MỘT CÁI ÁN ĐIỀN THỔ RẤT TRÁI LẼ Ở PHÚ YÊN

IV. ĐẦU ĐUÔI VỤ KIỆN

Muốn béo cò, phải đục nước

            Như trong một bài trước đã nói, ngày 30 tháng 8 năm Khải Định 3, Võ Quang Tân cùng con là Võ Quang Kỳ, cả hai đều là cửu phẩm ở làng Diêm Điền, tỉnh Phú Yên, có bán cho Phạm Nho Chi, bát phẩm ở làng Long Uyên, một sở ruộng 2 mẫu 9 sào, tọa lạc xứ Cũ Chi, xã Ngân Sơn, giá là 1.500$. Lại ngày 25 tháng tư năm Khải Định 6, cũng hai cha con người ấy bán cho cùng một chủ mua đó một sở ruộng 3 mẫu, tọa lạc xứ Cửu Chi, làng Hà Yên, giá là 1.300$. Hai lá khế mỗi lá đều do Võ Quang Tân viết, có Võ Quang Kỳ ký, và lý trưởng của làng có ruộng đứng nhận thiệt; chỉ không có dấu điểm chỉ của vợ Võ Quang Tân là vì trong khi bán ruộng đó vợ Võ Quang Tân đã chết rồi. Một điều thêm chắc nữa là cả hai lá khế đều có nạp bách phần cầu chứng tại Tòa sứ Sông Cầu, có quan Công sứ ký tên, tốn kém cả thảy hơn 160 $.

            Hai sở ruộng sau khi mua, về Bát Chi canh trưng, [a] không có sự ngăn trở gì cả, được hơn mười năm như thế.

            Thình lình, ngày tháng 2 năm Bảo Đại 3, có tên Võ Quang Xuân, nói là em Võ Quang Tân, kiện tại tỉnh Phú Yên rằng anh nó là Võ Quang Tân bán mất ruộng hương hỏa, và khai ra bán cho ai những sở nào, xin quan thôi cứu.

            Quan tỉnh đòi Võ Quang Tân cùng các chủ mua ruộng của Tân, trong đó có Phạm Nho Chi.

            Tờ khai của Võ Quang Tân làm ở tháng hai nhuần [b] năm ấy, nói rằng mình không hề có bán ruộng hương hỏa nào cả; một chỗ nên chú ý là trong tờ khai chẳng hề có một lời nào nói động đến Phạm Nho Chi là người đã mua hai sở ruộng của Tân nói trên kia. Rốt tờ khai, nói thêm rằng Võ Quang Xuân với y là con đồng phu dị mẫu [c] mà là con ngoại tình, cha y hồi sinh tiền tuy nhận làm con mà không cho dự vào gia tài, điều đó có nói trong chúc thơ minh bạch, để tỏ ra rằng dù y có bán ruộng hương hỏa đi nữa là tên Xuân cũng không có phép kiện, vì Xuân không ăn thua gì vào cái gia tài ấy.

            Về phần Phạm Nho Chi thì khai rằng mình có mua ruộng của Võ Quang Tân nhiều lần nhiều sở, nhưng không có sở nào là hương hỏa cả, có kê từng sở ra và sao đính văn khế rõ ràng.

            Trước những tờ khai dứt khoát như thế, quan tỉnh đã xử cho bên Võ Quang Tân cả đến bên Phạm Nho Chi cũng như các chủ mua khác, đều được vô sự; còn người tiên khống là Võ Quang Xuân thì xin hưu nại vì biết mình kiện bậy.

            Việc như thế, tưởng là yên rồi mới phải. Có ngờ đâu sau hai năm nữa, đống tro tàn lại hực lên một cách rất là vô lý!

            Qua tháng 5 năm Bảo Đại thứ 5, chính Võ Quang Tân đương khi không lại tới tỉnh thú khai. Y thú khai rằng trong những ruộng mình đã bán có hai sở cho Phạm Nho Chi là thuộc về hương hỏa: một sở giá 1.500$ và một sở giá 1.300$. Còn hơn 20 mẫu bán cho những người khác thì không phải hương hỏa.

