XIN CHÁNH PHỦ LÀM CÁCH NÀO

VÃN CỨU NGHỀ LÀM ĐƯỜNG

HAI TỈNH QUẢNG NAM VÀ QUẢNG NGHĨA

            Vừa rồi chúng tôi đọc tập Kỷ yếu của phòng Canh nông Bắc Kỳ về phần tháng tư năm nay, thấy có chép:

Quan Toàn quyền mới đây có viết thư cho phòng ấy hỏi về sinh ý [a] nghề đường trong xứ hiện ra làm sao. Sau khi ông Phòng trưởng đọc bức thư cho cả phòng nghe, toàn thể nghị viên đồng ý trả lời cho quan Toàn quyền như thế này:

“Ở đây chẳng có gì đáng gọi là “sinh ý nghề đường” cả. Khắp xứ Bắc Kỳ không có một công ty trồng mía chế đường nào hết. Theo chúng tôi biết, chỉ có thứ đường nấu ra bởi nước mía đạp bằng đôi hàn (Trung Kỳ gọi là bộ che) của người An Nam mà kỳ thực không phải đường, nó là mật kẹo, bán cho người nhà quê dùng mà thôi.”

Phòng Canh nông trả lời cho quan Toàn quyền như thế cũng phải. Bắc Kỳ chỉ là xứ ăn đường chớ thật không có nghề làm đường, thì làm gì có cái sinh ý của nghề ấy? Trừ ra có ít nhiều “mật” hay “đường thẻ” cũng bởi mía chế ra mà người ta chỉ dùng để nấu chè kéo kẹo thì có đáng kể vào đâu?

Phòng Canh nông Bắc Kỳ trả lời rất phải. Nhưng tiếc sao quan Toàn quyền chỉ hòi phòng Canh nông Bắc Kỳ; giá ngài có hỏi phòng Canh nông Trung Kỳ thì bề nào, không nhiều thì ít, người ta cũng đã cho ngài biết về hiện tình sinh ý của nghề đường ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Nghĩa.

Nghề đường ở hai tỉnh này hiện đương mắc vào thời kỳ trụy lạc lắm. Nếu quan Toàn quyền biết đến nông nỗi mà kiếm cách vãn cứu cho thì phúc cho dân Nam Nghĩa là dường nào! Viết bài này, chúng tôi có ý mong như thế.

 

Có thể nói rằng nông nghiệp của Quảng Nam và Quảng Nghĩa từ trước, ngoài lúa ra, đường là món xuất sản đại tôn. Đường hai tỉnh ấy, nhất là Quảng Nghĩa, ngày xưa chẳng những cung cho trong tỉnh ăn dùng mà thôi, lại bán đi Nam Bắc kỳ nữa. Vạn Thu Xà của Quảng Nghĩa, phố Hội An của Quảng Nam, đó là hai nơi dồn đường trong tỉnh về, rồi do tay người Khách chở đi Hà Nội và Sài Gòn.

Đường hai tỉnh ấy thường năm cũng có xuất cảng đi ngoại quốc, bán cho Hương Cảng và Quảng Đông. Bây giờ thử đem sổ thống kê nhà Đoan mười năm về trước ra mà xem, thuế đường Nam Nghĩa xuất cảng mỗi năm không phải ít.

Đâu chừng mười năm trở lại đây, giá đường mỗi năm càng rẻ và sự mua bán càng ế, đến vài năm nay nghề làm đường ở hai tỉnh ấy muốn chừng như tuyệt nghiệp.

Ruộng ở nhà quê, người ta trồng mía ít đi. Bao nhiêu ruộng mía ngày trước bây giờ để trồng lúa. Mà phải biết như thế là thất lợi lắm: Số thu nhập của một mẫu mía, thường thường là năm mẫu lúa cũng không bằng.

Các đường hộ ở miệt nhà quê, có nhà còn chứa đường cũ những năm sáu năm về trước, đường ấy không còn tiêu thọ được nữa, họ đã phải chịu lỗ hằng ngàn hằng vạn bạc.

Hiện nay những mía trồng ra, người ta không làm “đường cát” nữa mà làm những thứ “đường bát, đường hạ” để bán trong nhà quê. Làm như thế thì chẳng có gì là lợi cả; nhưng làm đường cát ra thì không bán được.

