vậy thôi, có ai phiền hà than trách gì đâu?

            Xin chánh phủ chinh thu thứ thuế mới này đi. Khi thấy sổ dự toán được tăng lên mà khỏi gia vào đinh điền như trước, có lẽ chánh phủ nhớ công tôi phát minh mà ban thưởng cho tôi. Nhưng, tôi nói trước, thưởng tôi gì thì thưởng, xin đừng thưởng viện hàm! …

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 25 (24 Mai 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  thuế “chánh cúng”: loại thuế chính như thuế đinh, thuế điền; phân biệt với các loại tạp nạp (theo Huình Tịnh Paulus Của: sđd.); “bách phân gia bát” = tăng thêm 8%; “bách phân gia tam thập” = tăng thêm 30 %; “bách phân gia nhị” = tăng thêm 2%.

[b] cật cứ: gian khổ (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)

[c] sanh ý: như “sinh ý” = nghề làm ăn (Đào Duy Anh: sđd.)

XE HỎA HẠNG TƯ

            Một hôm tôi đi trên tàu suốt Huế – Quảng Ngãi, bỗng thình lình gặp một người quen, người ấy với tôi nói chuyện say.

            Người ấy là một ông quan nhỏ ở Huế mười lăm năm trước. Nay đã thành ông quan lớn. Mười lăm năm nay không gặp tôi, bây giờ thình lình gặp, ông với tôi nói chuyện say.

            Đương nói chuyện say, tôi thình lình nghĩ ra chỗ mình ngồi đây là hạng tư chật hẹp, dơ bẩn, ồn ào, nóng bức,… đủ một trăm thứ bất tiện, sao mình lại được gặp ông ấy ở đây vì người ta là quan lớn?

            Cái ông sao mà thông minh quá! Không đợi tôi hỏi, ông hỏi trước tôi:

            – Ông cũng chịu đi hạng tư à?

            – Làm báo thời buổi này mà không chịu đi hạng tư thì đi hạng nào? 

            – Tôi cũng đi hạng tư!

            – Sao ngài lại đi hạng tư? Được thăng và tựu lỵ, ngài phải đi có giấy nhà nước chứ?

            – Tôi không lãnh giấy mà lãnh tiền. Tôi lãnh tiền đi hạng ba có cả vợ con với năm trăm ki-lô hành lý; nhưng thực sự, hôm nay tôi chỉ đi mình tôi với cái va-li.

            Tôi cười. Trong cái cười của tôi không có vẻ khinh ông ấy là ông quan lớn mà đi làm một việc lừa dối sổ dự toán; tôi chỉ cười vì cái nạn kinh tế phen này không những nó xán xuống [a] trên đầu tôi mà cũng đã xán xuống trên đầu một ông quan.

            Đến Tourance, ông ấy xuống. Tôi ngồi một mình, đâm ra nghĩ. Nghĩ được lắm điều khôn ngoan cho ông ấy.

Làm như ông ấy chỉ lợi được mấy chục bạc mà nhỡ ra thì khốn.

Trên toa hạng tư, trước mặt ông ấy và tôi, có cả một con chó, khi nó ngồi, khi nó đứng. Con chó tuy có người dắt nhưng mình tin nó sao được? Giá ông ấy đi lớ xớ bị nó đốp cho một miếng, cho rằng không rách đến thịt, chỉ rách cái quần lụa ông ấy mặc mà thôi, là cũng không thể bắt đền ai.

Phải, bắt đền ai được? Nếu việc ấy ra tòa, quan tòa sẽ lấy lẽ rằng ông ấy lãnh tiền đi hạng ba, ai bảo bén mảng đến hạng tư làm chi cho chó cắn? Rồi ông ấy phải chịu thiệt đến cái quần!

Cái quần còn được, đến cái mạng của ông!

Hạng ba giở lên, chỗ bước lên bước xuống có bao lơn và cánh cửa bằng sắt, để đóng lại mà ngừa đón trong lúc xe chạy cho khỏi có sự rủi ro. Nhưng hạng tư thì không có,… không có thật. 

Hạng tư không có bao lơn và cửa sắt ấy, hình như người ta coi những người đi hạng ấy đều là kẻ có tội, bắt phải nếm sự nguy hiểm, cũng như bọn tử tù, người ta thường cho làm những công việc nguy hiểm.

Ông ấy là ông quan lớn, người ta vốn không có ý để ông ấy cùng nếm sự nguy hiểm như tôi.

Trong lúc ông với tôi đương nói chuyện say ở chỗ bước lên bước xuống không có bao lơn và cửa sắt ấy, giá ông đắc chí cười ngất người đi rồi ngã lăn xuống đường khi xe chạy, ấy là ông chết toi cái thân của ông!

Toi cái thân, ý tôi nói ông chết mà không được đền nhân mạng. Vì sở Hỏa xa cũng sẽ lấy cái lẽ trên đó mà bảo rằng tại ông đi hạng tư, chết ông chịu!

Tôi vốn khiêm nhường, nhưng khi nghĩ ra điều này, tôi phải phục tôi là khôn ngoan hơn một ông quan.

Rồi tôi lại tức cười nữa. Lần này tôi cười tôi khôn ngoan mặc dù mà không được lãnh tiền nhà nước đi hạng ba như ông đó!   

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 26 (28 Mai 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  xán xuống: đập xuống, quăng xuống, ngã xuống (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)

DUY ÔNG VOI LÀ LỚN

            Cái đầu đề đó, không giấu các ngài, tôi ăn cắp giọng nói của đức Khổng trong sách Luận ngữ, vì ngài có nói: “Duy ông Trời là lớn”.

            Nhưng câu của tôi chừng như muốn sâu sắc hơn câu đức Khổng. Ngài chỉ tán ông Trời là lớn; còn tôi, tôi muốn nói: có nhiều thứ lớn, nhưng duy ông Voi là thật lớn, xứng với cái tiếng lớn ấy.

            Miền núi, người ta hay kêu voi là ông lớn cũng như cọp là ông lớn. Miền đồng nội, ông quan nào to, người ta cũng kêu bằng ông lớn, mặc dù trong khi kêu như thế người ta không có ý so sánh ông quan với cọp với voi.

            Tổng chi đều là ông lớn cả. Bởi vậy tôi mới nói có nhiều thứ ông lớn.

            Tôi phải phục ông Voi là thật lớn, vì đã nhiều lần rồi mà nhất là lần này tôi thấy ông có cái đại độ, có cái tâm địa trưởng giả vô cùng.

            Vừa rồi ở đèo Phú Gia thuộc về dãy núi Hải Vân, có heo rừng ra phá hoa màu của các rẫy người ta làm dựa triền núi. Bọn nông dân ở đó rủ nhau đào hầm để sập heo: cái hầm sâu lút đến hai đầu người. Hầm vừa đào cách một đêm, heo đâu không sập nhè sập một ông lớn Voi với một cậu ấm, nghĩa là một con voi lớn với một con voi con.

            Dân rừng họ phải chăng lắm, không như bọn ta ở đồng nội hay thành phố, thấy miếng mồi ngon thì đua nhau mà đớp. Giá bọn ta thì ông lớn mặc kệ, ông đã sa cơ thất thế thì cũng xẻ thịt ông ra; nhưng họ không, họ cứu.

            Sau một dui mõ hồi một, dân làng nhóm lại, kẻ tay mai người tay cuốc, họ đào một cái rãnh xuôi xuôi dốc dốc từ mặt đất xuống hầm để có đường cho voi lên. Đào xong, họ nói một cách như là khấn vái: “Xin ông lớn cúi đầu, trít tai, quắp đuôi, nhất là cuốn cái vòi lại cho chúng tôi vững thần xác rồi ngài cứ việc đi lên!”

            Đáng lẽ thì họ chạy đi cho thoát nạn, song tin ở ông lớn, hàng trăm dân khấn như thế rồi vẹt ra hai bên cái rãnh.

            Ông lớn cúi đầu, trít tai, quắp đuôi, cuốn cái vòi rất lợi hại: ngài sẵn lòng làm theo điều dân muốn. Song chưa lên vội, ngài còn buông vòi ra đẩy cậu ấm lên trước đã, rồi mới cuộn lại lần nữa, ngài lên sau.

            Cậu ấm lên khỏi hầm đứng chờ quan cụ. Tiu nghỉu cái bộ, ra vẻ con nhà, cậu đã rất ngoan.

            Tới phiên ông lớn lên. Ngài thì lớn mà cái rãnh hơi bé, lúc gần tới mặt đất rồi, ngài không quay mình được nữa, phải đứng như trồng ở đó.

            Dân lại khấn: “Xin ông lớn cứ đứng im, chúng tôi xẻ thêm rộng cái rãnh cho ngài”.

            Mỗi người một lát cuốc nữa, rãnh càng rộng ra cho đến khi ông lớn được đi tự do rồi ngài đi thẳng với cậu ấm vào rừng, đầu vẫn cúi, tai vẫn trít, đuôi vẫn quắp, vòi vẫn cuộn, chỉ không nói được hai tiếng “cảm ơn”, theo bọn ta, là kém điều lịch sự!

            Nhưng tôi phải phục: duy ông Voi là lớn!

            Hồi còn ở dưới hầm, dân họ yêu cầu gì ngài có thể hứa chịu cùng họ hết; song khi đã lên khỏi, ngài há lại không có quyền buông vòi ra xớ tạm lấy vài mống cho đỡ đói suốt đêm sao? Làm được mà không thèm làm, thật là trưởng giả, đại độ, người ta tôn cho “ông lớn” cũng đáng!

            Ông lớn Cọp có khi nào chịu như thế?

            Ông lớn “người” trong lúc ở hạt này thăng qua hạt khác, cũng thường thấy dân sự đi đưa không ngại gì mà đứng vẹt ra hai bên đường.

Nhưng ta phải biết, ngài đã buông vòi ra quơ vét từ trước rồi mới đi, thì hồi đó còn có gì đâu mà ngại!

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 27 (31 Mai 1935), tr. 2.

CHƯA MUỐN NÁT BÀN

            Có ba câu danh ngôn:

            Đức Chúa Jésus nói: “Khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì…”

            Hầu Sinh nói với Tín Lăng Quân: “Ai làm điều phải cho mình, mình nên nhớ; nhưng mình làm điều phải cho ai, thì hãy quên đi.”

            Các quan An Nam nói với dân: “Đã biết mầy phải, nhưng phải có làm sao chớ, dễ thường tao ngồi đây để nói phải cho mầy!...”

            Theo hai câu trên, chúng tôi nói ra mồm câu chuyện dưới này, thật có hơi bẽ mặt; may còn có câu dưới, thôi thì ta mạnh miệng nói đi.

            Chúng tôi muốn kể công với các ngài trong Hội Phật học về việc đã cổ động cho ngày Vía Phật. Nhưng khoan đã, trước hãy kể chuyện Hội ấy sắp đối đãi một bạn đồng nghiệp chúng tôi.

            Báo Tiếng dân, sau ngày Vía Phật, có mấy bài bình phẩm về lễ ấy do tay Lạc Nhân viết ra, mà viết một cách như không nể mách lòng. Đại khái như bảo cụ Thượng Nguyễn Khoa Tân lù lù thấy làm hội chủ thay ông Đốc Thám. Còn chưa bằng Lạc Nhân chỉ trích Hội Phật học: bao nhiêu tín đồ trong đó đều là thầy Thông mất việc hoặc nhà buôn vỡ nợ hoặc ông quan bị dân kiện đuổi về.

            Tôi nhắc lại những lời ấy ở đây, không có ý để phê bình nó là đúng hay không đúng. Tôi chỉ muốn cho bạn đọc biết các ngài trong Hội Phật học dù cái tâm đã diệt nhưng khi nghe những lời ấy cũng còn không khỏi mặt đỏ bừng bừng.

            Họ giận đấy.

            Một đời ông Phật chẳng hề giận ai và chẳng hề đối phó với ai. Nhưng các ngài trong hội Phật học là học trò của Phật, chưa phải Phật, nên đã được phép giận, còn rủ nhau tìm phương đối phó nữa.

            Thấy nói có ông hiến kế lập một cuộc mêt-tin, bao nhiêu tăng đồ cư sĩ gia nhập, diễn thuyết và du hành thị uy để phản kháng báo Tiếng dân cho bõ ghét.

            Làm vậy sợ khích liệt quá, ông khác bèn xoay qua kế khác, kế này đã được nhiều người trong Hội biểu đồng tình và sắp sửa thi hành: cử mấy ông đại biểu cho Hội đi xe nhà đến báo quán Tiếng dân trách vấn cụ chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh, xin người dùng cách nào trừng trị cái người có tên Lạc Nhân, hoặc là cúp lương, hoặc là nghỉ việc. 

            Hội Phật học đối với báo Tiếng dân như vậy đó. Không ai trách được, vì báo Tiếng dân đã làm mách lòng Hội Phật học.

            Nhưng còn kẻ không làm mách lòng Hội Phật học thì Hội Phật học nghĩ sao?

            Còn kẻ đã làm vừa lòng Hội Phật học thì Hội Phật học nghĩ sao?

            Còn kẻ đã ra công cổ động cho Hội Phật học, cho ngày Vía Phật, là báo Tràng an đây, thì Hội Phật học đã đối đãi với nó cách nào?

            Hư vô! tịch diệt! Phải, đạo Phật là đạo hư vô, tịch diệt.

            Một bức thơ cảm ơn của Hội Phật học là sự trọng thể lắm, chúng tôi đâu dám nghĩ đến!

            May ra, thấy bài này, cụ Nguyễn Khoa sẽ bảo mang cho chúng tôi mỗi người một buồng chuối, vì vườn cụ có nhiều chuối!