            Việc đã yên rồi, sao lại nứt ra như thế, và một mình Võ Quang Tân sao lại trước sau khai khác như thế, phàm ai có biết những mánh khóe của quan An Nam ta một chút là đều biết các lẽ ấy, chứ chẳng khó gì.

            Nếu không có Võ Quang Tân phản cung thì không có “việc” gì cho quan tỉnh “làm” hết. Nó có bậy bạ như thế, các ngài mới có câu!

            Trong đám chủ mua duy có Bát Chi là giàu hơn, người ta nói y có đến hai ba trăm mẫu ruộng. Người ta lại nói rằng y giàu mà kiệt và hay lý sự lắm, trong lúc đó, phải chi y cũng làm như các chủ mua kia chua ngọt với quan thì đã không có sự Võ Quang Tân thú khai này. Chỉ vì y cậy mình thắng lý, cứ tới nói miệng tày với các quan nên các ngài mới làm cho bõ ghét.

            Người ta còn nói thêm rằng đầu đuôi gây ra vụ này đều từ tay một viên hậu bổ tỉnh Phú Yên. Viên ấy “điêu” lắm, một mình hết sanh sử [d] cho Võ Quang Xuân, đến sanh sử cho Võ Quang Tân, dọa Bát Chi và bày đường chỉ lối cho các quan tỉnh lịch lỵ [e] (vì có năm ông Tuần vũ đã trải qua vụ kiện này), mà bây giờ viên ấy đã đổi đi nơi khác.

            Sau khi Tân phản cung, tỉnh lại đòi Bát Chi. Bát Chi khai ở hai ruộng ấy hồi mua có dò xem châu bộ thì không thấy cước là hương hỏa mà thấy cước là phần canh [g] của Võ Quang Tân. Vả chăng “tụng quy sơ từ”, [h] Võ Quang Tân trước khai khác, sau khai khác, lấy lẽ đó, Bát Chi xin quan tỉnh kể lời khai sau của Tân là vô hiệu.

            Nhưng Bát Chi không làm quan cho nên y không biết chi hết! Nếu không kể lời khai sau của Võ Quang Tân thì người ta còn làm quan tỉnh Phú Yên làm cái gì!

            Bát Chi khai ở tỉnh không ăn thua chi, bèn làm đơn kêu với quan Công sứ Sông Cầu. Nhưng thường thường việc gì ở Tòa sứ cũng giao về tỉnh thì việc này cũng lại giao về tỉnh.

            Giao về tỉnh rồi thế nào nữa, xin để bài sau nói tiếp. Còn trong bài này chúng tôi mới cho các ngài biết vụ kiện này không có lý sự gì lắm, chỉ tự người ta gây ra, muốn làm đục nước để cho béo cò đó thôi.

M. G.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 32 (18 Juin 1935), tr. 2 

Chú thích

[a]  “canh trưng”: cày cấy và nộp thuế.

[b]  tháng hai nhuần: dạng chuẩn là “tháng hai nhuận”.

[c]  “đồng phu dị mẫu”: cùng cha khác mẹ.

[d]  “sanh sử”: như “sinh sự”, bày việc, gây chuyện.

[e] lịch lỵ: (các quan) từng trị nhậm (tại tỉnh này).

[g] cước: tức “cước chú”: lời chú thích, thuyết minh thêm; “hương hỏa”: phần gia tài dành riêng cho việc cúng tế tổ tiên (Đào Duy Anh: sđd.); “phần canh”: ruộng canh tác, đất cày cấy trồng trọt.

[h]  “tụng quy sơ từ”: chưa thật rõ nghĩa; có lẽ ý nói: trong việc kiện tụng thì dữ liệu (lời khai) ban đầu đáng dùng làm căn cứ hơn.       

V. ĐẦU ĐUÔI VỤ KIỆN

Muốn nói ngang làm quan mà nói

Bát Chi kêu tại tòa Sứ Sông Cầu tháng 11 năm Bảo Đại 5, tòa giao về cho tỉnh, tỉnh lại giao về cho phủ, đến tháng 11 năm Bảo Đại 6 mới xử, vừa chẵn một năm.

