VĂN NGHỆ TẠP ĐÀM

TIỂU DẪN. – Mục “Văn nghệ tạp đàm” được mở trên báo Tràng an từ số 76 (19/11/1935) và chỉ kịp đăng khoảng vài ba kỳ trước khi Phan Khôi thôi việc ở nhật báo này.

 

CON RỒNG CỦA THI NHÂN

            Thuở vua Thần Tôn nhà Tống, các quan giữa triều đình chia ra nhiều đảng phái. Vương An Thạch và Lữ Huệ Khanh vào một phái, chống nhau với Tô Thức, lãnh tụ một phái khác. Họ hiềm kỵ nhau lắm, đến nỗi nhặt từng câu thơ ra để tố giác và khuynh hãm nhau.

            Tô Thức có làm một bài thơ “vịnh cây cối” thế này:

 

                    Lẫm nhiên tương đối cảm tương khi

              Trực cán lăng vân vị túc kỳ

           Côn đáo cửu tuyền vô khúc xứ

                       Ta gian duy hữu trập long tri

 

(Thích nghĩa: Nhơn nhơn đối nhau dám đối nhau/ Cái thân cây thằng thắn chọc đến mây cũng chưa đủ lạ/ Rễ châm đến chín suối không chỗ nào cong/ Trong đó duy có con rồng mọp biết mà thôi)

            Bài thơ ngụ ý thế nào, xưa nay nhiều nhà chú giải cũng không dám đoán chắc. Đại ý đâu là: Tô Thức ví lòng mình ngay thẳng cũng như rễ cây cối mà giận đời không ai biết cho.

            Nhưng Lữ Huệ Khanh lấy ngay bài thơ ấy và thêu dệt thêm đem khống cáo với vua Thần Tôn. Tô Thức liền bị hạ ngục. May nhờ vua có ý rộng rãi nên sau rồi Tô Thức cũng được tha.

            Huệ Khanh nói với vua rằng: “Bệ hạ hiện là rồng bay ở trên trời, mà Thức tìm con rồng mọp ở dưới đất, thế không phải bạn nghịch là gì?” Nhưng vua phán rằng: “Nó nói chuyện cây cối, can gì đến trẫm?”

            Trong khi Tô Thức còn ở ngục, viên ngục lại, vì có nghe lời Huệ Khanh tâu đó, nên hỏi Thức rằng: “Thực tình ra thì con rồng trong bài thơ ông đó là con rồng gì?”

            Thức trả lời rằng: “Vương An Thạch có câu: Thiên hạ thương sanh đãi lâm võ; bất tri long hướng thử trung bàn. Con rồng của tôi tức là con rồng của Vương An Thạch chớ gì!”

            Số là trong một bài thơ của Vương An Thạch có hai câu ấy:

 

             Thiên hạ thương sanh đãi lâm võ

             Bất tri long hướng thử trung bàn

 

(Nghĩa là: Bàn dân thiên hạ đương chờ trận mưa dầm, không ngờ con rồng lại nhè ở chỗ này mà mọp).

Đại ý An Thạch muốn tự ví mình như rồng, vậy là có phạm đến nhà vua.

Câu trả lời của Tô Thức có lý thú lắm: Trong hai câu thơ hai người đều nói con rồng mọp như nhau mà người này lại muốn lấy đó mà bắt tội người kia!

C. D.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 76 (19 Octobre 1935), tr. 4. 

THI NHÂN VỚI NƯỚC

            Mấy tháng trước đây, ông Đỗ Kỳ Chương, một nhà văn Trung Hoa phụng mạng chánh phủ Quảng Đông sang nước ta khảo sát về kinh tế, có ghé qua Huế.

Ông có đến thăm nhà báo Tràng an chúng tôi. [a] Nói chuyện với tôi vài câu rồi, trước mặt tôi, ông mở cái tráp mang theo, lấy ra một cây quạt trắng và bút mực tàu, đề một bài thơ trên quạt tặng tôi làm kỷ niệm.

            Bài thơ ấy là ông lục lại một bài thơ cũ ông làm trong khi nước Tàu mất Đông tam tỉnh, đầy những lời lo buồn mà khảng khái.

            Cái lối giao tế nhã như thế, duy người Tàu mới có. Tôi nhận lấy cái quạt mà lòng rất cảm động, nhưng cũng chỉ nói được hai tiếng cảm ơn mà thôi.

            Tối hôm ấy, trong một bữa tiệc đãi ông Đỗ tại khách sạn Hương Bình, tôi nghĩ mình phải có cái gì thù đáp lại ông, thì vừa ông cũng ngỏ ý muốn tôi viết cho ông ít hàng chữ đem về Tàu làm dấu tích.

            Với ông này, cố nhiên tôi phải viết bằng chữ Hán. Tôi nghĩ ngay và viết đáp ông hai bài tứ tuyệt. Bài thứ nhì như thế này:

 

                                    Bả quân đề phiến thi tam phựu

                                     Nhã kiến ưu thời nhất phiến tâm

                                   Hồi ức tông bang vị vong nhật

                      Kỷ nhân u phẫn thác thanh ngâm!

 

(Thích nghĩa: Cầm bài thơ đề quạt của ông đọc đi đọc lại, vẫn thấy một tấm lòng lo đời của ông là dường nào! Rồi tôi đâm nhớ lại lúc nước tôi chưa mất, cũng có bao nhiêu người đem lòng bức tức kín đáo mà gởi vào sự ngâm vịnh thanh bai như ông vậy).

