QUAN ĂN TIỀN, SAO LẠI ĐỔ LỖI TẠI DÂN?

Trích bình mấy lời của Quan Thượng hưu Vương Tứ Đại trong báo Tiến hóa

            Báo Tiến hóa ở Hà Nội ra số 1 vào ngày 16 Novembre vừa rồi, có bài Một giờ với ông Vương Tứ Đại của Lưu Trọng Lư, thuật lại những lời hai đằng đối đáp cùng nhau trong một cuộc phỏng vấn về công việc cải cách chánh trị ở Trung Kỳ.

            Tiếng là bàn về việc cải cách chứ rút lại cả bài chỉ đọng ở một khoản hối lộ, tức là sự quan ăn tiền của dân. Chúng tôi đọc xong, thấy ý kiến quan Thượng có chỗ thiên lệch và trước sau hình như mâu thuẫn; vả chúng tôi cũng nghĩ cho vấn đề này là một vấn đề quan trọng, nên mới trích ra mà bình luận ở đây.

            Thiên phỏng sự [a] của bạn đồng nghiệp Tiến hóa [b] đăng vào hai cột đầu ở trương nhất của tờ báo, tức là bài xã thuyết; chúng tôi thấy thế, phải tin là một bài đứng đắn, thuật đúng như lời quan Thượng hưu, nên mới lấy mà làm cái đối tượng phê bình. Muôn một mà bài ấy thuật sai lời của quan Thượng đi, thì sự phê bình của chúng tôi cũng sẽ trở nên vô giá trị; nhưng mà, nếu có vậy đi nữa, cái lỗi hẳn không ở chúng tôi vậy.

           

            Theo ý quan Thượng Vương, [c] ngài cho rằng dù có cải cách gì thì cải cách chứ cái tệ ăn hối lộ cũng không tài nào trừ đi được. Như lời ngài nói, “là vì sự ấy không ở tại chánh phủ mà ở tại dân. Bao giờ dân khôn lên, có đủ sức để trừng phạt quan thì mới trừ sạch cái nạn tham quan ô lại. Mà hiện nay thì trình độ dân ta còn kém lắm. Không những đã không trừng phạt được quan mà còn giúp cho quan làm điều xằng bậy nữa … Có khi quan không sách nhiễu gì mà dân cũng cứ mang lễ tới …”

            Cái luận điệu như trên đó, chúng tôi cũng đã thấy có nhiều người thốt ra rồi. Nhưng kẻ nói nếu là một người dân thì đứng về phương diện dân mà bày bảo cho nhau, nghe còn hợp lý. Đến như quan Thượng, tuy hưu rồi cũng là quan, mà nói như vậy thì gẫm cũng lạ thay!

            Chúng tôi chỉ cầm cái lý sự ngăn ngắn mà nói phứt đi rằng: đã nói “quan ăn tiền” thì sự ấy nên trách thẳng ở quan, chứ nhè dân mà trách thì lời lẽ nghe ra nó quanh co quá.

            Theo luật, kẻ ăn hối lộ và kẻ đem hối lộ cho người khác ăn đều có tội hết, mà kẻ trên tội nặng hơn. Quan và dân, ai là người biết luật hơn? Cứ sự thực mà nói, mười ông quan dễ ông nào cũng biết luật hết, mà một trăm tên dân mới có một tên biết luật. Thế thì, quan đã biết luật, đã thấy trong luật buộc tội mình nặng hơn nếu mình ăn hối lộ, mà còn ăn, là đáng trách trước hết mới phải chớ, sao lại trách dân là kẻ ít biết luật, và nếu có biết ra cũng sẽ thấy mình bị buộc tội nhẹ trong khi đem tiền đút cho quan?

            Theo luân lý thì người ta lấy lễ nghĩa trách quân tử, không ai lấy lễ nghĩa trách tiểu nhân. Quan là người có học vấn, lại được quan Thượng Vương thả lỏng cho trong sự hành vi; còn dân, phần nhiều là dốt nát, mà ngài lại trở mong cho họ có đủ sức để trừng phạt quan, thì chúng tôi phải nực cười cho sự mong của ngài là khó khăn, là trái ngược!  

