CHỮ PHÁP CỦA CỤ PHẠM PHÚ THỨ

Kể ra, ngày nay chúng ta được may mắn hơn ông cha chúng ta bảy tám mươi năm về trước nhiều.

Ngày nay, tuy tiếng Việt Nam hãy còn chưa được phong phú, nhưng về chính trị, khoa học, mỹ thuật, triết học, nhờ đi vay chạ, những chữ dùng không đến nỗi thiếu thốn lắm. Nếu đem so với tình cảnh của các cụ ngày xưa, mới thấy họ là đáng thương hại.

Mãi sống trong cái văn hóa trầm tĩnh của phương Đông, chỉ biết có khoa cử cùng cương thường đạo lý, rồi bỗng dưng phải tiếp xúc với nền văn minh hoạt động của phương Tây, nền văn minh mà họ không ngờ rằng có, các cụ đã tỏ ra lúng túng, ngơ ngác vô cùng.

Ai có đọc qua quyển Tây phù nhật ký thuật lại cuộc hành trình của sứ bộ Việt Nam sang Pháp năm 1863, do cụ Phạm Phú Thứ soạn, sẽ nhận thấy điều đó.

Trong những ngày ở Paris, các cụ được người ta mời đi xem nhiều nơi lắm: xưởng máy có, viện bảo tàng có, các cung điện có, cho đến nghị viện cũng có nữa. Nhưng cảnh nào đối với các cụ cũng lạ mắt, ở bên Việt Nam các cụ chưa từng thấy. Muốn được thông hiểu, các cụ phải nhờ người cắt nghĩa cho từng cái vụn vặt.

Nhưng tiếng ta hồi ấy nghèo quá, chưa có những danh từ về chính trị, khoa học phương Tây như ngày nay. Cho nên, đến chừng thuật lại những điều đã trông thấy vào nhật ký, có nhiều chữ Pháp, vì không dịch nổi, các cụ đành phải để nguyên, và chỉ diễn âm thành chữ Hán mà thôi. Những chữ ấy, bây giờ đọc lại, chúng ta không khỏi mỉm một nụ cười.

Thì đây, chúng ta hãy mỉm một nụ cười với người xưa:

Cô lê tít la tiếp

Đề bô tê

Xi na tư

"Cô lê tít la tiếp" tức là Corps législatif mà ngày nay chúng ta dịch là "Lập pháp Hội nghị"; "Đề bô tê" tức là député, bây giờ thường dịch là "nghị viên"; và "Xi na tư" tức là Sénateur, "nguyên lão nghị viên" vậy.

Các cụ sứ ta cũng có đi xem vườn nuôi các giống thú ngoại quốc của thành phố Paris, mà người Pháp gọi là Jardin zoologique d' acclimatation. Bạn đọc có biết các cụ đã chép những chữ ấy lại thế nào không?

Các cụ chép: Do ô lô xích đặc kỳ li ma ta xi ông, (1) một tràng chữ dài thòng thòng, không có nghĩa gì hết, nó làm cho những cái lỗ tai An Nam thuở bấy giờ phải kinh ngạc.

Bây giờ, ngồi xét lại lịch sử, chúng ta cũng hơi lấy làm lạ cho sự các cụ không dịch nổi những tiếng Pháp kể trên nầy. Vẫn biết rằng tiếng Việt Nam hồi ấy rất thiếu thốn, nhưng một cụ Phạm Phú Thứ, một cụ Phan Thanh Giảng, một cụ Ngụy Khắc Đản là những bậc thâm nho, lẽ nào sau khi nghe người ta cắt nghĩa rõ ràng thế nào là député, thế nào là Jardin zoologique d' acclimatation [a] lại không có thể tìm lấy những chữ Hán mà dịch ra hay sao? Chẳng qua các cụ đã không chịu khó đấy thôi. Không chịu khó, vẫn là cái bản tính của người An Nam. [b]

T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 1.

Chú thích

(1)  Còn chữ Jardin không thấy các cụ chép. (nguyên chú)

[a]  Các chữ Pháp trong bài : Corps législatif: hội đồng lập pháp; Député: nghĩ sĩ, đại biểu quốc hội; Sénateur: thượng nghị sĩ; Jardin zoologique d' acclimatation: vườn động vật thuần hóa.  

[b]  Người biên soạn có nhận xét rằng các bút danh T.T., T., P.T.T. trên Sông Hương có lẽ đều là của chủ bút Phan Khôi.