“TUY THẾ CHÚNG TÔI CÒN ƯA TÔN THẤT THUYẾT

HƠN NGUYỄN VĂN TƯỜNG”

Vừa đúng năm mươi năm nay, ngọn cờ tam tài bắt đầu phất trên Kỳ đài Kinh đô nước Việt Nam.

Trước khi phẳng lặng êm đềm như ngày nay, giòng nước sông Hương năm mươi năm về trước, đã có phen nổi sóng mịt mù, làn nước trong xanh đã từng nhuộm màu huyết đỏ.

Năm mươi năm nay, đất Kinh đô lặng lẽ âm thầm đã hiến thân làm sân khấu cho những trận binh đao thảm thương khốc liệt! Đạn bay tua tủa, thần công nổ rầm trời, người khóc cũng nhiều mà kẻ cười cũng chẳng ít.

Trên Kỳ đài, ngọn cờ tam tài hùng hổ phất phơ.

Hăm ba tháng năm kể cũng là một ngày đáng ghi trong lịch sử đấy chứ?

Muốn biết ý kiến của những người đã được mục kích cái ngày quan trọng ấy, chúng tôi có đi phỏng vấn một vài người thì tiếc thay tuổi phần nhiều đã cao lắm, trí nhớ cũng theo thời gian mà nhụt đi, những lời họ nói có nhiều chỗ viển vông nên không tiện đăng ra đây.

Phần nhiều trả lời: Hôm đó Tây họ bắn nhiều lắm, dân ta chạy loạn dầy xéo lẫn nhau mà chết, thây chết la liệt. Trộm cướp tứ tung, không còn biết nể nang ai cả (!) 

Chúng tôi có lại thăm đức cha Lý (Monseigneur Alysse) vì nghĩ đạo Gia-tô hồi đó có quan hệ đến ngày thất thủ Kinh đô lắm. Cha Lý tiếp chúng tôi ở một gian phòng nhỏ nhà dòng đường Bến Ngự gần cầu Phủ Cam.

Cha Lý tuổi gần 80, người ốm yếu, đôi mắt đã hư, má lõm răng long nhưng còn linh lợi.

Chung tôi hỏi ý kiến ngài đối với hai quan Phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thì ngài trả lời:

“Tôn Thất Thuyết thì tàn bạo và nhất là ghét Tây lắm. Cái đó cũng là một nết hay, có ai lại thương kẻ cừu địch được! Thuyết không kiêng nể ai, Thuyết thẳng lắm. Còn như Nguyễn Văn Tường thì lại khác hẳn, xảo quyệt ngoắt ngoéo; Tường là một người bất trắc. Thuyết ghét Tây. Nói cho đúng, Thuyết cực kỳ ghét đạo Gia-tô, tuy thế chúng tôi còn ưa Tôn Thất Thuyết hơn Nguyễn Văn Tường”.

Hỏi về Thống tướng De Courcy, cha Lý trả lời:

“Ông ấy tin ở mình lắm, tưởng như có 12.000 binh lính trong tay thì muốn làm gì cũng được, cho nên khinh thị hết cả mọi người. Chính phủ Pháp hồi đó cũng không ưa ông.”

Lúc chúng tôi trở ra về, cha Lý ôn tồn căn dặn: “Các ông làm báo phải cho ôn hòa, chớ có bạo động quá mà bị thiệt thòi.”

TIÊU DIÊU TỬ

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 33 (21 Juin 1935), tr. 5.