HAI BA THÁNG NĂM

NGÀY KINH ĐÔ THẤT THỦ

TIỂU DẪN. – Trong thời gian làm Chủ bút báo Tràng an, Phan Khôi để khá nhiều tâm sức vào việc tổ chức số chuyên đề nhân 50 năm sự kiện Kinh đô Huế thất thủ (5/7/1885). Một loạt bài đăng Tràng an số đặc biệt ấy do chính Phan Khôi viết, ký tên mình hoặc các bút danh, hoặc không ký tên; cạnh đó là một số bài của các cây bút khác, hẳn là do Chủ bút Phan Khôi gợi ý, thậm chí “đặt bài”. Hai bài một dài một ngắn dưới đây cho thấy điều đó. Bài kể sự việc chính trong ngày thất thủ kinh đô 50 năm trước, do Hoài Thanh viết, hẳn là do chủ bút đề xuất; bài phỏng vấn do Tiêu Diêu Tử (Nguyễn Đức Bính) thực hiện, tuy ngắn, nhưng rõ ràng là chủ ý của chủ bút nhằm “cân đối” lại phần nào so với thái độ đánh giá tiêu cực của chính Phan Khôi đối với nhân vật Tôn Thất Thuyết. Chọn in vào phụ lục các bài này, người biên soạn có ý thu góp các loại tư liệu khác nhau mà Phan Khôi dùng để làm nên một số báo chuyên đề về một sự kiện lịch sử. Tài liệu này trước đây tôi đã chỉ nguồn cho ông Từ Sơn để ông thực hiện sưu tập Hoài Thanh trên báo Tràng An, Huế, 1935-1936. Nxb. Hội nhà văn, 2009. Riêng bài này, bản in lại trong cuốn sách nói trên, rất tiếc, lại bị sai lạc và lẫn lộn một số đoạn. Bạn đọc nào cần có thể tham khảo bản in ở đây để sửa lại những đoạn sai lẫn trong cuốn sách trên. – N.B.S.    

MỘT NĂM HUNG

    Năm ấy là năm Mùi.(1) Khí hậu rất độc, trời nóng nực chịu không được rồi tiếp theo những trận mưa thình lình, dữ dội. Trong dân gian bệnh tật liên miên. Những buổi trưa nắng gắt người ta tưởng như thấy âm binh kéo đi từng đoàn rất ghê tởm đi làng này qua làng nọ, tróc nã người sống. Ai nấy đóng cửa kín khủng khiếp nấp rạt trong nhà.

    Một buổi chiều tháng năm, hơi nóng còn gắt, ánh mặt trời còn lảng vảng trên sườn non. Bỗng ở phương đông một vùng sáng lòa rộng bằng cái sân, càng lâu càng to, trông như một lá cờ kỳ quái, chung quanh có tia đủ năm sắc. Ngay lúc đó, khắp trong nước mấy trăm vạn con người run sợ cùng nói một lần: sao Phướn! Sao này đã xuất hiện ắt không chóng thì chầy sẽ xảy ra những việc biến phi thường, nỗi lầm than chưa biết sẽ đến thế nào mà nói. Mãi đến khuya, sao mới lặn. Lúc đó trời lại tối đen như mực. Một cái im lặng nặng nề bao bọc khắp trời Nam.

    Tháng sau, vua Tự Đức thăng hà. Chiếu của triều đình thông đi khắp nơi. Bao nhiêu cuộc vui đều hoãn lại. Quan dân chịu tang phục theo lệ thường.

    Rồi những tiếng phế lập trong Triều đồn đại xa gần, kẻ bàn ra kẻ nói vào, lòng người hết sức xôn xao. Tiếp đến tin Thuận An thất thủ, nào đồn nào lũy, công trình của Tôn Thất Thuyết mười mấy năm xây đắp mà chỉ trong ba ngày bị quân Tây cướp phá tan tành. Quân Tây có lẽ họ không phải là người, mà là một đội binh Trời sai đến hãm hại dân mình trong lúc thời vận suy di. Hình thù họ cao lớn, tiếng nói họ líu lăng, chân họ không đầu gối, nước miếng họ dính như keo, tàu bè súng ống của họ thì kỳ quái vô cùng. Càng ngày họ càng lấn át mình. Đến nước Tàu cũng chịu để cho họ lấn át nốt. Họ bắt vua ta không được thụ phong với vua Tàu, không được triều cống vua Tàu. Họ đặt Bảo hộ khắp Nam, Bắc. Trước họ còn chiếm thành Trấn Hải nơi cửa Thuận An, dần dần họ lập trại bên kia sông Hương ngay trước Kinh thành rồi họ lại lập trại ở Trường Định phía sau Kinh thành. Chủ quyền của người mình mỗi ngày một kém dần. Cứ thế này e đến mất nước!

    Trong dân gian lúc bấy giờ người ta nghĩ như vậy.