Quảng Nam và Quảng Nghĩa bởi mất nghề đường mà dân mỗi ngày một nghèo. Mấy  năm trước, thường năm họ bán đường xong là nạp thuế, − vì mùa đường xong là bắt đầu thâu thuế − mà ngày nay, tới mùa đường, không có gì bán nên đến mùa thuế, họ cũng không có gì nạp.

Xét ra sở dĩ đường Quảng Nam và Quảng Nghĩa không bán được, không bởi cớ chi khác hơn là bởi đường ngoại quốc loan vào. Đã lâu nay, Hà Nội, Sài Gòn cho đến các thành phố nhỏ, mọi sự ăn dùng thường ngày, người ta đều mua đường ngoại quốc mà người ta quen gọi là “đường tây”. Thành thử đường cát ta không tiêu thọ được mà phải tuyệt nghiệp.

Nói riêng về Quảng Nam, các thứ xuất sản của tỉnh này như chè, quế, tơ, bấy lâu đều ế ẩm cả; nếu còn nghề đường mà tuyệt nghiệp nốt, ấy là nhân dân sẽ nghèo sát đất, không có cái để ăn nữa là có cái để nạp thuế cho vua!

Đường ngoại quốc, ta quen gọi là đường tây ấy, nó xuất sản ở đâu và nó nhờ thế lực nào nhập cảng nước ta dễ dàng như vậy? Có kẻ nói đường tây ấy cũng giống như “tơ trắng”, nó xuất sản ở một cường quốc và dựa theo cái thế lực chánh trị mà lưu hành khắp nơi. Theo thuyết ấy, cái thế lực ấy đã không ngăn cản được thì nghề đường ta cũng không vãn cứu được, có tuyệt nghiệp đi nữa cũng phải chịu mà thôi!

Nhưng theo chúng tôi thấy thì nghề đường bên Tàu cũng than vãn tuyệt nghiệp như ta. Họ thì bảo bị đường Java và Philippine ăn sấp. Nó nhập cảng ở Quảng Đông một năm tới 100 triệu bạc, làm cho người Tàu cũng phải khủng khiếp.

Bởi vậy chánh phủ Nam Kinh vừa rồi định một cái kế hoạch, lấy năm tỉnh phía nam làm chỗ chấn hưng lại nghề đường, mà tỉnh Quảng Đông là một. Thực hành cái kế hoạch ấy, Quảng Đông bỏ ra 12 triệu bạc lập sáu nhà máy chế đường và đã có đường bán cho nhân dân dùng, đỡ bớt mua đường của ngoại quốc. Ở huyện Đông Hoãn là nơi nhiều mía, mới đây cũng có mở một xưởng chế đường tốn hơn 1 triệu rưỡi bạc, do Lý Dương Kỉnh chủ trương. Lại ở Thượng Hải người Tàu cũng vừa kêu hùn lập một công ty lấy sự phục hưng đường nghiệp làm tôn chỉ, công ty này vốn đến ba triệu bạc Tàu, mỗi phần hùn đến năm trăm đồng.

Nói thế cho biết ở bên Tàu, người ta cũng có sự khủng hoảng về đường nghiệp như xứ ta, mà người ta lo vãn cứu một cách sốt sắng là thế. Họ biết cựa quậy kiếm đường ra, mà ta lại khoanh tay chịu chết hay sao?

 

Ở xứ ta bây giờ nói chuyện lập xưởng chế đường thì chắc khó mà nên việc được. Nhà tư không ai có vốn đủ làm công việc lớn lao này. Chánh phủ, cũng không có tiền nốt. Huống nữa, còn có cớ khác: ruộng mía ở hai tỉnh Nam, Nghĩa rời rạc nhau, dù lập xưởng máy được cũng khó lòng. Vậy người mình không có thể làm được những việc như người Tàu đã làm rồi. Chúng tôi chỉ trông ở chánh phủ một cách mà chẳng biết có làm được không, ấy là: Hạn chế đường ngoại quốc để bảo hộ đường trong xứ.  

T. N.

Nguồn:

Tràng An, Huế, s. 36 (2 Juillet 1935), tr. 1. 

Chú thích

[a]  sinh ý: nghề làm ăn (Đào Duy Anh: sđd.)