TRẢ LỜI MỘT CÂU PHÊ BÌNH

            Trong số 12 ra ngày 5 Novembre, báo Tràng an có để ý đến bài diễn thuyết của tôi tại hội Quảng Tri ở Huế, tôi rất cám ơn. Ngoài những câu phê bình quá hậu tôi không dám lãnh, chỉ có trách tôi một điều, là đã đọc một đoạn tản văn của bà Đạm Phương, làm cho công chúng chế nhạo lối văn của bà.

            Lời trách đó thật không đáng lắm. Bài Tả thuật cảnh Hương Giang của Đạm Phương phu nhân đã đăng từ năm 1918 trong tạp chí Nam phong số 13. Vậy bài ấy đã thành tài liệu của lịch sử quốc văn; công chúng được xem, được đọc, được phê bình. Ngày nay bàn đến văn của phu nhân cũng như bàn đến văn bà Nguyễn Thị Điểm, bà Tương Phố, bà huyện Thanh Quan. Giả sử có người đọc đến thơ bà Thanh Quan, rồi có người xem thấy cái khuyết điểm trong câu thơ của bà, chúng ta có nên buộc tội cho độc giả không?

            Chẳng những bài của Đạm Phương phu nhân đã thành tài liệu cho quốc văn và công chúng có thể bàn đến được, trong khi đọc bài ấy, chúng tôi chỉ lấy tỷ dụ mà phê bình một thời đại văn chương. Phu nhân tiêu biểu cho một thời đại trong quốc văn. Văn của phu nhân có những tính cách chung cho thời đại ấy, cũng như văn ông Nguyễn Hữu Chỉnh, ông Phạm Gia Huệ, ông Đặng Đức Siêu, ông Nguyễn Cư Trinh, ông Trương Vĩnh Hầu, v.v… Lối văn cổ ấy thiên về âm điệu, mà kém về phương pháp kết cấu. Văn ấy mơ màng êm ái, mà không khúc chiết rõ ràng. Lối văn rõ ràng khúc chiết, chính là lối văn cận đại sau này. Vậy trong cuộc bàn luận vừa rồi, chỉ so sánh những thời đại, chớ không so sánh cá nhân. Cá nhân lớn vậy ư? quyền vậy ư? Cá nhân chỉ chìm đắm trong lịch sử, dưới quyền lực của thời gian.

            Vậy lời nói trong Tràng an đối với việc học vấn không có giá trị gì. Tôi không muốn vì một câu sai lầm của báo chương mà mất lòng của Đạm Phương phu nhân, là người mà trước sau tôi rất kính mến và đã từ lâu nhận là bậc thầy.

ƯNG QUẢ

***

            Tiếp theo lời ông Ưng Quả, tòa soạn chúng tôi cũng muốn tỏ cùng bạn đọc mấy câu.

            Cãi lại lời phê bình của chúng tôi, ông Ưng Quả viện ra hai lẽ. Một là văn bà Đạm Phương đã in lên mặt báo thì người ta có quyền phê bình. Hai là bản ý ông cũng không phải là phê bình văn bà Đạm Phương nữa, ông chỉ so sánh những thời đại, chớ không so sánh cá nhân.

            Nhưng ông Ưng Quả muốn nói gì thì nói, một điều hiển nhiên là vì sự so sánh của ông mà trước công chúng một cá nhân đã bị chế nhạo, cá nhân đó lại là một người đàn bà và một người dân. Trái lại, dầu ông cố ý hay không cố ý, hai vị quan lớn đã được đưa làm khuôn mẫu cho làng văn tựa hồ như ở nước Nam này chỉ có hai vị quan lớn là biết viết văn, và các bậc thang tiến hóa của văn chương cùng với bậc thang trong quan trường là một vậy.

            Ông chẳng nghe lúc ông đã đọc xong đoạn văn của quan Tổng đốc Nguyễn Bá Trác lại đọc tiếp đoạn văn của quan Thượng Phạm Quỳnh, công chúng mấy hàng sau lắc đầu và tỏ ý phản đối? Ông chớ khinh thường những cái cảm giác tự nhiên của đám công chúng không tên không tuổi đó. Họ phản đối là phải, vì ông Phạm Quỳnh tài học lỗi lạc mặc dầu, chưa phải là giai đoạn cuối cùng trong sự tiến hóa của quốc văn. Điều ấy có lẽ chính ông Phạm Quỳnh cũng vui lòng công nhận.

            Cho nên mấy lời phê bình của báo Tràng an không đến nỗi làm cho ông Ưng Quả làm mách lòng bà Đạm Phương mà chính nó đã làm mách lòng ông Ưng Quả.

L.T.S. [a]

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 74 (12 Novembre 1935), tr. 2.

Chú thích

[a]  L.T.S. tức là “lời tòa soạn”; có thể đoan chắc chính chủ bút Phan Khôi viết đoạn hồi đáp này sau phần trên cho đăng ý kiến phản hồi của ông Ưng Quả, diễn giả buổi nói chuyện tại hội Quảng Tri ở Huế.