PHỤC THÙ

    Trong Triều, các quan lúc cùng đường bỗng sực nhớ mấy pho Bắc sử học đi thi hồi trước. Đế vương ngày xưa mỗi lần có ngoại họa cấp bức là một lần thiên đô tị nạn. Ngày nay tình thế như vầy, ta hãy thử bắt chước xem sao.

    Có người bàn nên dời Kinh đô ra Cam Lộ. Cam Lộ ở về sơn phận tỉnh Quảng Trị, núi non chằng chịt, địa thế hiểm trở. Triều đình định lấy Cam Lộ làm yếu điểm tụ tập binh mã để bảo vệ kinh đô mới đặt tên là Tân Sở ở cách đó chừng mười cây số nữa, trên con đường từ Mai Lãnh đến Lao Bảo.

    Lại bộ thượng thư Nguyễn Văn Tường vốn quê ở Quảng Trị, lúc bấy giờ đương cùng với Tôn Thất Thuyết kiêm chức phụ chánh đứng ra chủ trương việc dựng kinh đô mới. Trong hai năm ròng, mấy ngàn phu đào hào, đắp lũy, dựng kho, lập trại, xem có chiều rất kiên cố. Chung quanh núi non bát ngát, cây cỏ hoang vu, đường ra lối vào lắt léo, khuất khúc, ai không biết khó mà dò ra.

    Đồng thời có mật chiếu xá sưu thuế cho dân miền núi và ra lệnh đắp hai con đường đi len theo dãy núi Giăng Màn ra đến tận Thanh Hóa. Dọc đường cách đoạn một có kho chứa lúa sẵn sàng. Ngay ở Tân Sở cũng trừ bị rất nhiều thóc gạo ở các tỉnh Nam Định,Thái Bình chở ghe lớn vào Cửa Việt rồi có đò con chở lên Cam Lộ.

    Người ta lại thấy trên phá Tam Giang từ kinh đô ra Quảng Trị luôn luôn những chiếc đò đi đi lại lại ra chiều bí mật, chở đầy những súng đạn. Dân cư hai bên bờ ngơ ngác không hiểu, thì thào với nhau những chuyện rất ghê sợ.  

     Việc đến tai người Tây. Họ gọi Nguyễn Văn Tường sang hỏi xem Triều đình đưa lương thực súng ống ra Tân Sở như vậy là có ý gì. Nguyễn Văn Tường một mực chối không. “Tôi rất lấy làm lạ – Tường nói – sao lại có tin đồn hão như thế được. Triều đình một lòng thành thực hiệp tác với nhà nước Bảo hộ. Nếu quan lớn không tin, tôi xin đưa quan lớn ra Tân Sở và Cam Lộ mà xem”.

      Hoặc vì nhẹ dạ hoặc vì không muốn gây sự, người Tây họ cũng bỏ qua. Triều đình được thể càng làm già. Cách ít lâu nhân có lệnh chánh phủ Pháp mộ lính khố đỏ ở Bắc Kỳ, Tôn Thất Thuyết viết một bức thư phản kháng rất kịch liệt, trong thư có một đoạn như vầy:

      “Hai chữ bảo hộ nghĩa là gì và chúng tôi không hiểu chính phủ Pháp định làm gì. Việc tuyển lính khố đỏ là trái với điều ước. Những cử chỉ của thống tướng Brière cũng trái với điều ước: thống tướng không chịu nhận lễ vật của triều đình lại tự tiện thay đổi nhiều vị thượng quan không hỏi ý kiến của triều đình. Hai ba vạn phu triều đình cấp cho thống tướng từ bấy đến nay không thấy trở về nữa…”. (2)

                Bức thư phản kháng này Triều đình gửi đi khắp các tỉnh ngoài Bắc và hạ lệnh cho các quan tổng đốc tuần phủ nhất thiết không được mộ lính cho người Tây.

NGÒI KHÓI LỬA

    Tình thế hai bên găng nhau đến cực điểm. Quan quân kẻ trên người dưới ai nấy sôi lòng căm phẫn, thôi thì sống chết cũng liều một phen họa may Trời có đoái hoài đến dân ta chăng. Phía người tây họ cũng quyết thẳng tay. Thống tướng De Courcy thay thống tướng Brière, dưới quyền có hơn ba vạn rưởi lính bộ trong đó có một phần năm người mình và ba mươi chiếc chiến thuyền cọng non hai ngàn lính thủy. Thống tướng thiết quân luật khắp Trung Bắc kỳ. Rồi tuy lúc bấy giờ tình hình ngoài Bắc còn rối beng, De Courcy thân hành vào Kinh định tìm cách triệt hai quan phụ chánh khó chịu.

    Ngày hai mươi tháng năm năm Ất Dậu, (3) buổi chiều De Courcy đến Huế đưa theo hơn một ngàn lính đóng đại doanh phía sau tòa Khâm. Triều đình vẫn lấy lễ bang giao sai hai vị đại thần ra đón tận cửa Thuận. Rồi cùng với đại bác sau Mang Cá nổ hai mươi mốt tiếng, súng thần công trong Hoàng thành cũng bắn mười chín phát chào mừng.

