MỘT VIỆC MỚI BỊ BỚI RA Ở GIỮA VIỆN DÂN BIỂU TRUNG KỲ

VỀ MÓN TIỀN ĐỆ NẠP CHO NAM TRIỀU HẰNG NĂM,

XỨ BẮC KỲ ĐÃ QUÊN BẴNG

            Vừa rồi ông Trần Bá Vinh đi nhóm hội đồng Dân biểu về, có viết trong tờ báo Sao Mai của ông [a] một bài ra dáng ca tụng Viện Dân biểu Trung Kỳ năm nay lắm. Vị độc giả nào của báo Sao Mai không biết rõ Viện Dân biểu năm nay cho lắm, đọc bài ông Trần, chắc sẽ cho là “mèo khen mèo” đấy thôi. Nhưng ai đã biết rõ, cũng nên nhận cho ông ca tụng là phải.

            Ở Viện Dân biểu năm nay có nhiều việc các ông nghị đã nói đến mà đáng cho chúng ta để ý. Trong đó còn có một vài cái đề nghị tỏ ra là mạnh bạo và ngộ nghĩnh nữa kia. Để rồi chúng tôi sẽ lần lượt kể ra.

            Hôm nay chúng tôi xin thuật lại đây câu chuyện ông Lê Thanh Cảnh đã nhắc cho hai chánh phủ: về món tiền đệ nạp cho Nam triều hằng năm mà xứ Bắc Kỳ đã quên bẵng.

            Câu chuyện bị vùi dập đã lâu, hầu như không ai biết tới, nay có người nhắc tới, là nhờ sự biết của người ấy. Mà không chừng, câu chuyện này giở ra, biết đâu sẽ không dậy lên một vấn đề chánh trị rắc rối giữa Trung, Bắc, hai kỳ.

 

            Một hôm ở nghị viện, nhơn bàn về cái tình hình tài chánh ở Trung Kỳ rất khó khăn: một đằng thì dân không thể chịu tăng thuế thêm, một đằng thì chánh phủ cũng không thể giảm bớt những sự chi phí đã định, không biết làm cách nào cho Trung Kỳ đứng vững được trong cơn kinh tế khủng hoảng này, thì ông Lê Thanh Cảnh hiến cho mọi người một kế sách.

            Ông Lê Thanh Cảnh nói: Chỉ có một điều này có thể đỡ bớt gánh nặng cho dân Trung Kỳ mà thôi, là buộc Bắc Kỳ phải chịu một phần trong các khoản chi phí của Nam triều.

            Rồi ông kể chuyện ra đầu đuôi như thế này: Khi mới lập Bảo hộ thì hai chánh phủ định với nhau rằng mỗi năm Bắc Kỳ phải đệ nạp cho Nam triều một số bạc là 380.000 quan tiền tây và một số lúa là 380.000 vuông. [a]  Mỗi vuông lúa trị giá 5 quan thì 380.000 vuông là 1.900.000 quan. Hai số 380.000 quan và 1.900.000 quan cọng với nhau thành ra 2.280.000 quan, ấy là số tiền Bắc Kỳ phải nạp cho Nam triều hằng năm vậy. Sau đó vì Nam triều tiêu không đủ, phải phái quan Khâm mạng Nguyễn Hữu Độ đi ra Hà Nội thương thuyết với quan Toàn quyền Paul Bert để tăng tiền Bắc Kỳ nạp cho Nam triều mỗi năm lên 4.000.000 quan. Quan Toàn quyền Paul Bert trả lời rằng vì Bắc Kỳ đương bắt đầu kinh doanh các công việc, tiêu phí cũng nhiều, vậy nên lấy cả số tiền thâu ở Bắc Kỳ trong năm bính tuất (1886) làm đích, tức là 7.500.000 quan, rồi chia lấy một phần năm là 1.500.000 quan làm số hằng năm đệ nạp cho kho Nội vụ ở Huế.

            Việc này có giấy tờ của hai chánh phủ di lại rõ ràng như vậy. Song vài năm sau thì Bắc Kỳ có cái nạn vỡ đê, cần nhiều tiền để tu bổ, Nam triều nghĩ tình dân Bắc nên cho đình số tiền đệ nạp một vài năm để sửa xong đê rồi sẽ hay. Không ngờ từ đó xứ Bắc Kỳ như là quên bẵng đi, thu được chừng nào tiêu hết chừng nấy, không nạp về kho Nội vụ đồng nào cả. Cho đến bây giờ cũng đã ba bốn mươi năm rồi mà chẳng hề có ai nhắc đến.

           

Ông Cảnh kể lại đầu đuôi như thế rồi xin hai chánh phủ Nam triều và Bảo hộ nghĩ đến cái số phận hẩm hiu của dân Trung Kỳ mà làm cho sống lại cái việc đã chết trên đây, nghĩa là định cho Bắc Kỳ mỗi năm phải đảm thọ ít nhiều vào sự chi tiêu của ngân sách Nam triều để cho dân Trung Kỳ khỏi phàn nàn rằng mình trả thuế nặng vì có hai chánh phủ.

            Sau khi nghe ông Cảnh nói, chúng tôi rất lấy làm lạ sao một việc như thế mà ba bốn mươi năm nay, trải qua nhiều quan phụ chánh, chẳng hề có một ông nào nhắc lại để lý hành theo cho đúng như những lời giao ước hồi bấy giờ? Hay là đã có người nhắc rồi mà vì Nam triều không đủ thế lực để buộc Bắc Kỳ phải tuân theo?

            Dù thế nào, việc đã qua rồi cũng bỏ; duy ngày nay đã có người đem việc ấy mà nói ra giữa Viện Dân biểu thì không có lẽ các ngài đương đạo lại làm lơ. Chúng tôi rất mong các quan đại thần sẽ thương thuyết cùng quan Khâm mà chất vấn chánh phủ Bắc Kỳ ngay việc đó. Nếu có kết quả tốt thì không khó gì mà không mở ra bàn câu chuyện giảm thuế cho dân Trung Kỳ.

            Ai cũng biết rằng Viện Dân biểu năm nay cũng vẫn còn đeo cái tánh chất tư vấn như mọi năm. Nhưng, cái tánh chất gì bất luận, miễn là trong Viện có người nói được những điều lớn lao có ích lợi, là đáng cho chúng ta hoan nghinh lắm.

            Trong số tới, chúng tôi sẽ nói đến “Bộ Công đã thành ra vấn đề giữa Viện Dân biểu”.  

TRÀNG AN

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 69 (25 Octobre 1935), tr. 1.    

Chú thích

[a]  Sao Mai: tuần báo chữ Việt, xuất bản tại Tp. Vinh, ra ngày thứ sáu, số 1 (12/01/1934), số cuối cùng: s. 287, ra tháng 8/1939; chủ nhiệm: Trần Bá Vinh (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa thông tin, 2001, tr. 465).

[b]  Theo Huình Tịnh Paulus Của (sđd.) thì: vuông lúa = giạ lúa; giạ lúa (đồ đong lúa): nhỏ hơn hoặc bằng 10 ô (ô = đồ đong lúa gạo, tiện bằng gỗ hoặc đúc bằng đồng /không rõ dung tích xác định/). Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2006) thì: “giạ” là đơn vị dân gian ở miền Nam VN để đong hạt rời, dung tích bằng khoảng 35 – 40 lít.