NHỚ ĐÂU NÓI ĐÓ

TIỂU DẪN. – Một trong những lối làm báo quen thuộc với Phan Khôi là – bên cạnh tin tức thời sự và bình luận, xã luận – mở những loại mục thường xuyên trên mặt báo, mỗi mục thường do một vài thậm chí chỉ duy nhất một cây bút đảm trách, mỗi mục có một phạm vi đề tài, phong cách viết riêng, như một thứ “cửa sổ” giao tiếp với công chúng. Trên Tràng an ngay từ đầu chủ bút Phan Khôi đã mở nhiều mục nhỏ, như “Chuyện rông”, “Nói mà nghe”, “Tiếng oanh”, “Có có không không”, v.v… Nếu “Chuyện rông” thường dành cho cây bút ký Nhà Quê (bút danh của Hoài Thanh), “Tiếng oanh” dành nói về đề tài phụ nữ do các cây bút nữ (Diệu Vân, Lệ Khanh, …) viết… Riêng Phan Khôi, ông tự đặt cho mình tới vài ba mục. Nếu như “Có có không không” (mục này vốn có từ thời ông viết cho Trung Lập ở Sài Gòn hồi 1930-33), là mục để viết một cách phóng túng, có thể thậm xưng, trào lộng… thì “Nhớ đâu nói đó” lại là mục dành để đi vào bề sâu của những hiểu biết chi tiết; đây là loại bài mà về thể tài thường được gọi chung là “tạp trở” – theo cắt nghĩa từ điển thì đó là “cái bàn bày những đồ ăn vặt”, hoặc loại sách “chép những chuyện vặt” (Đào Duy Anh: Hán-Việt từ điển). Cũng vì thế, ở mục này ông ký C.D. (viết tắt tên tự Chương Dân), trong khi dùng bút danh mới: Tuệ Tinh và Sao Đuôi cho mục “Có có không không”.

                Tiếc là với tờ Tràng An báo, Phan Khôi phải giữ vai trò chủ bút nên thời gian dành để viết những bài loại này hiển nhiên là bị hạn chế rõ rệt so với thời kỳ ông chỉ làm một công việc viết bài cộng tác với các tờ Đông Pháp thời báo (1928), Thần chung (1929-30), Phụ nữ tân văn (1929-34), Trung lập (1930-33). – N.B.S.

BỢ ĐÍT

Ta có cái thành ngữ “bợ đít”, chỉ sự thù phụng, “hót” kẻ khác một cách bất đáng và thái quá. Tiếng ấy có đã lâu, nhưng không tìm ra được cái nguồn của nó, vì cái gì mà trở nên thành ngữ.

Đọc sách thấy một chuyện bên Tàu. Năm Dân Quốc 13 công chúng tỉnh Vân Nam dựng cái bia “Tái tạo Cộng hòa” kỷ niệm Đường Kế Nghiêu. Ngày làm lễ lạc thành, Đường cỡi ngựa đến dự. Xong việc, toan lên ngựa trở về. Nhưng vì Đường người to béo, ỳ ạch mãi mà chưa lên được lưng ngựa. Bấy giờ có viên Tham quân mỗ đứng đó, tính nhân dịp thả ngón hót, liền chạy lại đưa hai tay bợ cái đít Đường lên. Không ngờ Đường đá cho một đá và nói rằng: “Tôi làm đến thượng tướng, dễ thường tôi chưa biết cỡi ngựa sao mà ông phải dạy tôi?” Câu mắng làm Tham quân mỗ xám cả mặt.

Chuyện đó mới xảy ra mười năm nay và lại ở bên Tàu, cái thành ngữ “bợ đít” của ta chắc không phải phát nguyên từ đó. Song từ trước ở xứ này chắc cũng đã có Tham quan nào đã làm một việc giống hẳn như quan Tham ấy, cho nên hai tiếng ấy mới trở nên thành ngữ được.

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 4 (12 Mars 1935), tr. 2.

