BÀN GÓP VỀ ĐỘNG TỪ “ĐI”

Sông Hương số 6 và số 9 có đăng hai bài bàn về động từ "đi" của ông Dân Xanh mà dưới mỗi bài có kèm ý kiến tòa soạn; tôi xin đem chỗ thấy biết tầm thường bàn góp theo đây.

Sau khi đem động từ "đi" sánh với động từ "to do" của Anh văn, ông Dân Xanh lập ra cái nguyên tắc "đi = khi nào đứng một mình thì là hoạt động từ và nghĩa tự đem thân mình chỗ nầy đến chỗ khác; đi = khi nào đứng với một động từ khác gần nó thì là phụ động từ và nghĩa là: có hoạt động hoặc sắp hoạt động". (1) Tiếp đó, ông đặt hai ví dụ: a) Tôi "đi" Huế ("đi" là hoạt động từ); b) Tôi "đi" chơi ("đi" là phụ động từ).

Luôn trong hai số, Sông Hương cho rằng trong câu "Tôi đi chơi", tiếng "đi" không phải phụ động từ, "đi chơi" là động từ kép, vì nó chỉ để trả lời cho câu hỏi về sự hành động mà người đứng hỏi đương làm. "Tôi đi chơi" nghĩa là tôi đương đi chơi chớ không có ý sắp hay sẽ. Rồi cử ra những câu "ăn đi, làm đi, đi đi, cho đi rằng, chịu đi rằng, tôi lại đi lừa anh sao, tao lại đi nói đùa với mầy", tòa soạn bảo chữ "đi" ấy không ý gì hoạt động.

Cho đặng chung tay vào cuộc nghiên cứu trên đây, tôi xin lấy động từ "aller" của Pháp văn làm ví dụ.

Ngoài những thì (temps) trong sách mẹo thông thường, tiếng Pháp hay dùng động từ aller làm ra nhiều thì khác, như: futur immédiat, passé du conditionnel immédiat, impératif composégérondif, v.v...

Đây tôi chỉ đem thì futur immédiat ra nói trước để nhận lấy một phần lập luận của ông Dân Xanh rồi sẽ dẫn đến thì impératif composé, sau để bàn về mấy câu ví dụ của nhà báo.

Như nói: "Je vais dire cela à Z, je vais écrire une lettre" thì động từ aller đều thủ vai phụ động và làm cho hai câu nầy có nghĩa là tôi sẽ nói liền chuyện ấy với Z, tôi sẽ viết liền một bức thơ; (2)  vì aller là phụ động từ hiệp với hai động từ dire écrire làm thành thì futur immédiat.

Nhái theo đây, tiếng ta sẽ nói "tôi đi nói chuyện ấy với Z, tôi đi viết một bức thơ" thì động từ "đi" cũng thủ vai phụ động như aller và cũng làm cho hai câu nầy có nghĩa "tôi sẽ nói liền chuyện ấy với Z, tôi sẽ viết liền một bức thơ".

Giờ nói đến ví dụ "tôi đi chơi" mà Sông Hương khăng khăng cho là không có nghĩa sắp hay sẽ.

Sông Hương bảo rằng khi hỏi "anh đi đâu" thì chỉ trọng ở chữ "đi" chớ chơi hay làm gì người hỏi không hề nghĩ đến; nhưng sao lại nói "chỉ muốn biết sự đi đâu", và, nhận "đương thấy đi"? Nếu đương thấy đi thì đã biết người ta đi, câu hỏi có phải trọng ở chữ "đi" đâu? Và, còn nói "chỉ muốn biết sự đi đâu", thì câu hỏi vốn trọng ở chỗ muốn biết (curiosité) tức là các hành động tiếp theo động từ "đi".

Kéo qua Pháp văn, tôi xin dịch "tôi đi chơi" ra "je vais me promener".

Je vais me promener = tôi sẽ chơi liền.

Vậy tôi đi chơi = tôi sẽ chơi liền.

Nếu nói "tôi đi chơi" nghĩa là "tôi đương đi chơi" thì cái hành động phải là "vừa chậm chậm vừa ngắm", như thế, ai thấy lại chẳng biết đương đi chơi còn toi công đâu phải hỏi? Nhưng, thế thường người ta hỏi "anh đi đâu?" là khi thấy kẻ nào đó dợm đi mà kẻ ấy trả lời "tôi đi chơi" thì hẳn tỏ rằng: tôi sẽ chơi liền (vì đương đi chớ chưa chơi).

Mấy câu trả lời "đi tắm, đi ăn tiệc, đi xem hát" hay muôn ngàn câu "đi..., đi...", cặp theo một động từ khác, cũng trọng ở cái hành vi sau, đem cái hành vi sau đáp vào ý tọc mạch của người hỏi.

Từ trên xuống đây, tôi đồng ý với ông Dân Xanh, đến như câu "hôm qua, anh đã đi chơi đâu?" và tỉ luôn câu trả lời thế nầy: "hôm qua, tôi đã đi chơi ngoài phố" thì động từ "đi" chẳng phải là phụ động từ, vì nghĩa nó quan trọng hơn động từ "chơi"; người ta cốt hỏi cho biết đi đâu, chớ chơi người ta đã hiểu rồi nên có kèm vào câu hỏi.

Hier, je suis allé me promener en ville (suis allé = hoạt động từ, me promener = túc từ trực tiếp của suis allé).

Hôm qua, tôi đã đi chơi ngoài phố (vậy, đã đi = hoạt động từ, chơi = túc từ trực tiếp của "đã đi").