Phủ xử như thế này, theo biên bản ngày… tháng 11 năm Bảo Đại 6:

“Những ruộng Cửu Tân bán cho Bát Chi phần nhiều thấy khám biên với cựu khế tứ cận không phù hiệp, không thể cứu được, nên ngoại ra; duy có hai sở ruộng hương hỏa của Cửu Tân: một sở 6 sào 10 thước, một sở 5 sào, thuộc làng Hà Yên, tuy tứ cận so với khám biên không phù hiệp, nhưng so với cựu khế có phù hiệp hơi hơi, quả là Cửu Tân đã đem bán hai sở ruộng hương hỏa cho Bát Chi.

Chiếu lệ bán ruộng hương hỏa, Cửu Tân lẽ đáng bị khoa nghĩ và phải bắt chuộc về; nhưng nghĩ cha y đã đặt nhiều hương hỏa, nay y nhân nghèo bán có hai sở cũng không đến nỗi hết đi; vả lại y đã nghèo thì không thể nào chuộc được, cũng nên lượng tình mà tha sự khoa nghĩ. Tuy vậy, Cửu Tân hễ lúc nào làm ăn khá, buộc phải đem đủ tiền chuộc hai sở ruộng ấy về làm hương hỏa như xưa. Còn Bát Chi vốn là “tha xã bất tri tình” nên mới lầm mà mua hương hỏa. Nay sức cho y hễ khi nào Cửu Tân đem đủ 1.500$ đến chuộc thì phải cho chuộc, không được neo cầm, v.v…”

Trong tờ biên bản phủ xử ấy có một điều đáng nực cười là về tứ cận, theo khám biên không phù hiệp và theo cựu khế chỉ có phù hiệp hơi hơi mà quan phủ dám đoán quả là Cửu Tân bán ruộng hương hỏa cho Bát Chi! Nghĩ đó mà coi: đã phù hiệp hơi hơi thì làm sao lại quả được?

Dù thế mặc lòng, chúng tôi tưởng cũng nên bỏ qua sự ấy đi mà cho quan phủ Tuy An xử như thế là phải. Giá như quan tỉnh Phú Yên y theo tờ biên bản ấy thì việc này cũng đã liễu kết lâu rồi.

Phải nói thêm rằng tờ biên bản của phủ xử đó bên Bát Chi đã không chịu ký phục trạng, vì y lấy lẽ rằng hai sở ruộng mình mua vốn không phải ruộng hương hỏa thật. Sau khi không ký phục trạng, Bát Chi có làm đơn kêu lên tỉnh ngày tháng 7 năm Bảo Đại 7, nhưng tỉnh đã chẳng minh cứu cho thì chớ, lại còn bước tới một bước nữa mà làm cho Bát Chi mất ruộng đi.

Qua ngày tháng 5 năm Bảo Đại 8, tỉnh làm biên bản xử lại. Xử rằng:

“Cứ như phủ Tuy An xử vụ ruộng Cửu Tân bán cho Bát Chi đó chưa hiệp nên xử lại rằng:

Cửu Tân tự tiện bán ruộng hương hỏa, nghĩ ưng chiếu luật bội phạt bạc 70$00. Bát Chi đã mua lầm (ngộ mãi), lại xét trong văn khế các sở ruộng ấy đều không có lý trưởng hai làng ký và áp triện, chiếu lệ không hiệp, vậy khế ấy sẽ phải thâu tiêu và ruộng ấy sẽ phải giao lại cho cha con anh em, nhà họ Võ quản nghiệp để làm ruộng hương hỏa, không được đem bán cho ai”.

Trong tờ biên bản tỉnh xử này có hai chỗ dẫn luật đáng chú ý là chỗ bội phạt bạc Cửu Tân và xử Bát Chi mất ruộng vì không có dấu ký của hai lý trưởng hai làng.

Theo tờ tỉnh tư tòa về phiên xử này có dẫn luật hai điều:

Hộ luật điều 87: Con cháu bán ruộng hương hỏa … phạt bạc 35$00. Theo nghị định Khải Định năm thứ 5, quan viên phạm tư tội chiếu bình dân gia nhất bội và cho thục: Tỉnh xử phạt Võ Quang Tân 70$00 là vì cớ ấy.

