NHẬT BẢN VỚI CUỘC Ý – Á CHIẾN TRANH

“Âu châu tối tăm chừng nào, Nhật Bản sáng sủa chừng nấy”

            Trong số trước có bài nói về thái độ nước Đức và các nước đối với cuộc chiến tranh Ý – Á rồi, nay nói đến Nhật Bản.

            Muốn biết thái độ nước Nhật trong vụ này, trước hết phải hiểu cái tình thế Âu châu trong lúc Phi châu có việc. Cuộc chiến tranh ở Phi châu lần này, không còn nghi ngờ gì nữa, là một tiếng kêu của một đế quốc mới nổi lên đòi chia lại các đất thực dân ở châu ấy.

            Trong trận thế giới đại chiến lần thứ nhất (1914-1918), Ý-đại-lợi tuy là một nước chiến thắng, nhưng đến lúc “phân tang” [a] theo như hòa ước Versailles thì nước ấy chỉ được hai miếng đất cồn khô cỏ cháy ở Phi châu mà thôi, điều đó nước Ý đã lấy làm bất mãn. Thêm nữa, sau trận đại chiến, cái tư bản chủ nghĩa ở nước Ý lại dấy lên, công nghiệp phát triển gấp đôi gấp ba thuở trước, nhân khẩu cũng tăng thêm rất nhiều, trong lúc ấy đảng phát-xít lại nắm lấy chánh quyền bền vững, họ mới ngó lại cái cách phân phối các đất thực dân của Quốc Liên [b] hồi trước mà lấy làm bất mãn hơn. Nhân mấy năm nay nước Ý đã đặt vững quyền cai trị ở Đông Phi rồi, và năm mới rồi Ý với Pháp có cuộc hội thương tại La Mã, bèn thừa thế thi hành cái thủ đoạn xâm lược nước Á.

            Lấy tình hình trước mắt mà nói thì hiện nay cái chánh sách thực dân của Ý ở Đông Phi đã được thắng lợi một cách tương đương; nhưng bề trái của sự thắng lợi ấy, nước Anh lại mang lấy sự tổn thất. Bởi vì các nước Đông Phi đã bị chia xé cho liệt cường Âu châu hết, chỉ còn có Abyssinia tuy là một nước như một miếng mỡ ở giữa ba con mèo Anh, Pháp, Ý, nhờ sự kình nhau nên mới còn lại đó thôi. Lần nầy nước Ý đem mấy chục vạn hùng binh đánh hãm thành Adoua chỉ trong ba ngày, chằng những đã rửa được cái nhục chiến bại của mình năm 1896 mà còn phá được cái quân thế của hai nước Anh và Pháp, làm cho nhất là nước Anh phải cảm thấy xứ Ai-cập bị rung rinh và hồ Tsana cũng bị dọa nạt. Vì vậy nước Anh mới đem cả hạm đội đến ngừa ở Địa Trung Hải và gia tăng các lục, không quân ở các thuộc địa Phi châu.

            Chúng ta từng thấy lúc Nhật Bản lấy Đông tam tỉnh của Tàu, giữa hội Quốc Liên, nước Anh làm ra bộ lơ là, đút tay vào túi quần đi bách bộ, thế mà lần này thì sấn sướt kêu to, rủ các nước đối với Ý phải thực hành sự kinh tế phong tỏa, thậm chí dùng võ lực tài chế: không gì khác hơn là Anh bị Ý phang cho một vố rất nặng nên phải ra sức đảm đang.

            Hiện nay hội Quốc Liên đã bị xoay trong tay hai nước Anh và Pháp, trước nay họ đã tuyên bố tội danh nước Ý là xâm lược nước người và quyết nghị chế tài nước ấy về mặt kinh tế. Sự quyết nghị đó về sau chẳng biết có thực hành hết được chăng, nếu thực hành thì cũng có tổn hại cho Ý chẳng ít vậy. Điều đó đủ chứng rằng hai cái chủ nghĩa đế quốc của Anh và Ý đã chạm trán nhau quá lắm rồi.