            Ông Đỗ xem bài thơ của tôi thì rõ ý tôi liền, chẳng những ông không cho sự châm quy của tôi làm mích lòng, lại còn gật đầu mấy cái để tỏ ra mình lãnh ý nữa.

            Như bạn đọc vẫn thấy, trong bài ấy tôi muốn bảo ông Đỗ: Làm gì thì làm chứ đừng làm thơ để than việc nước. Vì nó vô ích: trước kia chúng tôi cũng có nhiều người như ông vậy, vậy mà nước cũng vẫn mất như thường!

            Sau tôi nghĩ lại, mình muốn khuyên ông Đỗ mà đã nói sai sự thực. Sự thực, khi Việt Nam chưa mất, cũng không có mấy người biết làm thơ nói chuyện “ưu quốc” mà.

Hồi đời Tự Đức, nước nguy như thế mà thi nhân nào cũng ca tụng thái bình. Nay ta lật các tập thơ của ngài Tùng ngài Tuy [b] ra thì thấy. Khi các ngài nghe một tỉnh ở Nam Kỳ hoặc Bắc Kỳ thất thủ, các ngài cũng có động lòng, vịnh nên một bài cảm khái. Nhưng rồi đó lại thôi, lại ca tụng thái bình. Thế rồi đến nay nước mất rồi lại vô số thở than mất nước, thực nó còn vô ý thức hơn những bài thơ theo lối của ông Đỗ Kỳ Chương.

P. K.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 80 (03 Décembre 1935), tr. 4.

Chú thích 

[a]  Sự việc này được chính báo Tràng an đưa tin (s. 61, ngày 27/9/1935), theo đó, Đỗ Kỳ Chương đến thăm tòa soạn Tràng an hôm thứ hai 25/9/1935, suốt ngày hôm đó, chủ nhiệm báo đưa ông ta đi thăm các danh thắng tại Huế như các viện bảo tàng, các cung điện trong thành nội.

[b]  “ngài Tùng ngài Tuy”: Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1819-1870), Tuy Lý vương Miên Trinh (1820-1897).

       

ĐÔNG PHONG LÀ NHẬT BẢN              

            Hai ba mươi năm về trước, xứ ta có cái phong triều đi Nhật Bản, sự đó rất làm cho nhà đương đạo nghi kỵ.

            Hồi đó trong văn bài gì chẳng hạn, hễ có chữ “đông” là đã sợ bị tình nghi, … tình nghi là có giao thông với Nhật.

Tôi còn nhớ đâu vào năm 1912 thì phải, nhân Tết Nguyên đán, tôi có bài khai bút:

        Xuân nhật vô hoa diệc phục giai                         

        Đình tiền thượng hữu quế tân tài                        

        Lăng tiêu kỳ khí vô nhân thức                         

       Tằng cọng đông phong nhất dạ lai  [a]              

 

            Bài thơ ấy tôi viết vào một tờ hoa tiên rồi gấp trong một quyển sách. Quyển sách ấy tôi cho ông Cử Mai Dị bạn tôi mượn. Sau mấy tháng, ông Cử bị soát nhà, bài thơ đó bèn vào tay mấy ông quan. Họ không cắt nghĩa cả bài thơ của tôi ra sao, họ chỉ nói hai chữ “đông phong” tức là Nhật Bản rồi họ muốn sinh chuyện. Thêm chỗ lạc khoản tôi không ký tên thực mà ký “Châu Nam, Phan thị” – Châu Nam là tự của tôi. Thế rồi họ bắt quật qua mà nói rằng: Châu Nam Phan thị tức là Phan Bội Châu ở phía Nam, ở đằng trong!

            Khốn!

            May nhờ có ông Công sứ Quảng Nam bấy giờ là ông Lesterlin bảo bỏ đi, đừng xét, không thì tôi cũng khốn!

            Gần đây cũng có người bị như tôi vậy.

            Trong một tập bút ký của người Tàu chép rằng khi người ấy từ Hương Cảng đi Vân Nam, lúc đi qua Hải Phòng ta, bị một người Pháp soát trong va-ly thấy cuốn “Hồng lâu mộng”, ngờ là cọng sản, bắt giam mất ba ngày.

            “Hồng” cũng là đỏ như “xích”, mà đỏ là sắc của cọng sản.

            Chính ở đất Tàu cũng có người đi đường đem theo cuốn “Mã thị văn thông” là sách mẹo [b] chữ Tàu mà bị cảnh sát nghi là cọng sản, đổ diệt cho rằng “Mã thị” là có họ với Mã-khắc-tư! [c]

P. K.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 84 (17 Décembre 1935), tr. 4. 

Chú thích

[a]  Dịch:                                 Xuân đến không hoa cũng tốt thay

                                                Trước sân trồng mới quế vài cây

                                                Ngút trời khí lạ không người biết

                                                Theo gió  xuân  về  kịp tối  nay …

(bản dịch của ông Phan Nam Sinh, con thứ 8 của Phan Khôi)

[b]  Sách mẹo: sách ngữ pháp.

[c]  Mã-khắc-tư: phiên âm (sang chữ Hán) tên riêng của Marx (Karl Marx, 1818-1883)