    Trong lúc rộn rịp ấy ở công đường bộ Binh một người trạc năm mươi tuổi mà còn khoẻ và trẻ lắm ngồi suy nghĩ một cách khó chịu. Người ấy đầu trọc, nước da đen, ăn mặc xuềnh xoàng, dáng phì nộn mà chắc chắn: quan Thượng thư bộ Binh Tôn Thất Thuyết.

    Tôn Thất Thuyết tính công việc dời kinh đô ra Tân Sở chưa xong gì cả, quân sĩ chưa chiêu tập được đủ, trong tay mới có chừng sáu ngàn người, ấn tín cùng châu ngọc cũng chưa đưa ra được hết. Sắp đặt có chóng cũng hàng mấy tuần nữa mới xong mà nay quân gia bên địch kéo đến như vậy, Thuyết không khỏi lo.

     Về phần Nguyễn Văn Tường hiểu tình thế hơn, biết rằng binh lính mình không luyện tập, súng ống mình không ra gì, nhắm mắt làm liều chỉ thêm nước nguy dân khổ. Nhưng trong lúc chung quanh Tường mọi người đều hăm hở liều thân đền nợ nuớc, Tường cũng phải miễn cưỡng theo triều lưu chung. Thực ra Tường là một người vô cùng gian xảo, chỉ lăm le giở cái thủ đoạn bắt cá hai tay. Năm trước nhân việc hành thích Nguyễn Hữu Độ khâm sai ở Bắc Kỳ, Tường đã có dịp tấn công. Nguyễn Hữu Độ vốn là tay chân của người Tây. Triều đình rất ghét, mật sai đội Vung ra giết. Tường gọi riêng đội Vung ra dặn: “Khâm sai Nguyễn Hữu Độ ở Bắc Hà thế lực lớn lắm, anh đi lần này mười phần chắc chết cả mười. Muốn toàn tính mệnh, hãy cầm bức thư này ra”. Trong thư, Tường kể hết những việc triều đình đương mưu tính và bảo Độ nên đưa chuyện ấy báo với Tây.

     Chính vì nghe Nguyễn Hữu Độ báo tin nên thống tướng De Courcy mới tốc tả vào Kinh.

     Ngay chiều hôm thống tướng vào, có giấy mời hai quan phụ chánh và các vị đại thần ở Cơ mật viện sang toà Khâm để định việc vào triều yết vua Hàm Nghi. Tôn Thất Thuyết thấy cử chỉ đường đột như vậy không sang. “Sống chết gì cũng giữ lấy thể diện nước nhà chứ!” Thuyết nói vậy. Nhưng De Courcy chẳng phải tay vừa. Viên quan binh ấy tính nóng như lửa, nhất thiết đòi cho được Thuyết sang: “Mặc cho nó thác bệnh. Ta sẽ chờ đây đến bao giờ nó tới mới nghe. Ở Tourane có một chiến thuyền, ở Đồng Hới một chiến thuyền, nó chạy đi đàng trời cũng không thoát. Hạn cho hết ngày 22 nếu không sang sẽ cho người khiêng sang”.

     Đó mới là một chuyện rắc rối. Lại còn chuyện rắc rối về những lễ nghi trong khi thống tướng yết kiến vua nữa. Ngọ môn vốn có ba cửa. Cửa giữa xưa nay chỉ để riêng cho vua và sứ Tàu. Triều đình thuận để thống tướng vào cửa giữa theo như sứ Tàu ngày trước, còn quan quân xin để đi cửa hai bên. De Coucy trả lời không những quan hầu mà cả lính tráng cũng phải để vào cửa giữa hết, và hạn cho triều đình nội ngày 22 phải phúc đáp rõ ràng.

     Trưa 22. Nguyễn Văn Tường và mấy vị đại thần sang toà Khâm xin vào bàn định cho xong việc đi cửa chính, cửa bên; thống tướng thấy không có Tôn Thất Thuyết sang, không tiếp. Bà Từ Dũ mẹ vua Tự Đức, sai quan đem lễ vật sang tặng, thống tướng cũng đuổi về không nhận. Quan quân thấy triều đình bị khinh miệt quá đỗi càng thêm căm giận. Đến nước này, ai nấy cũng nghĩ chỉ có một chết mới xong.

MỘT BỮA TIỆC CÒN GHI TRONG SỬ SÁCH

     Chiều hôm ấy, bên vườn toà Khâm đèn kết sáng rực. Từ trong sân ra đến bờ sông Hương, bàn ghế xếp đặt linh đình. Thống tướng đãi tiệc. Tất cả các vị thượng quan văn võ người Tây đều có mặt ở đó. Ai nấy ăn uống vui vẻ trong bụng nghĩ tụi An Nam chẳng làm gì nên, không việc gì phải lo sợ. De Courcy xưa nay vốn là người rất giàu lòng tự tín, cầm chắc rằng sáng mai Thuyết với đình thần sẽ kéo nhau sang xin lỗi và y theo hết mọi điều bắt buộc của ông ta. De Courcy nghĩ mình chỉ bước chân đến đất này đã đủ cho bọn quan dân khiếp nhược kia kinh hồn còn lòng dạ nào dám kháng cự lại.