Tóm lại, sự ông Dân Xanh gọi động từ "đi" khi đứng trước một động từ khác thì nó là phụ động từ có thể vững được, nhưng nên thêm:

Đi = khi nào dùng vào thì hiện tại (temps présent) trước một động từ khác thì nó lại là phụ động từ và nghĩa là thi hành liền sự hoạt động của động từ ấy.

Về những ví dụ "ăn đi, làm đi, đi đi, cho đi rằng, chịu đi rằng", Sông Hương gọi chữ "đi" ấy là trợ động từ(3), theo thiển kiến tôi thì mấy câu ấy thuộc về thì sai khiến kép (impératif composé).

Trong mẹo Lang-sa có temps imperatif composé do allez hiệp với một động từ khác tạo ra. Ví dụ "Nous avons tiré de la misère, et pour nous récompenser il a dit du mal de nous. Allez, après cela, parler de reconnaissance", "allez parler" la impératif composé.

Đoạn nầy, chữ allez của Tây và chữ "đi" của ta đều đồng một nghĩa sai sử. Allez hiệp với động từ khác làm thành thì sai khiến kép; vậy, "đi" hiệp với động từ khác làm thành thì sai khiến kép được. Có điều khác với Pháp văn, chữ "đi" của ta đứng sau động từ chớ chẳng phải trước động từ như allez.

Trong "ăn đi, làm đi, đi (a) đi, cho đi rằng, chịu đi rằng, "ăn, làm, đi (a), cho, chịu là infinitif, còn "đi" tức allez; chữ "rằng" đứng sau cho đi(4), chịu đi(4) là liên từ (conjonction) như chữ "que" của Tây.

Đến như "tôi lại đi lừa anh sao, tao lại đi nói đùa với mầy", thì chữ "đi" mới là trợ động từ, vì nó chứa cái nghĩa "giận dũi" chớ không có nghĩa "phụ động" hoặc "sẽ" hay "sắp" như ông Dân Xanh nói. Lúc dùng tiếng "đi" thốt câu ấy là lúc người ta phát cáu chớ chẳng phải lúc người ta sắp thi hành cái quyết ý đâu. Chữ "đi" chỗ nầy là trợ động từ chỉ về sự "giận dũi".

Cho đặng tóm lại, tôi xin lập cái biển dưới đây dựa theo một phần ý kiến ông Dân Xanh.

a) "Đi" khi nào đứng một mình là hoạt động từ và nghĩa là: tự đem thân mình từ chỗ nầy đến chỗ khác. Ví dụ: tôi đi Hà Nội, tôi đã đi Hà Nội, tôi sẽ đi Hà Nội.

b) "Đi" khi nào dùng vào thì hiện tại trước một động từ khác là phụ động từ và nghĩa là sẽ thi hành liền sự hoạt động của động từ ấy. Ví dụ: tôi đi ngủ, tôi đi ăn, tôi đi làm bài.

c) "Đi" đứng sau một động từ khác làm ra thì sai khiến kép để tỏ: một mệnh lệnh (ví dụ: làm đi). Một lời khuyên (ví dụ: nghĩ đi), một sự thách đố (ví dụ: kiện đi), hoặc một sự tạm nhận (ví dụ: cho đi rằng, chịu đi là).

d) "Đi" đứng cặp với động từ khác mà có nghĩa "giận dũi" là trợ động từ để nhuận nghĩa động từ. Ví dụ: tao lại đi nói hành mầy, tao lại đi giễu với mầy.

Có thể có lắm điều sơ sót trong bao nhiêu ý kiến tầm thường trên đây, tôi xin quý báo và ông Dân Xanh hiểu giùm tấm lòng yêu quý quốc văn của tôi mà thứ cho. [a]

BÙI VĂN NÊN

(Gia rai)

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 17 (21 Novembre 1936), tr. 6.

Chú thích

(1) Bốn tiếng sau tôi kê thêm cho trọn ý tác giả.

(2) Khác với: Je dirai cela à Z, j' écrirai une lettre (tôi sẽ nói chuyện ấy với Z, tôi sẽ viết một bức thơ).

(3) Có một lúc, tôi cũng cho dịch adverbe ra trợ động từ không đúng như ông Dân Xanh vì chẳng những nó trợ động từ mà còn trợ hình dung từ hoặc trợ một trợ động từ khác. Tôi có dịch thử nó ra "nhuận từ" song nghe ngớ ngẩn quá, nên tôi phải theo nghĩa cũ.

(4) "Cho đi rằng" có thể dùng không liên từ "rằng" được mà chẳng mất nghĩa; tỉ như hai người đương cãi nhau về giá món chi, người kia giận nói "cho đi 45$, anh cũng chẳng có tiền mua". Nhưng khi nói "cho đi" trơn chớ không ý giấu tiếng "rằng" (sous entendre) thì "cho đi" nghĩa là bảo phải cho vật chi.

Còn "chịu đi rằng" và "chịu đi" vẫn đồng nghĩa.

Tôi chú thêm vầy để định chắc chữ "rằng" là liên từ, có nó hay chẳng có nó cũng chẳng hại cho câu. (các chú thích ghi số Arab là của tác giả bài báo)

[a] Bài của tác giả Bùi Văn Nên ở sưu tập này lẽ ra phải đưa vào phụ lục 2 (bài của tác giả khác có liên quan đến Phan Khôi), nhưng tôi xếp chung ở đây, vì nội dung của nó gắn với toàn bộ tiến trình bổ sung lẫn nhau giữa các bài đăng trong mục “Quốc văn nghiên cứu” của tuần báo Sông Hương. – N. B. S.