GIÁ TRỊ CỦA CÁI BIẾT

            Một hôm đọc báo thấy:

            Bên Mỹ có một công xưởng, ngày kia, cả bộ máy thình lình không chạy. Cả xưởng, từ kỹ sư đến thợ, sửa hoài không được, cũng không nhận ra được hỏng tại chỗ nào. Ngặt quá, họ phải chạy tìm một người thợ già.

            Bác thợ già này tới, xem qua bộ máy từng cái một, rồi sau hết cầm búa nện vào một chỗ, tức thì máy chạy như thường. Cả xưởng đều mừng rỡ khôn xiết. Viên quản lý hỏi bác thợ già lấy bao nhiêu tiền công. Bác nói một ngàn đô-la.

            Viên quản lý nhăn mặt, le lưỡi, nói chỉ nện một cái, giống gì mà lấy nhiều như thế.

Bác thợ già đáp: Cái nện ấy, tôi chỉ lấy công một đô-la; song cái biết hỏng tại chỗ nào mà nện thì tôi phải lấy tới chín trăm chín mươi chín đô-la!

Giá trị của cái biết ở nước Mỹ như thế. Còn ở nước Nam, cái biết không có giá gì hết, vì chúng ta chỉ có bi-ách [a] mà không có đô-la chăng?

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 5 (15 Mars 1935), tr. 4.

Chú thích

[a] bi-ách: có lẽ đây là âm đọc (Việt hóa) từ piastre (chữ Pháp) tức là đồng bạc.

CHUYỆN BUỒN CƯỜI

            Tiếng ta thật đương còn nghèo quá thật. Như những câu chuyện hay bài văn, nghe hay đọc đến mà thấy vui, thấy buồn cười, nhưng không phải là nói xâm nói điếm có hại đến ai, tức trong tiếng Pháp gọi là humour hoặc humouriste  thì ta nói là gì? Tôi nghĩ hết những chữ chuyện buồn cười, chuyện vui, bông lơn, pha trò, cũng đều chưa lấy gì làm đúng lắm. Túng quá, tôi tạm để chữ chuyện buồn cười.

            Kể một vài ra đây làm mẫu:

Thầy nọ, một đêm thức chơi với bạn đến khuya, bụng thấy đói, lại đập thằng Quýt bảo nó dậy đi làm cái gì ăn. Thằng Quýt vừa dụi mắt vừa nói cự nhự rằng: Thưa cậu, con không thấy đói, để cho con ngủ.

Lại thằng Quýt khác, khi nó bưng bát canh đang nóng sôi lên cho chủ, nó dại, để chấm ngón tay vào trong canh. Chủ thấy thế, có ý nhờm, bảo nó lần sau đừng nhúng ngón tay như thế nữa. Thằng Quýt nói một cách tự nhiên: Thưa thầy đừng ngại, canh dù nóng mặc lòng, không đến nỗi phỏng ngón tay con đâu!

Hai vợ chồng kia nhà nghèo, có tấm vải mới dệt ra, mụ vợ cẩn thận đem làm gối đầu mà ngủ. Đến khuya, có thằng ăn trộm vào nhà, vừa dựt lấy tấm vải thì mụ hay liền. Mụ sờ soạng trong tối nắm được cái chân đứa trộm, bèn kêu chồng dậy: “Nầy, dậy! dậy!  ăn trộm đây, tôi đã nắm được chân nó rồi!”  Trong lúc đó, thằng ăn trộm lại nắm chân lão chồng. Lão chồng tức thì la lên: “Mình nắm chân tôi đấy chứ ăn trộm nào?” Mụ vợ nghe nói liền thả. Rồi thằng ăn trộm cũng thả chân lão chồng ra mà ôm vải chạy mất.

 

Những câu chuyện như thế, ta nên nói là gì? Phải đặt cho nó một cái tên chớ. Nhưng tôi thấy giàu như tiếng Tàu mà họ cũng không tìm ra được chữ gì tương đương với chữ humour, họ chỉ dịch âm theo tiếng Ăng-lê mà viết là     ta đọc là u-mặc.

