PHỤ LỤC 2

CÁC TÁC GIẢ KHÁC VIẾT VỀ PHAN KHÔI

---------------------

CUỘC TOÀN KỲ HỘI NGHỊ NGÀY 20 SEPTEMBRE 1936 KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÁI NHỤC NHÃ HAY LÀ MỘT SỰ THẤT BẠI MÀ CHÍNH LÀ MỘT SỰ THẮNG LỢI CỦA QUẦN CHÚNG

(xin đáp lại bài của ông Phan Khôi ở báo Sông Hương số 3-10-36)

         Giữa một cuộc hội nghị của quần chúng, ông Phan Khôi, vô tâm hay hữu ý, đã thốt ra những lời rất trái tai, nên bị quần chúng gần trên sáu trăm người nhao nhao dè suýt. Ông buộc mình phải bỏ hội nghị ra về, theo sau những tiếng rủa mắng cười chê của hàng trăm con người đã bất bình cho cái thái độ vô lý và khiếm nhã của ông.

            Không biết ông Phan Khôi lấy thế làm vinh hiển hay làm nhục nhã, lấy thế làm thắng lợi hay làm thất bại, nhưng có điều chắc là khi ông về nhà ông, ông lấy làm bực mình lắm.

            Có bực mình lắm nên ông mới viết luôn một thôi, đăng đầy bốn cột báo Sông Hương để chưởi cuộc hội nghị của quần chúng ngày 20-9-36. Ông chưởi những gì? Chắc các bạn cũng đoán trước được, ông chưởi cuộc hội nghị ấy là nhục nhã, là thất bại. Ôi chao ôi! Cái chưởi của ông Phan Khôi mới thường tình làm sao!

            Ông Phan Khôi, tôi xin phân bua cùng ông chỗ nầy. Xưa nay trên con đường tranh biện tôi đụng chạm cùng ông cũng đã nhiều lần, nhưng bao giờ tôi cũng chỉ muốn ở trong cái phạm vi lý thuyết, chớ đến sở hành sở chỉ của ông, nhất thiết tôi không hề đụng đến.

            Lần nầy thời không thế, cái cử chỉ của ông tại cuộc hội nghị ngày 20-9-36 đã bị quần chúng sửa trị cho một cách đích đáng. Tôi tưởng ông cũng nên lấy thế mà làm một bài học. Không ngờ ông lại lấy làm giận, nên cả gan chưởi đại quần chúng không kể gì lý nghĩa cả.

            Cái cử chỉ ấy, tôi xin nói thật, xấu lắm! Lần nầy rõ ràng tôi không nói lý thuyết với ông nữa đâu, tôi nói ngay vào cái nhân phẩm của ông đó.

            Sao ông cho cuộc hội nghị ngày hôm 20-9-36 là một sự nhục nhã, nhục nhã ở chỗ nào? Ông bảo đó là một sự thất bại, thất bại chỗ nào?

            Ông đã biết nói câu: “Công chúng có mặt hôm ấy không công nhận cái tiểu ban làm việc mấy ngày trước (trong cái tiểu ban ấy có cả ông Phan Khôi nữa), cho rằng đó chỉ là một nhóm phú hào (hay tôi tớ cho phú hào) không có tư cách đại biểu cho bình dân là đại đa số người Trung Kỳ, cho nên họ muốn xóa bỏ hết mà bắt đầu từ ngày hôm nay làm ra như một việc mới”.

            Mà cái việc mới họ làm đó có thành hay không? Ông phải nên thành thực mà công nhận với tôi rằng thành chứ! Thì rõ ràng công chúng hôm ấy đã gạt cái nhóm phú hào của ông lại một bên, họ đã xoay cuộc hội nghị của cái nhóm của ông ra cuộc hội nghị của quần chúng mà họ đã mạnh dạn cử những người của họ lên để lãnh đạo lấy, họ lại gạt cái biên bản của nhóm ông lại một bên vì họ hoài nghi cái cách làm việc của các ông có chỗ ám muội, để thay vào những lời yêu cầu thiết thực, cần kíp; họ lại còn sắp đặt cho bao nhiêu người nhiệt thành sản xuất trong cái giai cấp công nông, phụ nữ, học sinh, binh lính, trí thức đều lần lượt lên diễn đàn để bênh vực quyền lợi cho họ một cách hùng hồn, oanh liệt. Gần 7 giờ đồng hồ, những công việc ấy đều làm một cách rất có trật tự, nghiêm trang, dầu có bạn hèn mạt dụng tâm muốn phá cũng không thể nào phá nổi.

            Công việc của công chúng ngày hôm ấy như thế sao ông bảo là thất bại, sao ông bảo là nhục nhã!

