BÀN GÓP VỀ NHỮNG TIẾNG PHÂN LOẠI

Lúc ở Hà Nội tôi đã có lần đem vấn đề nầy bàn luận cùng một vài bạn thanh niên hiếu học, thích nghiên cứu mẹo luật tiếng ta, nhưng rốt cuộc, không thể giải quyết được, chúng tôi đành chờ những người dày công nghiên cứu hơn giải quyết vấn đề ấy.

Nay thấy trong báo Sông Hương số 12, ra ngày 17-10-36, nơi mục “Quốc văn nghiên cứu”, ông Từ Ngọc nêu lên một cái đầu đề thật to "Những tiếng phân loại", tôi hăm hở đọc bài của ông, tưởng rằng ông bàn giải một cách rõ ràng thấu triệt cái vấn đề rắc rối ấy, cái vấn đề đã làm cho chúng tôi và, có lẽ, cho những người tự nhận lấy một vài nhiệm vụ đối với nền quốc văn băn khoăn bấy lâu nay.

Nhưng với một mối thất vọng, tôi đọc đến chữ cuối cùng của bài ông đã mang danh là "tiếng phân loại" bao hàm quá, viển vông quá; và ý nghĩa những chữ ấy ông hiểu một cách lờ mờ mơ hồ lắm.

Vậy muốn bàn một câu chuyện khó khăn như thế, trước hết chúng ta nên giảng nghĩa rõ ràng những chữ "tiếng phân loại".

I.  Tiếng phân loại là gì?

Những tiếng phân loại (articles) là những chữ đứng trước một danh từ để chỉ rõ rằng danh từ ấy về giống cái, về số ít hay số nhiều.

II.  Mẹo luật quốc văn có tiếng phân loại không?

Mẹo ta có tiếng phân loại nhưng ít lắm, ít hơn những articles của tiếng Pháp, vì tiếng Pháp có nhiều thứ articles như:

a) articles définis: le, la, les

b) articles indéfinis: un, une, des

c) articles contractés: du, de la, des

Mẹo ta chỉ có hai thứ tiếng phân loại thôi:

a) Tiếng phân loại nói về số ít: cái, con

b) Tiếng phân loại nói về số nhiều: những, các

1. Chữ cái và chữ con. Khi đứng trước một danh từ nào, tiếng phân loại cái, con, chỉ dùng để chỉ rằng danh từ ấy về số ít mà thôi chứ không thể chỉ rằng danh từ ấy về giống đực hay giống cái như articles le, la của tiếng Pháp.

Thí dụ: Khi ta viết cái bàn, cái ghế, con trâu, con bò... ta không biết những danh từ bàn, ghế, trâu, bò về giống (genre) gì.

Trái lại khi ta viết la table, le banc,... ta biết ngay rằng table về giống cái, banc về giống đực.

Còn như muốn biết một con vật về giống (genre) nào, ta phải nói thêm sau danh từ chỉ tên con vật ấy hoặc chữ cái hoặc chữ đực.

Thí dụ: con bò cái, con trâu đực.

Lệ ngoại: Cái công lệ ấy không nhất định. Có một lệ ngoại rất quan hệ.

Sau những danh từ thuộc về loài người, ta không cần thêm chữ đực hoặc chữ cái mà ta cũng biết danh từ ấy về giống gì rồi: trai, gái, đàn ông, đàn bà, thiếu nữ, thiếu niên, vân... vân...

Đến đây tôi xin trích một đoạn ở phần thứ hai trong bài "Những tiếng phân loại" của ông Từ Ngọc ra đây để bàn lại cùng ông và các bạn độc giả về cái tiểu đề "Những chữ phân loại khác".

"Ngoài chữ con và chữ cái, tiếng ta có thể lấy những danh từ làm chữ phân loại được.

Thí dụ: ngày hội, người Tàu, bữa tiệc, cuộc cờ, đám rước, những chữ ngày, người, bữa, cuộc, đám... đều là danh từ dùng làm chữ phân loại".

Tôi tưởng ngoài chữ cái, con, những, các, tiếng ta không có một chữ nào khác để dùng làm tiếng phân loại.

Những danh từ ngày, người, bữa, cuộc, đám mà ông Từ Ngọc kể ra đây (xin các bạn nhớ rằng còn nhiều danh từ một loại như thế. Thí dụ: bầu (bầu trời), nhà (nhà bác học), cơn (cơn gió v.v...) có thể dùng làm tiếng phân loại được không?

Muốn trả lời câu hỏi ấy một cách đích xác, ta phải nghiên cứu từng chữ một mới được.

a) Ngày hội (jour férié)

Ngày: nom; hội: adjectif.

b) Người Tàu

Người: nom; Tàu: nom dùng làm adjectif.

c) Bữa tiệc

Bữa: nom, tiệc: verbe.

d) Cuộc cờ (partie d' échecs)

Cuộc: nom; cờ: nom dùng để bổ nghĩa cho danh từ cuộc.

e) Đám rước

Đám: nom; rước: verbe.

Xem như thế thì những danh từ kể trên ‒ và bất luận danh từ nào ‒ không thể dùng làm tiếng phân loại được.

2. Chú ý về chữ cái và chữ con

Khi đứng trước những chữ nầy, kia, đó, đây, ấy, chữ cái và chữ con không phải là articless nữa mà là pronoms.

3. Cách đặt tiếng phân loại

Về cách dùng và đặt tiếng phân loại, nhất là hai chữ những, các, ông Từ Ngọc nói đúng và rõ (các bạn xem lại bài của ông).

Bạn nào thấy nhiều cái lầm trong bài ông Từ Ngọc và trong bài nầy nên vui lòng giải bày cho. [a]

DƯƠNG AN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 15 (7 Novembre 1936), tr. 6.

Chú thích

[a] Bài của tác giả Dương An ở sưu tập này lẽ ra phải đưa vào phụ lục 2 (bài của tác giả khác có liên quan đến Phan Khôi), nhưng tôi xếp chung ở đây, vì nội dung của nó gắn với toàn bộ tiến trình bổ sung lẫn nhau giữa các bài đăng trong mục “Quốc văn nghiên cứu” của tuần báo Sông Hương. – N. B. S.