Ở GẦN BÊN CHÂN VUA,

KẺ DÂN LÀNH VẪN CỨ BỊ BÓC LỘT VÀ HIẾP ĐÁP

Các quan phủ Thừa đã giam 10 người dân làng Thủy Tú vô tội

nơi ngục tối và kêu án tù treo từ 1 đến 3 năm

Vài ba năm nay ở Trung Kỳ, những người hay lưu tâm thời sự, đều thấy ra rằng phần nhiều các quan tỉnh có làm những việc trái phép hoặc lớn hoặc nhỏ mà trong khi làm, các bộ sở quan ở Huế thường không biết tới, hay có biết tới cũng mần ngơ đi, có khi lại y theo nữa. Như thế, người ta cho là cái quyền hành chánh của địa phương có cơ dần dần lớn hơn trung ương; và người ta sợ rằng khi trung ương không đủ sức kìm chế địa phương, tức nhiên nhân dân chịu khổ mà không có chỗ kêu rồi sẽ sanh ra biến chưa biết chừng.

Nói điều ấy ở đây, chúng tôi không cốt tìm xem cái nguyên nhân tại đâu mà ra thế. Chúng tôi một muốn [a] chỉ ra một cái hiện tượng trong chánh giới cho nhà đương cuộc thấy mà thôi. Nếu có ai bắt chúng tôi phải kể rõ những việc trái phép ấy là việc gì, thì chúng tôi, tuy không kể hết được, cũng có thể nhắc lại việc quan tỉnh Phú Yên xử vụ điền thổ Phạm Nho Chi đã đăng trên báo này làm ví dụ.

Vụ ấy, như chúng tôi đã viết ra nhiều bài mà công kích, rõ thật quan tỉnh đã làm ngang, không kể gì pháp luật. Tuy vậy bộ Tư pháp hay bộ Tài chánh ở đây cũng cứ đổ cho là đã “chung thẩm” mà chẳng chịu can thiệp vào. Nhân dân ở các tỉnh xa Kinh đô nếu có bị quan tỉnh áp bức gì thì nhờ có bộ. Mà bộ cũng bỏ qua đi thì nhân dân phải có ngày tuyệt vọng!

Nhưng khốn nỗi, nào có phải Phú Yên là tỉnh xa mới như thế đâu; phủ Thừa Thiên ở gần một bên vua, một bên bộ, một bên Tòa Khâm mà dân sự cũng chẳng thấy gì là hơi đỡ!

Chúng tôi kể ra việc dưới này chẳng có ý tố cáo ai hết, chỉ xin nhà đương cuộc coi lấy đây mà chấn chỉnh lại các giềng mối của cái chánh quyền trung ương đó thôi.

Làng Thủy Tú thuộc huyện Hương Trà, là một làng hữu đinh vô điền, theo châu dụ thuở Gia Long, được ân cấp lấy mặt nước sông Hương từ nguồn tới biển làm công sản của làng. Sinh nhai trên mặt nước ấy, họ cũng phải nạp cho kho nhà nước mỗi năm là bốn trăm đồng bạc thuế. Còn về đinh thì làng họ có 150 dân tráng, hằng năm chịu thuế đinh là khác nữa.

Một làng như thế hẳn là nghèo lắm, vì họ không có một cục đất, quanh năm chỉ làm nghề đánh cá và vớt rong.

Tuy làng không có đất ruộng chớ trên mặt nước ấy cũng có chia từng xứ và có châu bộ kim ấn đỏ rõ ràng. Hơn một trăm năm nay dân làng Thủy Tú cứ theo phần nước trong châu bộ của mình mà làm nghề nghiệp.

Trên mặt nước có một chỗ gọi là xứ Giang Sum, nước sâu và nhiều cá hơn hết, xưa nay dân làng ăn nhờ vào đó. Giáp với xứ Giang Sum là làng Diên Trường. Năm Khải Định 2, làng này đắp một con đê – nói để giữ nước mặn cho ruộng làng mình – thành thử mặt nước làng Thủy Tú trong ngoài bị ngăn cách. Tuy vậy, giới hạn làng nào ở đâu vẫn phân minh ở đó. Là nhờ năm Khải Định 4, làng Thủy Tú có bẩm phủ xin hai huyện hội đồng khám biên và hạ mốc. Chẳng những thế, ở xứ Giang Sum có bồi một miếng đất, thì khi ấy làng Thủy Tú cũng đã xin trưng cho mình là 5 mẫu 2 sào, có vẽ đồ bản hẳn hoi. Trong bản án khám hạ mốc cho hai làng và làng Thủy Tú trưng 5 mẫu 2 sào ấy, lý hào làng Diên Trường đều có ký chứng và áp triện.

Thế mà qua năm Bảo Đại 7, làng Diên Trường đưa đơn tại phủ Thừa xin trưng 43 mẫu trầm thủy, tọa lạc ngay giữa xứ Giang Sum của làng Thủy Tú. Họ lấy cớ rằng làng họ có hai xứ đất Cồn Bồi Cồn Tiểu đã bị lở. Nhưng họ không kể rằng hai xứ đất ấy làng họ đã “khai tị” từ năm Tự Đức 7, nhà nước đã miễn thuế cho họ 80 năm nay rồi.

Lý sự rành rành, làng Diên Trường không thể nào trưng 43 mẫu ấy được hết, vậy mà quan cũng cứ phê cho trưng và sai phái về khám đạc.

