PHỤ LỤC 2

CÁC TÁC GIẢ KHÁC VIẾT VỀ PHAN KHÔI

---------------------

ĐỌC  QUYỂN CHƯƠNG DÂN THI THOẠI

            Chương Dân thi thoại, cái đứa con đầu lòng của ông Phan Khôi này, nó có một cái giá trị khá lắm, mà vì sao tôi thấy các báo ít bình phẩm đến, chỉ trừ ông Phan Văn Hùm trong báo Tân văn hồi nọ. Trái lại, một quyển tiểu thuyết vừa xuất bản, các ông phê bình nhà ta lại đua nhau nói đến ngay như chỉ sợ người khác khen mất! Phải chăng kẻ thức giả xứ này đã hờ hững với những món văn chương mà họ cho là khô khan?...

            Quyển sách này, gồm có những bài mà người xướng ra lối thơ mới đã viết chung về một mục trên lắm tờ báo xưa kia như Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo, Nam phong tạp chí… trong mục “Nam âm thi thoại”. Ngoài ra, còn những bài của nhiều nhà văn khác do mấy tác phẩm của ông mà viết ra đăng lên báo Thần chung Trung lập.

            Ông Phan Khôi, một người tai mắt, một cụ lão làng trong xóm báo nước ta, đã bao phen viết những bài phê bình chặt sắt ném đinh [a]  về những người và văn quan trọng, đã có công xướng ra lối thơ mới, đã bao phen cầm cờ cho nhiều tờ báo phụ nữ, đã phụng sự cái cô “Lô-Dích”, người đã làm cho quốc dân một phen rầm rộ khâm phục tài nghệ của mình thì nay … mới cho ra cái tác phẩm đầu tiên!

            “Đây là cuốn sách ra đời lần thứ nhất của tôi…”

            Nếu ai là người biết nghĩ, mới đọc qua một câu nói giản dị của ông trong “lời đầu sách” mà không cảm động, tôi xin phục người ấy là người … sắt đá.

            Thì vâng, đây là cuốn sách ra đời lần thứ nhất của ông, như thế cũng khí muộn thật. Nhưng mà, muộn còn hơn không. Vì, tủ sách của nước ta, nếu ngày sau có thiếu đi một quyển như Chương Dân thi thoại này, cũng là một điều đáng tiếc. Tôi muốn nói quyển sách góp nhặt những câu thi hay và chua thêm lời phê bình đứng đắn này là một tập sách rất có giá trị vậy.

            Nó sẽ bổ ích thêm một phần cho thi giới nước ta.

            Quyển “Phan Khôi thi thoại” này có những câu thơ đọc lên nghe “điển điển”, có một vẻ giản dị mà lý thú, lại rất tự nhiên, của lắm nhà thi sĩ vô danh tuy thơ rất giá trị. Nhờ đó mà chúng ta được biết những câu thơ tuyệt tác. 

            Như một bài thơ thật giản dị của ông nào không biết tên, cái bài “Tống biệt” mà tác giả Nam âm thi thoại đã được một người quen đọc cho nghe, trong khi ông này đi ở đàng trong về:

                        Trái mù u trên núi

                        Chảy xuống cửa Phan Rang

                        Ông đi về ngoài nớ

                        Trong lòng tôi chẳng an

                        Bao giờ ông trở vô

                        Gặp tôi ở giữa đàng

                        Nắm tay nói chuyện chơi

                        Uống rượu cười nghênh ngang!  

            Dưới cái bài thơ “điển” này, người xướng ra lối thơ mới còn có chua những lời bình:

            “…Ông dượng tôi đọc bài ấy cốt để làm trò cười, ý ông cho là thơ gì mà nói như nói chuyện vậy. Bấy giờ tôi còn bé, thấy ông cười cũng cười. Sau tôi tỉnh ngộ ra, biết là hay, thì ông Lâm đã chết! – Bài ấy mới nghe dường như quê, nhưng tôi đã từng đọc cho mấy tay rành thơ nghe, ai cũng chịu. Hai câu đầu là thể hứng, mà cái ý hứng rất kỳ! Câu thứ sáu trông lại gặp nhau mà ba chữ “ở giữa đàng” thì lại có cái biệt thú. Toàn bài nhất khí quán hạ, thật cũng có cái cảnh tượng Trái mù u trên núi, chảy xuống cửa Phan Rang”!