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 7 (22 Mars 1935), tr. 4

ĂN CẮP TÀU

Có ít nhiều bài văn câu thi bằng chữ Hán truyền tụng ở xứ ta xưa nay, nói rằng của ông Trạng này, của ông Thám nọ, mà đôi khi ta xem sách Tàu lại bắt gặp, té ra của người Tàu. Nói là ta ăn cắp Tàu thì làm cho mấy ông “ái quốc” không bằng lòng; song, rõ khổ, không nói ăn cắp thì cũng không biết nói là gì được! Bởi vì khi nào phát giác ra như thế, cũng thấy cái thời đại xuất hiện của câu Tàu là trước cái thời đại xuất hiện của câu ta. Vả lại của họ thì in đành rành mà của ta thì truyền miệng.

 

Như bài văn tế có duy bốn chữ “nhất” [a] của ông Trạng Trình cùng câu đối của ông Thám Đạt mà tôi đã chỉ trích ra trong báo Phụ nữ tân văn độ nọ.

Nay tình cờ lại phát giác thêm một vụ nữa.

Ta thường nghe nói cuối nhà Lê đầu triều Nguyễn có nhiều di thần nhà Lê không chịu ra làm quan mà đi ở ẩn; sau đức Gia Long đòi gọi mãi rồi họ cũng lần lượt kéo ra. Nên bấy giờ có người làm thơ chế nhạo những kẻ ấy; tôi nghe hai câu rằng:

Nhất đội Di, Tề hạ Thú Dương,     

Cọng ngôn vi khổ bất kham thường. 

 

(Nghĩa là: Một tụi ông Di ông Tề ở núi Thú Dương xuống, đều kêu rằng rau vi đắng quá không thể ăn được. − Nguyên đời xưa, Bá Di, Thúc Tề không chịu làm tôi Vũ Vương, lên núi Thú Dương hái rau vi mà ăn rồi chết đói ở đó. Câu thơ dùng điển ấy để chế nhạo mấy người bầy tôi nhà Lê không giữ được trọng tiết).   

 

            Từ khi tôi biết trong văn Tây có một thể gọi là “humoriste”  thì tôi đi lục lạo mãi trong văn nôm và văn Hán của ta coi thử có giọng ấy không. Tôi chỉ mới thấy hai câu này thì tôi lấy làm quý hóa lắm vì tôi cho là đầy cái ý vị humoriste. Không ngờ hôm nay đọc một tạp chí Tàu ở Thượng Hải mới sang, nơi mục tạp trở có một tắc, dịch ra như ở dưới.

“Các nho sĩ cuối nhà Minh có nhiều kẻ không chịu ra đi thi với nhà Thanh. Về sau quan trường cáo thị, bảo ai là kẻ ẩn dật ở sơn lâm, nếu có chí ra đời thì cũng nhất luật cho vào thi cả; thế rồi các nho sĩ lần lượt rủ nhau ra đầu quyển.

Có người làm bài thơ nhạo rằng:

 

               Nhất đội Di, Tề hạ Thú Dương,

               Lục niên quan vọng hảo thê lương.

               Đầu thượng chỉnh tề tân kết thúc,

               Hung trung dã điểm cựu văn chương.

               Đương thời nghĩa bất thực Chu túc,

               Kim nhật hoàn tu bổ đạt lương.

               Tảo tri vi khuyết chung nan yết, [b]

               Hối sát vô đoan mạ Vũ Vương. [c]

 

Đến chừng vào thi, vì thí sanh đông quá thiếu chỗ ngồi, bọn này lại phải đuổi ra, không được thi. Rồi có kẻ lại sửa bài thi đó mỗi câu một vài chữ để chế nhạo nữa. Nhưng, tưởng một bài cũng đủ, tôi không sao bài sau ra đây. Chỉ ghi lấy một điều, câu đầu bài sau, hai chữ “nhất đội” sửa làm hai chữ “thất tiết”.