Tự Đức năm thứ 24 nghị định: Phàm mua bán ruộng ở trong làng với nhau thì lý trưởng sở tại ký và áp triện, ở làng khác thì phải có lý trưởng hai làng cùng ký và áp triện. Nếu thông đồng nhau mua bán, không thân nhân ký chỉ và lý trưởng chứng kiến, hễ giác ra thì người mua sẽ mất tiền, văn khế thâu tiêu, ruộng giao về cho chủ bán: Tỉnh xử Bát Chi mất ruộng, văn khế phải thâu tiêu và ruộng giao về cho Cửu Tân là vì cớ ấy.

Trong tờ tư này tỉnh lại có dựng cớ vì trong khế Cửu Tân bán cho Bát Chi không có vợ Cửu Tân điểm chỉ để phù hợp với chữ “không thân nhân ký chỉ” trong mặt lệ. Nhưng thực ra thì hồi bán ruộng đó vợ Cửu Tân chết rồi nên chỉ có hai cha con va ký mà thôi. Bát Chi có nại chỗ này mà quan tỉnh cũng không cứu, cứ việc nói đại đi là “không thân nhân ký chỉ”.

Điều luật trên về việc Cửu Tân, đáng hay không đáng chẳng nói làm chi; chớ điều lệ dưới thật là vô căn quá.

Như chúng tôi đã nói ở một bài trước, điều lệ Tự Đức 24 ấy xưa nay chẳng thấy thi hành ở đâu cả. Nếu có thi hành thì dân gian những người mua ruộng chẳng đã biết mà lấy ký hai lý trưởng? Cái này, ở Trung Kỳ 13 tỉnh, hầu hết người mua ruộng chỉ lấy ký một lý trưởng làng đám ruộng tọa lạc mà thôi, thế đủ biết điều lệ ấy chưa hề thi hành.

Một điều lệ chưa hề thi hành cho ai hết, chỉ thi hành cho một người là Bát Chi, như thế, sự công bình ở đâu? Hèn chi có câu tục ngữ rằng “Muốn nói ngang làm quan mà nói”!      

M. G.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 34 (25 Juin 1935), tr. 2 

 

VI. ĐẦU ĐUÔI VỤ KIỆN

Cái án tỉnh xử không đủ lý do thành lập        

            Theo biên bản phủ xử ngày… tháng 11 năm Bảo Đại 6 mà qua đến ngày… tháng 5 năm Bảo Đại 8 tỉnh mới xử lại, lập án khác, vừa đúng một năm rưỡi. À, nếu có phải cho rằng phủ xử chưa hiệp thì cải nghĩ ngay, sao lại để lâu như thế? Một sự diên trì ấy đủ thấy người ta dụng tình, để rộng thời giờ đặng có yêu sách bên Bát Chi; yêu sách không được, bấy giờ mới nổi dóa lên mà làm cho mất ruộng.

            Một cái án thành lập bởi sự nổi dóa thì nó phải mất lẽ công bình, còn thành lập sao được?

            Trừ ra sự dẫn lệ Tự Đức năm 24 là điều lệ xưa nay không hề đem thi hành cho ai, bây giờ đem thi hành cho một người là Bát Chi, chúng tôi đã nói qua nhiều lần rồi. Trong bản án tỉnh xử (ngày… tháng 5 năm Bảo Đại 8) toàn là những điều không đủ lý do thành lập; hôm nay xin chỉ ra đây để tiện cho nhà chuyên trách xem mà đính chính lại.

            Trong bản án ấy, điều cốt yếu là bắt Bát Chi phải chịu mất ruộng, giao ruộng lại cho anh em cha con nhà họ Võ, văn khế Cửu Tân bán cho Bát Chi phải thâu tiêu.

            Ấy là tỉnh vin vào điều lệ Tự Đức 24 đã dẫn mà xử.

            Nhưng dù có phải theo điều lệ ấy nữa, cái trường hợp của vụ kiện này cũng còn khác xa lắm: việc Cửu Tân bán ruộng cho Bát Chi chẳng hề đúng như điều lệ ấy nói, thì chẳng làm gì xử cho Bát Chi mất ruộng được.