            Hay là, thấy nói cụ bà khéo làm chao thì, cụ ông Thượng Tôn nhân bảo xẻ cho chúng tôi mỗi người một bát chao!

            Không thế thì thôi, đừng chờ khi trở trời, chúng tôi có phát thương hàn hoác loạn rồi ông Đốc Thám sẽ chích không tiền cho chúng tôi mỗi người một mũi; vì chúng tôi chưa muốn “nát bàn”! 

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 28 (4 Juin 1935), tr. 2.

HẾT LẠY CÒN XIN

            Thấm lại rồi lũ trẻ con sinh ra đời nay là sướng vô ngần. Từ giờ cho tới chết chúng nó khỏi phải lạy ai một lạy nào hết, khi nào bị bắt buộc cũng chỉ tốn ba cái khấu là cùng. Không như hồi xưa, một con người, cả đời duy có lạy.

            Nay thử từ trong đám người An Nam chúng ta xách ra một ông mà nói. Ông ấy, cho đi là một ông lớn, năm nay ngoài bảy mươi tuổi, hoạn thành danh lập rồi, bấy lâu chúng ta đã kính ông là bậc “đạt tôn” trong xã hội, nhưng nếu nói cho thực, kể suốt một đời ông ấy cũng chỉ lạy là nhiều.

            Lúc 12 tuổi đi học thầy ngoài, ông bưng trầu rượu đến thọ giáo, mất cho ông thầy bốn lạy.

            Rồi mỗi năm hai lễ tết, đoan dương và chánh đán, [a] ông tốn mỗi lễ bốn lạy nữa.

            Vừa lạy vừa học cho đến ngày đi hạch [b]  đi thi. Trước hết ông phải ra mắt quan Huấn hay quan Giáo hạt mình, trầu cơi rượu ve với bốn lạy.

            Thi mà đậu cử nhân, phải năm lạy tạ ân. Thi mà đậu tiến sĩ, còn phải lần nữa năm lạy tạ ân. Ấy là chưa kể tốn cho mỗi ông mất bốn lạy trong khi đi thăm các ông tọa chủ.

            Bắt đầu bổ chức gì nhỏ xíu cũng phải năm lạy bái mạng. Rồi cứ mỗi lần thăng là một lần năm lạy bái mạng. Nếu ông giỏi giang, được ban thưởng, lại mỗi lần năm lạy tạ ân.

            Không trách gì bấy lâu ông ấy ưng ngồi cho người ta lạy mình. Vì từ nhỏ đến lớn ông đã phải lạy người ta nhiều lần lắm.

            Cái lạy đi đôi với cái xin. Cả đời ông ấy còn phải xin.

            Hồi ông đi thi, phải có hạch trước. Nếu ông hạch rớt, xin hạch lại, phải có đơn “Bẩm vi “khất” tục hạch sự…”

            Thi đậu rồi, nếu ông muốn bổ, phải có đơn xin tùng chánh: [c] “Bẩm vi “khất” tùng chánh sự…”

            Bổ ra làm quan rồi mỗi tháng lãnh bổng phải có đơn: “Bẩm vi “khất” lãnh bổng sự…”

            Đương đi làm việc, rủi nhức đầu nghẹt mũi, phải có đơn cáo bệnh: “Bẩm vi “khất” cáo bệnh sự…”

            Ông là ấn quan, được phong tặng, gặp năm khánh tiết, ông cũng phải có đơn xin: “Bẩm vi “khất” vọng ân sự…”

            Đám tang cha ông có làm thịt trâu, ông cũng phải có đơn xin: “Bẩm vi “khất” tể ngưu sự…”

            “Khất” tức là xin. Cái đời ông đã hết xin đâu, còn phải một lần làm đơn nữa: “Bẩm vi “khất” hồi quán hưu trí sự…”

            Coi đó mà coi, lạy và xin là hai việc rất thường của một người An Nam sang trọng hồi trước; càng làm lớn chừng nào, càng lạy càng xin nhiều hơn chừng nấy.

            Nay nhờ ơn thánh thượng bỏ cái lạy đi rồi, bọn trẻ sướng vô ngần; song còn cái xin chưa bỏ, nên chúng nó vẫn xin.

            Học trò từ lớp sáu đã biết làm “đờ-măng” [d] rồi. Nghỉ một buổi học cũng đưa đờ-măng ông Đốc. Mỗi chút mỗi đờ-măng. “Đờ-măng” là cha “khất”!

            Đến tốt nghiệp cao đẳng tiểu học rồi càng làm nhiều đờ-măng hơn. Nghe ở đâu có mở khoa thi gì là đút đờ-măng vào liền. Thi không dính, bấy giờ càng đưa đờ-măng tợn, không cứ sở công hay sở tư.

            Có việc làm rồi, lâu lâu còn phải đưa đờ-măng một lần: hoặc xin thăng hàm, hoặc xin ăn lên, hoặc xin tiền phụ cấp cho con, cho vợ.

            Từ nay về sau, xã hội này sẽ là xã hội đờ-măng. Khá một điều là xin chứ không lạy.

            Bởi vậy mỗi buổi chiều, ở sân cát cạnh chợ Đông Ba, có lũ trẻ cứ đi vòng, ngửa tay xin xu những người ngồi chơi ở đó, mà cũng chỉ xin chớ không lạy.

            Và cũng bởi ở trong xã hội này sự xin là thường lắm nên không ai ngăn cấm chúng nó làm chi.  

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 29 (7 Juin 1935), tr. 2.

Chú thích

[a] đoan dương: tết mồng năm tháng năm âm lịch; chánh đán (hay chính đán): ngày mồng một tháng giêng âm lịch.

[b]  hạch: tức khảo hạch = xét hỏi, ở đây trỏ việc thi cử.

[c] tùng chánh (hay tòng chính): giúp việc quan, ở từ hàn (Huình Tịnh Paulus của: sđd.), ra làm quan (Đào Duy Anh: sđd.)

[d] đờ-măng: chữ Pháp demande = sự xin, sự yêu cầu, đơn từ.

MÌNH VÀNG LÀM GÌ

            Bức vẽ trong số Tràng an vừa rồi, [a] diễn chuyện sau khi các tượng Phật vàng bị mất ở chùa Thiên Mụ, mấy vị tăng đồ ở chùa ấy bị tống giam, trong có một vị than rằng: “Các Đức đời xưa nghĩ cũng lạ! Mình gì chẳng được, lại phải “mình vàng” cho chúng tôi bị lụy thế này!”

            Chẳng những mấy vị đó ngày nay gặp nạn rồi lấy làm lạ cho các Đức đời xưa; mà tôi đây, không nói ra, chứ hồi bình nhật cũng đã nghĩ đến điều đó mà lấy làm lạ lắm vậy.

            Chữ “mình vàng” đó là do chữ “kim thân” trong sách Phật mà ra.

            Kim thân, nghĩa là thân thể toàn bằng vàng hay là thân thể đã hóa ra vàng. Tôi không biết cho rõ lắm, nhớ phỏng như ý sách nói: Con người ta, khi tu hành đắc đạo mà thành Phật rồi thì được như thế. Mình vàng là cái kết quả của sự đắc đạo trong Phật giáo.

            Một cái chứng cứ ở sách sử Hán Minh Đế. Vua nằm chiêm bao thấy có người “mình vàng” đến báo tin. Thức dậy, đem hình trạng trong mộng hỏi một người khách lạ ở phương Tây đến. Người ấy thưa: “Đó là vị Thần ở cõi Tây, tên là Phật”.

            Lại bao nhiêu chuyện có chép trong sách Phật hoặc không phải sách Phật: người nào nằm mộng thấy Phật hiện hình ra thì cái hình ấy đều là mình vàng.

            Tóm lại, chưa hề có người nào tu đắc đạo mà thân thể hóa ra vàng thật hết. Sự đó chưa có ai thấy tận mắt bao giờ. Phật mà mình vàng chỉ là sự có trong chiêm bao, trong lý tưởng. Rồi muốn cho sự trong chiêm bao, trong lý tưởng được thực hiện ra, người ta dùng vàng thật đúc nên tượng Phật.

            Giá trong đời còn có vật gì quý hơn vàng nữa, Phật dùng mà đúc tượng mình, cũng chẳng ai nói chi! Có điều tôi không hiểu vì sao đã là ông Phật lại còn cho vàng là quý, ước ao hóa thân ra nó? Ước ao mà chưa chắc được, lại đem nó đúc phăng cái tượng?

            Đã biết rằng “vô ngã tướng”, có lẽ nào còn nhận thấy “hoàng kim tướng”?

            Đã biết muôn vật đều do theo luật “thành, trú, hoại, không”, có lẽ nào một cho vàng là chẳng bao giờ “hoại”, chẳng bao giờ “không”?

            Té ra Phật cũng còn lấy vàng làm quý hơn vật khác nên đã dùng mà đúc tượng mình để tạm thỏa chút lòng hy vọng hay sao? Té ra Phật cũng còn chưa thoát cái điều tục tằn, hèn mọn, ham vàng ham bạc, như tôi, như các anh hay sao?

            Trong đám chúng ta người nào cũng quý vàng cả. Tức nhiên có kẻ thấy tượng Phật vàng để lơ đễnh mà ăn cắp. Nhưng kẻ ấy có tội là chỉ cái tội ăn cắp mà thôi. Còn sự tham vàng, hình như không phải tội, vì Phật cũng tham vàng. Cái tội ăn cắp ấy cũng lại không phải tự kẻ ấy mà có, bởi Phật mà mới có.

            Cho nên mấy ông thầy tu than van là phải. Phải chi Phật không có mình vàng thì mấy ổng làm gì có xiềng sắt?

            Hỡi ôi! Hai mươi chín cái tượng mình vàng, bây giờ thành ra không có cái nào hết!

            Chẳng bằng đức Chúa Jésus-Christ, ngài “chẳng có một cục đất gối đầu” mà ngày nay đất của Hội thánh ngài đầy trong các thành phố và nhà quê!

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 30 (11 Juin 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Đây là nói tới bức biếm họa ở trang 1 báo Tràng an số 29 ra ngày 7/6/1935. Sự việc xảy ra ở chùa Thiên Mụ, trên 7 tầng tháp chùa vốn có để các tượng phật và tháp nhỏ bằng vàng; các tầng tháp chùa đều đóng kín, chìa khóa do bộ Lễ giữ, mỗi năm chỉ mở một lần. Hôm 2/5/1935 một số thầy tu báo cho bộ Lễ biết các tượng vàng bị mất; trong số 31 pho tượng đó có 29 pho bị mất. Bộ Lễ tiến hành điều tra. (Tin: Chùa Thiên Mụ mất tượng phật và tháp bằng vàng // Tràng an, s. 28, ngày 4 Juin 1935)   

 PHẢI CÓ CUỐN TỰ VỊ VỀ TƯ PHÁP

            Mấy thầy nhà tơ thơ lại thuở xưa, có tiếng là hay “cắn văn nhai chữ” (giảo văn tước tự), cũng như mấy chú lái buôn có tiếng hay “vặn cân bẻ mấu”. Một câu một chữ trong luật trong lệ có nghĩa thế này họ xoay ra thế khác, ấy là có thể làm cho người nào không chịu chua ngọt với họ sẽ phải điu đứng [a] tấm thân hay là tan tành sự nghiệp.

            Bây giờ sao mà không nghe có hạng nhà tơ thơ lại ấy nữa hay là có cũng ít thôi. Bây giờ cái người có tiếng cắn văn nhai chữ ấy lại thường thường là ông … quan.

            Tôi tưởng, riêng về bộ Tư pháp nên có một cuốn tự vị để cắt nghĩa thật đúng và thật chắc những chữ thuộc về việc tư pháp mới được. Nếu không, pháp luật của nhà nước có ngày cũng phải nguy tai với mấy ông ấy chứ chẳng chơi.

            Để tôi kể dặm một câu chuyện đủ thấy sự ích lợi của cuốn tự vị ấy về một phương diện khác, cho nhạt bớt cái khẩu khí hăng nồng đối với ngài đi; kẻo không, người ta lại trách tôi hễ mở miệng ra là xoi móc quan trường.

            Hôm trước trên một tờ báo Hà Nội có đăng mấy khoản sửa sang lại Dân luật, về việc giá thú, mà Hoàng thượng đã chuẩn y. Có một khoản nói phàm con trai con gái cùng một họ mà “đồng tôn biệt phái” [b] thì được kết hôn cùng nhau chứ không cấm.

            Ở nhà quê Trung Kỳ về miền Nam, có lắm kẻ thấy điều ấy mà sửng sốt, bảo rằng nhà vua muốn cho nhân dân hóa ra Tây! Họ dị nghị như thế là vì ở miền đó người ta hiểu chữ “đồng tôn biệt phái” không giống như ngoài Bắc. Ngoài Bắc nói “đồng tôn biệt phái” nghĩa là trùng một họ mà khác ông tổ, theo phú ý không thấy có dính dấp nhau, thì kết hôn được. Ở Trung Kỳ như thế cũng kết hôn được, tức như bà Phan Thị Viện lấy ông Phan Văn Ân. Khác một điều là ở Trung Kỳ, cái ca ấy người ta kêu bằng “trùng họ” chứ không kêu bằng “đồng tôn biệt phái”. “Đồng tôn biệt phái” theo ở đây là cùng một họ ở trong một làng, nhưng khác phái. Vì ở đây thường thường một họ, dưới ông thủy tổ, người ta chia ra nhiều phái, mỗi phái có một nhà thờ riêng.

            Trong đầu sẵn hiểu chữ “đồng tôn biệt phái” như thế, thì khi nghe nói “đồng tôn biệt phái” được phép lấy nhau, sao cho khỏi tưng hửng một chặp mới lại người!

