TƯỞNG GIỚI THẠCH PHÁT BIỂU Ý KIẾN

VỀ SỰ QUAN HỆ GIỮA TRUNG – NHẬT

SỰ THỰC, TRUNG HOA KHÔNG CÓ THỂ TRANH VỚI NHẬT BẢN CHO NÊN CỰC CHẲNG ĐÃ PHẢI DÙNG CHƯỚC ĐỀ HUỀ

            Bấy lâu nay nước Tàu ở dưới quyền chỉ huy của Quốc dân đảng, tức là của bọn Tưởng Giới Thạch và Uông Tinh Vệ, người ta thấy cứ mỗi ngày một bị nước Nhật áp bách mà chẳng dám chống chế gì. Ai nấy đều lấy làm lạ từ lúc thi hành cái chánh sách bất để kháng để cho mất Đông tam tỉnh cho đến lúc ngồi ngồi lặng yên để xem người Nhật tung hoành miền Hoa Bắc. Trước những cái hiện trạng khó hiểu ấy, không trách được người ta cho Tưởng Giới Thạch hay Quốc dân đảng là kẻ đã không còn kể nước nhà là gì nữa và đã chịu đầu Nhật Bản rồi.

Nhưng có người bảo là vô lý. Có lẽ nào đường đường một tay nguyên huân trong đảng cách mạng lại đi chịu làm con người mại quốc đê tiện ấy ư? Hoặc giả ở trong chỗ quốc tính của họ có làm sao đó mà mình không biết được.

Thì vừa rồi, chúng tôi được đọc một bài của Tưởng Giới Thạch phát biểu ý kiến của mình về sự quan hệ giữa Trung và Nhật trong báo Tàu. Lời lẽ có nhiều chỗ rào đón và uốn lượn, nhưng xem đó cũng hiểu được cái nội tình của Trung Quốc thế nào và tại sao mà chánh phủ Nam Kinh cứ chịu nhượng bộ chánh phủ Nhật.

Muốn bạn đọc cùng xem, xin dịch ít đoạn cốt yếu ra như dưới.

 

***

 

Tình hình Trung Quốc hiện nay, không cứ đối với trong hay với ngoài, đều có những sự khốn nạn tày đình chặn ngang đằng trước mặt. Sự khốn nạn đối với ngoài là làm sao cho phá tan được sự trở ngại giữa nước mình với nước ngoài. Còn sự khốn nạn đối với trong là làm thế nào cho cả nước được hòa bình thống nhất. Đồng thời gặp hai điều khó khăn ấy, vẫn biết là thời vận nước nhà không thể tránh được, nhưng chúng ta đã ra mà đương lấy trách nhiệm trọng đại, cốt tại chúng ta phải đối phó với nó làm sao.

Đối với ngoài mà khốn nạn hơn hết là sự quan hệ giữa Trung – Nhật còn đương rắc rối chưa khôi phục lại được như thường. Cái thế lực của các nước Âu Mỹ ở Trung Hoa, về chánh trị, về kinh tế hay về quân sự, có kẻ lo rằng nó đương bành trướng hoài không thôi. Song le, theo sự thực thì cái thế lực ấy gần đây đã dần dần tiêu diệt… Không luận thế nào, ta muốn mưu cuộc hòa bình cho Đông Á, ta phải hết sức lo sự đề huề giữa hai nước Trung và Nhật.

Đối với trong nước phải chuyên tâm lo việc quốc phòng cho sung túc, văn hóa cho phát đạt, ấy là con đường đi đến sự hòa bình thống nhất.

Từ ngày mất Mãn Châu về sau, quốc dân một lòng cứu quốc. Phàm những người muốn phá hoại cuộc hoà bình thống nhất đều bị đả đảo chẳng dung. Tức như trận binh biến ở Phước Kiến, chẳng qua dẹp chỉ một tháng là yên. Coi đó thì biết người nào nói trung ương không đủ sức thống nhất, một là nói bất thông vậy. Lại như đảng cọng sản ở Giang Tây hiện nay cũng đã dẹp yên rồi. Chỗ khác hoặc cũng còn có vài ba chòm giặc cỏ, nhưng sớm muộn rồi đây cũng bình định được. Thế thì Trung Quốc ngày nay quả thật đã thống nhất, và cái thời đại người Trung Quốc nội chiến với nhau hẳn đã dứt rồi: đó là điều chúng ta dám nói quyết như vậy.