    Cố đạo Caspar, giám mục Kim Luông ở kinh đô đã lâu hiểu rõ tình hình hơn, tỏ ý lo sợ. Đã mấy tháng nay giám mục thấy binh mã qua lại rộn rịp trước nhà thờ. Giám mục nói riêng với De Courcy, khuyên De Courcy nên đề phòng. De Courcy cười trả lời: “Quân gia tôi đã đưa theo sẵn sàng đây. Chúng nó muốn đánh, chúng nó sẽ được đánh, có ngại gì.” Thế rồi De Courcy cùng bầu bạn vui vẻ bàn tính những việc đâu đâu.

     Giữa lúc bữa tiệc đương vui, một viên quan hai nhân phiên canh trông thấy dưới sông thuyền bè đi lại rộn rịp khác thường, vội vào báo. De Coucy mắng:  “Đương lúc vui, không được báo nhảm”.  Và dọa nếu còn thế sẽ phạt tám ngày tù.

     Viên quan hai trở ra, dưới sông, trong bóng tối, thuyền bè vẫn đi lại không thôi. Những thuyền bè ấy chở lính và khí giới bên kinh thành sang bên kia sông. Tôn Thất Thuyết sai em là Tôn Thất Liệt, nguyên làm tham biện sơn phòng ở Quảng Trị, chỉ huy một toán quân chừng ngàn rưởi người đóng ở chỗ trường Quốc học. Lính Tây có hai toán, một toán đóng sau toà Khâm, một toán đóng chỗ sở Lục lộ bây giờ, đó là chưa nói toán lính ở đồn Mang Cá và một chiếc pháo thuyền đậu dưới sông Bao Vinh cọng tất cả không đầy một ngàn bốn trăm người.

     Nhân khi trời tối, Tôn Thất Liệt sai đưa mấy khẩu súng thần công lại ngay sau toà Khâm chỉ cách trại lính Tây chừng một trăm bước. Hai ba lần họ đã toan xông vào giữa tiệc chém giết. Nhưng đèn trong vườn sáng quá không sao lại gần được. Vả Tôn Thất Thuyết đã dặn phải chờ hiệu lịnh ở bên thành mới được khởi sự, mà hiệu lịnh chờ hoài không thấy.

     Lúc đó, trong một gian phòng bày biện giản dị, một ông cụ già, đầu tóc bạc phơ nhung trông vẫn hùng tráng, ngồi xếp vòng tròn trên chiếc sập cao. Bên cạnh lại thấy cái người béo và đen ở nơi công đường bộ Binh đứng chắp tay một cách rất cung kính: Tôn Thất Thuyết đương phân trần mọi việc với cha là Tôn Thất Đính:

     – Lạy cha, chẳng qua vận nước gặp khi biến, văn võ bách quan người nào cũng muốn hoà Tây. Nhưng ai hòa mặc ai, con nhất định không hoà. Đến nông nỗi này con quyết liều chết sống đền nợ quân vương. Con chỉ buồn nỗi cha già, công sinh thành con chưa chút báo đáp, cúi xin cha xét tình tha thứ cho con.

     – Không, con chớ ân hận, việc con làm là việc phải. Cha dầu già nua cũng quyết chia một phần nguy hiểm với con. (4)

     Rồi Đính hăng hái cùng bàn tính việc khiển tướng điều binh.

     Từ hai hôm trước, Thuyết đã cấp cho mỗi tên lính mấy ngày lương và sai mở ngục Trấn phủ thả tù ra. Bọn tù ngưòi lĩnh giáo mác người lĩnh mã tấu, vui vẻ được dịp lập công chuộc tội.

      Vua Hàm Nghi mới mười bốn tuổi chưa biết gì. Thuyết sai một quan đại thần làm lễ cáo với Trời Đất và Tôn miếu.

      Mọi việc đều sắp đặt sẵn sàng cả, chỉ đợi giờ lành là khởi sự. Thuyết sẽ cầm đại quân cùng với chưởng vệ Phấn nghĩa là Trần Xuân Soạn đánh Trấn binh đài (Mang Cá), giao cho Tôn Thất Liệt đánh phía toà Khâm như trên đã nói. Nhưng mấy người danh bốc [a]  ở phòng bên cạnh gieo mãi không chọn được giờ lành, Thuyết ruột nóng hồi hồi, gắt người này mắng người khác. Nếu qua giờ Hợi, sang ngày hăm ba là ngày tuổi của Thuyết thì việc khó thành. Thuyết đã toan cho bắn súng lệnh làm liều, nhưng  thám tử ở ngoài về báo tiệc ở bên toà Khâm vẫn chưa tan. Thuyết muốn chờ cho họ đi ngủ, đánh bất thình lình cho dễ.