            Thế nhưng, trong luồng mây chiến tranh nổi lên ở Phi châu rồi vần sang Âu châu ấy thì con hùm đói ở Á Đông là nước đế quốc Nhật Bản kia đương có cái thái độ thế nào. Trước đây không lâu, đương hồi Ý sắp sửa tiến quân đánh Á, một hôm Mussolini mời đại sứ Nhật ở Ý là Sam-thôn Dương-thái-lang đến, hỏi về thái độ Nhật trong lúc Ý đánh Á sẽ ra sao. Khi ấy Sam-thôn chẳng ngần ngừ gì hết, trả lời phứt rằng Nhật Bản vốn không có cái dã tâm nào đối với nước Á cả, cho nên về việc Ý tiến quân đánh Á, Nhật cũng sẽ chẳng hỏi đến làm chi. Được lời như cổi tấm lòng, chánh phủ Ý bèn đem lời Sam-thôn vào một tờ tuyên ngôn, nói rằng coi như lời đó thì về việc Ý đánh Á, Nhật đã ưng thuận một cách vô hình.

            Thấy tờ tuyên ngôn ấy, các cường quốc Âu châu đã lấy làm lạ. Bên kia chánh phủ Nhật cũng thế, bèn tức tốc đánh điện tín cho Sam-thôn, bảo phải làm một tờ báo cáo kể tường tận cuộc đàm thoại với Mussolini thế nào. Cùng trong lúc ấy, Ngoại tướng [c] Nhật Quảng Điền lại còn chính mình đánh điện tín cho chánh phủ Ý mà thanh minh rằng: Câu chuyện Sam-thôn nói tuy là sự thực, có điều trước khi nói chưa được chánh phủ Nhật đồng ý nên câu nói ấy chỉ coi là ý kiến cá nhân Sam-thôn mà thôi. Chánh phủ nhật đối với Abyssinia tuy không có dã tâm gì, chớ quyền lợi kinh tế của mình vẫn phải giữ chặt. 

            Cái tấn kịch pha trò diễn sự vượt quyền của một viên đại sứ đến đó là tạm hạ màn. Câu chuyện cũng có chỗ đáng buồn cười thật, nhưng trong đó đã rõ ràng tỏ ra cái thái độ của nước Nhật đối với cuộc Ý – Á chiến tranh sau này ra làm sao. 

            Sam-thôn là một nhà ngoại giao có tiếng ở Nhật Bản ngày nay, trước kia y có làm lý sự cho Nhật ở hội Quốc Liên, cho nên đối với chánh cuộc Âu châu, nhất là về sự quan hệ giữa Anh, Pháp, Ý, y biết rõ lắm. Lần này Sam-thôn không cần hỏi ý kiến chánh phủ Nhật trước mà chăm bẳm trả lời câu hỏi Mussolini, hẳn là y liệu biết rằng chánh cuộc Âu châu bề nào cũng nhân việc Ý – Á chiến tranh mà làm cho ba nước Anh, Pháp, Ý chạm trán nhau; lại thêm, nước Nhật đối với nước Á, ngoài cái lợi ích về sự thông thương nhỏ mọn, quyền lợi về chánh trị chẳng có chi. Nhân đó, thừa lúc Mussolini hỏi đến mình, Sam-thôn trả lời phắt như thế để cho vui lòng chánh phủ Ý. Sau khi chiếm lấy Mãn Châu, cái địa vị quốc tế của Nhật Bản cũng không được sang trọng nữa, Sam-thôn tính nhờ câu nói của mình để làm tiêu cái ác cảm của nước Ý đối với nước mình bấy nay, đồng thời cũng mong chút lợi về sau, nghĩa là thế nào Ý cũng sẽ khai phóng các thực dân địa ở Phi châu cho Nhật được quán triêm lợi ích. Sam-thôn còn nghĩ rằng mình nói câu ấy để giục giã cuộc Ý – Á  chiến tranh cho mau phát hiện, làm Âu châu rối ben lên, cho Anh và Pháp bận rộn về việc đối phó, khi bấy giờ Nhật Bản ở Đông Á sẽ muốn làm gì thì làm. Vì những điều ấy mà Sam-thôn mới có sự vượt quyền, trả lời phăng cho Mussolini mà không đợi hỏi ý kiến chánh phủ Nhật.