            Điều lệ Tự Đức 24 là (lược dịch): “Phàm mua bán ruộng ở trong làng với nhau thì lý trưởng sở tại ký và áp triện, ở làng khác thì phải có lý trưởng hai làng cùng ký và áp triện. Nếu thông đồng nhau mua bán, không thân nhân ký chỉ và lý trưởng chứng kiến, hễ phát giác ra thì người mua sẽ mất tiền, văn khế thâu tiêu, ruộng giao về cho chủ bán.”  

            Thế thì, nếu ngoại cái chỗ bắt phải có hai lý trưởng là chỗ lẩn thẩn của điều lệ ra, sự Bát Chi mua ruộng đây chẳng có gì là “không hiệp lệ” như tỉnh nói. Xin xem từng điều tách ra mà biện bác như dưới này:

            1/ Sự mua bán này không gọi được là thông đồng. – Vả chăng như ruộng của Cửu Tân mà con trai hoặc vợ của Cửu Tân đem bán cho Bát Chi, chứ chính mình Cửu Tân không biết tới: thế mới gọi là thông đồng được. Cái này chính Cửu Tân viết khế bán cho Bát Chi và lấy tiền, thì sao gọi là thông đồng? Như nói thông đồng thì ai thông đồng với ai? Chả có lẽ bảo Cửu Tân thông đồng với Bát Chi mà bán ruộng của Cửu Tân?

            2/ Trong khế này có thân nhân ký chỉ. – Cả hai lá khế cũng đều do Cửu Tân đứng viết và ký, ngoài ra có con trai là Cửu Kỳ ký nữa mà thôi. Tỉnh bắt lẽ sao không có dấu điểm chỉ của vợ Tân? Song trong lúc bán ruộng, vợ Cửu Tân chết rồi thì lấy vợ đâu mà điểm chỉ? Cha bán, con ký, mà cả cha lẫn con đều là cửu phẩm thì đủ rồi, còn đòi thân nhân nào nữa?

            3/ Trong khế này có lý trưởng chứng kiến. – Mỗi lá khế đều có lý trưởng nhận thiệt, chỉ không đủ hai lý trưởng như điều lệ nói mà thôi, chớ không phải là “không” lý trưởng.

            Vậy, cứ theo ba điều giãi bày trên đây, dù có căn cứ ở điều lệ Tự Đức 24 đi nữa là cái trường hợp của vụ kiện này cũng không đúng với điều lệ ấy, Bát Chi cũng không đến nỗi mất ruộng.

            Bởi vì lệ nói “nếu thông đồng nhau mua bán, không thân nhân ký chỉ và lý trưởng chứng kiến” thì chủ mua mới mất tiền, ruộng mới giao về cho chủ bán, văn khế mới thâu tiêu; chứ còn chỉ thiếu một lý trưởng mà thôi, cũng không đến như thế.

            Ở đây, sự mua bán không phải thông đồng, có thân nhân là Cửu Kỳ ký chỉ, có lý trưởng mà thiếu một, chứ không phải “không trơn”, thì sao quan tỉnh lại xử được Bát Chi mất tiền, ruộng về Cửu Tân, văn khế phải thâu tiêu?

            Đó là chúng tôi lùi một bước, theo quan tỉnh dẫn điều lệ Tự Đức 24 mà cũng còn không đủ lý do thành lập như thế đó. Huống chi điều lệ ấy là không đáng dẫn, vì xưa nay nó chưa hề thi hành!

            Xử như thế mà xử được, thì xin hỏi các ngài: lẽ công bình ở đâu? lương tâm ở đâu? Có chúng tôi chỉ ra đây, mới thấy việc quan người ta làm “bậy” như thế đó.

            Trong án tỉnh xử lại còn một chỗ dụng ý nữa, cũng nên chỉ ra luôn. Vả chăng theo lời Cửu Tân khai từ trước, Võ Quang Xuân là con ngoại tình của cha y, cha y tuy nhận là con mà không cho dự vào gia tài và hương hỏa, điều đó có nói trong chúc thơ minh bạch. Thế sao quan tỉnh lại bảo Bát Chi phải giao ruộng cho cha con anh em nhà họ Võ? Chữ “cha con” thì được, chứ chữ “anh em” có phải là muốn gạ cho được tên Xuân vào đó không? Làm sao một đứa con cha nó đã ngoại ra, bây giờ quan tỉnh lại gạ nó vào cho bằng được? Xem những chỗ như thế đủ thấy cái tư ý của quan tỉnh, trong khi xử kiện, chẳng thèm kể giấy mực, cũng chẳng thèm kể sự lý và nhân tình!        