      Gần nửa đêm tiệc tan, khách lần lượt ra về. Những người ở đồn Mang Cá xuống đò đi quanh nẻo Đông Ba về. Họ đi thẳng ra sau Mang Cá không qua cầu Thanh Long. Mấy viên quan võ Thuyết sai vác gươm phục ở đầu cầu để chờ các quan Tây đi qua mà hạ thủ. Chờ mãi không được, lủi thủi trở về.

MỘT ĐÊM LO SỢ

 Về được một chốc thì tiếng súng nổ liên thanh. Lúc ấy vào khoảng đầu giờ Sửu.(5) Tôn Thất Thuyết muốn tránh ngày tuổi lại khởi sự vào đầu ngày tuổi. Bọn tù ở lao Trấn phủ cầm hỏa hổ đi đầu, thực là một đội binh liều lĩnh can đảm vô cùng. Họ phá cửa giết quân canh tràn vào, bắn hoả hổ vào kho trại lợp bằng tranh. Trời tháng năm vừa nóng vừa khô, lửa cháy rất mau. Dân gian trông lên trời đỏ rựng cả hai bên Toà Khâm và Mang Cá. Tiếng súng nổ, tiếng đạn reo, tiếng người la nghe rất ghê sợ.

     Ngàn rưởi lính của Tôn Thất Liệt vừa nghe hiệu súng nổ ở Hoàng thành cùng ập đánh hai trại lính Tây sau Toà Khâm và chỗ sở lục lộ. Lính Tây lúc đầu ai nấy chỉ lo thoát thân chạy tán loạn. Một chốc nghe tiếng kèn túc, cả hai toán cùng hợp lại một. Họ đứng trong cửa sổ bắn ra, cứ mỗi cửa hai người. Người mình ngơ ngác không biết làm thế nào. Trong mười người mới có một người có súng mà lại là súng xấu, còn thì giáo mác cả. Lúc bấy giờ chỉ mong mấy khẩu súng thần công trong Hoàng thành. Vì trước trại tòa Khâm lửa cháy đỏ rực bắn có lẽ dễ trúng... Nhưng khốn nạn, các ông quận công bằng đồng ấy thì còn làm cái quái gì? Đạn bắn sang không thiệt hại cho người Tây một tí nào lại còn giúp cho họ nữa. Vì đạn rơi huyên thuyên bên trại họ, quân mình sợ chết lây không dám áp vào. Nào có phải thế mà thôi: mấy cái nhà tranh chính do người mình đốt, đến lúc cháy lại thành một bức tường lửa người mình khó đi qua mà vào được.

      Gà gáy, Tôn Thất Thuyết sai đưa súng thần công lên bờ thành chỗ gần cửa Thượng Tứ để bắn sang. Bắn như thế cũng có một hai phát trúng, lính Tây phần nhiều không dám đứng cửa sổ nữa và phải tìm chỗ nấp. Nhưng trời đã sáng rồi, lính Tây cả đêm chỉ giữ thế thủ bây giờ đã chuyển sang thế công một cách hăng hái.

                                                          ** *

     

Về phía Mang Cá cũng vậy, lính Tây đương ngủ, mơ màng nghe tiếng súng nổ sực tỉnh dậy, hoảng hốt, mình còn mang áo ngủ mồ hôi nhễ nhại. Tuy vậy họ vốn quen giữ quân lệnh, chỉ hoảng hốt trong chốc lát đã thấy có trật tự rồi. Viên quan năm Pernot, trấn thủ đồn Mang Cá, hạ lệnh giao cho mỗi nguời một việc, chẳng mấy chốc họ đã lìều chết đóng được cửa đồn, lấy những bao bột bên Tây mới chở sang tấn lại rất kỹ càng. Rồi họ chia toán canh gác mọi nơi, áp đuổi người mình cùng dập tắt các đám lửa và cứu lấy lương thực.

Xong đâu đấy họ truyền lịnh bắn ra một loạt súng. Dưới từng mưa đạn, quân ta không sao dám tới gần. Đồng thời chiếc pháo thuyền đậu dưới sông Bao Vinh cũng cho đại bác bắn vào. Những viên đạn to tiếp nhau rơi xuống, tiếng nổ nghe như tiếng sấm vang. Cung điện, lâu đài, nhà cửa nhiều nơi bị đổ nát. Thần công của mình ở trong Hoàng thành có bắn ra nhưng không trúng ai cả, đạn cứ bay qua đồn Mang Cá rơi bì bọp dưới sông và giữa đồng ruộng. Có mấy chiếc thần công để chỗ góc cửa Hậu gần Mang Cá bắn cũng khá, Tây họ vẫn cho là khá nhất trong trận này, vì bắn đổ được một cái nhà, tan một cái xe chở đại bác của Tây và chết mấy người lính nữa. Song chẳng thấm vào đâu.