 

Tám câu mà chỉ trùng có câu đầu là câu quan trọng hơn hết. Tôi sao lại đủ bài để sau này nếu tìm được toàn thiên tám câu của ta coi thử còn giống nhau câu nào nữa không.

Lâu lâu tôi lại phát ra một vụ như vầy thì e rồi có ngày tôi mất cả lòng tin cậy ở cái văn hóa Việt Nam!

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 8 (26 Mars 1935), tr. 3.

Chú thích

[a] Câu này ở bản in báo nguyên văn là “Như bài văn tế có một dui chữ “nhất” của ông Trạng Trình…”; chắc hẳn có lỗi in; có thể đoạn này là “Như bài văn tế có duy bốn chữ “nhất” của ông Trạng Trình” như tạm sửa lại ở trên. Đây là điều Phan Khôi đã viết trong bài tạp trở Cái bịnh ăn cắp của Tàu, đăng Phụ nữ tân văn, ở Sài Gòn, s. 165 ra ngày 01. 9. 1932. Xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1932, Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn, H.: Nxb. Tri thức, 2010, tr. 723-725.

[b] Người sưu tầm đưa tài liệu này hỏi nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, ông nhận xét: câu 7 bài báo phiên âm là “Tảo tri vi khuyết chung nam yết” có 2 chữ phiên không đúng: chữ thứ 4: “quyết”, không phải “khuyết”; chữ thứ 7: “yến”, không phải “yết”.   

[c]  Tạm dịch nghĩa: Một bọn Di Tề xuống khỏi Thú Dương, / Sáu năm chần chừ không quyết, tình cảnh thật thê lương. / Đầu tóc chỉnh tề kết theo lối mới, / Trong lòng thu xếp lại văn chương cũ. / Thuở ấy vì nghĩa không ăn thóc nhà Chu, / Ngày nay lại chờ được bổ quan ăn lương. / Giá sớm biết rau vi rau quyết cuối cùng khó nuốt, / Hối hận đến chết vì đã mắng Vũ Vương một cách vô lý. (bản dịch nghĩa do nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn thực hiện. Xin cảm ơn)

CÁI LỚN LAO Ở NGOÀI ĐỜI

            Cái con mắt trong đầu ta nó thấy một sự lớn lao lắm, một sự lớn lao khác với sự lớn lao của thế tục mà tôi không biết gọi tên là gì, tôi tạm gọi là sự lớn lao ở ngoài đời.

            Theo con mắt ấy thì như: ông quan là lớn, ổng tự cho cái quan lớn của ổng là lớn lao; ông kia giàu to, ổng tự cho cái giàu của ổng là lớn lao; hay tôi làm báo giỏi – nói vậy đó thôi – tôi cũng tự cho sự làm báo giỏi của tôi là lớn lao, sẽ đều bị nó chê cười hết thảy. Con mắt ấy sẽ bảo cho ta biết những điều ta nhận là lớn lao đó chỉ là cục súc mà thôi.

            Thế thì sự lớn lao ấy là gì? Những công danh phú quý là sự lớn lao thường, con mắt thường thấy được; còn sự lớn lao ấy, con mắt thường không thấy được, cho nên tôi nói duy có con mắt trong đầu ta mới thấy nó.

            Đời chỉ có công danh phú quý hay là huân nghiệp nữa là cùng, mà những cái này đều không phải lớn lao, sự lớn lao thật không phải ở đó, cho nên tôi nói nó ở ngoài đời.

            Cắt nghĩa thế nào rồi cũng không rõ được, nhưng tôi biết chắc có sự lớn lao ấy. Sự lớn lao ấy nó còn có với con mắt trong đầu người ta luôn luôn. 

            Cái điều mình biết chắc là có mà không chỉ ra được, không gì bực mình hơn. Một hôm đọc sách thấy đoạn dưới này dường như có quan hệ với nó, tôi bèn lục ra đây để làm tài liệu chờ ngày giải thích.