            Giá có cuốn tự vị cắt nghĩa “đồng tôn biệt phái” là thế nào, nhân dân chẳng đã thiếp nhiên, [c] nhà vua chẳng đã khỏi mang điều ngờ vực?

            Toan tránh mà tránh không khỏi, tôi phải tiếp theo chuyện bỏ dở ban nãy.

            “Ngộ mãi thất tiền”, câu đó là câu lệ thành văn hay câu lệ khẩu đầu thì tôi không biết; chỉ biết các quan đã dùng nó luôn luôn.

            Câu đó cũng là một cớ cho quan tỉnh Phú Yên nắm lấy mà xử Phạm Nho Chi mất sáu mẫu ruộng, việc đương nói trên báo này. Vì trong tờ biên bản có nói vì cớ Chi “mua lầm”; mà mua lầm tức là “ngộ mãi”.

            Đại để như ruộng của cha của ông mà con hay cháu đem bán, người mua không xét kỹ hay là biết rồi mà cứ mua, đều kể là lầm: như thế thì mới thất tiền chớ. Còn đằng này, chính tên Tân đem bán ruộng của tên Tân, người mua là tên Chi lại ở làng khác, như thế, dù là ruộng hương hỏa đi nữa, Tân bán rồi thì phải chịu, Chi có “lầm” gì đâu mà phải “thất tiền”?

            Không có tự vị giải bốn chữ ấy cho rõ ràng, thành ra Phạm Nho Chi khi không mất sáu mẫu ruộng, đáng giá 2.800 đồng bạc, thật đáng … kiếp!

            Tôi nói đáng kiếp vì Phạm Nho Chi có cho đến hai trăm mẫu ruộng, giàu nhất nhì ở Phú Yên! 

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 31 (14 Juin 1935), tr. 2.       

Chú thích

[a]  điu đứng (phương ngữ): dạng chuẩn là “điêu đứng”.        

[b]  Lưu ý: trong 4 từ “đồng tôn biệt phái”, ở bài này từ “biệt” có chỗ in là “liệt”; đọc trong bài sẽ thấy rõ đó chỉ là do lỗi in, nên chúng tôi giữ nhất quán một dạng “đồng tôn biệt phái”. – N. B. S.

[c]  thiếp nhiên: chưa rõ nghĩa. Phải chăng là từ  嗒 然   tháp nhiên (= thẫn thờ, ngơ ngác) mà P.K. phiên âm theo giọng Quảng Nam? 

NHƯ MAI THANH CÁC CÒN CHẲNG LÀM CHI, NỮA LÀ BÙI QUANG CHIÊU!

            Ông Bùi Quang Chiêu về nước hôm 7 Juin vừa rồi. Tàu Kerguelen vừa đỗ bến Sài Gòn một cái, có ba cô con gái người ta trang sức cho ba lối để biểu hiệu ba xứ Trung, Nam, Bắc xuống đón mừng ông.

            Chắc những người đi coi ở bến Nhà Rồng hôm đó thấy như thế cho là vẻ vang lắm. Mà đến ngay cái người đã chịu lấy sự đón mừng ấy là ông Bùi Quang Chiêu cũng tưởng thế là vẻ vang cho mình.

            Người ta không nghĩ mà chính ông Bùi cũng không nghĩ rằng cái đó thật chẳng có làm chi ráo. Nếu trong nhà tôi, tôi đặt ba ông phỗng sành Phúc, Lộc, Thọ ngồi nơi tủ kính mà rồi tôi quả được hưởng phúc trời, ăn lộc vua, sống lâu như ông Bành Tổ, thì ba cô Trung, Nam, Bắc đi đón mừng ông Bùi Quang Chiêu mới quả là ông ấy đã thật làm ích lợi cho dân ba kỳ và dân ba kỳ hoan nghinh ông ấy.

            Không có đâu. Phỗng sành là phỗng sành, Phúc Lộc Thọ là Phúc Lộc Thọ, mà tôi là tôi. Thì ông Bùi là ông Bùi, ba cô ấy là ba cô ấy, Trung Nam Bắc là Trung Nam Bắc.

            Cái thí dụ đó cũng còn chưa sát sao là mấy. Bạn đọc hẳn ai nấy đều biết Mai Thanh Các là nhà làm quỷ thuật có tiếng. Để tôi nói chuyện anh chàng mà nghe. Như Mai Thanh Các kia mà còn chẳng làm chi, nữa là Bùi Quang Chiêu!

            Nhờ cái nghề của mình hợp với sự phiêu lưu, hai mươi năm nay họ Mai đi cùng Nam tột Bắc. Mỗi nơi họ Mai lấy một người đàn bà vừa làm vợ vừa làm bạn với mình. Chính ở Huế đây năm nọ người ta cũng đã nhận được ba quan tiền cheo hay là tiền giây lan [a] của lão. Còn ngoại giả, Sài Gòn một, Hà Nội một.

            Úy cha! Danh giá làm sao!

            Thế rồi họ Mai mới in ra một cuốn sách, đúc khuôn kẽm, chưng lên ba bà vợ làm biểu hiệu ba xứ của mình, kêu rằng “Tam kỳ thân ái” hay là “Bắc Nam Trung hòa hiệp” chi chi đó, quảng cáo choáng lên, còn bằng mấy mươi ông Bùi Quang Chiêu hôm 7 Juin [b] ở dưới tàu Kerguelen nữa kia!

            Ấy thế mà cũng có làm gì! Thì hồi đó đến giờ ông bầu gánh xiếc họ Mai đến đâu là vét tiền của anh chị em đến đó, ông chẳng nhìn bà con thích thuộc với ai trong ba kỳ này hết.

            Có kẻ bảo: Cái nghề của ông Mai Thanh Các bắt phải như thế thì ông phải như thế chớ biết sao?

            A phải, nhưng còn ông Bùi Quang Chiêu, ông há lại chẳng có cái nghề chánh trị của ông? Nghề chánh trị nhiều khi cần phải chẳng nhìn đến bà con và cũng chẳng nhìn đến … quốc dân nữa!

            Nhưng chuyện đó bung thùa ra rộng quá. Tôi thì tôi nói: ông Mai Thanh Các có ba cô Trung Nam Bắc thật mà chửa ăn ai, nữa là ông Bùi Quang Chiêu chỉ có được ba cô Trung Nam Bắc giả! 

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 32 (18 Juin 1935), tr. 2.       

Chú thích 

[a]  tiền cheo hay là tiền giây lan: theo Huình Tịnh Paulus Của (sđd.) “cheo” nghĩa là “chiêu thân”, nạp tiền cheo là nạp tiền cầu thân; đây là nói về tục lệ cưới hỏi. Tục cũ, hễ đám cưới đi ngang qua làng nào thì làng ấy đem ít thước lụa đỏ giăng ngang qua đường mà đón, gọi là “nhai lan” (= giây lan), khi ấy nhà trai phải đem tiền – nếu khác làng thì ba quan, cùng làng thì ít hơn – xin làng nhận là quen biết, để cho đi qua, tới nơi đón dâu.

[b]  chỗ này nguyên bản báo in là “6 Juin”, hẳn là sai so với “7 Juin” ở đầu bài; ở đây tạm sửa về một dạng “7 Juin”. – N.B.S.

CHẾT NGẦN ẤY ÍT QUÁ

            Về trước, ông bà cha chú ta kể chuyện Kinh thành thất thủ cho ta nghe, trong khi kể, hết sức trầm trồ, nhắm mắt le lưỡi, làm ra một việc to tát vô cùng, kinh thiên động địa, xưa nay chưa từng có. Ta nghe thấy thế, cũng yên trí mà tin, đã có lần ta kể lại cho con cháu ta nghe, cũng hết sức trầm trồ, nhắm mắt le lưỡi, làm ra một việc to tát vô cùng, kinh thiên động địa, xưa nay chưa từng có.

            Ngờ đâu, đến bây giờ, nhờ những tài liệu đáng tin, ta khảo cứu lại trận giặc kỳ khôi ấy, thấy số người chết ít quá, chỉ có một ngàn rưởi người.

            Một cái Kinh đô đóng hơn mười vạn quân, kể cả quan dân nam phụ lão ấu nữa có hơn mười lăm vạn, mà trong khi thất thủ, chỉ chết có ngàn rưởi người, thì có gì đâu?

            Tôn Quyền đánh Tào Tháo trên sông Xích Bích, vừa chết lửa vừa chết nước có hơn mười vạn. Ấy, Xích Bích còn chưa phải là Kinh đô đấy.

            Xưa hơn chút nữa, Hạng Võ chôn sống lính hàng của nhà Tần trong một đêm ở Trường Bình còn được bốn chục vạn nữa kia. Mà Trường Bình cũng chả phải là Kinh đô.

            Nhưng đó còn là chuyện bên Tàu. Tàu họ đẻ nhiều nên họ mới có được nhiều để chết; ta đừng so sánh với họ làm chi, ta nên so sánh với ta. 

            Sau khi Nguyễn Hữu Khôi cứ thành Gia Định ba năm, quan quân vây đánh hạ được thành, chôn sống hơn ba nghìn dư đảng, chưa kể những kẻ bị bắn chết giữa chiến trường.

            Nguyễn Văn Huệ đuổi quân Tôn Sĩ Nghị chạy qua sông Nhị Hà, cũng chết được đến hơn năm ngàn chôn trong bụng cá, chưa kể chôn ở gò Đống Đa.

            Gióng theo hai trận ấy, trận thất thủ Kinh thành, nên chết chừng mười vạn người mới phải, thế mà chết có một ngàn rưởi!

            Một cái Kinh thành bị mất, tức là nước bị mất, mà chết bủn xỉn như thế, rõ thật là An Nam!

            Nhưng ngồi nghĩ lại, ta biết lấy ai mà chết cho nhiều!

            Mười vạn lính đóng tại Kinh, toàn là người Tứ trực. Thấy nói khuya đêm 22 ai ở Nam Nghĩa thì đổ về phía nam, ai ở Bình – Trị thì đổ về phía bắc, họ chạy hết thảy trước khi đánh rồi, lấy ai mà chết?

            Thế thì mót máy mà chết được một ngàn rưởi, cũng khá lắm đấy chớ, tôi trở lại khen.

            Một điều không thể chối được là bụng dạ người An Nam hẹp hòi, tánh cách người An Nam nhỏ nhen, đến lúc thất bại, mất nước, cũng vẫn lòi ra cái hẹp hòi nhỏ nhen.

            Giá lúc thất thủ Kinh thành, ta chết cho được mười vạn người thì, chi không biết, chứ cũng đã thấy là oai hơn chết một ngàn rưởi người.

            Sự bủn xỉn cái chết, sự hẹp hòi nhỏ nhen về bụng dạ và tánh cách đến nay hình như cũng vẫn còn. Điều đó có lẽ là điều đáng buồn cho dân tộc!

            Ba năm có họa cọng sản, từ Nam tới Bắc chết chưa đầy một ngàn, thế mà có người đã ngồi lo rốc ráy nguyên khí của nước nhà!

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 33 (21 Juin 1935), tr. 2      

 XIN THI HÀNH ĐIỀU THỨ NHẤT

            Báo ngoài Bắc có đăng tin rằng:

            Dân hai làng Châu Phong và Hà Vi, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc
Ninh, họ dám làm như chuyên nghề nấu rượu lậu, lâu nay nấu và bán rượu tự do.

            Túng thế không làm sao cho dân hai làng ấy hết nấu rượu được, vừa rồi quan trên đã ra lệnh: Một là hủy hoại thần sắc của hai làng, hai là triệt hạ nhà cửa, ba là cho quân lính về đóng, nếu hai làng ấy không chừa mà cứ nấu rượu lậu hoài.

            Tôi đọc cái tin này mà lấy làm phục cho các quan địa phương tỉnh Bắc rất thạo về phương pháp trị dân.

            Trong cái lệnh có ba điều mà đây tôi xin luận trước về hai điều thứ hai và thứ ba.

            Triệt hạ nhà cửa, cái đó rất là thiện sách. Bởi vì họ nấu rượu phải nấu trong nhà, không nấu ngoài trời được, nay ta triệt hạ nhà cửa đi thì họ còn nấu vào chỗ nào?

            Điều thứ ba, đem quân lính về đóng ở làng, cũng lại là cái chước mầu. Vả họ nấu rượu là mong để bán. Nay ta đem hàng mấy trăm lính về đóng, họ nấu được hũ rượu nào bọn lính sẽ uống hết hũ rượu ấy, họ không có mà bán, thôi nấu làm chi?

            Tôi không biết các quan sao lại thông thái đến nghĩ ra được hai cái diệu kế ấy. Thật, đó là hai cách để triệt rượu lậu không gì bằng.

            Chỉ duy tôi không hiểu làm sao các quan lại nghĩ ra điều thứ nhất: hủy hoại thần sắc? Và tôi cũng không hiểu cái sự hủy hoại nó có hệ trọng lắm sao mà lại để lên điều thứ nhất?

            Các ông thần của hai làng ấy có bày đặt cho dân nấu rượu lậu hay sao mà hủy thần sắc các ông?

            Dân tự dân, thần tự thần, dân nấu rượu lậu sao lại đòi hủy sắc của thần? Sắc của thần có phải là vật dân họ lấy làm quý trọng lắm sao mà đe như thế là họ phải sợ và thôi không nấu rượu lậu nữa?

            Tôi thật không biết.

            Tôi không biết nhưng các quan đã để làm điều thứ nhất thì chắc các ngài cho là còn hay hơn và sẽ có công hiệu hơn hai điều kia. Vậy tôi xin các ngài hãy thi hành điều ấy đi.

