THÁI BÌNH DƯƠNG NỔI SÓNG CHĂNG

HẾT TRUNG-NHẬT ĐỀ HUỀ ĐẾN TRUNG-NHẬT GIAO Ố

            Giữa lúc hai nước Ý – Á đương đánh nhau thì ở Thái Bình Dương lại đã ra hiệu sắp có cơn dông tố. Tàu và Nhật gần miếng đất Đông Dương này quá, nếu có việc xung đột nào xảy ra ở đó thường làm cho ta để ý hơn là việc xảy ra bên Phi châu.

            Bắt đầu từ ngày 1er Novembre đến nay, Nhật với Tàu đương đề huề bỗng thành ra giao ố. Mà sự thay đổi ấy quan trọng lắm, có thể thay đổi luôn cả cuộc diện Thái Bình Dương, đương hòa bình mà thành ra chiến tranh.

            Tại sao mà thế? Xin bạn đọc cùng chúng tôi ôn lại sự quan hệ giữa hai nước và nhất là sự thay đổi chánh sách của chánh phủ Nam Kinh gần nay.

 

            Nguyên nước Tàu về ngoại giao có hai phái: một phái chủ trương thân Nhật, Uông Tinh Vệ là đại biểu; một phái chủ trương thân Âu Mỹ, Hồ Hán Dân là đại biểu. Uông và Hồ cũng đều là trụ thạch của Quốc dân đảng cả, nhưng đã ba năm nay Uông được lên cầm chánh quyền, còn Hồ vẫn tại giã và vài tháng trước đây đi du lịch bên Âu châu.

            Phái thân Nhật lấy lẽ rằng nước Tàu so với liệt cường đương còn yếu, đối với nước nào mình cũng phải kiêng dè cả, làm lành với họ để mưu việc nội trị cho mỗi ngày một mạnh lên. Nhưng trong các nước mạnh thì nước Nhật ở gần hơn hết, phải thân với Nhật để giữ cuộc hòa bình cho vững thì mới hòng lo việc nội trị được. Phái này phản đối phái thân Âu Mỹ ở chỗ cậy cái thế lực ở xa mà chống với thế lực ở gần.

            Nhưng phái thân Âu Mỹ không kể điều ấy, họ bảo rằng chính vì các nước Âu Mỹ ở xa, đối với nước Tàu không dễ gì có cái dã tâm xâm chiếm, nên làm thân với họ hơn. Còn Nhật Bản lúc nào cũng hằm hằm cướp đất nước Tàu, làm thân với họ khi nào Tàu cũng sẽ chịu thiệt. Các nước Âu Mỹ tuy ở xa mà thế lực của họ không xa, nhờ thế lực của họ mới chống lại được sự xâm lược của Nhật Bản. 

            Đàng nào nói cũng có lý của đàng ấy. Nhưng Uông Tinh Vệ lên làm Ngoại giao bộ trưởng thì cái chánh sách thân Nhật được thực hành.

            Ta cũng nên biết cái tình thế của chánh phủ Đông Kinh nữa. Ở đây vẫn có Ngoại vụ tỉnh chủ trương việc ngoại giao, song đối với việc nước Tàu, hình như chánh phủ Nhật để cho hai tỉnh Lục quân và Hải quân có quyền hơn tỉnh Ngoại vụ! Nói thế cho khỏi nói ở Nhật Bản, cái quyền đối ngoại nắm trọn trong tay bọn võ nhân.

            Cái chánh sách thân Nhật của Tàu thất bại cũng vì lẽ ấy. Nghĩa là người Tàu cứ việc vỗ vai quan đại thần Ngoại vụ Nhật mà nói chuyện hợp tác hay đề huề; nhưng còn bọn võ nhân, tức là hai quan đại thần Lục quân và Hải quân Nhật lại cứ việc kiếm cách đưa tối hậu thư để kéo binh sang xâm lược.

            Thật thế, trong mấy tháng gần đây ở miền Hoa Bắc, những việc như thế xảy ra luôn.

            Người ta hay nói, dân làm bạn với quan bao giờ cũng bị thiệt; và trong truyện ngụ ngôn nào đó cũng có nói, con cừu kết hòa ước với con sư tử không khi nào giữ được cuộc hòa bình: chính là cái tình thế giữa Tàu và Nhật bấy lâu và hiện giờ.

            Hình như người Tàu vừa rồi đã biết sự thân Nhật là thất sách và tính xoay qua mặt khác. Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường là bọn chủ trương kháng Nhật, mấy lâu nằm bẹp một xó, thì vừa rồi chánh phủ Nam Kinh mời cho kỳ được đến dự Lục trung toàn hội. Cho nên cuộc hội nghị này, người ta cho là cuộc hội nghị để xoay hướng ngoại giao. Giữa hôm khai hội, Uông Tinh Vệ lại bị ám sát, sự xoay hướng ngoại giao lại càng quyết lắm. Kế đó, bộ Tài chánh Tàu lại có sự thực hành cái chánh sách thống nhất hóa tệ. Người Nhật bảo thực hành việc này là nhờ Anh cho Tàu vay một ngàn vạn bổn [a] , sự đó đã đủ gây ra hiềm khích. Ngoại giao còn đồn chánh phủ Nam Kinh thâu bạc mặt về là cốt dự bị cho một cuộc dụng binh lớn. Cuộc dụng binh lớn ấy là gì? Người Nhật phải hiểu là cuộc đánh lại Nhật để trả thù.

            Một điểm làm cho Nhật kỵ hơn nữa là giữa Lục trung toàn hội, bọn chánh khách Tàu đã thuận với nhau đánh điện tín sang Âu châu mời Hồ Hán Dân về Nam Kinh. Rõ là chánh phủ Tàu đã xoay qua chánh sách thân Âu Mỹ rồi; mà đã thân Âu Mỹ thế tất là phản Nhật.

            Người Nhật biết vậy nên chụp khai hấn liền, muốn làm cho chánh phủ Tàu không kịp trở tay. Hôm 11 Novembre nhân một tên lính thủy Nhật bị giết tại Thượng Hải, bên Nhật cho một chiếc chiến hạm đến thị uy. Tình hình Thượng Hải trở nên rất nghiêm trọng.

            Quả nhiên bên chánh phủ Nam Kinh cũng đã dự bị để kháng chứ không như lần trước bất để kháng. Trước một ngày, 10 Novembre, Tưởng Giới Thạch đã rút 20 vạn quân trung ương đến đóng tại dọc đường Nam kinh đi Thượng Hải.

            Ở Bắc Bình, quân Nhật cũng tự do hành động.

            Đối phó với quân Nhật ở phía bắc, ngày 12 Novembre, Tưởng Giới Thạch cũng đã cho kéo đến đóng một đạo binh lớn ở Lạc Dương.

            Thời cuộc như thế, tưởng rất khó mà tránh khỏi chiến tranh được, sự chiến tranh lại gần ở bên cạnh chúng ta.

V. T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 76 (15 Novembre 1935), tr. 1.  

Chú thích

[a]  “bổn”: có lẽ tác giả ý chỉ đồng “bảng” Anh; chữ   bảng được dùng để dịch từ “pound”, đơn vị tiền tệ nước Anh. Cách đọc “bảng” là “bổn” cho thấy tác giả V.T. là người Quảng Nam.