TRỞ LẠI VỤ KIỆN VỢ CHỒNG THAM ÂN

I. TRƯỚC MẶT CUỘC VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ Ở NƯỚC VIỆT NAM, MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ BÓC LỘT

Thấy nói bắt đầu năm bảy năm nay khắp nước Việt Nam đã có cuộc vận động về phụ nữ. Cũng như cuộc vận động ấy ở các nước khác: phụ nữ Việt Nam từ giác ngộ mà phấn đấu, toan giành lại cho mình những quyền lợi bị cướp mất đã mấy thế kỷ nay. Từ Nam chí Bắc mỗi nơi đều có rất ít là một tờ nữ báo hô hào cổ lệ, làm cơ quan cho cuộc vận động ấy.

Thấy nói đàn bà An Nam ngày nay đã có người đỗ tiến sĩ, đã có người làm thầy kiện, đã có người làm chủ bút một tờ báo: họ tiến bộ lắm, họ chẳng còn kém đàn ông là mấy chút.

Thấy nói có việc này đã tỏ ra phụ nữ được thắng lợi lắm: Một người con gái nhà bách tánh đã đạp đổ bức tường giai cấp, lên chánh vị cung trung, làm mẫu nghi một nước, và đã xóa bỏ được cái chế độ “cung nữ tam thiên” của lịch triều Thiên tử, đã trừ khử được cái quy tắc bái quị chốn hội đình. Ấy là đức bà Nam Phương Hoàng hậu.

Nam Phương Hoàng hậu vạn tuế!

Việt Nam phụ nữ vạn tuế!

Việt Nam phụ nữ vận động vạn vạn tuế!

Trong lúc đàn bà An Nam đương cùng nhau hoan hô như vậy thì một người đồng loại với họ, một người đàn bà sanh trưởng giữa đất Kinh đô nghĩa là ở sát sau lưng đức bà Nam Phương Hoàng hậu, bị giày vò, bị bóc lột, bị một kẻ đàn ông ngược đãi mà chẳng ai hề hay biết chi hết, hay là có hay biết mà chẳng ai thèm vi sử đến chi hết!

Ấy là bà Tham Ân bị chồng kiện ly dị, ông trả cho bà một tháng 60 đồng bạc, bắt nuôi bốn đứa con để ông đi lấy người nhân tình của mình làm vợ, là cô giáo Xuân Lan.

***

 

Việc này trong một số Tràng An trước, đã có nói đến rồi. Song bài ấy nói về phương diện pháp luật, kể cũng chẳng quan hệ với độc giả là bao. Hôm nay chúng tôi trở lại bàn về phương diện xã hội, trong ý là muốn vì một người yếu đuối, cô thế mà cầu viện cùng dư luận.

Bà Tham Ân lấy chồng tám năm nay, năm lần đẻ mà nuôi được bốn đứa con. Theo lời người ta nói, nhà cha mẹ bà lại còn có ơn với ông Tham, vì trước kia từng giùm giúp cho ông đi học.

Kể ra thì bà Tham Ân đối với chồng có công có ơn mà thôi, chứ không hề có cái tội gì đáng cho chồng kiện mà ly dị được hết, ngoài ra khi bà tự mình xin ly dị với chồng vì chồng mê gái, toan phụ rẫy mình.

Vậy mà ông Tham Ân chính mình làm tiên cáo, đầu đơn đi kiện vợ sau khi đã đánh bà nhiều trận đòn dừ tử.

Sở dĩ sinh ra cơ sự như thế là tại ông Tham Ân mấy năm nay có phải lòng một người con gái là cô giáo Xuân Lan. Hai bên quyết lấy nhau mà cô Xuân Lan, nghe đâu, nhất định không chịu làm vợ nhỏ,  nên ông Tham muốn lấy cho được cô, phải rẫy bỏ vợ nhà.

Một mình ông Tham còn chưa đủ quyền bỏ vợ. Rủi cho bà Tham Ân lại gặp phải bố mẹ chồng cũng một lòng với con trai mà phụ rẫy nàng dâu. Chính ông bố chồng bà Tham Ân đã nói với bà rằng “Tao sẽ cầm trầu cầm rượu đi cưới con Xuân Lan cho thằng Tham tao”, thì ôi Trời ôi! bà Tham Ân còn biết cậy vào ai được nữa!

