NGƯỜI KHÔNG THIẾU MÀ LÀM NHƯ THIẾU  NGƯỜI

ÔNG QUAN ĐÃ LÀM HẠI CHỖ NÀY

CÒN TIẾC MÀ ĐƯA ĐẾN ĐỂ LÀM HẠI CHỖ KHÁC

Mấy số trước kề đây bận vì việc nhóm hội đồng Viện Dân biểu làm chúng tôi bỏ dở không nói nốt được câu chuyện ông Đề đốc Lưu Văn Mậu.

À té ra là vậy đó! Ông Lưu Văn Mậu bị kiện vì những khoản tham ô hà lạm như thế mà chung quy cũng vô sự được đi. Ông ấy đi ra Thanh Hóa, theo lời người ta nói, không phải giáng truất gì, chẳng qua ở chỗ này đổi đi chỗ khác, vì ông ấy vẫn còn nguyên hàm Đề đốc.

Việc này thật tỏ ra cái lượng khoan hồng của Chánh phủ đối với một người giúp việc mình. Kể riêng về phần Nam triều thì cái cách triều đình ưu đãi một vị đại thần như thế lại càng đắc thể lắm. Chúng tôi còn chỗ nào đặt miệng vào mà nói được!

Những người muốn nói và có lẽ họ sẽ nói là viên biền [a] dân sự tỉnh Thanh Hóa, khi họ ở đồng một cảnh ngộ với viên biền dân sự chốn Kinh đô. Nhưng điều ấy nếu có nữa cũng còn lâu; bây giờ thì họ mới chỉ lấy làm lạ sao một ông quan đã làm hại chỗ này, người ta còn tiếc mà đưa đến để làm hại chỗ khác, tức là chỗ họ.

Tuy vậy, Chánh phủ hẳn không có ý định như thế. Và Chánh phủ cũng chắc ở sự hối cải của ông Lưu. Nếu ở Thanh sau này mà ông ấy không có làm ra những việc xấu như ở Kinh thì lại thôi, bấy giờ những việc xấu của ông sẽ được xóa bỏ trong trí nhớ mọi người mà không ai nói chi cả. Chúng tôi cũng trông cho được như thế.

Bởi vậy chúng tôi không nói chuyện Lưu Văn Mậu nữa, chỉ nhơn chuyện ấy mà nói về một cái nguyên tắc dụng nhân.

Không phải bắt đầu từ việc ông Lưu Văn Mậu, chúng tôi nhớ ra ở Trung Kỳ đã lâu nay, những ông quan ‒ nhất là quan phủ huyện ‒ bị kiện ở chỗ này rút cục chẳng qua bị đổi đi chỗ khác.

Trước đây sáu bảy năm có hai ông phủ nhơn bị kiện mà một ông phải lạc hồi dân tịch, một ông mắc tội đồ. [b]  Hai việc đó, dân Trung Kỳ sau khi reo mừng rồi cũng đến bứt đầu bứt cổ với nhau mà coi như là cái biến lệ!

Biến lệ mới như thế, còn thường lệ thì thế nào? Thường lệ là đổi đi! Bởi vậy những ông quan tham tàn bạo ngược ấy mới có cơ hội mà bóc lột được nhiều nơi, dường như người ta sợ ở luôn một nơi thì không còn gì cho các ổng bóc lột!

Dân Trung Kỳ cũng thấy ra chỉ có ông quan trên thanh liêm chánh trực như ông Ngô Đình Diệm thì mới trị được mấy con mọt ấy một cách thẳng tay. Còn ngoài ra duy có đổi đi là thượng sách. Hình như các ngài đối với kẻ hạ liêu mình có lòng “thứ”: trong khi muốn nghiêm trừng họ, các ngài rờ lại sau gáy mà hóa ra không nỡ.

Thành thử mấy ông tham quan bị kiện mà được cải bổ là sự thường lắm, dù bị cụ Phan Châu Trinh bới ra một lần năm 1906 mà vẫn cứ còn mãi cho đến bây giờ.

Cái cách dụng nhân như thế, theo nguyên tắc thật là trái ngược quá. Vả chăng triều đình đặt ra quan chức để vì dân. Thế thì đã biết một ông quan tham ô bạo ngược làm hại dân chỗ này rồi, sao còn đưa đến để làm hại dân chỗ khác?

Có nhiều khi chánh phủ cần người quá, không lẽ mỗi chút mỗi cách chức đuổi về, nên phải trừng phạt sơ sịa, mong họ hối cải để thu hiệu về sau. Hay là còn vì lẽ này nữa: những ông tham quan thì thường lại được việc cũng như những con ngựa hay thì thường lại có chứng; chánh phủ không muốn thải họ về mà muốn khử cái chứng đi để dùng cái tài của họ. Mỗi khi có việc như thế xảy ra thì những lẽ trên đây là lẽ vin lấy để trả lời cho những cái miệng hay bép xép, đại để như cái miệng cụ Phan Châu Trinh.

Nhưng vào hồi nào kia, chớ hồi này chẳng thấy gì là cần người cả. Người ta đỗ bằng cấp nọ bằng cấp kia mà nằm khàn, còn thiếu gì đó, nhân tài đất cục chớ có phải như con cầu đâu mà gượng dẹ cho đang?

Văn cũng vậy mà võ cũng vậy, chẳng thiếu chi người làm được, họ chực sẵn kia kìa. Đề đốc lãnh binh mà không phải cầm quân đi đánh giặc, thì hạng nhân tài ấy đâu có thiếu?

Người không thiếu mà làm như thiếu người, cứ hễ bị kiện chỗ này là đem đổi đi chỗ khác, làm như là tiếc con người ấy lắm, mà chẳng biết tiếc cái gì...

Điều đó thấy dân Trung Kỳ phàn nàn luôn 40 năm nay. Nên hôm nay chúng tôi nói ở đây chẳng qua thay mặt cho một số đông dân Trung Kỳ mà nói.


Chúng tôi muốn thế này, chẳng biết có hiệp hay không hiệp với ý Chánh phủ.

Từ nay những ông quan nào bất luận về ngạch gì, hễ bị cáo về tội tham ô là phải đem ra tòa án. Sau khi xét xử, nếu quả có tội thì phải cách chức, vĩnh bất tự dụng [c] ngay, không cũng bắt ép về hưu trí, mà đừng có làm cái miếng bầy trây xách chỗ này đổi đi chỗ khác.

Làm như thế có hai điều lợi: một là ông quan nào đã làm hại ở chỗ này sẽ không làm hại được ở chỗ khác; hai là ông quan ấy bị mất chức, sẽ có chỗ khuyết cho người khác trồi đầu lên.

Một điều lợi ích mà công bình như thế, tưởng một chánh phủ biết thương dân bao giờ cũng sốt sắng mà làm.

P. K.

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 66 (15 Octobre 1935), tr. 1.

Chú thích

[a]  “biền”:    quan võ (Đào Duy Anh: sđd.)

[b]  “lạc hồi dân tịch”: : nói về những viên quan bị cách chức, trở về làm thứ dân.

“đồ”: bị đày đi làm khổ sai. 

[c]  “vĩnh bất tự dụng”     : bỏ đi, chẳng hề dùng nữa, - nói về quan lại bị cách (H.T. Paulus Của: sđd.)