CUỘC ĐÌNH CÔNG THỨ NHẤT TRƯỚC ĐÂY 300 NĂM

Những cuộc đình công ở xứ ta kể ra mới có từ ngày người Pháp sang, nghĩa là từ các công nghệ, theo phương pháp quy củ Âu Mỹ có tổ chức hẳn hòi. Nhưng bên Pháp, những việc ấy đã xảy ra từ 300 năm về trước.

Năm 1629, nhân vua Louis XIII ngự nam tuần phải ghé thành phố Dijon vài ngày, nhân dân nô nức sắp đặt cuộc nghênh tiếp thực long trọng; họ định tổ chức nhiều cuộc vui và dựng khải hoàn môn khắp các đường phố. Nào thợ mộc, thợ chạm, họa sĩ, v.v... tóm lại, những hạng người nào có thể góp sức vào cho công việc được chóng thành đều bị đòi đến cả.

Thuở ấy, trong thành phố có một nhà họa sĩ có biệt tài, rất nổi tiếng, mà hiện nay nhiều bảo tàng viện còn giữ được những bức tranh quý giá: Philippe Quantin. Cố nhiên ông ta được ban tổ chức cuộc nghinh giá ấy vời ra trông nom về phương diện mỹ thuật.

Nhưng Philippe Quantin vốn có một quan niệm rất cao về nghệ thuật của mình. Ông biết rằng trong những công việc như thế ngưòi ta thường trả công rất hạ; cho nên nhận lời mà ông còn buộc người ta nhiều điều kiện. Những điều kiện ấy bị coi là quá gắt gao và bị bác cả.

Tức thì, họa sĩ nhóm tất cả những công nhân có dự vào việc tổ chức cuộc tiếp rước cắt nghĩa cho họ biết rằng, họ đã bị người ta lợi dụng một cách rất vô nhân đạo và hết sức hô hào họ đình công để phản kháng sự trả tiền thuê quá ít.

Trước mặt các nhà tổ chức, công nhân nhất định xin tăng công mới chịu ra làm. Nhưng khốn nỗi, các ngài không hề nao núng; trái lại, họ dựa vào lệ "làm xâu cho nhà vua" mà cưỡng bách mọi người phải ra đảm đương công việc, không tuân ắt sẽ bị trị tội. Công nhân lẳng lặng trở ra, không một ai dám phản đối, trừ một người bộ dáng hằm hằm xô cánh cửa làm cho nó phải cọt kẹt.

Cố nhiên người ấy là Philippe Quantin. Nhà họa sĩ sau đó liền bị bắt và tống vào ngục; nhưng biết rằng mình yếu thế và dẫu có chống cự cũng chẳng ích gì, qua ngày mai ông bèn xin thứ lỗi.

Thế là kết liễu vụ đình công thứ nhất ở thành phố Dijon và có lẽ cả nước Pháp nữa. Từ lúc nó nổi lên cho đến lúc tắt, chỉ có hai mươi bốn giờ.

(Theo Les Nouvelles Littéraires) [a]

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 14 (31 Octobre 1936), tr. 2.

Chú thích

[a] Bài này biên dịch từ báo Pháp Les Nouvelles Littéraires; cuối bài không ghi tên người dịch; có thể dự đoán chính Phan Khôi biên dịch.