            Thế mà ở bên này, Ngoại vụ tỉnh của Nhật thấy lời tuyên bố của chánh phủ Ý thì nổi tam bành lên, vừa tức vừa giận, như là mình đã bị người ta lợi dụng và mất thể diện, chừng muốn rút Sam-thôn về nước ngay mới hả. Nhưng liền đó thì Sam-thôn gởi về một tờ báo cáo, nói rõ sự mình trả lời như vậy là dụng ý thế nào, và chỉ vạch chánh cuộc Âu châu cho nghe, thì Ngoại tướng Quảng Điền lại tức khắc đổi dữ làm lành, gác việc ấy không nói đến nữa. Có ý gì vậy? Chẳng còn lạ gì hết, đó là chánh phủ Nhật thừa nhận câu trả lời của Sam-thôn là một cách đổ dầu vào lửa, và tỏ ra rằng, đối với cuộc Ý – Á chiến tranh, chánh phủ Nhật có hy vọng vô cùng!

            Từ đó chánh phủ Nhật chẳng nói một lời nào về việc chiến tranh này hết; vừa rồi Ngoại tướng Quảng Điền lại còn điện phát những lời huấn lệnh này cho các đại sứ công sứ của mình ở các nước để bày tỏ cái thái độ nước Nhật đối với cuộc chiến tranh Ý – Á ra sao:

            1/ Chánh phủ Anh căn cứ điều thứ 16 của điều ước Quốc Liên mà quy định sự chế tài nước Ý. Nhưng nước ta đã ra khỏi hội Quốc Liên rồi thì điều ước ấy không còn buộc ta được nữa;

            2/ Trong việc chiến tranh Ý – Á, chánh phủ ta không cần trước phải biểu thị ý kiến nào. Chánh phủ ta đứng ở một cái lập trường không gần mà cũng không xa, chỉ coi theo chiều thời cuộc đổi dời.

            Coi những lời huấn lệnh đó thì thấy chánh phủ Nhật đối với việc này đứng ở một cái lập trường “có câu” lắm, tức là cái lập trường “duật bạng tương trì, ngư ông đắc lợi”. [d]  

            Một tờ báo lớn ở Nhật Bản, Độc mai tân văn, ngày 7 Octobre vừa rồi, có ra một số đặc biệt về kinh tế, trong có một bài bàn về cuộc Ý – Á chiến tranh, dùng câu này làm tiêu đề bằng thứ chữ rất lớn, ấy là câu chúng tôi đã mượn làm phó đề cho bài này: “Âu châu tối tăm chừng nào, Nhật Bản sáng sủa chừng nấy”. Bài ấy nói trong cuộc chiến tranh này sẽ có ảnh hưởng cho Nhật Bản những gì, rồi kể ra 5 điều rất có lợi cho nước mình:

            1/ Thừa dịp hàng xuất cảng của Italy bị sụt xuống, bấy lâu các thứ vải của Nhật xuất cảng bị Ý đè ép thì ngày nay được tăng lên, nhân đó nhân công làm nghề vải bên Nhật khỏi lo sự làm ra mà không có chỗ bán.

            2/ Sự vận tải đường biển bận rộn vì mắc chở đồ binh khí và lương thực cho cuộc chiến tranh, nhân đó nghề vận tải đường biển của Nhật cũng trở nên đắt đỏ.

            3/ Hễ sự chia đất thực dân của Ý bên Phi châu mà được trót lọt thì sau này sự hành động của Nhật ở Mãn Châu, Mông Cổ và miền bắc Trung Hoa cũng sẽ được các nước thừa nhận cho.

            4/ Nhân cuộc chiến tranh này giữa các nước Âu châu có sự rối rắm, làm cho nước Nhật trở nên một nước đứng giữa mà cầm cân nẩy mực và nhân đó cái địa vị quốc tế của Nhật sẽ nâng cao lên.

            5/ Âu châu không bình an được thì càng làm cho mọi công tác của Nhật Bản làm ra ở Thái Bình Dương được êm thấm.

            Những cái ý kiến trên đó không những là đại biểu cho chánh phủ nước Nhật mà cũng đại biểu cho cả một tư bản đế quốc chủ nghĩa của nước ấy. Thế thì đối với cuộc Ý – Á chiến tranh, hẳn là người Nhật mong cho dây dưa ra chừng nào hay chừng nấy. Mà trong cái thời gian dây dưa ấy, một mặt nước Nhật được tòng trung thủ lợi để phát tài lần nữa, một mặt cũng sẽ thực hành được cái chủ nghĩa đại lục và đem nước Trung Hoa đặt dưới quyền thống trị của mình.