Ông Tham Ân kiện để ly dị vợ tại Tòa án Tourane là tòa án của người Tây. Bà đã được tin tòa cho hay rằng ông Tham Ân sẽ cấp dưỡng bà mỗi tháng 60 $ và bà phải về ở riêng và phải nuôi bốn đứa con, để ông được tự do đi lấy vợ khác.

Cái sự phụ bạc của ông Tham Ân, cái sự bất nhân, vô hạnh của cô Xuân Lan, cái sự thất đức của bố mẹ chồng bà Tham Ân, chúng tôi không hơi đâu mà công kích. Chúng tôi nói đây là muốn khươi ra một vấn đề xã hội, muốn bàn với ai nấy về sự binh vực quyền lợi cho một người đàn bà.

Sự tòa án Tourane xử như thế, chưa lấy gì làm chắc, vì chúng tôi chưa thấy được giấy mực rành rành. Nhưng một ngày kia tòa xử như thế thật, hay là ông Tham Ân không kể pháp luật mà cứ làm như thế thì người đàn bà ở trong xã hội này chẳng là chịu thiệt thòi nhiều quá?

Có lẽ nào người vợ ở với chồng đã tám năm, chịu thương chịu khó trong năm lần sản dục, không có tội tình gì hết, chồng muốn ly dị là ly dị?

Ly dị mà thôi, còn được: có lẽ nào ly dị với người vợ đã ở tám năm, chịu thương khó trong năm lần sản dục ấy rồi ngang nhiên đi cưới một người khác?

Nói vậy thì ra đàn ông đối với đàn bà có quyền tuyệt đối, muốn gì cũng được hay sao? Mà pháp luật cũng nhận cho cái quyền ấy là chánh đáng hay sao?

Có kẻ bảo: Bà Tham Ân đã nhận được mỗi tháng 60$ và gần gũi với bốn đứa con, thế là sung sướng rồi, còn đòi chi nữa? Nhưng tôi, kẻ viết bài này, tôi làm bà Tham Ân, tôi không sá chi 60$ ấy, tôi chỉ muốn ở với chồng thì mới làm sao? Mà sự tôi muốn như thế, nào có phải là điều quá phạm? Làm sao ông Tham Ân muốn lấy vợ khác thì pháp luật cho, còn bà Tham Ân muốn ở với chồng thì pháp luật lại không cho?

Đó, trong đó thấy ra quyền lợi người đàn bà còn sút kém trăm bề. Bà Tham Ân bị như thế được thì trăm ngàn bà khác bị như thế sao mà chẳng được? Đó là cái dấu tỏ ra hết thảy phụ nữ Việt Nam đương còn ở cái địa vị con đòi đứa ở!

Ôi! Than ôi! Đến nay mới biết bốn chữ “phụ nữ vận động” là bốn chữ hão huyền! Giầy cao gót mà chi! Áo cát tường mà chi! Nhọ lắm ai ơi!

Nam Phương Hoàng hậu có thắng lợi thì cũng thắng lợi một mình Nam Phương Hoàng hậu mà thôi!

T. N.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 34 (25 Juin 1935), tr. 1.

II. AI LÀ KẺ DUY TRÌ PHONG HÓA? CHỚ NÀO NGƯỜI BẢO TÔN QUỐC TÚY Ở ĐÂU?

Hồi bình thường, thấy trên mặt các báo chương, tạp chí, người này bàn nên duy trì phong hóa, người kia bảo phải bảo tồn quốc túy, ồn lên như cãi vã, nhặng lên như hát hay, úy chà, ra điều ngôn luận chánh đáng mà thiết thực làm sao!

Họ nói: một nước có đến nghèo, yếu hay là mất rồi đi nữa mà phong hóa tốt, quốc túy còn là nước ấy cũng vẫn còn, rồi cũng mong được có ngày giàu mạnh. Họ nói: phong hóa là gốc của sự sống còn của một dân tộc; quốc túy là cái báu nhất của một nước.