            Đổng Kỳ Xương, nhà nho văn hay chữ tốt triều Mãn Thanh có nói rằng:

            “Bao nhiêu người linh lợi, chỉ bị những sự ty tỏa cục súc làm cho hèn mất một đời. Muốn làm con người hơn người, phải mở rộng lòng mình ra, khiến nó trống lộng như trời như biển. Lại khiến nó rất vui, lúc nào cũng rất vui, hết thảy những cái tướng về quá khứ, về hiện tại đều không có vướng víu chút nào. Như thế mới gọi là người có thể gánh cả vũ trụ!”

            Những sự ty tỏa cục súc họ Đổng nói đó là những sự gì? Dễ thường nó là sự làm quan lớn, giàu to, làm báo giỏi mà tôi nói trên kia. Những sự đó mà họ Đổng dám cho là làm hèn mất một đời!

            Mở lòng mình ra cho trống lộng, khiến nó rất vui để gánh cả vũ trụ, phải chăng là sự lớn lao ở ngoài đời mà con mắt thường không thấy?

  C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 16 (23 Avril 1935), tr. 2.

KHÔNG ƯA ĐÀN BÀ

            Ông Clémenceau [a] nước Pháp sinh bình có hai cái đặc tánh: không chịu gần đàn bà và không chịu khuất ai.

            Hồi đại chiến, ông cầm chánh quyền nước Pháp, làm nước Pháp được thắng lợi, người Pháp đều kính phục ông, đến phải dâng cho ông cái huy hiệu “Cọp già”. Lúc gần chết ông còn trối lại: chôn ông thì chôn đứng và chớ cho đàn bà đến gần linh cữu.

            Không chịu khuất ai, điều đó còn có người làm được, chứ đến không chịu gần đàn bà, thì là một sự phản thường quá; làm được, tưởng chỉ có mình ông Clémenceau thôi. Và cũng vì đó cả thế giới mới công nhận ông là tay “quái kiệt”.

            Thấy nói ông Clémenceau như thế, tôi cứ lấy làm lạ mãi, cứ nghĩ mãi cái chỗ tại sao ông không chịu gần đàn bà.

            Sau tôi nghĩ ra: ông Clémenceau sở dĩ có cái đặc tánh thứ nhất bất cận nhân tình ấy là chỉ vì ông muốn bảo toàn cái đặc tánh thứ hai của ông mà thôi. Ta thấy có nhiều người cứng thật, nhưng khi ở trước mặt vợ, con người của họ có thể gấp đôi lại được. Hẳn ông Clémenceau cũng rùng mình vì chút đó mà không dám chơi với giống cái chứ gì. Sự không gần đàn bà là bởi ông sợ chớ chẳng phải bởi ông ghét – vả chăng, đàn bà, tôi chưa thấy cái gì là đáng ghét!

            Tôi đoán chỗ lập tâm của ông Clémenceau như thế chưa biết có đúng không. Nhưng tôi muốn rằng ai là người quái kiệt trong thế giới thì cứ việc gần đàn bà đi mà vẫn giữ được cái đặc tánh độc lập bất khuất của mình kia mới giỏi, người ấy tưởng còn ăn đứt ông Clémenceau nữa vậy.

            Song nếu thế thì dễ thường người ta lại chẳng tôn cho là quái kiệt đâu. Vì có không chịu gần cái thứ người ta thích gần mới là quái hơn người ta.               

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 17 (26 Avril 1935), tr. 3.

Chú thích

[a] Georges Benjamin Clémenceau (1841-1929), người Pháp, chính khách, nhà vật lý, nhà báo; từng là Thủ tướng Pháp (1906-09; 1917-20), thành viên Viện Hàn lâm Pháp.