Ngày mồng 7 tháng 7 năm Bảo Đại 7, hai huyện phái Phú Vang và Hương Trà về khám, trong án khám không chịu nói chỗ làng Diên Trường xin trưng đó là “mặt nước” cho rõ ràng nên làng Thủy Tú không chịu ký. Cố nhiên là quan cứ xử cho làng Diên Trường trưng 43 mẫu. Nhưng khi phủ phái về đo lại, chẳng những lấy 43 mẫu ở mặt nước là phần của Thủy Tú mà còn lấy rộng ra đến 200 mẫu cũng trên mặt nước ấy nữa, thế mới càng lạ hơn!

Làng Thủy Tú bấy giờ mới đi kêu. Kêu tại phủ Thừa, quan không xét! Kêu tòa Công sứ, cũng không xét nữa! Kêu tòa Địa chánh, bị bác đơn! Sau kêu đến bộ Tài chánh và Tòa Khâm, đều không có ai trả lời!

Đến năm nay, ngày mồng 6 tháng 8 ta vừa qua, các quan hội đồng về chia đất cho làng Diên Trường, cứ theo bản đồ đã vẽ mà cắm tiêu, nghĩa là choán mất của làng Thủy Tú 200 mẫu.

Mất 43 mẫu còn không chịu huống chi mất đến 200 mẫu mà chịu hay sao? Nhưng không chịu thì làm thế nào? Khi ấy làng Thủy Tú chỉ có nước kéo cả làng ra vừa lạy vừa kêu xin quan thương đến mà thôi.

Thật cái tội của kẻ cô cùng không biết đâu mà dè giữ, dù chỉ lạy với kêu cũng là cái tội!

“Phản kháng! Dân làng bay phản kháng!” – Quan thét nạt như thế một hồi rồi cáo cấp làm sao không biết, trong chốc lát đã thấy ông quan một kéo lính tập tới nơi. Nhà nước kéo binh mã đến cốt để dẹp “giặc dân”. Nhưng dân chỉ lạy và kêu thôi, không có giặc mà đánh nên binh mã lại kéo về và tiêu cũng không cắm!

Sang ngày mồng 8, quan về, bắt luôn 10 người dân làng đi theo. Chẳng hỏi chẳng tra gì hết, quan bắt giam ngay vào ngục tối trong lao phủ Thừa. Giam 1 tháng 20 ngày, thả ra quan đương đường [b] kêu án 1 người 3 năm tù và 10 người mỗi người 1 năm tù đều án treo (trong số này có một người không bị bắt giam).

Trước khi thả cho về, quan bắt làm giấy cam đoan rằng sau không được kêu ca gì nữa, nếu còn, quan sẽ bỏ ngục tối và làm án chung thân. Tự nhiên là họ phải ký liền để có về với vợ!

Từ đó đến nay, việc còn để yên, chưa thấy quan nói tới. Nhưng làng Thủy Tú cũng đã chịu khổ nhiều lắm, vì dân sự họ bị cấm ngặt không dám bén mảng tới chỗ mặt nước 200 mẫu mà quan đã vạch ra cho làng Diên Trường.

 

Một việc như thế, bạn đọc thử nghĩ ra làm sao? Ở xứ này còn có pháp luật hay lý sự gì nữa không?

Ở cạnh nách Toàn Khâm, ở cạnh nách bộ Tư pháp, các quan Phủ Thừa giam 10 người dân vô tội vào ngục tối 1 tháng 20 ngày mà chẳng ai hay.

Tội gì mà làm án đến tù 3 năm và 1 năm? Xưa nay có ai hề thấy lạy và xin mà là có tội phải mang án?

Làm án như thế, chẳng biết có tư sang bộ Tư pháp không? Không tư sao được? Mà tư thì bộ Tư pháp phải hỏi là tội gì chớ? Cho là tội phản kháng thì dân làng Thủy Tú phải có cầm gươm cầm súng mà không nữa thì cũng có cầm gậy cầm dùi ... Cho là tội phản kháng, sao ông quan một kéo binh xuống lại không giao chiến mà bỏ về không?

 

Câu chuyện khốn nạn quá, chúng tôi phải khóc mà cũng phải cười! Khóc là khóc cho dân Thủy Tú mà cười là cười cho các ngài làm quan!...

Trong vài tháng nay cả đô thành cho đến các nơi xung quanh, bất kỳ trai gái già trẻ đều nói đến việc này mà tỏ lòng căm tức. Họ biết hết, họ biết tại làm sao mà các quan đều đồng lòng với nhau binh vực làng Diên Trường.

Làng Diên Trường có bà con gái là vợ một ngài Vương, quyền thế hách dịch hiện thời. Một ông rể của ngài Vương ấy lại đương làm việc trong tòa Địa chánh và chính là người đã vẽ bản đồ lấy ngang của làng Thủy Tú 200 mẫu.

Cái thế lực to ấy hút lấy các quan về phe làng Diên Trường, thành thử các quan bóc lột và hiếp đáp dân làng Thủy Tú mà không nhơn tay chút nào hết.

Số tới chúng tôi sẽ đăng lời kêu của làng Thủy Tú cho càng rõ đầu đuôi hơn.

P. K.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 81 (6 Décembre 1935), tr. 1

Chú thích

[a]  Một muốn: cũng như “chỉ muốn”.

[b]  Đương đường: giữa chỗ công đường, trước mặt quan (H.T. Paulus Của: sđd.)