NHẮC LẠI CHUYỆN ĐƯỜNG HỮU NHÂM

BỊ ÁM SÁT Ở THƯỢNG HẢI

            Làm quan các bộ ở nước ta thật dễ. Những ông làm Thượng thư, Tham tri không luận là có chánh kiến thế nào, miễn là còn sống và không đau ốm thì cứ làm luôn mấy năm cũng được, rồi lần lần thăng lên chức lớn hàm cao. Không như bên Tàu, mấy ông làm bộ trưởng hay thứ trưởng mà nhỡ ra làm việc trái với lòng dân là nguy đến tánh mạng. Như vừa rồi Uông Tinh Vệ bị ám sát rồi đến Đường Hữu Nhâm cũng bị ám sát là bởi hai người ấy đều bị tình nghi là “bán nước” vì đều chủ trương thân thiện với Nhật Bản.

            Tin Đường Hữu Nhâm bị ám sát, bản báo đã có đăng ở một số trước; nay nhắc lại thêm cho rõ hơn, vì đây là một việc quan hệ rất lớn về ngoại giao của nước Tàu.

            Theo tin trước, Đường Hữu Nhâm làm Ngoại giao bộ Thứ trưởng [a] là nói sai. Thực ra thì Đường có làm Ngoại giao bộ Thứ trưởng khi Uông Tinh Vệ còn làm trưởng bộ ấy; từ khi Ngũ trung toàn hội thay đổi nhiều người trong các bộ viện thì Đường đã đổi sang làm Thứ trưởng bộ Giao thông và kiêm chức cố vấn bộ Ngoại giao. Tuy vậy, Đường Hữu Nhâm vẫn là nhân vật quan trọng trong phái thân Nhật. Cũng như bọn Trương Quần, Hoàng Phu, Tưởng Tác Tân, Uông Tinh Vệ, là kẻ chủ trương cái chánh sách hợp tác với Nhật Bản, Đường đã bị quốc dân Tàu ngờ vực bấy lâu rồi. Ngày nay nước Tàu đã chịu dưới cái ách người Nhật nặng nề như thế mà phái thân Nhật vẫn chẳng hồi đầu [b] thì một người trong phái bị giết nữa cũng chẳng lấy gì làm lạ.

            Hôm 23 Décembre Đường Hữu Nhâm từ Nam Kinh xuống Thượng Hải, trú tại nhà riêng số 235 ở con đường Cam-thế-đông về tô giới Pháp, có vợ con cùng ở với Đường. Luôn trong mấy ngày, Đường đi thăm Uông Tinh Vệ (nguyên bị thương còn nằm điều trị ở Thượng Hải) và các bạn hữu khác. Ngày 25, lúc 4 giờ rưỡi chiều, Đường đến thăm Trương Công Quyền, nói chuyện rất lâu rồi ngồi xe hơi về nhà riêng. Xe vào cửa sau, thấy cửa đóng, Đường nhảy xuống xe gõ cửa. Trong nhà nghe có tiếng của đứa con trai nhỏ Đường hỏi rằng “Papa về đó phải không?” Đường đáp “Phải”. Liền khi ấy cửa chưa kịp mở thì có hai người ăn vận đồ dạ đen nhảy xổ ra. Đường biết đó là kẻ mưu hại mình bèn tức tốc leo lên cái thang gác ở bên cạnh đó. Cái thang gác 123 nấc mà Đường mới leo lên nấc thứ ba thì tiếng súng đã nổ vang ầm. Hai người ấy, một người trước mặt Đường, một người ở sau lưng, châu vào bắn Đường đến 8 – 9 phát đạn. Nhưng trúng Đường chỉ có 3 phát, đều là chỗ yếu hại cả, một phát ở sườn bên hữu xuyên qua nách bên tả; một phát vào lưng và đạn mắc ở trong; một phát ở mông bên hữu xuyên qua háng bên tả.

            Bấy giờ vợ Đường đương ngồi trên gác, nghe tiếng súng chạy xuống thì thấy Đường đã ngã trên vũng máu. Người tài xế đã hoảng hốt, bấy giờ mới chạy kêu cảnh sát. Khi cảnh sát tới nơi thì hai hung thủ đã tẩu thoát mất rồi. Người ta chở Đường ngay vào nhà thương. Nhưng giữa đường thì người bị nạn đã tắt hơi, vì không chịu nổi với những vết thương nặng quá.

            Đường Hữu Nhâm nguyên tên là Lâm, năm nay 42 tuổi, người huyện Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, con trai thứ của Đường Tài Thường, một nhà cách mạng tiền bối. Cuối triều Quang Tự, ông nầy có khởi binh ở Trường Sa, mưu khuynh phúc nhà Mãn Thanh, nhưng việc không thành rồi bị chém. Tài Thường chết, để lại một người vợ, hiện còn sống, và ba con trai, cũng đều thành đạt.

            Đường Hữu Nhâm lúc nhỏ học ở Thượng Hải, rồi sang Nhật Bản, vào trường Khánh Ứng đại học, chuyện trị khoa lý tài.[c] Ông ta học giỏi có tiếng, thầy bạn đều khen ngợi. Năm Dân Quốc thứ 8, tốt nghiệp, trở về nước, từng làm quản lý các ngân hàng.  Nhân có đi lại với các yếu nhân Quốc Dân đảng, được bọn Tưởng Giới Thạch, Uông Tinh Vệ khí trọng nên mới cử vào làm quan ở chánh phủ Nam Kinh.

            Hồi này Nhật Bản xâm lược Tàu gắt lắm, phái thân Nhật thường phải mang tiếng với quốc dân. Đường Hữu Nhâm trước giữ chức Thứ trưởng, sau giữ chức Cố vấn bộ Ngoại giao trong dạo này thật là nguy hiểm cho ong ta lắm. Sau khi Tôn Phụng Minh ám sát Uông Tinh Vệ, các bận thân đều khuyên Đường nên cẩn thận giữ mình, nhưng tuồng như Đường không để ý đến sự đó nên mới bị thảm tử như vậy.

            Việc phát ra tại tô giới Pháp nên từ hôm ấy đến nay chánh phủ Tàu hiệp với cảnh sát Pháp tìm kiếm khắp nơi mà bắt chưa được hung thủ, cũng chưa lộ ra mối manh gì. Tuy vậy ai nấy đều đoán quyết là cuộc ám sát này hẳn vì vấn đề chánh trị và ngoại giao. Chẳng ai vào đó mà giết Đường Hữu Nhâm, duy có bọn phản đối phái thân Nhật mà thôi.

            Vụ ám sát này với vụ ám sát Uông Tinh Vệ lần trước đủ tỏ ra dân tình của Trung Hoa là không chịu thân thiện với Nhật Bản.  

V. T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 90 (10 Janvier 1936), tr. 2, 3.

Chú thích

[a]  “Ngoại giao bộ Thứ trưởng” (cách phiên nguyên cả cụm danh từ chữ Hán, phổ biến một thời gian dài trong những người viết báo chữ Việt) tức là: Thứ trưởng bộ Ngoại giao.

[b]  hồi đầu: quay trở lại, tỉnh ngộ lại (Đào Duy Anh: sđd.)  

[c]  lý tài : lo việc tài chính (Đào Duy Anh: sđd.); khoa lý tài: tương đương ngành học tài chính ngân hàng, quản trị tài chính ngày nay.