            Dân hai làng Châu Phong và Hà Vi nấu rượu lậu nữa xin các quan địa phương cứ việc hủy hoại thần sắc của hai làng ấy. Thâu tiêu đi, đốt đi, đừng cho họ phượng sự nữa mà mỗi năm mỗi bày ra lễ rước sắc thêm hao tốn.

            Rồi sau đó, dân hai làng ấy còn nấu rượu lậu nữa thôi, các quan sẽ chờ xem…

            Đến như điều thứ hai và thứ ba, tuy hay thật, nhưng nó có ngại một chút, xin các quan chớ làm.

            Vẫn biết các quan làm như hai điều ấy là để trừ rượu lậu. Nhưng một đôi khi có làng nào làm giặc, chánh phủ cũng đã triệt hạ nhà cửa và sai lính về đóng rồi. Bây giờ các ngài làm cách này nữa, người ta tưởng hai làng Châu Phong và Hà Vi đã làm giặc.

            Mà, nấu rượu lậu thì bị triệt hạ nhà cửa và đem lính về đóng, rồi đến làm giặc thì bị gì? 

                   TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 34 (25 Juin 1935), tr. 2

ÔNG CẤM DI GUỐC, TÔI BUỘC ĐI GIÀY

          Quan phủ Mộ Đức vừa rồi ngài niêm yết tại phủ nha rằng: “Từ nay dân sự vào đây bẩm báo việc gì, cấm không được đi guốc nữa, phải đi chân trơn…”

          Khích lại gan quan phủ, tôi muốn niêm yết ở góc tòa soạn báo Tràng an rằng: Từ nay “dân sự” vào đây “bẩm báo” việc gì cấm không được đi chân trơn, buộc phải đi giày”.

         Ở đời rõ lôi thôi quá, đằng nào cũng có một cái lý của mình. Quan phủ cấm đi guốc, ngài có cái lý của ngài; còn tôi buộc đi giày, tôi há lại không có cái lý của tôi?

        Quan phủ chia người An Nam ra làm hai hạng: một hạng dân, như dân phủ Mộ Đức của ngài; còn một hạng quan, như chính mình ngài. Quan thì được đi giày; khi mặc phẩm phục, lại còn được đi hia. Nhưng dân, không được đi gì hết, chỉ rà chân sát đất. Hỏi vì cớ gì. Đáp rằng vì cớ dân chứ còn vì cớ gì.

          Đến phiên tôi, tôi cho rằng dù có chia người An Nam ra bao nhiêu hạng cũng mặc, rút lại ai nấy cũng người ta, thì ai đều như nấy. Vậy ta phải theo như lối chia “verbe” [a] tiếng Pháp mà nói:

          Tôi đi giày

          Anh đi giày

          Nó đi giày

          Chúng tôi đi giày

          Các anh đi giày

          Chúng nó đi giày

         Sao quan phủ không nghĩ: con gà, con heo, con chó không đi giày thì nó mới là con gà, con chó, con heo. Quan phủ muốn cho dân phải phân biệt với quan thì sao ngài lại không muốn cho người ta phải phân biệt với con gà, con heo, con chó?

         Đáng lẽ đã là người ta thì ai nấy đều phải đi giày hết thảy. Nhưng vì nghèo, họ không có tiền mua giày thì họ mang guốc đỡ, sao quan phủ lại cấm họ đi?

         Quan phủ cấm dân sự đi guốc, thế là ngài coi dân sự cũng như con gà, con chó, con heo. Một lũ như gà, như chó, như heo đến bẩm báo trước mặt quan phủ, chỉ có quan phủ thôi chứ ai mà bảo như thế là lịch sự?

         Ngoài quan phủ ra, ai nấy đều có trí khôn, đều nhìn nhận rằng đời nay hết thảy phải đi giày, không thì cũng đi guốc.

         Ngày xưa đường bằng đất, đi nó lấm chân, rồi phủi thì nó sạch, nên dù đi đất cũng chẳng sao. Đường ngày nay bị ông Tây tráng nhựa hết. Mỗi lúc trưa nắng, nhựa chảy ra, nó sẽ dính vào chân những ai đi đất, làm họ không đi được nữa. Chẳng những thế, nhựa nóng làm cho họ bị bỏng chân, rất hại vệ sanh. Chẳng những thế, nếu họ đi ngoài đường rồi vào nhà quan phủ, họ sẽ làm rây nhựa trên gạch hoa của nhà quan phủ rồi ngài sẽ mất công chùi.

          Bởi vậy, người ở đời này, không đi giày thì đi guốc, đi chân trơn là dại! Bắt người ta đi chân trơn cũng dại nốt, vì mình sẽ phải chùi gạch hoa của nhà mình.

         Nhưng tôi thì tôi bắt đi giày cả mới ưng. Vì đi guốc nó cóc ca cóc cách, nó lộp cộp lạc cạc, tôi cho là điếc tai khó chịu. Đến ngày nào người An Nam đi giày tất cả thì nước An Nam mới khá. Song quan phủ Mộ Đức ngài có mong đến ngày ấy đâu, tôi đi guốc trong bụng ngài! 

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 35 (28 Juin 1935), tr. 2

Chú thích

[a] verbe (chữ Pháp): động từ.

MỘT NGƯỜI ĐÁNG THƯƠNG HƠN HẾT

         Tôi tưởng trong những người đồng thời với ta ở thế giới ngày nay có một người đáng thương hơn hết là Phổ Nghi, vua vong quốc của Thanh triều năm nọ và vua khai quốc của nước Mãn Châu hiện giờ.

        Một mình mà làm cả ông vua vong quốc lẫn ông vua khai quốc như Phổ Nghi, thật cũng đặc biệt lắm, danh dự lắm, trong lịch sử xưa nay hẳn không có một người thứ hai nữa như thế.

        Con người làm sao mà có cái số chỉ làm vua, nhưng lại chỉ làm vua khốn vua nạn!

        Đáng thương thật. Đáng thương không những vì cái số long đong của con người ấy mà còn vì cái tâm sự khốn khổ của con người ấy.

        Hồi còn bú bị chúng ẵm mà đặt lên ngai, khiến đứng ra chịu trận trong lúc nước nhà nguy biến. Rồi ít lâu chi đó lại bị chúng hất xuống khỏi ngai, đến làm một tên dân trắng của Dân Quốc Trung Hoa.

        Hết thảy những ông vua vong quốc xưa nay có ông nào mà khỏi chết đâm chết chém? Phổ Nghi khỏi chết đâm chết chém mà làm được dân trắng suốt đời, cũng còn là có phước.

        Bây giờ là một tên dân trắng, Phổ Nghi đương qua những ngày vô vị của mình ở Thiên Tân, thì vừa xảy ra việc Nhật đem binh chiếm cứ Mãn Châu.

        Giá mấy ông mưu quốc cho nước Tàu mà biết lo xa, biết Phổ Nghi là người quan hệ với thời cuộc mà giữ ghì lấy ông ta trong lúc ấy, đừng cho ai lợi dụng, thì cuộc diện Đông Bắc không đến chết cứng như ngày nay và Phổ Nghi cũng khỏi bị làm vua khốn vua nạn một lần nữa là lần này.

       Phổ Nghi đương ở Thiên Tân thì bị người Nhật vừa khuyên vừa dọa, sau bắt như là bắt cóc đem về Đại Liên rồi đem tuốt về Mãn Châu, o bế cho lên ngôi thiên tử.

       Những người không biết, cho Phổ Nghi là dại, đi đâu chẳng biết con người Nhật Bản mà lại chịu làm bù nhìn cho họ làm chi. Nhưng trách thế là oan ông ta lắm, Phổ Nghi há có phải ngu muội gì mà không biết?

       Sở dĩ Phổ Nghi làm vua Mãn Châu là bị hiếp [a] mà làm. Điều đó ít ai biết đến. Mà các ông thử nghĩ coi: bị hiếp làm quan, thiên hạ còn có người làm, huống bị hiếp làm vua mà không chịu làm được? các ông khéo nói!

       Bây giờ Phổ Nghi làm vua mà vẫn buồn, vẫn lo ngay ngáy, vẫn sợ xanh mặt, vì chỉ có hai vợ chồng trơ trọi ở chung quanh thế lực của người Nhật, hở ra đâu một chút cũng e tai vách mạch rừng…

        Người Nhật kinh doanh Mãn Châu bốn năm nay thật là đến nơi đến chốn. Trong các thành phố, một sự gì cần có là đã có rồi. Thế mà chỉ có chỗ cung điện của vua thì chưa xây dựng, cứ để Phổ Nghi ở đậu mãi trong một dinh thự cũ. Thấy thế Phổ Nghi tự biết mình sẽ chẳng làm vua được lâu nào, Mãn Châu quốc rồi sẽ thành ra  Triều Tiên thứ hai và mình rồi cũng sẽ là một hầu tước ký ngụ tại Tô-kiêu. [b] 

     Phổ Nghi biết như thế nên buồn lắm mà không làm sao được. Nhưng ở ngoài mỗi người mười ngón tay cứ chỉ vào mà mắng là đồ ham phú quý, còn ai biết tâm sự cho ông ta?

        Bởi vậy tôi cho là đáng thương hại quá chừng.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 36 (2 Juillet 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  hiếp: cưỡng bức, ép buộc. 

[b]   Tô-kiêu: Tokyo, thủ đô Nhật Bản.

TRỜI SANH CÁI CỔ ĐỂ CHỊU CHÉM

          Bên Hoa Kỳ có nhà khoa học thương tâm vì người đời nay mỗi khi mắc tội tử hình, phải bị chém hay bị bắn, trông ghê tởm quá, nên đã phát minh ra một tử hình lối mới, giết người bằng thán khí, cho dễ chịu hơn.

        Báo Tiếng dân đăng tin ấy xong lại có ý trách bị nhà khoa học làm như thế cũng chưa giải quyết đến căn bản, nghĩa là chỉ đổi được cách giết người ghê tởm mà thôi, chớ tử hình cũng vẫn còn.

       Theo bạn đồng nghiệp, đổi cách giết cũng còn chưa dễ chịu cho bằng đừng giết, đừng có tử hình nữa, mới là dễ chịu.

            Tôi đọc đến mà phải than rằng: Ôi, người đời đa sự lắm sao!

            Chẳng những bạn đồng nghiệp Tiếng dân muốn bỏ tử hình đi là đa sự, mà cho đến nhà khoa học bên Mỹ phát minh kiểu mới, dùng thán khí giết người, cũng là đa sự nữa.

            Nói vói lên một nấc nữa thì trước đây người nào bảo cái hình chém là tàn nhẫn mà thay bằng hình bắn để cho người chết được toàn thây cũng lại đa sự một loạt như nhau.

            Theo tôi, có tội mà chẳng chém, tôi chẳng biết trời sanh cái cổ ra làm chi!

            Hết thảy chi thể trong thân người ta, mỗi cái sanh ra đều có ý nghĩa bởi ông Trời đã định.

            Như ông gì đó đã nói: Tai, mắt mỗi thứ đều có hai mà miệng chỉ có một, là ý Trời muốn cho người ta nghe thấy nhiều mà nói ít; tay, chân mỗi thứ có hai mà miệng chỉ có một, là ý Trời muốn cho ăn ít mà làm nhiều.

            Các bạn có biết tại làm sao đàn ông nằm cần có gối và ưa gối cao, còn đàn bà ưa gối thấp và đôi khi không gối cũng được không?

            Ấy là tại đầu đàn ông to và xương đầu nặng hơn của đàn bà, trong lúc nằm, làm thân thể mất thăng bằng đi, nên cần phải có gối và gối càng cao càng lại đầu cân. Còn đàn bà thì xương mông to và nặng hơn của đàn ông, lúc nằm, sức nặng đọng lại ở giữa, thành thử không có gối cũng chịu được.

            Nhưng sở dĩ làm sao đàn ông phải có cái đầu to và đàn bà phải có cái mông to như vậy? Điều đó cũng tại bởi ý Trời.

            Người ta hay nói: Đưa đầu ra mà chịu. Vậy cho biết con người ở đời mà chịu được mọi sự đụng chạm trong cơn phấn đấu là chỉ nhờ cái đầu mà thôi. Vả trong xã hội loài người ngày nay, đàn ông giữ cái chủ và chính trong trường phấn đấu, cho nên cái đầu đàn ông phải to hơn, to hơn để mà chịu…

            Bộ xương mông của đàn bà là để hộ vệ cho cái phần ở đằng trước, nó có to thì mới đủ sức trong cơn sanh đẻ. Trời để dành phần sanh đẻ cho đàn bà nên đã sắm bộ xương mông họ to hơn, để có sức mà sanh đẻ.

            Cũng như các lẽ vừa nói đó, cái cổ con người ta, Trời sanh nó ra để mà chịu chém.

            Các bạn hãy xem, từ mông đến đầu người ta, chỗ nào cũng to hết, chẳng có chỗ nào vừa với một nhát dao, chỉ có chỗ cổ mà thôi.

            Nếu ông Trời chẳng có ý làm chỗ ấy nhỏ đi cho vừa một nhát dao thì cứ để thân thể con người lớn cả như khúc lưng có được không, can chi phải thắt cái đoạn trên vai cho nhỏ lại?

            Theo lẽ tự nhiên phải còn có tử hình luôn luôn và tử hình thì phải chém luôn luôn. Ấy là vì cớ lẽ tự nhiên chớ không phải vì cớ người An Nam hay làm cách mạng và cọng sản.