M. G.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 35 (28 Juin 1935), tr. 2, 3.

 

VII. ĐẦU ĐUÔI VỤ KIỆN

Lại diễn chuyện cái sò trong ngụ ngôn La Fontaine        

            Cái án tỉnh xử thật không đủ lý do thành lập như bài trước đã nói; mà còn thêm một điều rất ngang trái nữa là điều này:

            Hồi trước phủ xử phải cho Cửu Tân chuộc hai đám ruộng nói là hương hỏa, giá tiền chỉ có 1.500$. Song nay tỉnh xử Bát Chi phải giao khống cho Cửu Tân không những hai đám ấy mà lại cả với một đám giá 1.300$ nữa, cọng là 2.800$.

            Như thế là nghĩa làm sao? Nếu cho tỉnh xử như thế là phải, là hợp lẽ công bằng thì bao nhiêu chủ bán ruộng ở Trung Kỳ có thể đều đứng lên kiện chủ mua rồi lấy ruộng lại hết!

            Thật không thấy đời nhà ai mà lại có ông quan xử ngang như vậy!

            Thế là bây giờ tỉnh không vin vào cái lẽ hương hỏa nữa mà vin vào cái lẽ thiếu một lý trưởng. Kể sự thiếu một lý trưởng thì cái khế mua ruộng nào lại chẳng thiếu? Bởi vì xưa nay ai mua ruộng cũng chỉ lấy ký một lý trưởng mà thôi, mặc dù ruộng ấy nằm về trong làng hay làng khác. Nhơn đó cả tỉnh Phú Yên ồn lên, hơn 20 vị điền chủ gởi thơ cho Viện Dân biểu mà nhờ hỏi hộ quan trên.

            Viện Dân biểu trả lời cho điền chủ thế nào, để sau sẽ nói. Ở đây xin nói cái án ấy tỉnh tư ra bộ và bộ có sửa một vài điều.

            Bộ tư về, không thèm phạt bạc Cửu Tân 70$ mà phạt giam ngay 8 tháng; lại bắt Cửu Tân trước khi nhận ba đám ruộng Bát Chi sẽ giả cho, phải nạp 2.800$ là số tiền giá ruộng ấy cho nhà nước.

            Không biết chiếu vào điều luật nào hay điều lệ nào mà nhà nước được hưởng số tiền này, xin hỏi các ông tiến sĩ luật Tây lẫn An Nam?

            Bấy giờ báo Tribune Indochinoise  ở Sài Gòn số 1228 ra ngày 19/12/1934 có một bài nói về chuyện này một cách trào phúng rất cay nghiệt; họ nêu cái đề rất buồn cười mà chúng tôi đã mượn đề trên đây: Lại diễn chuyện cái sò trong ngụ ngôn La Fontaine. Nói cho những người nào chưa biết thì được biết: Chuyện cái sò trong ngụ ngôn La Fontaine là chuyện có hai người dành nhau cái sò, đem tới ông quan xử, ông quan nuốt lống [a] cái ruột sò mà chỉ giao lại cho mỗi người một mảnh vỏ!

            Ngày 28/12/1934, tờ báo ở Sài Gòn ấy lại đăng một lá đơn của Bát Chi kêu với quan Khâm nữa, nhưng chẳng được chi, dù cái đơn ấy thật dài và lý sự rất rõ ràng.

            Bạn đọc hãy biết rằng về vụ kiện này, báo Tràng an chúng tôi nói sau hết, chớ trước đã có nhiều báo nói đến rồi. Bạn đồng nghiệp Tiếng dân ngày 20 Mars 1935 cũng có một bài mà chúng tôi trích đăng lại đây:

 

***

           

MỘT VỤ ÁN MUA RUỘNG HƯƠNG HỎA

NÁO ĐỘNG CẢ ĐIỀN CHỦ MỘT TỈNH PHÚ YÊN

Mua ruộng đất phải có lý trưởng ở làng có bộ ruộng đất ấy làm chứng nhận thiệt, hay là buộc phải có lý trưởng làng chánh quán của người bán ruộng đất ấy làm chứng nhận thiệt?