            Vừa rồi, nhân ở giữa chỗ tụ hội, một nhà viết báo Tàu có hỏi mấy người thanh niên Nhật về cuộc chiến tranh Ý – Á, Nhật Bản có hy vọng gì không. Mấy vị thanh niên ấy trả lời rằng: Sự hy vọng của chánh phủ Nhật không ở những điều lợi ích nhỏ mọn nhân cuộc này mình sẽ được, mà hy vọng cho cuộc chiến tranh Ý – Á sẽ xoay ra cuộc chiến tranh Anh – Ý; nước Anh chẳng là một đế quốc đã già rồi, dù có chiến thắng Ý chăng nữa là cũng mệt nhoài và kiệt sức; khi bấy giờ Nhật muốn cướp lấy các thuộc địa của Anh sẽ không phải hao công tốn của nhiều mà được việc ngay.

            Câu chuyện đó tuy không ra từ miệng người chịu trách nhiệm trong chánh phủ Nhật, nhưng xem đó cũng đã thấy sự dụng tâm của người Nhật là thế nào. Trái lại, câu nói đó ra từ miệng bọn thanh niên mới càng thấy chắc cái hy vọng của Nhật Bản trong dạo này. Thật thế, hiện nay chánh phủ Nhật và các nhà tư bản bên ấy phần nhiều đều ôm cái nguyện vọng như trên kia. Vì họ đã từng nếm qua cái mùi ngon trời cho hưởng trong trận thế giới đại chiến lần thứ nhất nên họ mải ngóng trông cái ơn trời ấy lần thứ hai sẽ đến.

            Giả sử Anh – Ý đánh nhau, trong lúc hai đằng xung đột nhau ở Địa Trung Hải, thì còn ai lọt vào nữa mà nước Nhật chẳng choán cả thị trường Á Đông? Nhưng điều đó người Nhật đâu thèm kể! Họ mong những chuyện khác kia.

            Trong lúc Anh với Ý chưa thắng phụ, nước Nhật sợ ai mà chẳng cử cả hải quân cướp lấy Tân-gia-ba và Ấn Độ rồi chiếm luôn Java và Sumatra của Hòa Lan? Lúc bấy giờ Nhật sẽ chặn ngang eo biển Malacca làm cho đại Anh đế quốc từ đó không còn duỗi cánh tay xuống miền Đông nữa thì sao mà chẳng được?

            Không phải chúng tôi nói quá. Mấy năm nay chánh phủ Nhật đã mở mấy cái hải cảng ở các hòn đảo Nam Dương, lập mấy cái sân bay ở đó, những công việc ấy nếu chẳng phải dự bị cho một ngày đại cử thì làm ra mà làm gì?

 

            Bạn đọc đọc cả ba bài đăng trong ba số liên tiếp nhau đây sẽ thấy rõ ràng nước Nhật đối với cuộc chiến tranh này là đứng vào cái địa vị “duật bạng tương trì, ngư ông đắc lợi” như chúng tôi đã nói. Hiện giờ trong sự chế tài nước Ý về kinh tế của hội Quốc Liên, nước Nhật đã chẳng dự vào thì chớ, mà cho đến sau này hai bên có đánh nhau lung tung đến đâu đi nữa là nước Nhật cũng sẽ chẳng chịu vứt các quyền lợi của mình mà dấn thân vào, trừ ra chỉ có nước Anh chịu nhượng bộ và cung cho nước Nhật một món lợi lớn hơn.

              V.T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 74 (12 Novembre 1935), tr. 1;

s. 75 (15 Novembre 1935), tr. 1;

s. 77 (22 Novembre 1935), tr. 1, 3.    

Chú thích

[a]  “phân tang”: chia của cải chiếm được.  

[b]  Hội Quốc Liên (Societé des Nations): tổ chức quốc tế được thành lập năm 1919, giải thể năm 1946; được thay bằng Liên Hiệp Quốc (United Nations).   

[c]  Ngoại tướng: tức Bộ trưởng Ngoại giao, ngày nay thường dịch là Ngoại trưởng.

[d]  “duật bạng tương trì, ngư ông đắc lợi”: trai cò tranh giành nhau, ngư ông được lợi.