Cho được chỉ rõ phong hóa và quốc túy là gì, họ nói là luân lý của nước ta, tức là luân lý của các dân tộc Á Đông, do các thánh hiền đời xưa bày ra, nhờ các quân tướng trải đời neo cầm và bồi đắp, nó tốt lắm, chúng ta sống ở đời với nhau được là nhờ thứ luân lý ấy. Bởi vậy nói duy trì phong hóa hay nói bảo tồn quốc túy cũng tức là nói duy trì luân lý, bảo tồn luân lý vậy.

Nhưng mà, các ông các bà ơi! Duy trì là duy trì làm sao? Bảo tồn là bảo tồn cách nào? Phong hóa có thể duy trì ở đầu mồm được chăng? Còn quốc túy, há có thể bảo tồn trên mặt giấy?

Vợ chồng là một luân rất hệ trọng trong ngũ luân, mà bây giờ nó ra thế nào đó, các ông các bà có thấy không?

Bà Tham Ân, một người vợ hiền, chẳng có tội gì đối với chồng hay với gia nương hết, họa chăng chỉ có cái tội đẻ đến những năm lần, làm cho da nhăn tóc rụng, mỗi ngày một xấu đi, thế mà bị chồng phụ rẫy, một mặt kiện bà để ly dị, một mặt chực đi cưới người nhân tình là cô giáo Xuân Lan. Thế, chúng tôi dám hỏi các ông các bà, luân lý vợ chồng đến như thế, có còn chăng là luân lý?

Một người đàn ông đãi vợ như một con nhà thổ, lúc thương thì lấy, lúc chán thì thôi, thế mà là luân lý đó ư?

Một người đàn bà làm vợ tám năm nay mà đến nay trở nên như một con vú sữa, mỗi tháng lãnh 60 $ để nuôi bốn đứa con, để cho người đàn ông đi ân ái với kẻ khác, thế mà là luân lý đó ư?

Trong một nước, thường thường luân lý đến lúc suy đồi thì phải nhờ pháp luật để nâng đỡ neo cầm lại. Nhưng trong nước này, hình như không có pháp luật để mà neo cầm luân lý nữa, hay là có pháp luật mà hình như nó không đủ sức để mà neo cầm luân lý nữa.

Thì chúng tôi thấy trong vụ kiện vợ chồng Tham Ân đây, người ta đã luồn cúi dưới pháp luật ngoại quốc để được toại cái lòng tư dục chó má của người ta! Mà pháp luật ấy há có phải là thứ pháp luật để binh vực cho luân lý dòng Khổng Mạnh?

Chúng ta còn có bộ Hình. Vợ chồng Tham Ân đều là người sinh trưởng ở đất Huế, lại có phẩm hàm thuộc về ngạch Nam triều. Theo thuở trước, vụ kiện này cuối cùng phải vào cửa bộ Hình mới phải. Nhưng ngày nay bộ Hình đã đổi tên là bộ Tư pháp, có phải vì cớ ấy mà nó không còn có quyền hành gì trên những việc trái ngược với luân lý trong xã hội chúng ta?

Ngoài pháp luật ra, còn có cái thế lực gì nữa để binh vực cho luân lý? Chúng tôi trông vào lời bình phẩm của các bậc lão thành. Chúng tôi trông vào dư luận của các báo.

Thì ông Thị Quế, cha ông Tham Ân, năm nay ngoài 60 tuổi, có hàm Thị độc, một bậc lão thành đó, mà chính ông đã đồng tình với con trai để phụ rẫy một người đàn bà cô thế, một người dâu thảo của mình, mà luân lý còn biết cậy nhờ ai?

Các báo? Hình như người ta cho việc này là việc cá nhân, chẳng ai đặt miệng đến làm chi. Người ta không thấy ra rằng trong việc cá nhân mà có quan hệ đến quyền lợi người đàn bà, có quan hệ đến sự sanh tồn của xã hội.

À ra thế là luân lý của ta đành để cho nó suy đồi, pháp luật đã chẳng binh vực được mà cho đến dư luận cũng chẳng làm chi! Rày về sau cũng đừng nên nói duy trì phong hóa nữa! cũng đừng nên nói bảo tồn quốc túy nữa!

Bằng chẳng thế, ai là kẻ duy trì phong hóa? Chớ nào người bảo tồn quốc túy ở đâu? Hãy đứng ra mà binh vực luân lý lúc suy đồi!

T. N.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 35 (28 Juin 1935), tr. 1.