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 37 (5 Juillet 1935), tr. 2

BẮT PHONG TRẦN PHẢI PHONG TRẦN

            Cùng ngày với ông Hồ Ngọc Cẩn được phong chức Giám mục ở bên ta, 29 Juin, ở bên Bỉ-lỵ-thì, [a] một người Tàu là ông Lục Trưng Tường cũng được phong chức ấy.

            Nói tới cái tên Lục Trưng Tường, trong bạn đọc chắc có người nghe như quen quen thì phải.

            Phải, Lục Trưng Tường chẳng ai đâu lạ, là một nhà ngoại giao nổi tiếng của nước Tàu, trải bao lần làm công sứ mấy nước bên Âu châu, làm Ngoại giao bộ tổng trưởng, rồi đến làm Nội các tổng lý; kể ra nhân vật trong chánh giới bên ấy, họ Lục cũng là người đi trước bước xưa như Đường Thiệu Nghi chẳng hạn.

            Thế mà ông ấy bỏ đi tu. Năm nay 65 tuổi thì lại được phong làm Giám mục.

            Mười mấy năm trước đây, Lục Trưng Tường vì cớ vợ là người Bỉ, hay đau yếu, không có con, muốn về bên Âu châu dưỡng bệnh, bấy giờ Lục đương làm Ngoại giao tổng trưởng, liền từ chức mà xin làm Công sứ ở Thụy Sĩ. Chẳng may ở Thụy Sĩ được sáu năm thì bà vợ qua đời, và cái chánh phủ Bắc Kinh bên này cũng tiêu diệt. Đã buồn vì việc nhà, lại buồn vì việc nước, Lục Trưng Tường bèn xuất gia mà vào nhà tu của Giáo hội Thiên Chúa ở Bỉ-lỵ-thì.

            Theo lời ông ta lúc bấy giờ, ông ta chán việc đời lắm, đeo đuổi phong trần mãi mà chẳng có ra chi, nên mới bỏ hết mà quyết chí đi tu. Cái gia tài đến mấy chục vạn, ông đem cho một nhà chung ở Thượng Hải; cái tủ sách năm ngàn pho đem cho một đồ thơ quán bên Đạo; cho đến làm quan mười mấy năm được bao nhiêu là huy chương của các nước, ông cũng đem nạp vào nhà tu cả; và, muốn để tỏ lòng không còn ham phú quý, ông chọn ba cái thật đẹp dâng cho đức Giáo hoàng. Đáng tiếc nhất là bộ râu ba chòm dài tới ngực mà Lục Trưng Tường cũng cạo phăng.

            Thế rồi vào nhà tu, chịu một sự sống rất cần khổ và thanh đạm. Trong ý có toan để bữa sau lên thiên đường không thì không biết, nhưng chắc là để dứt hẳn với sự rộn rịp chốn hồng trần.

            Lục ở nhà tu đến năm nay là tám năm. Cứ một vài năm lên một chức gì đó rồi đến năm nay lên chức Giám mục, thọ phong, cũng như cụ Hồ Ngọc Cẩn bên ta.

            Tám năm nay cái tên Lục Trưng Tường không nghe ai nhắc đến, cũng không hề thấy trên các báo lần nào. Bây giờ, trước ngày 29 Juin, các báo bên Tây bên Tàu đều có đăng chuyện Lục Trưng Tường thọ phong và chúc tụng lắm lời. Các giáo hội Thiên Chúa bên Tàu gởi điện tín qua Bỉ-lỵ-thì chúc mừng họ Lục cũng luôn luôn không ngớt. Trong đám quan liêu quen biết cũ ở các nước Âu châu cũng gởi thơ hoặc điện tín chúc mừng, hoặc lễ vật làm kỷ niệm.

            Còn nói chi bên tổ quốc ông ta là bên Tàu, người trong các giới gởi đồ làm kỷ niệm càng nhiều: những liễn, trướng, hoành phi, người ta đếm tới hai ba trăm bộ.

            Té ra bây giờ trở bận rộn hơn hồi làm Nội các tổng lý nữa, ông Lục Trưng Tường phải nuôi đến mười thầy thơ ký viết đủ các thứ chữ để trả lời những giấy gởi mừng theo tục lệ.

            Té ra đức Chúa Trời đã bắt phong trần thì phải phong trần. Đừng nói vào nhà tu mà khỏi phong trần: đến ngày làm Giám mục là ngày chịu phong trần nhiều hơn!      

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 38 (9 Juillet 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948): giám mục người Việt đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam; Bỉ-lỵ-thì   : phiên âm chữ Hán tên nước Belgium, gọi tắt là Bỉ. 

“DỨT ÍT CHIA NHIỀU”

            Hồi năm 1721, tức là cách 214 năm nay, nước Nga có bị đắm một chiếc tàu chiến ở biển Ba-la-đích. [a] Liền sau đó, chánh phủ Nga đã toan trục lên, nhưng vì hồi bấy giờ đồ nghề không tốt nên trục lên không được, vẫn phải để yên chiếc chiến hạm ở dưới đáy biển cho đến bây giờ.  

                Trước đây hai năm, một vị bá tước ở nước Thụy Điển có dò theo địa đồ hàng hải đời xưa mà chỉ ra chỗ chiếc tàu ấy đắm một cách đích xác; dầu vậy không ai để ý đến.

            Ngày 3 Juillet vừa rồi, đội hải quân cứu nạn của nước Thụy Điển tình cờ phát hiện được chiếc tàu bị đắm ấy và từ trong đó lấy ra một mớ tiền vàng.

            Chỗ phát hiện là bờ biển Xi-duy-a-bảo, [b]  gần với kinh thành nước Phần Lan. Chỗ này ngày xưa thuộc về phần đất nước Thụy Điển, bây giờ thuộc về nước Phần Lan.

            Nói “một mớ tiền vàng”, bạn đọc nghe, hẳn cũng tưởng cho là nhiều, nhưng nhiều hết sức cũng bằng số vàng người mình được ở bãi biển Sầm Sơn ngoài Thanh Hóa năm kia.

            Không, nhiều hơn nữa. Một mớ tiền vàng này, người ta tính theo thời giá, bằng hai trăm triệu mã-khắc [c]  của Phần Lan, chớ chẳng phải ít ỏi gì.

            Một mã-khắc Phần Lan là bao nhiêu, tôi không được biết; cho nên tôi cũng không tính ra được hai trăm triệu mã-khắc là bao nhiêu. Tuy vậy tôi biết chắc nó nhiều hơn số vàng đã được ở Sầm Sơn chỉ đáng giá có sáu vạn đồng bạc.

            Theo điện tín bên Thụy Điển, sau khi được số vàng hai trăm triệu mã-khắc ấy, người ta đã xử trí một cách phải chăng mà chia làm ba phần bằng nhau cho ba cái cơ quan nhận lấy: một là viện Bác vật Xi-duy-a-bảo, hai là trường học hải quân ở kinh thành Thụy Điển, ba là đội hải quân cứu nạn.

            Xi-duy-a-bảo là chỗ có vàng nên người ta chia một phần cho viện Bác vật ở đó. Trường học hải quân là mẹ của đội hải quân cứu nạn nên cũng đáng được một phần. Còn một phần về tay đội hải quân cứu nạn thì thật phải hết chỗ nói, vì chính những người của đội ấy xí được vàng này vậy.

            Bên Tây họ được vàng họ chia như thế, thành ra ai nấy bằng lòng, chẳng có ai cằn rằn gì hết; không như bên ta, nhơn một chuyện được vàng ở Thanh Hóa, làm cho kẻ nói thế này, người nói thế khác.

            Lạ nhất là những người đã chính tay mò được vàng ở Sầm Sơn, người ta chẳng hề chia cho họ ít nhiều, lại còn bắt phải trả hết ra về cái số vàng mình đã được.

            Sao những người ấy cũng có công lao như đội hải quân cứu nạn ở Thụy Điển mà lại bị vét sạch sành sanh, không có sở đắc gì cả?

            Cho đến bây giờ số vàng thâu hết lại để dồn một đống đó cũng chưa biết rõ sẽ làm của ai. Có lẽ người ta cứ để mãi, để mãi…, lâu ngày rồi cũng chẳng ai buồn nhớ đến nữa!

            Sách nho có chữ “tuyệt thiểu phân đa” nghĩa là dứt ít chia nhiều. Nói cho rõ hơn nữa: Khi mình có món đồ ăn gì, nó ít quá thì mình ăn phứt đi, bao giờ có nhiều hãy chia cho nhau vậy.

            Có kẻ bảo: bên Tây bên ta, hai bên làm đều phải cả, vì người ta có hẹn cùng nhau làm theo câu sách ấy! [d]

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 39 (12 Juillet 1935), tr. 2.   

Chú thích

[a]  Ba-la-đích: biển Baltic.

[b] Xi-duy-a-bảo: chưa rõ địa danh này bằng chữ Latin.

[c] mã-khắc Phần Lan: Markka, tên đồng tiền quốc gia của Phần Lan (Finland); từ năm 2002 Phần Lan đã chuyển sang dùng chung đồng euro với cộng đồng châu Âu.

[d]  Tràng an số 40 (16.7.1935) trong mục “Có có không không” là bài Ăn bẩn sống lâu, ký Hương Giang Thiếu Niên.

BÊN TÀU CẤM HÚT, BÊN AN NAM HẾT THUỐC PHIỆN LẬU

            Có nhiều việc trong thiên hạ, làm ở một nơi mà thành hiệu ở một nơi, cái đó nghĩ cũng kỳ.

Thuốc phiện lậu ở xứ ta chừng mươi năm nay có thể nói rằng càng ngày xuất sản ra càng lắm, ban đầu ở ngoài Bắc rồi dần dần bán vào khắp các miền Nam. Thế mà mới chừng vài tháng nay bỗng dứt hẳn.

Ở Huế hay ở Quảng cũng vậy, mấy tháng trước họ bán cứ 2$ một lạng, mà bây giờ dầu 4$ một lạng kiếm cũng không có mà mua, vì không còn có thuốc đâu nữa.

Gần nay có thấy trên tờ báo nào nói sự thuốc phiện lậu bị bắt như trước kia nữa đâu? Còn trước kia thì nhật trình nói đến luôn, hôm thì bắt ở tỉnh này, hôm thì bắt ở tỉnh khác.

Ngay ở ga xe lửa Huế, mấy tháng trước chuyến xe tốc hành nào ở ngoài vô, cũng có lính thương chánh lên soát cả, vậy mà dạo này thấy vắng, không ai soát hết, cũng không có ai mang thuốc phiện đi hết.

Về điều đó, ai không biết thì nói tại sở Thương chánh ta làm việc giỏi, đã chặn đường triệt cả thuốc phiện lậu được rồi.

Nhưng người biết thì họ không bảo vậy. Họ nói rằng đó là tại bên Tàu cấm hút và cấm trồng thuốc phiện ngặt quá nên làm cho hết cả thuốc phiện lậu ở xứ ta.

Hôm trước báo Tràng an có nói mấy năm nay mà chánh phủ Nam Kinh chém và bắn đến 360 người vừa bán vừa hút thuốc phiện thì bảo sao thuốc phiện lậu của xứ An Nam này không hết được?

Ngặt nhất là tại bên Tàu họ cấm trồng cây thẩu, chớ cái sự cấm hút cũng còn chưa ngặt mấy.

Họ cấm trồng nên cả xứ Tàu không có thuốc phiện nữa. Mấy ông Khách mới lùng qua An Nam mà mua. Bao nhiêu “Vân Nam” họ qua vét sạch cả rồi, họ tìm đến “mẹo”.

Người ta nói thuốc phiện ở mạn Nghệ An đi lên, bây giờ người mình không làm sao mua được nữa, vì có bao nhiêu, người Tàu đổ tiền ra mua sỉ hết, người mình không có vốn đâu đủ mua tranh với họ, vì vậy mà bấy lâu không có thuốc phiện lậu bán.

Như thế thì tưởng nhà Đoan xứ mình cũng chằng cần đặt đội lính bắt đồ lậu làm chi. Ta cứ ngồi khấn cho chánh phủ Nam Kinh thi hành mãi cái lệnh cấm yên [a] thật gắt, ấy là thuốc phiện lậu ở ta phải tuyệt tích. Còn thây kệ họ cấm yên mà người Khách vẫn mua thuốc phiện bên này đem về bên ấy!

              TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 41 (19 Juillet 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  yên : âm chữ Hán  hoặc – nghĩa đen là “khói”, trỏ thuốc phiện.

BAO GIỜ CHO CON VOI ĐẾN?

            Lần nọ một vị đại đức bên Ấn Độ sang diễn thuyết cho người Tàu nghe tại Thượng Hải. Trong bài diễn văn, vị đại đức có thuật lại một chuyện ngụ ngôn đầy triết lý mà là thứ triết lý như thổ hóa của xứ Ấn Độ.

            Buổi chiều kia, một con ong bay đi du ngoạn trên bờ ao. Vừa tiết đầu hè, dưới ao một bông sen nở ra trước hết thảy các bông khác. Con ong vờn chung quanh đã thèm rồi hạ ngay vào giữa bông sen. Ong ta ra sức dày đạp những cái tua vàng và rúc rỉa những vụn phấn. Nó lấy làm thỏa lòng lắm, nghĩ mình như một ông tướng thắng trận.

            Mặt trời lặn. Những cánh bông sen từ từ khép lại. Nó khép lại rồi không mở ra nữa. Thế là ong ta bị cầm tù ở trong bông sen.

            – Ta ở đời cứ hoạt động luôn, cạnh tranh luôn, mà không có hồi an nghỉ, chẳng là trái với đạo trời? Huống chi bây giờ tối rồi, có bay đi đâu nữa cũng chẳng làm chi. – Con ong nghĩ như thế rồi nó nằm yên trong những cánh sen một cách tự đắc. Chẳng những nó không coi bông sen khép lại như thế là giả thù nó mà nó còn coi là làm dịp tốt cho nó.