CÁI TRÍ CỦA BÒ CÁI

            Người ta kể chuyện có một con bò cái đem chín con bò con qua sông. Tước khi qua, nó đếm một bận, chín con kia luôn cả nó nữa là mười con. Kịp khi qua sông rồi, con bò cái đếm đi đếm lại chỉ còn chín con mà thôi, vì nó quên đếm nó. Nó tưởng rằng một con bò con đã chết đuối dưới sông, nên buồn rầu khóc lóc mà chết.

            Đó là cái trí của con bò cái.

            Loài người vẫn thông minh hơn giống bò nhưng cũng có khi quên mình như vậy. Như những người đi xe hơi đến một sân thể thao, đứng làm chủ tịch, cổ lệ cho cuộc chạy thi; những người ngồi dưới đèn điện, bên quạt máy, diễn thuyết phản đối khoa học; những người bận đồ nỉ đứng diễn thuyết khuyên dùng nội hóa; những người ấy đều có cái trí cách xa hơn con bò cái chẳng mấy chút.

            Hình như ông Aristote có nói thế này thì phải:

“Loài người là giống động vật hay lý luận mà sở hành thường không hiệp với lý luận !”

(lời của Lâm Ngữ Đường) [a]

ĐƯỢC TÀI SỬA

            Thiên hạ thường có hạng người không làm ra cái gì được cả, chỉ để chờ có người làm sẵn rồi đặt miệng hoặc thò tay vào sửa.

            Sửa mà hay, còn chẳng đáng kể thay, huống chi sửa mà dở thì …

            Vào thời đại cách mạng ở nước Pháp, khi Dân đảng kéo vào đánh cung vua, có một bọn con gái đi theo. Lúc họ vào được trong cung, chừng như lấy làm đắc ý lắm, quên gì hết cả, có người cầm phấn viết trên tường một hàng chữ:

            “C’ est nous qui sont des rienes”  (nghĩa là: Ấy chúng ta chính là hoàng hậu).

            Theo văn pháp, chữ “sont” đó đáng nói là “sommes” mới phải, nhưng người con gái nào viết câu ấy hình như đã đắc ý quá mà quên cả văn pháp [a] đi.

            Về sau có một nhà học giả chê đảng cách mạng là học chưa thông văn pháp và chịu khó sửa câu đó lại là:

            “C’ est nous qui sommes des rienes”  

            Nhưng vô ích! Dù để chữ “sont” người ta cũng hiểu được theo như đáng hiểu; và có sửa lại chữ “sommes” người ta cũng chỉ hiểu đến thế mà thôi, thì sửa làm gì? Vả lại, từ đó đến giờ, lưu truyền giữa người Pháp như một cái giai thoại là câu “C’ est nous qui sont des rienes”  chớ không phải câu “C’ est nous qui sommes des rienes”  thì có phải cái người sửa đó đã làm một việc mất công toi không?

MÔ PHẠM CỦA THỜI ĐẠI

            Bên Tàu có một người đàn bà tên là Hoàng Lư Ẩn, mới chết tháng 5 năm ngoái đây, được người ta khen là “người mô phạm của thời đại”, tiếng khen lớn quá!

            Lư Ẩn là một nhà nữ văn hào trong phái văn học mới, tay tiểu thuyết trứ danh. Nhưng cái đã làm mô phạm cho thời đại không phải là cái ấy đâu.

            Lư Ẩn sống vào thời đại nửa cũ nửa mới, cái mới đang bị công kích dữ dội và cái cũ còn rất có thế lực ở xã hội. Lư Ẩn hoàn toàn theo tư tưởng mới, hoàn toàn chống lại thế lực cũ, ấy cái chỗ làm mô phạm là ở đó.

            Hồi 17 – 18 tuổi, Lư Ẩn đã hứa gả cho một chàng thanh niên bởi quyền riêng của mẹ nàng. Nàng không đồng ý với mẹ, sau buộc mẹ phải xóa cái hôn ước ấy cho kỳ được. Rốt lại, người mẹ phải theo lời nàng, nhưng từ đó không nhìn nàng làm con nữa. Nàng cũng cứ mặc, không vì cớ đó mà hối hận hoặc cảm thương.