Bây giờ chúng ta chỉ còn một cái vấn đề lớn là vấn đề Trung - Nhật. Mà trong đó lại có một việc rất khó khăn là việc Mãn Châu.

Theo cái chánh sách đại lục của Nhật Bản thì thế nào họ cũng phải chi phối thế lực của họ đến Mãn Châu; nhưng Trung Quốc lại có sự cần yếu phải giữ trọn lãnh thổ của mình. Gây ra sự khốn nạn như ngày nay là chỉ vì chút đó. Nếu vấn đề Mãn Châu mà không giải quyết được một cách cho viên mãn thì không làm thế nào cho hai nước thân thiện với nhau được.

Chúng ta đã quyết ý làm cho cuộc giao hảo Trung – Nhật được cải lương, cái ý ấy đã bày ra rất rõ. Không ngờ trung gian lại có những việc rắc rối ở Hoa Bắc bỗng phát sanh ra, làm thêm trở ngại con đường thân thiện của hai nước chúng ta.

Bây giờ chỉ có hai nước lấy thành thật mà ở với nhau, đừng có cái tâm lý xai nghi nữa, thì muốn đề huề với nhau cũng không khó. Cốt ở quốc dân hai nước đừng có khăng khăng ở sự lợi hại nhất thời, mà phải lấy thành tâm cùng chánh nghĩa đem gây cái nền hòa bình của hai nước cho lâu bền vững chãi. Như thế thì không những là phước lợi cho hai nước Trung và Nhật mà còn là phước lợi cho cõi Đông Á, và có sự cống hiến rất lớn cho cuộc hoà bình cả toàn cầu…

Trung Quốc là một nước hoàn toàn tự chủ và độc lập. Theo nguyên tắc, các lãnh thổ và quyền hành chánh của chúng ta không có thể vứt bỏ đi. Nhưng, đứng dưới cái lý tưởng hòa bình của cõi Đông Á và đoái đến sự lợi ích của Nhật Bản thì có khi chúng ta bàn với nhau mà nhượng bộ một cách vừa phải cũng không phải là không được. Có điều, theo sự thực, dù Trung Quốc có vì ao ước sự hòa bình, dung nạp ý kiến các nhà chánh trị Nhật mà nhượng bộ cho Nhật chăng nữa là sự nhượng bộ ấy cũng vẫn còn có chừng có đỗi.

Đối với cái cuộc diện rất khó khăn giữa Trung với Nhật ngày nay, có người ưa nói tướng nói khoác mà không chịu trách nhiệm gì cả, thật chẳng có ích gì mà chỉ thêm cái ảnh hưởng xấu cho sự quan hệ giữa hai nước. Sự thực, hiện thời đây Trung Quốc không có đủ sức để tranh đấu là sự rõ ràng lắm. Trung Quốc thật cũng không mong thế giới có cuộc đại chiến nào. Bởi vì nghĩ rằng Trung Quốc cũng sẽ không tìm được con đường nào để xuất thoát trong cuộc đại chiến ấy.

Bởi nghĩ đến sự lợi ích của chính mình Trung Quốc cho nên mới muốn giữ yên cuộc hòa bình giữa thế giới, thì cũng bởi nghĩ đến sự lợi ích của chính mình Trung Quốc nên mới muốn giữ yên cuộc hòa bình giữa Trung – Nhật: hai lẽ giống nhau.

Ngày nay dù ở trong cảnh khốn nạn nhưng chúng ta tin rằng bởi cái thành tâm của hai dân tộc mà rồi sau này sẽ giải quyết được các vấn đề và trở lại thân thiện với nhau.

V. T. dịch

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 58 (17 Septembre 1935), tr. 1, 3.