            Bỗng có một con voi đi đến. Nó lấy cái vòi quơ qua một loạt trên bờ ao. Rồi hết thảy bông sen hoặc chưa nở hoặc đã nở, trong số đó có cả bông sen mà con ong đương dùng làm chỗ nghỉ nữa, cũng đều bị chôn vào bụng con voi.

            Thế là hết chuyện. Thế là con ong, bông sen cũng chẳng làm gì, mà hoạt động, cạnh tranh cũng vô ích!

            Đó là thứ triết lý riếng của Ấn Độ, vị đại đức thấy dạo ấy người Tàu hăng hái cách mạng quá nên đem giảng cho họ nghe, như muốn bảo họ rằng: Các anh đừng làm rộn uổng công, rồi đây con voi đến là hão cả!

            Chuyện ngụ ngôn ấy ta có thể tùy việc mà cắt nghĩa. Con ong và bông sen có thể ví với người ta hay các nước; con voi có thể ví với cái chết hay sự hủy hoại lớn. Theo triết lý ấy thì chúng ta chẳng nên làm gì cả. Rất đỗi đến nước có mất đi nữa cũng nên cứ để yên cho nó mất, quốc dân chớ dại mà lăm le đổ máu để lấy nước lại.

            Quốc dân Ấn Độ thật đã thực hành được cái triết lý ấy. Có rục rịch có cất nhắc là bọn ông Gandhi, cũng chỉ ngả về mặt tiêu cực. Hèn chi có người nói: Dân Ấn Độ là dân không có lịch sử, chỉ có triết lý!

            Thế cũng hay. Nhưng mà bao giờ cho con voi đến?

            Người An Nam ta không có cái triết lý ấy bằng Ấn Độ là chỉ vì có câu hỏi này trong óc mọi người: Bao giờ cho con voi đến?

            Ông phủ Mai làm nhiều việc trái mắt thì mặc ông ấy, ong cử Thống kiện làm gì?

            Ông cử Thống, có trát đòi mà không đi, cũng kệ ông, mắc chi ông huyện Quỳnh Lưu lại đánh ông cử Thống?

            Giá sau khi chết rồi mà còn biết nghĩ, thì các ông này sẽ đều hối hận việc mình làm là tầm bậy cả. Ngặt vì lúc các ông đương làm đây, các ông chưa chết.

            Ông cử Thống hôm nay nằm nghỉ trong nhà thương, ra điều tự đắc. Ông huyện Quỳnh Lưu, chính mình đã làm như các cánh sen khép lại, còn tự đắc hơn. Những cái tự đắc ấy đều bởi con voi chưa đến.

            Bao giờ cho con voi đến? [a]   

TUỆ TINH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 42 (23 Juillet 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Sau số này, trong mục “Có có không không” trên Tràng an :

s. 43 (26.7.1935) là bài Ở đời không có chi mới lạ cả, ký Hương Giang Thiếu Niên;

s. 46 (6.8.1935) là bài Cải tử hoàn sinh mà làm gì? ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh);

s. 47 (9.8.1935) là bài Tại sao thầy Nguyễn Văn Ngọc trúng số độc đắc? ký Hương Giang Thiếu Niên;

s. 49 (16.8.1935) là bài Không thay đổi càng hay, ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh);

s. 50 (20.8.1935) là bài Từ tòa Khâm sang các bộ, ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh);

s. 51 (23.8.1935) là bài Người mình nói chuyện giáo dục, ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh);  

Trên Tràng an s. 44 (30.7.1935), s. 45 (2.8.1935), s. 48 (13.8.1935): không có mục này.

BÀ ĐEN LÀ GÌ?

            Ở Tây Ninh (Nam Kỳ) có hòn núi Bà Đen. Trong núi có nơi phong cảnh đẹp và có hai ngôi chùa: một ngôi gọi là chùa Kim Sa, thờ Linh Sơn thánh mẫu.

            Kim Sa nghĩa là “cát vàng”. Vì ở đó có cái khe chảy ra nước lẫn cát, mà bụm nước vào tay xem thì thấy trong cát có bụi vàng lóng lánh, có lẽ núi đó có mỏ vàng thì phải.

            Còn Linh Sơn thánh mẫu thì hình như một vị thần tiên gì trong tiểu thuyết. Nhớ như trong truyện Đường có Linh Sơn thánh mẫu dạy phép cho Phàn Lê Hoa.

Chùa Kim Sa thờ Linh Sơn thánh mẫu cũng như đạo Cao Đài thờ Tề Thiên đại thánh; ở Nam Kỳ thì người ta làm như thế, không có gì đáng lấy làm lạ.

            Mới rồi đức Bảo Đại có phong sắc cho vị thần thờ trong chùa đó nhưng cho Bà Đen chớ không phải cho Linh Sơn thánh mẫu.

            Phải, Linh Sơn thánh mẫu là thần thánh trong tiểu thuyết, nhà vua không phong sắc cho, cố nhiên rồi; nhưng sao lại phong sắc cho Bà Đen? Bà Đen là bà gì?

            Sắc như thế này: “… Làng sở tại phụng sự Bà Đen mấy lâu, nẩm trứ linh ứng, [a] nay phong cho chức Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, v.v…”

            Tôi đọc tới mà tức cười quá. Không biết cái ông gì ở bộ Lễ làm cái sắc này, ông có biết Bà Đen là bà gì không?

            Ông lầm rồi, mà cái lầm của ông to cũng bằng con voi đức Bảo Đại mới mua về! [b]

            Chẳng những bà đen không là bà gì mà cũng không có bà ấy nữa! Những tên đất trong Nam Kỳ có nhiều tên bằng tiếng “bà” như thế, như Bà Rịa, Bà Hom, Bà Quẹo, Bà Điểm,…

            Ấy là tên của Cao Miên mà ta kêu theo. Bà Đen cũng như các thứ “bà” trên đó, chỉ là tên đất mà thôi, chớ không phải Bà Đen có thể dịch ra là “Madame Noire” đâu vậy!

            Như thế thì sao người ta lại thờ bà ấy được mà “nẩm trứ linh ứng” kìa? Như thế thì làm sao nhà vua lại phong sắc cho được kìa?

            Bà Đen chỉ là tên một hòn núi kia mà!

            Mà theo tiếng Cao Miên cho đúng, núi ấy phải kêu là “Chơn Bà Đen” chớ không phải Bà Đen. Vì thật, nguyên tên núi ấy là “Chơn-bà-đen” mà người mình kêu hà tiện đi một tiếng. Nếu cái ông gì làm sắc cãi rằng Bà-đen nghĩa là người đàn bà mặt đen thì ông cũng nên nói luôn rằng Bà-quẹo là người đàn bà có tay quẹo hay chân quẹo. Nhưng khốn thay đến Bà-rịa, Bà-hom, Bà-điểm thì ông không cắt nghĩa được nữa! [c]

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 52 (27 Août 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  Nẩm trứ linh ứng: chưa rõ nghĩa.

[b]  Việc vua Bảo Đại mua thêm voi là việc có thật; chính Tràng An số đăng bài này cũng đưa tin con voi mua thêm ấy được đưa từ Đà Lạt về Huế, trưa 22/8/1935 phải cấm người và xe qua cầu Tràng Tiền để voi đi qua; con voi này một ngà, được đặt tên là “An Bắc tượng”.

[c]  Sau số 42 báo Tràng an, trong mục “Có có không không” không còn thấy bài ký Tuệ Tinh nữa, thay vào đó là các bài ký tên Hương Giang thiếu niên (chưa biết bút danh của ai), Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh); từ số 52 trong mục này bắt đầu xuất hiện bút danh Sao Đuôi, các bài ký bút danh này cho thấy khá rõ những nét riêng của Phan Khôi trong văn hài đàm. Tôi cho rằng Sao Đuôi là một bút danh nữa của Phan Khôi trong thể văn tiểu phẩm, trào phúng. – N.B.S.

NGƯỜI CHẾT NHIỀU HƠN KẺ SỐNG 

            Cái đầu đề đó hiện ra ở dưới ngòi bút tôi hôm nay nhưng nó đến trong trí tôi từ chiều chủ nhật trước, sau một cuộc du lãm trên núi Ngự Bình.

            Tội nghiệp cho tôi! Người ta đi chơi trên núi Ngự Bình thì sao họ thấy những cảnh gió mát, thông reo, trăng lên, khói tỏa là những cảnh nên thơ; mà còn tôi, vô duyên lắm thay, tôi không thấy những cái ấy mà chỉ thấy cái … chết!

            Úi chà! Làm sao mà ở trên núi Ngự Bình trông xuống tôi thấy những mả là mả! Những cái bãi tha ma khuất đi dưới những trái đồi nhỏ làm mình ở trên cao trông xuống không thấy chẳng nói làm chi. Chỉ kể những bãi tha ma trông thấy rõ lắm cũng đến mươi cái là ít, mà số mả thì ôi thôi, không biết bao nhiêu mà kể.

            Tôi thâu lại một con số rất nhỏ, cho đi rằng mười vạn nấm mồ. Thế cũng còn nhiều hơn số người hiện sống ở Kinh thành đây đến gấp tư gấp năm.

            Người chết nhiều hơn kẻ sống là một cái hiện trạng đáng buồn cho người thấy nó.

            Thình lình tôi hỏi tôi một câu trong lúc bất ngờ: Bởi sao ở chỗ Kinh thành lại có nhiều người chết thế kia?

            Phải chăng chỗ này là chỗ danh lợi để nhử khách bốn phương: họ đến đây tranh đoạt cùng nhau cho chán rồi rốt cuộc rủ nhau ra nằm ở nơi đất sỏi cây cằn, chung quanh núi Ngự Bình trông xuống?

            Phải chăng từ hơn ba trăm năm nay, chỗ này làm chỗ giành nhau, trước hết là Nguyễn với Trịnh, giữa là Nguyễn với Tây Sơn, sau là người Nam với người Pháp, rồi rốt lại chỉ còn nhắm xương tàn vùi trong những cái bánh dầy bằng đất để làm cảnh bằng điếu cho khách du quan?

Phải chăng bên cạnh cái cao quý, cái trọng vọng, cái vinh hoa, thì luôn luôn có cái thối tha, cái thảm sầu, cái vô danh vô vị?

Phải chăng gần với cái hách dịch là cái điêu tàn, tiếp sau cái sống lẫy lừng là cái chết ủ dột?

Số người chết mà nhiều đến gấp tư gấp năm như thế, làm cho tôi biết quả rằng sự sống của người sống ở đây là không vững chút nào. Họ chạy đằng nào cho lọt ra ngoài cái số chết gấp tư gấp năm ấy được?

Đã thế thì làm quái gì với cái hách dịch? Mà sống cho thật lẫy lừng chăng nữa, trong mươi, mười lăm năm tới đây cũng chẳng còn lẫy lừng với ai?

Tôi thấy cái cơ nguy của bao nhiêu người sống ở đây!

Tôi còn thấy cái cơ nguy hơn nữa của bao nhiêu người sống ở đây mà sống một cách hách dịch lẫy lừng, vì những người ấy chiếm một số rất ít!

Tôi cũng thấy cái cơ nguy của tôi nữa, vì tôi cũng là một trong đám người sống ở đây và tranh danh đoạt lợi!

Biết đâu vài mươi năm nữa lại chẳng có người như tôi, lên trên núi Ngự Bình trông xuống mà bằng điếu những nhắm xương tàn vùi trong cái bánh dầy bằng đất lại còn nhiều hơn ngày nay, mà trong đó có những người sống tầm thường, có những người sống lừng lẫy, có cả tôi!…  

 SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 53 (30 Août 1935), tr. 2

KHOA HỌC CỦA NƯỚC VIỆT NAM

                Thành phố Hà Nội bàn với ông Nguyễn Công Tiễu chán rồi vừa đây mới bỏ ra số tiền một trăm đồng để ông ấy dùng mà trừ cái nạn ve sầu cho thành phố.

            Cho thành phố? Thà nói rằng “cho một hạng người trong thành phố” còn dễ nghe hơn!

            Mà “cái nạn” ư? Thứ ve sầu thì hòng làm gì cho nên nạn chứ?

            Nhưng, trong mắt quan Đốc lý và những người như ngài, tức là một hạng người trong thành phố, thì ve sầu quả là cái nạn thật. Vì nó làm mất giấc ngủ trưa của họ là sự chẳng vừa, cũng cầm bằng những trận thiên tai khốc hại.

            Thế mà từ xưa đến nay, dân cư ở Hà Nội chẳng hề cảm thấy cái nạn ấy. Có lẽ là bởi những người ở phố Hàng Bông, Hàng Lờ, phố Cầu Gỗ, phố Lò Sũ,… họ cắm cúi làm việc cả ngày, họ không có giấc ngủ trưa cho nên họ chẳng hề thấy bực dọc bởi con ve sầu.

            Còn một hạng người nữa ở Hà Nội như bọn ông Nguyễn Khắc Hiếu thì có lẽ lại yêu quý ve sầu lắm, vì có nó mới điểm chuyết cho cảnh mùa hè có vẻ nên thơ.

            Dù vậy, hễ nó đã phá giấc ngủ trưa của một hạng người là nó đáng bị trừ diệt, tốn kém bao nhiêu của thành phố cũng phải trừ diệt, không luận một trăm đồng.

            Đã có sẵn ông Nguyễn Công Tiễu, một nhà khoa học mới tinh hão của nước Việt Nam chúng tôi ra phụng mạng làm việc đó rồi.

