Ý KIẾN BẠN ĐỌC

BÁO ĐÀN BÀ MỚI VỚI XỨ LÀO

         Mới đây bà Thụy An có lên chơi xứ Lào để cổ động cho tờ Đàn bà mới, tờ báo mà bà đứng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. [a] Sau cuộc lữ hành ấy bà có viết một bài đề là Một ít lịch sử giữa người An Nam và người Lào, đăng trên tờ báo của bà số 33 ra ngày 19/8/1935.

            Chúng tôi, anh em An Nam ở xứ Lào lấy làm may là ít lâu nay được một vài tờ báo nói tới. Nhưng về việc gì cũng vậy, lời nói đúng thì mới có bổ ích cho người đọc, cho người bị nói đến; trái lại, cứ nhắm mắt nói liều, nói để cho có chuyện mà nói, thì không những là không bổ ích gì cho ai mà có khi lại có nhiều sự hại.

            Vì lẽ ấy, đọc bài của bà Thụy An, thấy có nhiều chỗ khác sự thực, tôi xin có lời nói rõ: anh em chúng tôi ở xứ Lào bị nhiều cái khổ tâm và nhiều sự thiệt thòi đã không được bà Thụy An yên ủi hay bênh vực, bà lại còn dùng lời nói “mát”.

            Theo như những cái bà Thụy An quan sát thấy, xưa nay anh em chị em ở Lào vẫn tự kiêu là người Lào ngày xưa phải triều cống nước Nam nên ngày nay quan Khâm sứ Marty ra đạo nghị định bắt người Nam ở Lào phải thuộc quyền các quan Châu mường (cũng như Tổng đốc, Tri phủ, Tri huyện ở ta) cai trị, cho là mất thể diện.

            Không, bà Thụy An lầm, một trăm người An Nam ở Lào vị tất được một người biết rõ đoạn lịch sử trên kia, nhưng tôi dám chắc rằng một trăm người ấy đều như có ý khinh người Lào thì phải. Người mình khinh mà bây giờ mình lại thuộc dưới quyền họ cai trị thì cho là mất thể diện, tôi tưởng cũng là một lẽ tự nhiên.

            Tại sao người mình khinh họ? Tôi xin nói vì họ về đủ các phương diện còn kém mình xa. Một dân tộc mà cái nhà – tôi muốn nói cái nhà chớ không phải cái lều – chưa biết làm lấy mà ở; quần áo – tôi muốn nói quần áo chớ không phải những miếng vải dùng để quấn quanh người – cũng chưa biết may mà mặc, nên một chút gì hơi thuộc công nghệ cũng là tự tay người mình làm cho cả. Như thế thì làm sao cho người mình trọng họ được?

            Những điều trên này không phải một mình người Nam mình nói mà thôi. Tôi xin cử mấy lời của một người Pháp ra làm chứng:

            “Tôi sang ở xứ Lào nếu không có người An Nam thì có lẽ trong một vài năm tôi sẽ không phải là người Pháp nữa. Tôi sẽ phải ở trong những cái lều, sẽ ăn xôi, sẽ cạo trọc đầu, sẽ may quần áo lấy, giặt quần áo lấy mà mặc. Thật đấy, không phải tôi nói để được lòng người An Nam đâu. Thì này nhé: thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ giặt, thợ cạo, cả đến bồi bếp cũng đều  là người An Nam cả.”

            Vậy mình cho bị lệ thuộc dưới quyền người ta cai trị là mất thể diện, là tại mình vẫn cho họ còn dở hơn mình, chớ không phải vì người Lào xưa phải triều cống mình, như bà Thụy An đã tưởng mà bà dám cả quyết viết câu: “Các ông ơi, các ông lầm rồi, cái công kia là của ông cha các ông, nào phải của các ông mà các ông cứ viện lẽ để ở trên người mãi.”

            Bà nên biết cho rằng, chúng tôi có theo lẽ trên kia mà khinh người Lào chăng nữa, cũng không đến nỗi lầm như bà đã tưởng. Công của ông cha chúng tôi (tất cả người Nam ở trên mặt địa cầu chớ không phải riêng anh em người Nam ở xứ Lào mà bà bảo ông cha các ông) tức là công của chúng tôi. Một thí dụ rất dễ hiểu: người Pháp ngày nay sang cai trị Đông Dương nào phải là họ đã có công sang chinh phục, chính là công của ông cha họ. Muốn nói rõ hơn nữa, đại khái bà Thụy An có một tòa nhà của ông cha để lại, chắc một người khác không thể đến chiếm, lấy cớ rằng công làm nên tòa nhà ấy không phải là của bà mà chính là của ông cha bà.