            Tôi xin nói lại một lầm nữa: cuộc hội nghị ngày 20 Septembre 1936 tại Viện Dân biểu là một sự thắng lợi của bình dân, là một cái vinh diệu cho bình dân xưa nay chưa tầng có.

            Ông có ý phiền trách sao cái tiểu ban hôm ấy (mà trong ấy có cả ông nữa) sao khi thấy công chúng muốn xoay cuộc hội nghị ra một thế khác, lại “không mời họ đi ra”.

            Cái phiền trách của ông chí lý lắm, vì chỉ xem hôm ấy công chúng mới thấy cái thái độ lôi thôi khả nghi của ông thì họ “đã mời” ông ra liền, có đâu kịp để ông mời công chúng ra. Một sự rất may là ông Phạm Văn Quảng hay các ông khác ở trong tiểu ban không nghe lời sử dại của ông vậy.

            Ông lại còn khéo nói: “Cớ chi họ cứ làm việc trong vòng pháp luật, chú ý ở hoàn cảnh và tình thế, lấy năm trăm người giải quyết các vấn đề và thảo tập thỉnh nguyện ngay trong buổi nhóm ấy thì việc đã thành rồi”.

            Ồ, có lẽ ông bảo công chúng hôm ấy không thảo được tập dân nguyện, hay cái ủy ban 26 người không thảo được tập dân nguyện là một cái nhục nhã, là một cái thất bại đó chi? Trời ôi! Nếu thế thì ông Phan Khôi cũng quá lẩn thẩn đi thôi.

            Ông nên nhớ cái cuộc hội nghị ngày 20-9-36 là do ai triệu tập chứ, do cái nhóm của các ông tự tiện viết thơ mời ai thì mời, những người tới dự hội phần nhiều là tự cá nhân tới hội vậy thôi, chớ nào có phải đại biểu cho một đoàn thể nào tỉnh bộ nào đâu? Một cuộc hội nghị như thế sao ông dám mang cho nó cái danh nghĩa chính thức để thay mặt cho 5 triệu dân số Trung Kỳ mà thảo tập dân nguyện đã chứ? Ông cả gan quá. Tôi nói thật, nếu ai muốn làm cái việc ám muội riêng thì cứ việc đóng cửa phòng lại mà thảo vơ với vẩn, chớ đã đưa ra chỗ công chúng thì phải rành mạch phân minh. Có các tỉnh khai hội nghị, các sản nghiệp khai hội nghị, cử đại biểu đến, mới có cuộc toàn kỳ hội nghị chính thức, để thảo tập dân nguyện chính thức. Bằng không… bằng không thì dân Trung Kỳ thà không có tập dân nguyện còn hơn là có tập dân nguyện như kiểu của các ông.

            Ông có nói biếm cái lâm thời ủy ban 26 người diễn những trò trẻ con. Ông không có dự ở trong cái ủy ban ấy thì ông không thể nào mà hiểu được cái bí ẩn đã chia hai hạng người ở trong ủy ban ấy, một hạng thiểu số ưng ở lại để thảo tập dân nguyện cho xong, một hạng đại đa số, cho là đã làm xong cái công việc của đại hội nghị đã ủy thác là đi xin phép, xin phép không được, thì chỉ có cách giải tán mà thôi. Vì họ cũng nghĩ: thà dân Trung Kỳ không có tập dân nguyện còn hơn là có tập dân nguyện theo kiểu ông Khôi!

            Ông Phan muốn kết luận bài của ông cho mạnh mẽ, lại vớ cái thái độ bàng quan của ông Huỳnh Thúc Kháng, cho thế là đắc sách. Xin lỗi ông, ông vớ phải thứ sách nát rồi, ông chớ vội tưởng núp sau bóng ông Huỳnh Thúc Kháng mà chúng tôi đã phục. Đây là một vấn đề khác nữa. Xin hẹn một cơ hội sau. [a]

            HẢI TRIỀU

Nguồn:

Tràng an, Huế, s. 162 (6 Octobre 1936), tr. 1.

Chú thích

[a] Bài này là đáp lại bài của Phan Khôi Phê bình cuộc toàn kỳ hội nghị 20-9-1936 (Sông Hương, s. 10, ngày 2/10/1936); Phan Khôi sẽ trả lời bằng các bài: Cọng sản theo nghĩa khác (S.H., s. 11, ngày 10/10/1936),  Trả lời hai báo “Tân xã hội” và “Le Travail” (S.H., s. 13, ngày 25/10/1936). Qua một số bài xung quanh sự kiện này và phong trào Đông Dương đại hội nói chung, ta có thể thấy sự cao ngạo của các đại diện phải tả, khoảng cách rất lớn giữa phải tả với các nhân sĩ cấp tiến.