            Phải, khoa học của nước Việt Nam là để trừ nạn ve sầu cho người ta êm giấc ngủ trưa hơn là để bày ra cái máy móc gì hầu lợi cho nghề nông trong khi làm chức Khuyến nông sứ!

            Nhưng theo tôi tưởng thì người ta như thế cũng còn là khá.

            Đọc sử nước Pháp, thấy có chỗ nói trước hồi Đại cách mạng, bọn quý tộc còn có quyền thế lừng lẫy bao nhiêu. Bấy giờ trong thành Paris có lắm hồ ao sinh tụ những ếch nhái. Những con vật này nó kêu oạch oạch thâu đêm làm cho bọn quý tộc không ngủ được, thì họ sức cho hàng ngàn dân trong thành đi bắt mà giết đi. Họ không phải tốn tiền và mất công gì cả.

            So với việc ấy thì thành phố Hà Nội bỏ ra đến một trăm đồng bạc chuyến này cũng còn là nhũn lắm đấy; chỉ tiếc thay cho cái khoa học của nước Nam!

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 54 (3 Septembre 1935), tr. 2

QUAN PHỦ TỊNH GIA NGÀI RA LÀM GÌ

            Có một vài quan phủ quan huyện miền Bắc Trung Kỳ, hình như vì trải qua các cuộc biến loạn từ năm 1929 đến năm 1931, rồi cho đến năm nay mà tinh thần còn chưa định, bởi vậy các ngài còn có lắm cái cử chỉ thất thế.

            Tôi không muốn nhắc lại câu chuyện ông huyện Quỳnh Lưu làm chi, vì hôm nay tôi có câu chuyện ông phủ Tịnh Gia để mà nói.

            Theo báo Sao mai  [a] ra ngày 30 Août, ông Trần Bá Vinh có kể chuyện hôm ông đi xe cam-nhông ra Thanh Hóa, khi đi ngang đồn Tịnh Gia có xảy ra đám rầy lộn giữa mấy người cai đội ở đó với ông ta vì sự đòi khám căn cước và soát xe. Liền đó ông Trần cho mời quan phủ Tịnh Gia ra làm chứng. Quan phủ ra ngay.

            Ông Trần Bá Vinh viết rằng: “Tôi liền cho một người thơ ký tôi vào mời quan phủ Tịnh Gia Vũ Văn Sâm ra để làm chứng cho tôi về sự người cai và người lính ăn nói bất nhã và vô lễ ấy.”

            Tôi đọc qua mấy hàng đó của ông Trần mà lấy làm lạ.

            Tôi không lấy làm lạ mấy về sự ông Trần cho người thơ ký của mình đi mời quan phủ; nhưng lạ lắm là quan phủ đã thân chinh đi ra đến tận chỗ theo như ông Trần có nói tiếp ở đoạn sau.

            Chức tri phủ đặt ra để làm việc gì? Làm việc gì, dầu cho tôi không biết mà nói đi nữa chứ tôi cũng dám biết chắc rằng không phải đặt ra để đi làm chứng những đám rầy lộn của người đi đường vậy.

            Giá đám đánh lộn thì còn có lý. Giá hồi đó bọn lính quá tay đánh ông Trần Bá Vinh chết ngay mà ông phủ đi đến tận chỗ thì còn có lý, vì “nhân mạng” là “chí trọng” và vì tri phủ có cái chức trách “thân dân”.

            Chớ ông Trần Bá Vinh bị bọn lính nói bất nhã, vô lễ thì có kệ ông ấy. Bao giờ chúng có đem đến kiện ở phủ, ta sẽ hay, tội gì đi đâu cho mệt xác?

            Theo tôi, tôi làm tri phủ Tịnh Gia thì tôi không thèm ra đấy, mà ngài, ngài ra làm gì?

            Theo tôi, tôi được làm tổng đốc Thanh Hóa lấy nửa tiếng đồng hồ là tôi cũng lợi dụng cái thời giờ ấy để sức nhà tơ [b] thảo một lá trát quở quan phủ Tịnh Gia về việc khinh suất ấy. Thế mà ngài làm quan phủ, ngài ra làm gì?

            Huống chi, theo lời ông Trần Bá Vinh thì quan phủ ra chẳng có được việc gì cả. Nói qua nói lại gì với quan phủ một vài câu rồi ông Trần viết:

            “Quan phủ không trả lời, chỉ làm thinh”.

            Tôi đọc đến đó, thấy như ông Trần Bá Vinh là ông gì oai lắm, còn ông phủ thì như anh trùm nhà quê, vẫy một cái là chạy lại ngay và quở cho một hồi là đét mặt!

            Ấy thế mà không chừng, tôi đây, nếu tôi ăn mặc như ông Cử Hồ Phi Thống mà tới công đường ngài, có lẽ ngài lại làm như hùm như hổ với tôi đấy, quan phủ Tịnh Gia! [c]

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 55 (6 Septembre 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  Sao mai: tuần báo ra ngày thứ sáu, xuất bản tại Vinh; số 1 ra ngày 12/01/1934; số cuối cùng, s. 287 ra vào tháng 8/1939; giám đốc: Trần Bá Vinh.

[b]  nhà tơ: nhân viên văn phòng chuyên soạn thảo giấy tờ.

[c]  Sau số này, trên Tràng an: s. 56 (10.9.1935), s. 57 (13.9.1935) không có mục “Có có không không”. Trên Tràng an s. 58 (17.9.1935) trong mục “Có có không không” là bài Sau bữa cơm của những người không vợ, ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh)

NÓI CHƠI THÀNH THIỆT

            Ở mục này có một lần tôi đã nói về “thuế thẻ bài ngà”. [a] Tôi bày cho chánh phủ đánh thuế những cái thẻ bài ngà của những ông gì đó mang đi ngoài đường phố để giúp cho sổ dự toán.

            Hồi đó tôi thấy sổ dự toán thiếu hụt mà nói chơi vậy, không ngờ lời nói chơi ấy bây giờ có chỗ đã thành thiệt rồi.

            Ở Nam Kỳ, Hội đồng quản hạt nhóm mấy hôm nay người ta đương bàn về sự đánh thuế phẩm hàm.

            Phẩm hàm trong Nam Kỳ chỉ có Phủ và Huyện. Mà ông Phủ ông Huyện ở đó được đeo dây băng chớ không đeo thẻ bài. Vậy nếu có thuế thì cái thuế ấy nên gọi là “thuế dây băng”.

            Tuy nhiên, dây băng hay thẻ bài chẳng qua là vật ở ngoài, mà đánh thuế chính là đánh vào cái phẩm hàm của người nào có nó. Vậy thì có thể nói rằng thuế dây băng hay thuế thẻ bài cũng chỉ là một thứ thuế như nhau.

Chưa biết sự bàn ở Hội đồng quản hạt Nam Kỳ đây rồi có được thông qua mà đem thi hành không, chứ ở đó mấy ông có phẩm hàm đương lo lắm. Không lẽ bây giờ đem rứt cái dây băng mà liệng mẹ nó đi, song để nó trong mình mấy ông thật là khó chịu.

– Lúa bán không được.

– Bán có được nữa, giá lúa cũng rẻ mạt, chẳng được mấy đồng!

– Nhức nhối! Hay vậy hồi trước chẳng phẩm hàm nữa mà làm gì cho thêm chuyện!

Đó là lời của mấy ông phủ hàm, huyện hàm ở Lục tỉnh đương bứt đầu bứt cổ than thở với nhau.

Ở Nam Kỳ như thế thì người ta cũng phải lo cho ở Trung Kỳ rồi e cũng như thế.

Hoặc giả đến ngày 5 Octobre tới đây, ở trên tấm thảm xanh bàn hội nghị Dân biểu Trung Kỳ người ta cũng sẽ đưa ra vấn đề ấy chăng.

Nam Kỳ chưa biết thế nào, chứ Trung Kỳ, nếu có đi nữa, tôi cũng dám chắc là các ông dân biểu ta sẽ không thuận.

Vì sao?

Vì trong đám dân biểu hầu hết ông nào cũng có thẻ bài, chính các ổng phải tự vệ trước cho mình chớ.

Ấy vậy mà rồi khóa sau các ông lại sẽ được tái cử đấy. Bởi các vị hưu quan, các vị tú tài thưởng Hàn lâm đãi chiếu sẽ tin rằng các ông ấy binh vực cho họ và họ sẽ bỏ vé cho. [b]  

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 59 (20 Septembre 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  Đấy là bài Một thứ thuế mới, đăng trong mục Có có không không trên Tràng an s. 25 (24. 5. 1935)

[b]  Trên Tràng an s. 60 (24.9.1935), s. 61 (27.9.1935) không có mục “Có có không không”.

CÓ GÌ MÀ LẠ?

            Ông Đoàn Kiểm, tri huyện An Phong ở Bắc Kỳ, vừa rồi bỗng dưng đệ đơn xin từ chức, nói rằng vì có việc riêng không tiện làm quan nữa.

            Dư luận các báo Bắc Kỳ cho đến chúng tôi ở Trung Kỳ nghe thấy thế cũng đều cho là một việc rất thường. Thế mà duy có trong đám các quan lớn thì các ngài xầm xì với nhau, lấy làm lạ hết sức.

            Tưởng là chuyện mộng mị hay điên cuồng gì, không tin, nên quan Tổng đốc tỉnh Bắc, quan thượng ty của ông huyện Đoàn, mới dìm đơn từ chức lại mà không tư về phủ Thống sứ vội. Sau ngài đòi ông huyện tới, hỏi ra là quả thật, ngài mới chịu tư về.

            Còn mấy ông quan nữa, can ông huyện Đoàn không nghe, đến nỗi phải cậy tay đến “ông già mẹ Nhược” của ông ở trong Huế.

            Ông Đoàn Kiểm chẳng là rể quan Thượng Bùi bộ Tư pháp hiện giờ. Các ông quan ấy liền đánh giây thép cho quan Thượng, xin ngài gàn việc từ chức của ông con rể lại, nhưng rốt cuộc không ăn thua chi.

            Bây giờ thì ông Đoàn Kiểm đã thoát hẳn cái chức tri huyện An Phong rồi. Các ông quan kia thật không hiểu ra làm sao hết, còn vẫn cứ xầm xì với nhau, lấy làm lạ hết sức.

            Có gì mà lạ?

            Ở đời, đám nào cũng vậy, có người lăn vào lại có kẻ lộn ra.

            Làm tôi nhớ lại một chuyện đời xưa.

            Có nhà năm anh em làm quan hết, trừ ra chỉ người út không chịu làm. Người anh cả, làm Phiêu kỵ tướng quân, một hôm nói với em út rằng: Phải có làm cái gì chứ, không thì người ta kêu “chú năm” mãi! Anh chàng nổi giận đáp lại: Thì cái “chú năm” nó lại kém đếch gì cái Phiêu kỵ tướng quân?

            Hết sức ông Đoàn Kiểm thì cũng như anh chàng thứ năm đó, chứ có gì mà lạ?

            Nhưng có người lại nói rằng ông Đoàn Kiểm bỏ quan là vì một việc tình.

            Ông ấy yêu một nàng, - cố nhiên là không phải vợ ông. Mà trong đám quan trường lại có một người vai trên ông cũng yêu nàng nữa. Sẽ là tình địch với nhau, ông Kiểm nghĩ rằng nếu ở trong quan trường thì cấn cái khó lòng, nên thoát ra để tiện bề tranh cướp với người kia.

            Nếu có vậy nữa thì cũng lại chẳng có gì mà lạ. Người xưa há chẳng “rắp mong treo ấn” mà “lội sông băng ngàn” đó sao? [a]

 SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 62 (1 er Octobre 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  Chỗ này nhắc tới câu thơ Truyện Kiều nói về Kim Trọng với tâm trạng thương nhớ muốn bỏ việc quan đi tìm Thúy Kiều: Rắp mong treo ấn từ quan, Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua…

     

BA MƯƠI NĂM NAY MÀ VẪN NGẦN ẤY TRIỆU

            Bên Pháp người ta đương lo ngày lo đêm về một cái vấn đề rất quan hệ đối với dân tộc. Ấy tức là dân số nước Pháp chậm gia tăng.

            Ông Boveral, tổng thư ký của hội Khuyến lệ sanh dục vừa rồi có làm một cái biểu so sánh sự gia tăng của nhân số nước Pháp với nhân số các nước khác, làm cho mỗi một người Pháp thấy đến đều phải rùng mình.

            Cái biểu:

                              Năm  1870                                   Năm 1935

Đức                 39 triệu                                          67 triệu

Pháp               38  --                                              41  --

Nhật                38  --                                              68  --

Anh                26  --                                              46  --

Italie               25  --                                              48  --

Brésil              10  --                                              45  --

           

Xem đó, trong khoảng 60 năm, nước nào cũng tăng lên 20 hay 30 triệu mà chỉ một mình nước Pháp tăng lên có 3 triệu, – con số bủn xỉn quá!

Vì cớ gì? Vì cớ gì mà người Pháp ít đẻ như vậy? Người ta đương hỏi nhau, đương tìm ra nguyên nhân để bổ cứu.

Cũng vì thế mà hội Khuyến lệ sanh dục và nhiều hội khác như vậy được lập lên. Coi bộ hiện nay bên nước Pháp người ta không còn cho việc gì là cần cấp hơn việc “đúc dân” nữa!

Tôi thấy người Pháp lo về việc ấy chừng nào mà tôi lấy làm ngán cho nước tôi chừng nấy.

Từ hồi tôi bắt đầu biết việc đời cũng là hồi trong nước bắt đầu có báo chí, vào khoảng năm 1905-1906, thấy nói dân số nước tôi 20 triệu hay 25 triệu thì bây giờ đây cũng vậy, họ vẫn nói dân số An Nam có 20 triệu hay 25 triệu.