Chỉ thấy súng của Tây bắn càng lâu càng dữ dội. Dân cư trong thành xô đẩy nhau chạy trốn, nấp rạp dưới cầu cống, người ở Tịnh Tâm, người sau nền Xã tắc gần cửa Hữu. Đêm hăm hai trời tối mịt, mãi gần sáng mới thấy trăng lưỡi liềm lấp ló phương đông gieo xuống một tí ánh sáng lờ mờ, trông càng thêm thảm đạm. Tiếng người gọi nhau, tiếng trẻ con khóc lẫn tiếng chó sủa, tiếng voi thét, tiếng ngựa gầm thành một tiếng ồn ào, đau đớn tưởng chừng thấu đến mấy tầng cao.

Trời tờ mờ sáng. Quân ta hết cả thuốc đạn đành chịu bó tay. Gặp Nguyễn Văn Tường, Tường vẻ tức giận bảo tìm Tôn Thất Thuyết mà hỏi. Quân Tây ở Mang Cá kéo ra từ đầu canh năm, vừa đi vừa đốt nhà cửa, dinh trại hai bên làm thành một con đường lửa dài. Mặt trời mọc, họ đã lên đến góc cửa Thượng Tứ. Về phía sau, cửa Hậu, cửa An Hòa, cửa Chính Tây, cửa Hữu cũng đều mất cả.

Bại quân chạy về báo tin với Tôn Thất Thuyết. Thuyết đương tính đường lui thì lại được tin hai toán lính Tây nữa kéo đến. Một toán ở cửa An Hòa đi vào cửa Hoà Bình, họ đánh lấy từng nhà một, hết nhà này qua nhà khác. Một toán nữa chừng bảy tám muơi người đi qua Tàng thư và Tịnh Tâm thấy một đám người mình rất đông đương quây quần ở đó, liền bắn cho một loạt súng rồi cứ nhắm Lục bộ và Hoàng thành mà đi tới.

       Tôn Thất Thuyết biết thế nguy, sai người phục hai bên đường rồi còn bao nhiêu thuốc đạn vừa bắn vừa lui. Đạn rơi xuống như mưa, thỉnh thoảng trong những bụi tre rậm người mình nhảy ra đâm chém. Thế mà Tây họ cứ đi. Trong bọn bảy tám mươi, có đến hơn hai mươi người bị thương; nhưng cả thảy đều lết đến trước cửa Hiển Nhân mới chịu thôi. Lúc bấy giờ mặt trời đã lên đến ngọn tre.

       Họ vừa tới trước cửa Hiển Nhơn, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tổng công kích, liều chết giữ lấy thành trì. Tiếng chuông tiếng trống vang trời. Quân mình nấp sẵn ở một cái nhà gần đó rồi vừa la vừa hét, vừa vác giáo, vác mã tấu xông vào chém giết tứ tung. Lính Tây chạy tán loạn. Có viên quan một can đảm hô lính dùng lưỡi lê chống lại quân ta. Quân ta phần sức yếu, phần khí giới kém, phần kinh khiếp đã sẵn không sao địch nổi.

       Cuộc xung đột đến đây là hết. Quân ta không còn mong chống lại nữa. Nhưng nào Tây họ có biết. Người nào người ấy mệt nhoài, nằm lắc lư trước cửa Hiển Nhơn. Nắng buổi mai lại gắt. Trông lên Hoàng thành kiên cố, tường cao, hào sâu, cửa cài thoen sắt, biết làm thế nào mà vào được. Họ nằm lăn ra đấy mà chờ quân tiếp ứng.

       Thì vừa có quân tiếp ứng đến. Họ cùng nhau ra sức phá cửa Hiển Nhơn không được, đành đi len vào một con đường hẻm. Đường bé tí hai bên có tường cao, chỉ năm bảy người can đảm cũng có thể giết cả một đội quân đi lạc vào đó. Nhưng người mình đã chạy trốn cả rồi còn đâu. Họ đi hết con đường ấy tìm lối ra trước Ngọ môn rồi vội vàng họ tranh nhau leo lên cột cờ giật ngọn cờ vàng và chằm một lá cờ tam tài cắm lên. Cờ vừa treo xong họ reo hát vang lừng.

VUA HÀM NGHI VÀ TRIỀU THẦN CHẠY TRỐN

      Quá nửa đêm, vua nghe tiếng súng thần công, mơ màng thức dậy hỏi có việc gì. Tôn Thất Thuyết cho người tâu rằng lính Tây bất thình lình kéo vào đánh Hoàng thành nên phải bắn thần công chống lại. Vua hoảng hốt nhưng không biết làm thế nào đành ngồi yên chờ vậy.

       Gà vừa gáy, vua sai người hỏi tình hình thế nào, Tôn Thất Thuyết phao lên rằng quân Tây đại bại. “Bao nhiêu Tây – Thuyết nói – sẽ giết hết chỉ tha cho một đứa sống sót để kể chuyện lại cho bọn chúng nó nghe”.

