DƯ LUẬN NGƯỜI VIỆT NAM Ở ĐÂU?

Từ cái tin ông Hoàng Trọng Phu vào Huế

đến việc hai ông Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ

bị trục xuất khỏi Nam Kỳ

 

Cả nước Việt Nam ngày nay, cả ba kỳ Trung, Nam, Bắc, kể vừa báo, vừa tạp chí có phỏng đến năm sáu chục cái. Nhưng muốn tìm cho thấy cái dư luận chân chính của người Việt Nam thì tìm ở đâu? Có thể tìm ở trên các báo chí ấy không?

Nói rằng không thì nghe ra vô lý quá. Bằng ấy cái báo mà không có dư luận thì trong báo họ nói cái gì? Còn nói rằng có thì e không đúng; kẻ nào biết trọng sự thực ắt phải ngập ngừng mà không dạn nói.

Thực ra thì về những việc tầm thường không quan hệ mấy, người Việt Nam vẫn có dư luận; nhưng về những việc quan hệ thì không, tịnh không.

Không phải là người Việt Nam không có tư tưởng, không có ý kiến. Nhưng những cái tư tưởng, ý kiến nào họ liệu biết là không hợp với nhà cầm quyền hoặc nghịch với nhà cầm quyền thì họ không bày tỏ ra.

Không bày tỏ ra, một là bởi họ thấy sự bày tỏ là vô ích; một nữa là bởi họ thấy sự bày tỏ chẳng những vô ích mà có hại, hại cho chính mình người bày tỏ.

Bởi vậy, ở các nước Âu châu, thường thường có sự “dò dư luận”: Chính phủ định làm một việc gì mà chưa biết lòng dân ra sao thì ngỏ ý cho một vài tờ báo phát ra để dò xem dư luận thế nào. Nhưng sự ấy thật quả không thể có được ở xứ An Nam.

Về những việc quan hệ, họ có ý kiến gì đã không chịu phát biểu thì còn dò gì được?

***

 

Những việc trước đã lâu rồi, không kể. Mới đây, có cái tin ông Hoàng Trọng Phu sẽ vào Huế làm một chức thật lớn đăng trên một vài tờ báo, mà người ta cho rằng đó là tin của chính phủ thả ra để dò dư luận của người Việt Nam, nhất là người Trung Kỳ.

Chúng tôi tưởng lời người ta nói đó không đúng. Chính phủ há chẳng biết người Việt Nam không có dư luận về những việc như thế hay sao mà còn dò làm gì? Chả có lẽ nào các nhà cầm quyền có con mắt sáng hơn sao, mà lại còn chẳng soi đến chỗ ấy?

Chúng tôi nói thế mà thật thế. Thử xem từ khi cái tin ấy đăng trên báo, rồi có ai đặt miệng vào việc ấy đâu? Có thì một người là cùng, mà cái luận điệu của họ lông bông lắm không thể tin được.

Rốt lại, về việc ông Hoàng sẽ vào Huế, chính phủ nếu có muốn dò dư luận người Trung Kỳ cũng đã không dò được rồi. Nếu phần đông người Trung Kỳ họ nghĩ cho cái tin ấy không thiết gì với họ là họ cũng chẳng nói ra. Nếu họ yên trí rằng theo tình thế Trung Kỳ bây giờ, cũng như Nam Kỳ, Bắc Kỳ một thứ chính quyền ở tay Bảo hộ, chẳng có người An Nam nào có tước vị cao mà làm gì được, ông Hoàng về thì cũng như ông khác về thôi, là họ cũng chẳng nói ra. Như thế còn dò gì nữa?

 

Việc ấy, chẳng biết có phải là việc quan hệ hay không. Nhưng người ta đã cho là cái tin của chính phủ thả ra thì tự nhiên người ta phải coi là quan hệ. Quan hệ thì họ nhất định không chịu phát biểu ý kiến.

Nếu ép họ phát biểu ý kiến thì ngay bây giờ đây, họ lấy việc hai ông Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ bị trục xuất khỏi Nam Kỳ làm chứng chắc cho sự phát biểu là có hại đến họ và họ chối dài.

Hai ông Diệp và Bùi bị trục xuất, chưa biết rõ vì cớ gì, nhưng hai người đều là tay viết báo có tiếng trong Nam thì ai cũng phải đoán là vì cái tội ngôn luận của họ trên báo.

Người ta nói quyết: Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ vì phát biểu ý kiến trên báo mà cái ý kiến ấy không hợp với nhà cầm quyền hoặc nghịch với nhà cầm quyền nên mới bị trục xuất khỏi Nam Kỳ.

Thành ra ở xứ An Nam nầy, người nào có ý kiến mà không phát biểu là người khôn, khỏi mang hại vào mình. Ai cũng muốn làm người khôn cả, ai cũng muốn tránh hại cả, thành thử nước Việt Nam không có dư luận.

Không có dư luận, chính phủ đôi khi muốn dò, không thể dò được, hẳn các nhà cầm quyền cũng phải lấy làm tức bực. Hẳn có lúc các ngài cũng đến đập bàn đập ghế mà thét to lên:

‒ Quái lạ! Sao mà hết thảy chúng nó có miệng ăn, không có miệng nói, đứa nào làm gì cũng cứ lằm lằm lụi lụi mà làm?

Nhưng mà, thưa các ngài, thế là chúng nó khôn!

 

Vậy đó là ngôn luận không được tự do. Cũng vì cớ đó mà vừa rồi có mấy tờ báo quốc ngữ hô hào xin tự do ngôn luận.

Hễ tự do ngôn luận được thì ai cũng dạn phát biểu tư tưởng của mình cả. Cũng lợi cho chính phủ, muốn dò dư luận mấy thì dò.

Nhưng được tự do ngôn luận rồi còn bị “trục xuất” nữa không? Theo lẽ thì không mới phải; nhưng chúng tôi chẳng chắc tí nào cả. Bởi tự do mà không có gì đảm bảo thì vẫn còn có thể bị “trục xuất”.

Thôi thì cứ đành đi là không có dư luận!

SÔNG HƯƠNG

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 21 (19 Décembre 1936), tr. 1.