            Luật và luân lý đã vậy, còn theo thường tình mà nói, trong việc ấy nếu lại nhè dân mà trách, cũng thấy trái lè ra. Thường thường ở thế gian này, có việc gì làm ra giữa hai bên, mà rút cục cần phải đổ trách nhiệm cho một bên nào, thì người ta phải đổ cho bên chủ động chứ không ai đổ cho bên thọ động. Khi có một việc hối lộ, quan là chủ động mà dân là thọ động. Kẻ chủ động bao giờ cũng cậy ở cái sức mạnh của mình bắt kẻ thọ động phải vâng theo. Người dân, khi không đem tiền cho quan ăn, họ có thể bị hỏng việc hay quá nữa là mang tù mang tội; họ đã phải cái chỗ yếu ấy, sao ta còn đeo theo mà trách?

            Hai đứa trẻ con đứng trước mặt quan Thượng Vương, nếu đứa mạnh đánh đứa yếu mà ngài quở đứa này rằng “Sao mày dại, không biết đỡ?” – thì chúng tôi cũng xin lạy dài ngài! 

 

            Nhưng sau đó, nhờ sự khôn khéo của người phỏng vấn là ông Lưu Trọng Lư đã đưa quan Thượng là người đối thoại cùng mình vào con đường bí, bất giác ngài phải tỏ thực ra.

            Đoạn này ngài nói có vẻ uốn lượn, diễu quanh, nhưng rõ ràng. Chúng tôi xin nói trắng ý ngài ra cho dễ hiểu. Đại để ngài bảo quan hay ăn tiền là tại khi bổ ra đã bị quan trên ăn tiền mình rồi, nên lúc ra làm phải lấy của dân mà bù lại. Ngài có nói rõ các quan ở Huế lúc bổ ra ngoại tỉnh thường phải vay của bọn “phượng lâu” để cung cho quan trên. Chữ “quan trên” đây duy có là quan Thượng thư bộ Lại hay là ông quan nào cũng có thế lực như quan Thượng thư bộ Lại. Rồi cuối đoạn đó, quan Thượng Vương cho rằng sự quan trên ăn tiền các quan và các quan ăn tiền dân nó cũng như nhau, là sự thường!

            Trên kia chúng tôi bảo lời quan Thượng nói hình như trước sau mâu thuẫn, khi đọc đến đoạn này đã thấy.

            Theo lời ngài trong đoạn đó thì quan nhỏ ăn tiền của dân là tại quan lớn đã ăn tiền của quan nhỏ trong khi bổ ra. Cốt ở chỗ các ngài muốn có mà trả nợ tiền tháng ba phân cho bọn “phượng lâu” nên không đừng được mà các ngài phải vơ vét nơi cùng đinh hạ hộ.

            Thế thì lại đã rõ ra rằng sự quan ăn tiền, không đáng trách ở dân rồi. Ta nên trách ở quan, mà ở quan lớn trước: vì quan lớn có ăn tiền của quan nhỏ rồi quan nhỏ mới ăn tiền của dân. 

V. T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 78 (26 Novembre 1935), tr. 1.

Chú thích

[a]  Tác giả gọi bài phỏng vấn là “phỏng sự”, không phải “phóng sự”. – N.S.T.

[b] Tiến hóa. –  tuần báo chính trị và văn chương; số 1 ra ngày 16/11/1935; số cuối cùng: số 3, ngày 07/12/1935; tòa soạn: 83 bis Mandarins, Hà Nội; chủ nhiệm: Lê Tràng Kiều. Tiến hóa là sự tiếp tục của nhóm chủ trương Tân thiếu niên (bị đóng cửa sau khi ra được 3 số, – điều này được nói rõ ở số ra mắt của Tiến hóa), tuy vậy, Tiến hóa cũng lại bị đóng cửa sau khi ra được 3 số. Sau Tiến hóa, Lê Tràng Kiều làm chủ bút Hà Nội báo (1936-37) của chủ nhân Lê Cường. 

[c]  Vương Tứ Đại (? - ?) bị bãi chức Thượng thư bộ Công, cùng lúc với 4 người khác vào năm 1932, khi vua Bảo Đại từ Pháp về nước, thực sự cầm quyền tại triều đình Huế, cải tổ nội các.