            Mà thật thế, bài thơ trên, nếu ai mới đọc qua cũng chẳng có gì là thâm thúy cả. Nhưng nếu để ý một chút thì lại là bài rất tuyệt tác. Lời thơ tuy quê quê nhưng nó có một vẻ thành thực, hồn nhiên, ngây thơ và đau đớn. Như hai câu:

                        Ông đi về ngoài nớ

                        Trong lòng tôi chẳng an

… thì thật là … đau đớn. Chỉ hai câu ấy cũng đủ tỏ cái tình tống biệt rồi.

            Ông Phan Khôi chua thêm những lời phê bình như trên thật là đúng. Nói thật tình ra, nếu không có những người có cái não “ngẳng” như ông thì bài thơ tuyệt tác (vâng! tuyệt tác!) kia cũng đã theo từ người làm ra đến người truyền tụng vì tưởng nó chỉ có ý nghĩa vui vui…, thì mấy câu văn vần kia cũng theo những người anh hùng không gặp vận, cũng sẽ chôn sâu theo xác chết với thời gian!

            Đấy là một tắc trong những tắc của quyển sách phê bình văn học này, mà tôi đem ra giới thiệu với độc giả đây thôi. Ngoài những bài tuyệt tác của nhiều nhà thi sĩ không tên ra còn có những tắc tác giả chép lắm đoạn thư hay của những người làm thơ bất hủ, như Tú Xương, Phan Thanh Giản, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Ông Ích Khiêm, Tuy Lý Vương, v.v…và tác giả cũng đã chua thêm những lời phê bình chặt chịa.

            Một đoạn thơ của ông Trần Tế Xương mà có nhiều kẻ chép bậy thành thử cái nghĩa sâu sắc của thơ nhà thi sĩ họ Trần mất bớt đi. Theo lời ông Phan thì trong bài thơ “Chúc Tết” thứ ba của nhà thơ bến Vị, hai câu dưới nguyên của ông là:

                        Phen này ông quyết đi buôn lọng,

                        Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng

            Mà không phải là “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”.

            Ông viện lý rằng ở trong câu nguyên, chữ “chửi” và chữ “rao” đều đồng một cách hành động, đều do cửa miệng thốt ra, vì thế cho nên hai chữ “vừa” (vừa chửi vừa rao) mới thật là một. Còn nếu để chữ “vừa bán vừa la” thì đọc lên nghe nó có nghĩa rời rạc. “Vả lại sự rao ở trước sự bán, trong khi rao đó vừa chửi nữa mà cũng bán được đắt hàng, thế mới càng tỏ ra nhiều người thích mua lọng; còn đợi bán rồi mới la thì ý không mạnh bằng. Huống chi chữ “chửi” tỏ ra chẳng những không cần bán mà cũng không cho mua nữa, còn chữ “la” là la rầy, ý hơi nhẹ đi và người ta có thể ẩn với nghĩa kêu la được thì hóa ra vô vị. Cho nên câu ấy phải y theo nguyên văn chữ “chửi” là hơn, và cũng đừng cho nó là tục vì ông Tú Xương cốt muốn dùng tiếng tục kia mà…”

            Thật là chí lý và xác đáng biết bao! Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người chép thơ của những thi sĩ trứ danh nước ta và chép lầm vì hiểu bậy về một câu thơ, một dấu trong một chữ. Hoặc nữa, lắm lúc cũng hiểu rõ thật, nhưng lại sợ mếch lòng những hạng quan trường mà dám tự tiện sửa bớt đi cho nhẹ lời thơ, nhưng có biết đâu rằng những câu thơ ấy hay ở những chữ hơi tục! Thành ra về sau mất ý, những người sau hiểu lầm biết bao là tác phẩm thâm trầm của những nhà đại thi sĩ nước Nam. Mà cũng vì thế mà nhiều lúc người An Nam không hiểu hay hiểu bậy thơ An Nam là thế.

            Trong quyển Chương Dân thi thoại này, chúng ta nhận thấy tác giả nói nhiều về ông Tú Xương và văn thơ của nhà thi sĩ Nam thành. Thỉnh thoảng trong mươi trang, ta lại thấy tác giả nói về “Những vần thơ tục (chữ “tục” này có nghĩa là sâu sắc) của Tú Xương”, “những câu thơ có tư tưởng quốc gia của Tú Xương”; hai chương phụ lục về “Một câu chuyện về ông Tú Xương” và “Ông Tú Xương”. Hai chương sau này, chúng ta đọc sẽ có cái hứng thú như xem quyển Trông giòng sông Vị của nhà phê bình Trần Thanh Mại vậy.    

            CHƯƠNG ĐÀI

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 181 (11 Décembre 1936), tr. 1, 4.