            Bà Thụy An còn nói: “Mà nhất là bây giờ, các ông chỉ là những kẻ ngụ cư ở nhờ đất nước người ta thì phải chịu nước lép…”

            Ta nên biết cho rằng những người ngụ cư cũng có nhiều hạng; những người khố rách áo ôm ở ta sang làm bác phu xe hay anh quét đường cũng là người ngụ cư, những người mang hai bàn tay khéo léo sang làm cho nước Lào ngày xưa thành nước Lào ngày nay cũng là người ngụ cư, những người đem tài học mà chính phủ ba xứ (Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ) đã tốn nhiều tiền lập trường, nuôi thầy giáo mới đào tạo nên được, sang giúp cho chính phủ Bảo hộ ở xứ Lào cũng là người ngụ cư. Những người đã chả may phải đem tài đi giúp người lại bị thuộc dưới quyền họ, bị nhiều cái thiệt thòi cho họ, cho con cái họ, thì bà cũng nên để cho họ than phiền một chút với nhau, sao bà lại bắt người ta im mồm lại? Bà biết cho rằng họ chả may bị nhà nước bổ sang đây, đã bị xa quê hương, không những là không được thêm quyền lợi gì, lại bị nhiều cái thiệt thòi, bị thuộc dưới quyền những ông quan thích cho hễ ai vào hầu cũng phải quỳ, giơ hai tay lên trời và lê hai gối từ ngoài cửa vào đến chỗ ngồi, họ cũng chẳng thích ở đây làm gì.

Sau nữa bà cũng nên biết, những tiền lương các viên chức ấy là lấy ở ngân sách Đông Dương (Budget général), nào Lào họ có biết đâu rằng nếu không có ngân sách Đông Dương san sẻ cho thì làm gì họ có những lâu đài, đường sá đẹp ở nước họ mà ngày nay họ nghiễm nhiên nhận là của họ?

Đọc bài Một ít lịch sử giữa người An Nam và người Lào của bà Thụy An, ta còn nhận thấy bà là một người quá thực thà trong những cuộc phỏng vấn: Nói chuyện với một người con gái Lào, người ấy bịa một câu chuyện hoang đường, bảo người An Nam là anh người Lào, vì thế nên chỉ có người đàn ông lấy vợ Lào chớ không có người đàn ông Lào lấy vợ An Nam, lấy cớ anh có thể đùm bọc được cho em. Bà Thụy An thực thà quá, đàn ông An Nam lấy vợ Lào cũng như đàn ông Pháp lấy vợ An Nam, còn đàn bà An Nam không lấy chồng Lào cũng như đàn bà Pháp không lấy chồng An Nam ở Đông Dương, một lẽ rất dễ hiểu, sao bà không hiểu?

Nói chuyện với một người cu-ly xe kéo, người ấy bảo bà: những ngày hội, mỗi ngày có thể kiếm được mười đồng bạc. Đã đành rằng văn phóng sự nghe thấy thế nào cứ việc thuật lại như thế, nhưng ta cũng nên xét những lời mình viết ra có thể có được hay không. Một người cu-ly xe mỗi ngày được chục bạc thì bằng hai lương một viên Tham tá, tôi xin các anh em ta đừng nghe bà Thụy An, tưởng ở trên Lào bở lắm, kéo nhau sang mà khốn. Ở đây mỗi người cu-ly ngày kiếm 0$25 cũng khó có chỗ làm.

Nói chuyện với một người sang Lào đã lâu năm, họ bảo xưa Lào có những con muỗi đốt chỉ một mũi là người chết. Tiếc quá, giá tôi được cái hân hạnh bị bà Thụy An phỏng vấn, tôi sẽ kể cho bà nghe ở Lào còn có những con vật lạ như con kiến bằng con voi, và họ làm ăn dễ lắm, người thợ mộc hay người thợ nề một ngày có thể kiếm hai ba chục bạc, nghĩa là hơn lương một ông quan cai trị. Về, bà sẽ cứ thế đăng lên báo, tất sẽ được nhiều độc giả hoan nghênh vì nó hay hơn những chuyện Phong thần, Tây du về phương diện hoang đường!

THUẬN LƯƠNG   

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 66 (15 Octobre 1935), tr. 2, 3.   

Chú thích

[a]  Đàn bà mới là tuần báo ra ngày thứ bảy, xuất bản tại Sài Gòn, số 1 (1. 12. 1934), số cuối cùng: số Tết, ra tháng 1/1937; chủ nhiệm Bùi Băng Dương; quản lý: bà Băng Dương tức Thụy An (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam. Hà Nội: Nxb. VHTT., 2001, tr. 174).