TƠ NHÂN TẠO VỚI TƠ TẰM

BÊN TÀU ĐÃ CÓ NGƯỜI CHẾ TƠ NHÂN TẠO

            Mấy năm gần đây có thứ tơ ngoại quốc bán vào xứ ta, kêu bằng tơ nhân tạo, hoặc tơ hóa học, hoặc tơ trắng. Kêu bằng tơ trắng vì thứ tơ này sắc nó trắng, kêu như thế để phân biệt với tơ tằm của ta, sắc nó vàng hay đỏ. Thứ tơ nhân tạo đó tiêu thọ ở xứ ta ngày càng nhiều, bởi vì nó mướt, đẹp, dễ quây và giá lại rẻ nữa nên nó đè cả tơ tằm, làm cho nghề nuôi tằm ở xứ ta gần muốn tuyệt nghiệp. Các nhà buôn tơ ở Hà Nội có nhiều lần kêu ca với chánh phủ xin hạn chế sự nhập cảng của tơ trằng, để cho dân ta được giữ nghề nuôi tằm mà sinh nhai. Nhưng sự kêu ca ấy rốt cục không có hiệu quả chi hết. Cho đến ngày nay thứ tơ nhân tạo ấy vẫn cứ lưu hành khắp trong xứ và như mỗi ngày một nhiều thêm.

            Về thương vụ, Chánh phủ Đông Pháp vẫn theo cái chế độ bảo hộ mậu dịch. Thế thì sao trong khi thấy một món hàng của xứ mình bị món hàng ngoại quốc đè nén mà lại khong ra tay hạn chế? Trên thế giới này việc kinh tế thường thường có quan hệ với việc chánh trị. Nếu trong trường hợp này cũng có sự quan hệ với chánh trị thì câu chuyện phải thành ra bí mật mà hẳn là người ngoài như chúng tôi không biết được.

            Thấy như thế, nhiều người đề chừng rằng thứ tơ nhân tạo ấy có lẽ là đồ xuất sản của một cường quốc nào, họ dựa vào cái sức súng đồng tàu sắt của họ mà đem đi bán nó, thành thử ai cũng phải bặm miệng mà mua.

            Mà có phải một mình xứ ta như thế đâu, nước Tàu gần đây cũng vậy. Theo các bản thống kê của nhà Đoan Trung Quốc, mấy năm gần đây năm nào cũng thấy số tơ nhân tạo nhập cảng gấp mấy số tơ tằm xuất cảng. Thế ra chánh phủ Tàu dù biết là có hại cho nông dân mình mà cũng không đủ sức để ngăn cản tơ nhân tạo cho khỏi tràn vào.

            Bởi vậy, thấy nói hiện nay các thứ hàng lụa của người Tàu dệt ra, mười phần hết chín phần xen vào tơ nhân tạo. Cho đến trong các nơi nhà quê hang cùng ngõ hẻm người ta cũng tranh nhau mua thứ tơ ấy mà dệt ra các thứ hàng. Ấy là bởi tơ nhân tạo đã đẹp lại rẻ, ai cũng đều công nhận như thế, mà lại còn là đồ xuất sản của những nước có thế lực hùng cường, thành thử nó được lưu hành đi mạnh lắm.

Thứ tơ nhân tạo ấy làm bằng gì? Người An Nam mình đối với câu hỏi đó đành là mù tịt. Có người bảo nguyên chất nó không phải bằng tơ, nhưng có người lại bảo bằng tơ, sự cãi nhau của những kẻ mù thật là vô ích.

Theo lời một tờ báo Tàu nói thì cách chế tơ nhân tạo thật là khó khăn và phiền phức; vả lại trong các xưởng chế thứ tơ ấy của các nước đều giữ bí mật, không cho người ngoài vào coi, cho nên chẳng ai biết sao mà nói.

Người ta chỉ biết được rằng thứ tơ nhân tạo ấy dù khó làm đến đâu nhưng chắc là làm bằng những vật liệu rất thường và rất rẻ. Nhớ cái giá trong vốn của nó nhẹ lắm nên chi dù bị nhiều nơi đánh thuế nhập cảng rất nặng mà nó cũng cứ bán được với giá rẻ hơn giá tơ tằm.

Thế thì bây giờ những nước nào nghề tơ tằm của mình bị tơ nhân tạo cướp mất mà không thể chống cự lại, chỉ duy có một cách là cũng học làm tơ nhân tạo như họ mà thôi. Những nước ấy, nên kể Tàu và An Nam.

Trong nước ta chưa có ai nói đến chuyện ấy, nhưng ở bên Tàu thì đã có người chịu khó tìm tòi đến, người ấy lại là đàn bà.

Mới đây báo Tàu đăng tin rằng một nhà nữ sĩ Trung Hoa tên là Phong Vân Hạc, tốt nghiệp đại học ở nước nhà rồi sang du học bên nước Mỹ, chuyên về khoa hóa học thực hành. Tốt nghiệp khoa này rồi, nữ sĩ còn sang Đức học thêm nghề nhuộm nữa. Trong khi ở Đức, cô Vân Hạc nghĩ đau lòng về nghề tơ tằm tuyệt nghiệp ở xứ mình, bèn tìm dịp học luôn được nghề chế ra tơ nhân tạo.

Nữ sĩ hiện còn ở Đức nhưng đã gởi thơ về nước tuyên bố sự thành công của mình. Rồi không bao lâu nữa cô Vân Hạc sẽ về ở Thanh Đảo hay Tế Nam kêu hùn lập công ty mở xưởng chế tạo thứ tơ hóa học ấy.

Cách chế tạo thế nào thì chưa biết, Vân Hạc nữ sĩ chỉ mới tuyên bố thứ nguyên liệu cô đã dùng bằng cây kê hoặc bằng rạ lúa. Làm bằng rạ lúa thì khó và tơ cũng kém đẹp, không bằng làm bằng cây kê thì tơ thật tốt, còn hơn tơ nhân tạo của người ngoại quốc bán cho ta. Ấy là theo lời cô nói.

Đó, ở bên Tàu người ta cũng bị cái nạn tơ trắng như mình mà người ta đã tìm được đường giải thoát. Còn xứ mình mới tính sao?

Nếu chúng ta không lấy nghề tranh với nghề như người Tàu được thì chúng ta cũng phải nhờ chánh phủ giải quyết vấn đề ấy cho ta thế nào, chớ không lẽ ngồi mà ngó nghề nuôi tằm của ta phải tuyệt nghiệp.  

V. T.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 67 (18 Octobre 1935), tr. 1.