Thế ra nước Pháp trong 60 năm còn tăng được 3 triệu, chẳng hơn chúng tôi trong 30 năm mà không hề tăng được triệu nào: nếu là 20 triệu thì vẫn 20 triệu, nếu là 25 triệu thì vẫn 25 triệu!

Té ra chúng tôi không biết đẻ! Té ra 30 năm nay người An Nam chúng tôi có cưới, có ăn nằm với nhau mà không được có chút chi là kết quả cho bõ công!

Tôi không lấy điều đó làm đáng lo như người Pháp. Tôi không sợ cho đó là cái cơ tuyệt chủng. Tôi chỉ lấy làm lạ: Đã như thế thì dân ở đâu mà các làng mỗi năm mỗi trục thêm? Đã như thế thì sao các ông hào mục lại kiện lậu đinh luôn được chớ?

Đó đủ thấy dân An Nam chúng tôi thật là một dân biết lễ phép. Chúng tôi hay nhượng: trên đường tiến bộ nếu đàn anh bước nhanh thì chúng tôi bước chậm, nếu đàn anh bước chậm thì chúng tôi … không bước!

Giả sử 30 năm nay chúng tôi cũng sanh dục như các nước thì nhân số chúng tôi năm nay sẽ là 41 triệu, bằng nước Pháp rồi, như thế là vô phép, chúng tôi không dám! …

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 63 (4 Octobre 1935), tr. 2

CHÚNG TÔI NHÀN HƠN HẾT

Hồi chiều 4 Octobre quan Khâm sứ tiếp các ông Dân biểu tại dinh ngài, sau khi ngài đọc diễn văn xong, ông cựu nghị trưởng Hà Đằng nói mấy lời cảm ơn có câu gì đó rồi kế tới “dân An Nam chúng tôi sung sướng hơn hết”.

Quan Khâm đáp lại làm sao đó mà viên tham tá tòa Khâm lại dịch là “dân An Nam giàu hơn hết”.

Nhơn đó có sự cãi vã và phàn nàn của những người có mặt ở đó trong lúc ra về. 

Tôi xin các ngài đừng cãi vã nữa mà cũng nỏ phàn nàn làm quái chi.

“Sung sướng hơn hết” hay “giàu hơn hết” cũng đều chẳng đúng sự thực của dân An Nam, thế thì các ngài quan tâm đến những câu ấy làm chi cho mệt?

Muốn đúng sự thực phải nói như thế này: “Dân An Nam chúng tôi nhàn hơn hết”.

Nhàn vị tất đã sung sướng, vị tất đã giàu, nhưng chắc là có thì giờ nhiều hơn ai.

Coi một việc bầu cử nghị trưởng và ban thường trực hôm 5 Octobre ở Viện Dân biểu thì biết người An Nam chúng tôi có thừa thì giờ vô số. Cái việc ấy theo ở đâu người ta làm trong một giờ đồng hồ là xong. Như thế có 46 ông Dân biểu thì người ta in ra 46 cái vé, trong vé có những chữ “nghị trưởng”, “phó nghị trưởng”, “thơ ký”, v.v… phát cho mỗi người một cái. Rồi ông nào ứng cử chức nào thì đứng hết ra và biên tên lên bảng đen. Đoạn mỗi người cứ vé đó mà điền tên: về nghị trưởng ưng ông Xoài thì điền ông Xoài, về thơ ký ưng ông Mít thì điền ông Mít. Như thế, mấy chức đều bầu trong một vé và 46 ông nghị viên cùng bỏ vé một lần, dập cái bã trầu là có kết quả ngay.

Nhưng hôm ở Viện Dân biểu không làm như vậy. Nghị trưởng cử riêng một lần; phó nghị trưởng và thơ ký mỗi chức cử riêng một lần. Một lần cử, hô tên từng người một, hết ông ấy rồi mới đến ông khác, từ chỗ mình đi núc ních lên diễn đàn, lãnh tấm vé trắng ra sau diễn đàn đứng điền tên, rồi lại núc ních trở xuống bỏ vào thùng vé. Cho được diễn xong lớp tuồng ấy, người ta đã phải xài đi hai tiếng đồng hộ trọn. Bởi vậy một buổi sáng mà chỉ bầu được có hai chức nghị trưởng và phó nghị trưởng thôi. Còn bao nhiêu thì để đến chiều hoặc để qua ngày khác.

Chỉ có nhàn lắm, thừa thì giờ lắm thì mới làm được như thế.

Mà phải, nếu chẳng thế thì làm gì cho hết tám ngày là kỳ hạn của phiên nhóm này?

Ở bên Abyssine hôm nay họ đương đào hầm tránh đạn, một giờ làm việc gấp hai giờ. Còn chúng tôi đây, việc đáng làm một giờ lại kéo ra một ngày, chỉ vì chúng tôi có nhiều thì giờ hơn họ.  

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 64 (8 Octobre 1935), tr. 2

TÔI CÓ NGỜ ĐÂU

Số trước, chỗ này, tôi có phàn nàn cách bầu ban thường trực ở viện Dân biểu làm mất nhiều thì giời quá, nên tôi có bày cách bàu một lần mà thôi.

Bàu một lần nghĩa là chánh phủ in sẵn phát cho mỗi ông nghị viên một tấm vé trong đó có in những chữ: nghị trưởng, thơ ký, nghị viên thường trực, v.v… rồi mỗi người cứ ưng ai thì điền tên vào.

Tôi cho làm như thế là gọn lắm, bàu qua một bận mà nếu chức nào chưa trúng cử thì bàu lại một bận nữa là cùng, khỏi mất đến cả ngày mới xong việc.

Nhưng mới đây có người bẻ tôi, nói nghĩ như tôi là dốt lắm, chỉ có người nào xưa nay chưa hề biết đến việc nghị viện thì mới nói xằng như tôi vậy.

Tôi phải ngạc nhiên!

Người ta mới cắt nghĩa cho tôi nghe rằng làm như tôi vậy dù lợi thì giờ mà không tiện: không tiện cho ông nghị nào ra nhiều chức nhiều lần như ông Nguyễn Quốc Túy.

Có thấy không? Ban đầu ông Túy ra thư ký; trật đi, ông ấy ra nghị viên thường trực; lại trật nữa, ông ấy ra đại biểu đi dự Đại hội đồng: Duy có bầu nhiều lần thì ông Túy mới ra hoài như vậy được chớ?

Nghe mấy lời ấy tôi mới tỉnh ngộ, té ra Viện bày ra cách bầu từng chức một là có lợi như thế mà tôi có ngờ đâu!

Nghĩa là tôi không ngờ trong Viện Dân biểu lại có người như ông Túy, trật chức ấy ra chức khác, ra cho đến ba lần mà không được lần nào hết.

Thế thì hôm nay tôi xin nói lại rằng nếu năm sau hay khóa sau mà trong Viện Dân biểu còn có ông Nguyễn Quốc Túy thì xin Viện cứ làm theo như lối của Viện mà đừng làm theo như lối của tôi là được.

Gặp việc này tôi mới biết người ta ở đời mà lập ra một cái phép tắc gì là khó lắm: Tùy theo ý muốn của phần đông rồi lại còn phải tùy theo tánh cách của từng người một nữa!

    SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 65 (11 Octobre 1935), tr. 2

CẢI CÁCH PHẢI DĨ TIỆM

Một trăm người An-nam – tôi định nói quan An-nam kia, nhưng mà thôi, nói người An-nam – bây giờ nếu đem ra cho bàn về vấn đề cải cách thì hẳn một trăm người đều nói rằng: “Cải cách phải dĩ tiệm”.

Dĩ tiệm nghĩa là vụt đổi ngay một cái không được, phải đổi dần dần, dần dần …

Tức như bàn về sự cân, đo, lường ở Viện Dân biểu. Về đồ đo, Viện xin dùng ngay cái thước tây, nhưng các quan Nam triều lại muốn chế ra một thứ thước An Nam mới, bằng nửa cái thước tây.

Thước tây đáng theo thì theo ngay đi, sao lại đã theo còn làm lỡ dở ở chỗ 5 tấc?

Các quan cắt nghĩa rằng cải cách phải dĩ tiệm: một lúc mà theo ngay một thước, không được: phải 5 tấc đã!

Nhưng mà vì cớ gì lại phải làm như thế chứ?

Thì đã nói dĩ tiệm, còn?

À ra cái nguyên lý của nó đến chỗ dĩ tiệm là hết: bên trên nó không còn có cái nguyên lý gì!

Một vạn việc chi cũng phải dĩ tiệm mới xong.

Theo các quan thì năm nay ta chế cái thước bằng 5 tấc tây, sang năm ta lên 6 tấc, sang năm nữa ta lên 7 tấc, rồi cứ mỗi năm mỗi tấc và 5 năm như thế mới đến một thước thì sự cải cách của các ngài được vững vàng chắc chắn.

Cái ý của các ngài hay lắm, nhưng dân chúng tôi chỉ ngại làm như các ngài thì nó lâu quá.

Ai có đời năm nay một tấc, sang năm một tấc, rồi sang năm nữa lại một tấc nữa … Thế là đi bước một, chớ đâu phải là cải cách?

Kỳ hội đồng Dân biểu này cũng có người xin cải cách y phục, ăn bận theo Tây. Nhưng coi chừng các quan không muốn. Dù vậy, tôi biết chắc thế nào rồi các quan cũng ăn mặc theo Tây như chúng tôi vậy.

Cải cách phải dĩ tiệm. Về y phục, các quan muốn cải cách dần dần từ chân lên đến đầu và hiện nay các quan đã cải cách ở chân rồi, nghĩa là các ngài đi đôi giày ban… Thế rồi thì một năm nữa các ngài mặc cái quần tây; một năm nữa các ngài mặc cái áo tây; một năm nữa các ngài đội cái mũ tây: mới kể là hoàn toàn cải cách.

Chuyện gì các quan cũng phải làm trong 5 năm mới xong. Tôi không ngờ ngày nay các quan An Nam lại hóa ra những người trong chánh phủ Nga Sô-viết: chuyện gì cũng “ngũ niên kế hoạch”! [a]

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 66 (15 Octobre 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  Tràng an s. 67 (18.10.1935) không có mục “Có có không không”

TIẾN THÌ TIẾN CẢ THIỆN LẪN ÁC

Từ ngày cái thuyết tiến hóa cai trị cả đến trong khoa xã hội học rồi thì cái xã hội loài người này trở nên vẻ vang, trông về đằng trước có nhiều hy vọng.

Người thường hay phàn nàn cho người đời nay không tốt bằng người đời xưa. Nhưng theo thuyết tiến hóa thì lại không phải thế: người đời nay tốt hơn người đời xưa, nhưng xấu thì cũng xấu hơn, vì tiến thì tiến cả thiện lẫn ác.

Nếu cái thuyết ấy là đúng thì khi các bạn nghe tôi kể mấy câu chuyện dưới này xin đừng có đem lòng lo cho đạo Phật, mà trái lại, nên trông mong cho cái tiền đồ của đạo ấy.

Có phải bên Tàu cũng vậy mà bên An Nam ta cũng vậy, mấy năm gần đây, người ta lo chấn hưng và truyền bá đạo Phật gắt lắm không? Phải. Thế thì sau các công cuộc ấy người ta thấy có kết quả gì?

Về phần tôi, thật rủi! Rủi vì tôi chưa thấy ông nào thành Phật hết mà chỉ thấy những cái tin đáng tởm này trên báo Tàu và báo An Nam.     

Dạo tháng chín tây, nhà Bưu điện ở Thượng Hải bị mất cướp một món tiền ba vạn đồng trong lúc mấy người lính giải số tiền ấy đến kho bạc. Quân cướp đi ô-tô có súng, bắn chết hai người lính rồi đoạt cả số tiền. Thì hôm đầu tháng mười đây, người ta đã bắt được tên thủ đảng vụ cướp ấy, anh ta mang cái tên bảnh lắm: Ngộ Không hòa thượng, một nhà sư!

Đem hỏi, sư Ngộ Không nhận cả, nói rõ rằng mình chia tang [a] được ba ngàn ba trăm đồng về đám ấy.

Ngoài Bắc ta cũng mới phát ra đám cướp ở Bắc Giang, làng Quang Biểu. Mật thám lùng bắt được hơn mười hung phạm thì trong đó có một sư cụ tu tại chùa Yên Điềm, tên tục là Đa.

Theo lời báo nói thì ông sư này bị bắt cũng không oan chút nào hết.

Kể hai chuyện ấy rồi thì cái chuyện mấy ông sư đi hát cô đầu ở Ngã Tư Sở bị một thầy chánh tổng tố cáo trên báo Hà Nội mới rồi, nó nhỏ nhen lắm không đủ kể?

Đó, trong lúc tuyên truyền đạo Phật gắt chừng nào thì sư ăn cướp lại đổ ra nhiều chừng nấy: đó là điều chúng ta nên chú ý.

Nhưng không hề chi. Theo lẽ tiến hóa thì ở Tàu sao không biết, chứ ở ta đây những ông như ông Lê Đình Thám, ông Nguyễn Năng Quốc, có lẽ họ thành Phật cả rồi mà ta đây không biết!...

Những ông ấy có thành Phật thì mới bù lại với các ông sư ăn cướp chứ! [b]

SAO ĐUÔI

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 68 (22 Octobre 1935), tr. 2

Chú thích

[a]  tang: của gian, của trộm cướp (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)        

[b]  Từ số 69 (25.10.1935) trở đi trên Tràng an không còn thấy mục “Có có không không” nữa.