            Cô Loan trong truyện Đoạn tuyệt [b] của Nhất Linh vì không dám làm như Lư Ẩn nên mới phải chiều lòng mẹ mà làm dâu bà phán Lợi, chịu khổ trong mấy năm và mang tiếng giết chồng.

            Sau rồi Hoàng Lư Ẩn kết hôn với Quách Mộng Lương, một người đã có vợ rồi, nhưng Lư Ẩn nói rằng: “Chỉ cần anh với tôi yêu nhau là được, chứ còn anh có vợ rồi, cái đó không cần”.

            Một người đàn bà như thế mà dám khen là “mô phạm thời đại”, đủ biết rằng xã hội người Tàu đã tiến lên một bậc cao.

            Còn nước Nam mình, trong tiểu thuyết mới có được cô Loan thì ra thực sự làm gì có được Hoàng Lư Ẩn!

MỘT ẤM BỐN CHÉN

            Cô Hồng Minh, [c] một người thủ cựu có tiếng ở nước Tàu. Đối với ông ấy, học thuật, chế độ cho đến phong tục tập quán nước Tàu không có một cái gì là không tốt, không có một cái gì là không đáng bảo tồn. Đứng trước cái thế giới trọng nữ quyền, kính cái thuyết nhất phu nhất phụ [d] mà ông dám chủ trương lấy vợ bé.

            Cô Hồng Minh binh vực cho cái chế độ nhất phu đa thê [e] cũng chẳng có lý do gì khác hơn là vì số đàn bà nhiều hơn đàn ông.

            Cái lý do ấy chưa chắc là một lý do chánh đáng, nhưng nhờ những lời khéo léo của ông mà nhiều khi cái thuyết của ông được trôi.

            Một lần nói chuyện với hai người đàn bà nước Mỹ, ông lấy chữ nho ra làm căn cứ mà giảng rằng: “Chữ “thiếp” bởi chữ “lập” và chữ “nữ” ghép lại; thế là có nghĩa: “Thiếp là người con gái đứng hầu, để cho người đàn ông lúc nào có mỏi thì dựa tay lên”.

            Hai người đàn bà Mỹ bẻ rằng: “Đâu có lẽ? Nếu vậy lúc người con gái mỏi há lại không có quyền dựa tay lên người đàn ông ư? Đàn ông đã nhiều vợ được, sao đàn bà lại chẳng được nhiều chồng?”

            Trong khi nói câu ấy, hai người rất lấy làm đắc ý, tưởng chừng như Cô Hồng Minh không còn có đường nào đáp lại.

Không ngờ Cô chỉ bộ đồ trà trên bàn buột miệng nói: “Các bà có thấy một cái ấm chè có cho đến bốn cái chén đó không? Nhưng trên đời không có bộ đồ trà nào có một cái chén mà đến bốn cái ấm bao giờ”.

Lập luận như họ Cô, cho là thiệp thì được, mà cho là hợp lý thì chưa được.  

  C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 54 (3 Septembre 1935), tr. 3, 4.      

Chú thích

[a]  Lâm Ngữ Đường (1895-1976) nhà văn Trung Quốc.

[b]  Đoạn tuyệt (1934) tiểu thuyết của Nhất Linh (1906-1963), nhà văn Việt Nam.

[c] Cô Hồng Minh (1856-1928), quan chức ngoại giao, giáo sư Đại học Bắc Kinh, là người tôn sùng tư tưởng Khổng giáo, phản đối tân văn hóa. Phan Khôi đã nhận xét về tư tưởng bảo thủ của Cô Hồng Minh từ 1928 trên Đông Pháp thời báo (xem: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 /Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 119-126)

[d]  “nhất phu nhất phụ”: một chồng một vợ.

[e]  “nhất phu đa thê”: một chồng nhiều vợ.