       Nhưng trời vừa sáng, bà Từ Dũ đương ăn bữa mai, chén ngọc đũa ngà đương bày trên một cái mâm bằng vàng rộng đến ba gang tay. Bỗng có người của Nguyễn Văn Tường vào báo lính Tây đã chiếm gần hết kinh thành và quân của Tôn Thất Thuyết khó lòng chống lại, xin rước xa giá tạm lánh lên Khiêm lăng. (6) Thái hoàng Thái hậu vội vàng bước lên xa giá với vua Hàm Nghi cùng hai bà Học Phi và Trang Ý. Mẹ con, bà cháu nhìn nhau ứa nước mắt.

       Xa giá ra đến cửa Quảng Đức thì gặp Nguyễn Văn Tường chực sẵn ở đó cùng với đội quân có súng ống tính sẽ đi sau hộ vệ. Xa giá men theo tả ngạn sông Hương qua cửa Nhà Đồ, cầu Bạch Hổ, làng Kim Long rồi lên Thiên Mụ. Thực là một cảnh tượng thảm đạm vô cùng. Từ vương tôn công tử cho đến cùng dân, không kể kẻ trên người dưới, lẫn lộn nhau, xô đẩy nhau thành một đám hỗn độn không bút mực nào tả được. Suốt cả một đêm không ngủ, người chết chưa kịp chôn, người bị thương chưa kịp cứu, đồ thờ tự tổ tiên không kịp mang theo, cha bồng con, chồng dắt vợ, trẻ dắt già, lũ lượt đi theo nhà vua để hoạ may trong muôn một có thể tránh được cái chết ngấp nghé sau lưng. Chánh Mông vương (7) cưỡi một con ngựa hồng, bao nhiêu vàng bạc nhặt nhạnh mang theo trong lúc hốt hoảng cũng rơi hết dưới chân ngựa. Một bà thái phi, mù từ mấy năm trước, đi lẫn vào giữa đám đông, nhờ một con thị tì cầm tay dắt. Hộp châu ngọc đương cầm trong tay bị một thằng vô lại chạy qua giựt mất. Những cô gái nhà quan, e lệ, rụt rè  cả đời chưa quen đi ra khỏi nhà, bây giờ trông thấy núi sông, đường sá, ngơ ngác như kẻ mất hồn, làm mồi cho những quân bất lương thừa cơ hiếp dâm, thừa cơ cướp của.

            Cả một đoàn mấy vạn con người nheo nhác, tiếng than vãn lẫn tiếng khóc lóc, đi bước một theo sau cái kiệu vàng, người xem có cái cảm giác như trông thấy một đám ma kỳ quái, to nhớn. Mà sự thực chính là một đám ma, đám ma  đưa một thời đại đã chết trong vòng khói lửa.

            Hãy để đám ma lạ lùng ấy đi theo con đường của nó, chúng ta quay về trong thành một tí đã. Cảnh tượng ở đây càng thảm khốc hơn. Có nhiều dãy nhà lửa còn bốc lên ngùn ngụt chưa tàn. Dân cư bỏ đi gần hết chỉ sót lại những quân chuyên nghề ăn cắp tham của không muốn bỏ qua dịp làm giàu. Trong những túp nhà tranh tan tành, chúng ta thấy những người cụt tay, cụt chân, lòi ruột, toạc đầu, quằn quại trong vũng máu. Thỉnh thoảng họ cố trương hai mắt lên rồi mặt mày nhăn nhó, họ nhóm chút sức tàn lê mình ra một đoạn lại quỵ xuống một cách đau đớn, thất vọng. Một anh thầy bói hai mắt mù tịt, tay cầm giã hạc đương quơ chiếc gậy tre trong một xó vườn hoang. Người chết không chỗ nào không có: trong nhà, ngoài đường, dưới hồ, bên thành. Nhiều nhất là quãng Tịnh Tâm và Tàng thư. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ hơn ngàn rưởi con người bị thiệt mạng. Đó là phần người mình còn người Tây chỉ có 23 người chết và 11 người bị thương nặng.

     Những xác ma vô chủ ấy mãi về sau mới được chôn. Mùi hôi thối ngạt cả một vùng. Hai tháng sau có lẽ vì thế ở kinh đô có bệnh dịch tả rất ghê gớm. Riêng trong trại lính Tây 700 người chết, còn dân gian chết thì không biết bao nhiêu mà kể.

NGUYỄN VĂN TƯỜNG VỤNG TÍNH

             Nguyễn Văn Tường đi theo đạo ngự đến Kim Long thì lánh vào nhà giám mục Caspar. Trong ý Tường nghĩ rằng bây giờ Tôn Thất Thuyết chắc không bao giờ trở về cầm quyền nữa. Giá Tường có thể lấy lại triều chính sẽ không còn sợ ai có thế lực át mình. Bây giờ đi theo nhà vua lênh đênh bơ vơ chưa biết sẽ nguy hiểm đến thế nào. Chi bằng cứ đầu hàng với Tây là hơn. Huống chi Tường đã dặn Nguyễn Hữu Độ báo tin Thuyết mưu phản cho De Courcy thì De Courcy chắc cũng không đến nỗi ác cảm với Tường.

