GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ VỀ TRUYỆN DÀI NĂM NAY

VỀ TAY MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ HUNG

 

Thực là một giải thưởng văn học quan trọng, vừa bởi cái tính cách, vừa bởi cái giá trị của nó.

Giải thưởng Quốc tế về truyện dài do một hội đồng năm nhà văn đại diện năm nước đặt ra từ năm 1933: Gaston Rageot, đại diện nước Pháp; Hugh Walpole, nước Anh; Johan Bojer, nước Na Uy; Rudolf Binding, nước Đức, và Joseph Krutch, nước Mỹ. Người đoạt giải, ngoài sự hưởng một cái vinh dự tối cao được lãnh về quyền tác giả tại các nước và quyền cho các hãng chiếu bóng phỏng theo tác phẩm mình quay thành phim, còn được nhận một số tiền tròn trèm 20.000 đồng tiền Anh, tức là gần 300.000 phật lăng, hay 300.000 đồng bạc Đông Dương.

Giải thưởng ấy năm nay về tay một người đàn bà Hungari, trước hầu chưa hề có danh trong làng văn, và một độ đã phải sang ngụ tại Paris vừa học, vừa làm công trong một xưởng máy. Ấy là bà Yolande Foeldes, tác giả quyển La Rue du Chat-qui-Pêche, nó làm cho bà hiện được danh tiếng ở Âu châu. [a]

Cũng như phần đông các nhà trí thức ở Trung Âu, bà Foeldes đã từng sống một cái đời khó khăn, vất vả. Ở Paris được ít lâu, bà sang nước Egypte xin vào làm một chân thư ký đánh máy chữ tại một tòa lãnh sự Hung. Từ Egypte, bà sang Luân Đôn, rồi trở về nước, chuyên nghề dịch sách. Chỉ trong khoảng vài năm bà đã xuất bản có đến hàng trăm quyển sách dịch. Bà đã có viết một truyện dài, nhưng truyện ấy không làm cho dư luận sôi nổi lắm.

Trong quyển La Rue du Chat-qui-Pêche, nhà nữ văn hào tả một gia đình thợ thuyền người Hung sống giữa cái xã hội hỗn tạp của những người ngoại kiều ngụ tại Paris. Ở Paris, kiều dân thường nhóm họp thành từng xóm, họ phần nhiều sống một cuộc đời lao khổ, tối tăm, có khi phải chịu lắm điều nhục nhã. Thiếu chi người vì quá hăng hái trên trường tranh đấu mà sau vì sức cùng phải lụy đến thân!

Một cái đề như thế có thể đưa tác giả đến sự ác cảm với người Pháp. Nhưng mà không. Đây bà Yolande Foeldes chỉ muốn tả toàn sự thật, chứ bản tâm bà vẫn luôn luôn mến phục nước Pháp là nước có lẽ đã đào tạo ra bà.

Tác giả quyển La Rue du Chat-qui-Pêche có một nghệ thuật rất chắc chắn, một cái tài kỹ thuật rất vững vàng và các vai trong truyện, dưới ngọn bút của bà, đều đặc biệt linh hoạt. Giá không có sự định đoạt của hội đồng chấm thi về Giải thưởng Quốc tế truyện dài, tác phẩm ấy cũng có thể tự đặt cho bà Foeldes vào hàng các nhà văn quốc tế. [b]

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 19 (5 Décembre 1936), tr. 7.

Chú thích

[a] Yolande Foeldes (viết theo chữ Hung: Jolán  Földes, 1902-1963) nữ văn sĩ Hungary, nổi tiếng với tiểu thuyết La Rue du Chat-qui-Pêche (Phố Mèo-Câu-Cá).

[b]  Bài này không ký tên, tức là tác quyền thuộc về tòa soạn, cũng tức là có thể do chủ bút Phan Khôi viết.