Ấy là một câu hỏi, hiện bao nhiêu điền chủ trong tỉnh Phú Yên đương bàn nói lao nhao, tỏ ý kinh ngạc một cách lạ thường.

Nguyên từ thuở đến nay, ở tỉnh nầy   có lẽ tỉnh khác cũng thế  ai mua ruộng đất, trước hỏi ruộng đấy ấy tọa lạc ở đâu, quy bộ và nạp thuế về làng nào, hễ điền bộ về làng nào thì cầu chứng nhận thiệt của lý trưởng làng ấy, chớ không khi nào cầu chứng với làng chánh quán người bán ruộng kia. Vì bán ruộng chớ có bán người đâu mà buộc phải lý trưởng làng người bán làm chứng? huống ruộng ấy không thuộc bộ làng chánh quán của người kia!

Vậy mà mới đây có xảy ra một vụ án lạ đời, là ruộng mua có lý trưởng điền bộ làm chứng, lại bị kiện và bị mất ruộng, vì không có chứng của lý trưởng làng người bán.

Nguyên tên Võ Tân quán làng Diêm Điền (Tuy An) có bán hai sở ruộng cho Phạm Nho Chi, quán làng Long Uyên, tên Chi làm và nộp thuế nay đã gần 20 năm.

Ruộng ấy tọa lạc về địa bộ làng Ngân Sơn và làng Hà Yên. Trong giấy Võ Tân bán, đã có lý trưởng làng Ngân Sơn và làng Hà Yên đứng chứng nhận và có vợ con tên Tân ký chỉ minh bạch.

Năm Bảo Đại thứ 3, tên Tân trở kiện tên Chi mua ruộng hương hỏa, vụ kiện kéo dài. Nay quan trên xử mua ruộng thiếu lý trưởng sở tại Diêm Điền ký chứng (lý trưởng chính quán tên Tân chớ không phải lý trưởng làng có ruộng bán trên) phải mất tiền, ruộng bị phát mãi sung công…

Vụ án ấy đồn ra, bao nhiêu điền chủ lấy làm kinh hoảng, vì thuở nay mua ruộng, ai cũng cầu chứng lý trưởng làng có điền bộ, chớ không cầu chứng làng người bán kia.

Vậy nếu cái án ấy mà thi hành, trước nữa phải có ra luật cho nhân dân biết là: Khi mua ruộng, ngoài việc cầu chứng lý trưởng điền bộ ra, phải có chứng lý trưởng chánh quán người bán nữa.

Mong quan trên xét vụ án nầy, kẻo phần đông điền chủ đang sợ hãi.

 

***

 

May sao quan trên đã làm cho điền chủ Phú Yên không còn sợ hãi nữa! Chỉ duy Bát Chi không bao giờ hết sợ hãi, vì là cái số phận của y!

            Nói tiếp trên kia. Ngày 15 Avril 1935, Viện Dân biểu có cứ theo tờ tư của bộ Tư pháp tư sang Tòa Khâm mà trả lời cho 20 điền chủ ấy.

            Tờ tư ấy nói, theo ý quan Thượng bộ Tư pháp thì một lý trưởng làng có ruộng nhận thiệt là đủ rồi, không cần có lý trưởng của làng người bán, vì người bán thường thường ai cũng biết, hà tất phải nhận thiệt làm chi? Rồi kết luận rằng 20 điền chủ ấy không phải lo, duy có vụ kiện Phạm Nho Chi đã được quan Thượng bộ Tài chánh xử theo điều lệ Tự Đức 14 (24 hay 14?) rồi thì không khi nào tái thẩm nữa.

            Trước kia chúng tôi có nói, đặt một điều lệ ra mà chỉ thi hành cho một người (là Bát Chi) rồi bãi điều lệ ấy đi, – quả là như thế. Mà như thế, thưa các ngài, oan ức người ta lắm mà!

M. G.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 36 (2 Juillet 1935), tr. 2, 3.

Chú thích

[a]  lống: ăn không nhai mà nuốt luôn (Nguyễn Như Ý,…: Từ điển đối chiếu từ địa phương, Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 2001)