     Tường nghĩ vậy rồi cố năn nỉ giám mục Caspar làm môi giới cho Tường ra đầu hàng. Giám mục sai đầy tớ mang thư ngay sang dinh thống tướng; nhưng lúc ấy nhiều chuyện rắc rối mãi đến chiều mới có thư giả lời. De Courcy mời Tường ngay tối hôm ấy sang nói chuyện và nói thêm rằng nếu nhà vua chịu về ông sẽ để vua trị vì như thường. Lập tức giám mục Caspar đưa Tường tới toà Khâm. Tường một hai chối không có dự vào những việc vừa xảy ra. De Courcy giao cho Tường toàn quyền đặt lâm thời chính phủ, bắt ra ở Thương Bạc viện có một viên quan ba và một toán lính Tây canh .

     Thế rồi một mặt Tường cố giữ lòng tin của người Tây, một mặt cố làm thế nào cho triều thần và quốc dân đừng oán. Nhưng công việc này mới khó làm sao. Một người có trí thông minh, có tài giao thiệp như Nguyễn Văn Tường cũng không sao kham nổi. Hai tháng sau, De Courcy đày Tường đi Côn Lôn rồi đi Tahiti. Tường sống ở Tahiti 12 năm thì mất. Xác Tường được đưa về chôn cất ở đất nước nhà; khi về đến cửa Thuận có lệnh vua Thành Thái bắt lấy giây sắt quật vào quan tài để trị tội.

SAU NGÀY THẤT THỦ

     Lúc xa giá đến Thiên Mụ vừa thấy Tôn Thất Thuyết hất hơ hất hải phóng ngựa tới nơi, giục phải đi gấp.

     Từ đó, lênh đênh phiêu dạt giữa đám rừng xanh, nỗi gian truân khôn xiết kể.

     Ba năm sau. Một đêm cuối thu trời lạnh tại một làng mường trên bờ sông Giai thuộc huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình), trong một túp nhà tranh nhỏ hẹp, cái giường nan với mấy chiếc nồi niêu lờ mờ ẩn hiện dưới ngọn đèn dầu. Nửa đêm. Cảnh buồn thiu. Nước sông Giai chảy róc rách ở sau nhà. Tiếng chim ăn đêm, tiếng vượn rú. Trên giường nan, một người trạc mười bảy, mười tám tuổi, nước da xanh mướt, nằm vắt tay suy nghĩ. Cạnh giường một người trai trẻ, cũng nước tuổi ấy, người vậm vạp, mặt phương phi và hùng dũng vác gươm đứng hầu. Trước cửa hai người nữa đầu tóc bạc phơ cũng vác gươm canh.

     Cái oai tàn của một triều đình đã có hồi lộng lẫy.

     Bỗng có tiếng người đi sột sạt. Rồi ngay lúc đó đèn đuốc sáng loà. Hơn hai mươi người cùng xông vào. Hai viên tướng già trước cửa bị giết ngay. Người trai trẻ cầm gươm (8) vừa nhảy ra cũng bị đâm một nhát bên hông ngã gục xuống.

    Vua Hàm Nghi – vì chính là vua Hàm Nghi – vùng dậy rút thanh gươm treo trên vách. Nhưng khi Ngài trông thấy đi đầu đám địch quân là tên Trương Quang Ngọc, một đứa vẫn hầu cận mình lâu nay thì Ngài trao gươm cho nó mà bảo rằng: “Nhà ngươi giết ta thì giết, chớ có bắt ta nộp cho Tây”. Từ đó ai hỏi, Ngài cũng không nói nữa.

     Hôm sau, một cái bè trôi theo dòng nước; trên bè vua Hàm Nghi mắt thông minh và thản nhiên nhìn những núi non chất ngất hai bên.

    Về đến đồn Thuận Bài gần Chợ Đồn, giữa hai hàng lính Tây bồng súng và một đội lính Tây thổi kèn chào, Ngài đi qua lẳng lặng như không còn nghe thấy gì nữa.

     Trước cửa đồn thiên hạ nô nức tranh nhau xem, Ngài liếc mắt trông qua rồi đi thẳng vào phòng riêng. Nhưng tới đây, không đủ sức dằn lòng được nữa, người ta thấy vị thiên tử ôm mặt khóc như một đứa trẻ con.

 

                                                                   HOÀI THANH

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 33 (21 Juin 1935), tr. 4, 5.

Chú thích

(1)  1883 (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an)

(2) Theo bài của A. Delvaux đăng ở Bulletin des Amis du Vieux-Hué, avril-juin 1910 (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an).

(3)  2 Juillet 1885 (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an)

(4)  Thuật theo Vè thất thủ kinh đô (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an).

(5)  Một giờ sáng (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an)

(6)  Lăng vua Tự Đức (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an)

(7)  Về sau lên ngôi hiệu Đồng Khánh (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an)

(8)  Tôn Thất Thiệp, con Tôn Thất Thuyết (nguyên chú của Tòa soạn Tràng an).

[a]  danh bốc: thày bói có tiếng.