VIỆC ÔNG CỬ HỒ PHI THỐNG BỊ ĐÁNH

KHÔNG PHẢI LÀ MỘT VIỆC THƯỜNG

            Được tin ông cử Hồ Phi Thống bị ông huyện Quỳnh Lưu đánh, ở Huế, trong hàng thức giả ai cũng lấy làm lạ mà chưng hửng, vì là một việc xưa nay hiếm có. Có người nói rằng ông huyện Quỳnh Lưu vốn có cái tính hùng hổ, hay nói cho đúng hơn, là cái tính võ phu, từ hồi lỵ huyện đến giờ, ông chạm đến nhiều người lắm; ông cử Hồ chẳng may mà làm một trong những người ấy, chứ chẳng có gì đáng lạ.

            Nhưng có kẻ biết ông huyện Quỳnh Lưu tức ông Trần Mậu Trinh hơn ai hết, lại nói rằng đó là có tại làm sao đó, chớ ông Trần Mậu Trinh, dù có tàn bạo đến đâu nữa cũng không dám vô cớ mà đánh một người lão thành, có danh vị, có phẩm vọng như ông Hồ Phi Thống.

            Dư luận rất xôn xao.

            Việc này bản báo chưa kịp điều tra đến. Đáng lẽ chúng tôi phải đợi biết rõ đầu đuôi câu chuyện đã rồi sẽ bàn. Song gặp một việc mà dư luận nổi lên có ý hăng như việc này, muốn được trấn tĩnh đi một ít, chúng tôi phải nói đến.

 

            Trước hết ta nên biết ông cử Hồ Phi Thống là người thế nào. Ông Hồ, một nhà cựu học có tiếng, đỗ cử nhân mà không ra làm quan, quán làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ. Chính ông có làm ra cuốn sách nhan là Nhân đạo quyền hành, về loại sách triết học, bản chữ Hán có đăng trong Nam phong tạp chí cũ, bản quốc ngữ đương đăng trong Thanh Nghệ Tĩnh tân văn. Tuổi ông ngoài sáu mươi. [a]

            Ông người hiền lành nhưng có tính cang trực, gặp việc gì hay nói thẳng. Nhưng cũng có một độ ông nói nhiều mà hơi lãng, thành thử có kẻ bảo ông là điên.

            Có lẽ vì cái tính cách ấy khó mà dung nạp với hạng người trong hương lý, nên lâu nay ông cử Hồ ở làm thuốc tại thành phố Vinh, ít hay về làng.

            Con người như thế, nếu không có việc chi quá lắm, tưởng không có khi nào lại bị một ông huyện sở tại tát tai, đá đít, còng cả hai tay mà giải đi như như là đối đãi một kẻ hung hãn hay trộm cướp.

            Thế mà hôm nay bỗng có chuyện này! Thế mà hôm nay ông cử Hồ bị đánh!

            Nguyên nhân tại sao, theo báo Trung Bắc tân văn thì chả có gì cho lắm.

            Một hôm trước đây, ông cử Thống về làng, thấy viên tri phủ hồi hưu là ông Lê Xuân Mai cũng người khoa mục mà làm nhiều việc trái mắt, ông liền tỏ lời công kích. Hôm sau ông phủ Mai đầu đơn kiện ông cử Hồ tại huyện. Huyện sức luôn ba lá trát về đòi, nhưng trát tới nơi đều quá giờ hầu cả; ông cử trình cho hội đồng (?) làm chứng mà không đến hầu quan.

            Hôm sau quan huyện trình đồn xin lính khố xanh về bắt ông cử. Lính vừa giải ông cử tới huyện thì quan huyện truyền tống lao, bảo cùm cả hai chân. Ông cử Thống kêu rằng mình vô tội, không đáng như thế thì liền bị quan huyện tát và đánh túi bụi. Rồi chiều ngày 13 Juillet, ông cử Thống bị còng cả hai tay giải vào Vinh, nằm nhà thương, chữa các thương tích.

 

            Theo tin báo Trung Bắc đó, ta còn nên hỏi lại về những chỗ này: Quan huyện Quỳnh Lưu đòi ông cử, có phải đòi về vụ kiện mà do ông phủ Mai tiên khống chăng?

            Nếu phải đòi về vụ ấy thì sau khi sức ba lá trát, bị cáo không đến hầu, quan huyện còn có phép trách cứ lý trưởng sở tại, bắt lập tức báo thôi, chứ chẳng có việc gì đến phải đưa lính đồn về bắt.

            Đến nỗi đưa lính khố xanh về bắt, có lẽ không phải vì vụ kiện kia, mà ông cử Hồ hoặc đã bị cáo về tội làm cách mạng, cọng sản gì chăng, điều đó ta hẵng đợi xem.

            Một câu nên hỏi nữa là trước mặt quan huyện, ông cử Hồ hoặc có nói lời gì vô phép như mắng chửi chăng. Nếu có vậy thì mới khích gan quan huyện lên mà có sự đánh tát trong lúc ấy; bằng chẳng vậy thì việc gì mà đánh tát?

            Đó là những điều chúng tôi còn phải điều tra lại cho kỹ càng đã. Chúng tôi cũng xin hàng thức giả khắp Trung Bắc kỳ đối với việc này hãy nên để ý ở mấy câu hỏi đó như chúng tôi.

            Tóm lại, sự người này đánh người kia, ở xứ ta là thường lắm, nhưng việc này thì thật không phải việc thường.

            Nhưng rốt cuộc hai lẽ sau đây phải ngã về một lẽ: Nếu ông cử Hồ Phi Thống có tội gì lớn, ông huyện Quỳnh Lưu đã có được quan trên cho phép làm như thế rồi, thì sự ngược đãi ấy dù có trái với nhân đạo cũng chỉ kể là một việc trong xứ ta thường thấy.

            Nhưng nếu ông cử không có tội gì cả mà quan huyện ngược đãi như thế, rõ là quan huyện đã không còn kể pháp luật ra gì, quan huyện sẽ có lỗi lớn về việc ấy.

            “Người chức sắc có tội, phải tư bộ giải chức rồi mới được giam tra”. Luật ấy vẫn còn chứ chưa xóa bỏ mà!

G. M.        

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 42 (23 Juillet 1935), tr. 1.

Chú thích

[a]  Hồ Phi Huyền (tên đi thi: Hồ Phi Thống, 1879 - 1946), đỗ Cử nhân khoa Canh Tý 1900, không ra làm quan, chỉ dạy học, làm thuốc, viết sách; trứ tác có Nhân đạo quyền hành Đạm Trai văn tập. Xem: Hồ Phi Huyền, Nhân đạo quyền hành. Đạm Trai văn tập /Đặng Thanh Lê biên soạn, dịch thuật/ Hà Nội: Nxb. Lý luận chính trị, 2007. – N.B.S.