LỊCH SỬ “NGƯỜI VÀNG”

MỘT CUỘC NGOẠI GIAO THẮNG LỢI CỦA TRIỀU TÂY SƠN

Chúa Tây Sơn Nguyễn Huệ cầm quyền thống trị nước ta tuy chẳng được bao lâu chứ đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam nhiều lắm, nhất là về phương diện võ bị và ngoại giao. Mà trên trường ngoại giao, Tây Sơn sở dĩ chiếm phần thắng lợi được là nhờ cái oai thanh của võ bị. Một trận đuổi quân Xiêm ở miền Nam và một trận đuổi quân Tôn Sĩ Nghị ở miền Bắc khiến cho các lân bang đều khủng khiếp, vì vậy mà trong việc giao thiệp với nước ta lúc bấy giờ, coi ý người ngoài phải nhượng bộ.

Chung quanh nước ta phần nhiều là các dân tộc nhỏ. Như Ai Lao, Chiêm Thành, Chơn Lạp, họ đã thần phục chúng ta rồi. Phía Tây Nam có Xiêm La, thì là một nước đương đối với chúng ta, nhưng vì bị ngăn ra bởi Cao Miên, thành thử hai bên lâu lắm họa mới có một lần xung đột. Duy có ở phía Bắc, một cái nước khổng lồ mà lúc nào nó cũng như muốn vồ lấy và nuốt chửng nước ta đi được, thì ta đã trải bao phen khuynh nguy tủi nhục vì nó. Bởi vậy, ngày nay hay ngày xưa cũng vậy, ở nước Nam nầy mà nói chuyện ngoại giao là duy có một mặt: với Trung Hoa.

Ngoại giao với Trung Hoa! Mở lịch sử nước Nam ra mà xem xét lại những cái quá khứ về việc ấy thì đáng buồn lắm! Hết thảy các triều độc lập từ nhà Đinh về sau, vì cái tình thế không thể làm khác được mà phải xưng thần phụng cống là sự đã đành; ngoài ra còn có lắm điều khiến cho chúng ta là lớp quốc dân hậu bối nầy đáng căm mà cũng đáng tủi!

Hôm nay, chúng tôi xin nhắc lại cho bạn đọc nghe qua cái lịch sử "người vàng”.

Biết được đầu đuôi câu chuyện nầy rồi, chúng ta nên khâm phục và hàm cảm các vị quân tướng triều Tây Sơn là dường nào. Vậy mà, hơn trăm năm nay, vì một cái tội “thua là giặc” mà họ đã bị tru diệt hết thảy, chẳng còn sót một mống nhai cơm; quá hơn nữa, dấu tích của họ bị xoá bỏ hết giữa dân gian, công trạng của họ bị dìm ếm đi trong sách vở.

 

***

 

“Người vàng” là con người ta đúc bằng vàng mà các nhà vua nước ta thuở trước mỗi một lần có sự thay triều đổi họ, phải đem sang cống nước Tàu. Chữ gọi là “kim nhân”, chẳng những thế thôi, cái chữ ấy, quen dùng trong giấy má việc quan bấy giờ và lưu truyền trên lịch sử đến bây giờ, còn thêm vào hai tiếng “đại thân” nữa mới càng tỏ ra cái nhục! "Đại thân kim nhân",     nghĩa là "con người vàng thế cho bản thân".

Bản thân đó là bản thân ai? Bản thân của vua nước An Nam, chứ còn ai nữa? Bốn chữ ấy, người Tàu hiểu hay người An Nam hiểu cũng một nghĩa như nhau: Lẽ đáng ra thì vua nước Nam phải nộp mình về Trung Quốc mà chịu tội; nhưng đại hoàng đế bên thiên triều tha cho, chỉ bắt thay thế bằng một con người ta vàng.

Đáng tiếc một điều là con người ta vàng ấy không biết đúc lớn chừng nào, cân nặng bao nhiêu. Nếu nó bằng con người ta thật thì ngoài cái nhục ra, vàng của nước ta từ xưa bị rút về bên Tàu biết đến bao nhiêu mà kể!

Cái lệ cống người vàng bắt đầu có từ nhà Trần. Nhà Trần trước sau đánh đuổi giặc Nguyên đến ba lần, mà hồi đầu cũng phải ép lòng tuân theo cái lệ ấy.

Thuở vua Trần Thái Tôn, trước khi nhà Nguyên kéo binh sang đánh thì có chỉ dụ qua bảo vua phải nhập triều. Nhập triều là một sự nguy hiểm lắm, có vua nào ở đời xưa lại chịu đi như thế. Vua nhà Trần cáo bệnh. Nguyên chúa bèn cho phép dùng vàng đúc theo hình trạng quốc vương đem sang nạp, để thay lễ nhập triều. Bấy giờ Thái Tôn mới lên ngôi, trong nước còn chưa yên ổn, sợ bên Nguyên đem binh sang đánh thì khốn, vua bèn cực chẳng đã mà vâng lời. Đó là lần thứ nhất “người vàng” thấy trong lịch sử Việt Nam.

Một lần nữa trong đời vua Thái Tổ nhà Lê. Vì vua đã giết Liễu Thăng, một viên đại tướng của Minh triều, nên về sau, khi hai bên đã giảng hòa xong mà vua Minh còn kèo nài một khoản ấy. Rút cục vua Lê phải dựa theo lệ nhà Trần trước, dâng "người vàng" để thay thế cho bản thân. Theo sử văn thì lần dâng người vàng nầy cũng cùng một ý nghĩa với lần trước; có kẻ muốn hiểu rằng con "người vàng" ấy làm như thế mạng cho Liễu Thăng, không phải.

Một lần nữa ở đời nhà Mạc. Họ Mạc vì cớ cướp ngôi nhà Lê, bị triều đình Mãn Thanh bới móc chỗ ấy mãi. Cho được chuộc tội, vua Tàu bắt chúa Mạc phải theo lệ cũ dâng "người vàng". "Người vàng" của họ Mạc đúc theo một kiểu riêng: đầu bù tóc rối, mặt mày nhem nhuốc, cúi khom lưng, làm ra dáng cầu khẩn tha tội.

Một lần nữa ở đời Hậu Lê. Sau khi vua Trang Tôn trung hưng lại bắt đầu giao thông với Trung Quốc, đúc "người vàng" đem đến Nam Quan trình cho quan Tàu khám nghiệm. Hình người vàng nầy ngước mặt lên, theo sử nói thì đúc giống hệt hình vua Lê bấy giờ. Sở dĩ có những sự ấy là bởi hồi đó nhà Lê đã mất nước, bà con họ Trịnh tìm con cháu vua Lê trong rừng sâu núi rậm mà lập lên. Người Tàu ngờ rằng đó chưa chắc là con cháu vua Lê thật, mà chỉ là người nào của họ Trịnh trá xưng, cho nên mới bắt làm như thế. Nhà Hậu Lê có đến mấy đời vua phải dâng "người vàng" như thế, sau được vua Tàu tha cho mới khỏi.

Một nước nhỏ sợ oai một nước lớn, muốn cho được lòng họ thì dù đến gì nữa cũng phải làm. Nhưng cái việc như việc dâng "người vàng" nầy, thì trên lịch sử bang giao thế gian, giống chừng như chưa hề thấy! Trong sự làm mất thể diện người ta lại còn khoét của người ta nữa, chỉ có cái nước nhà nho là Trung Hoa mới nghĩ ra được cách oái oăm!

Từ nhà Trần về sau, có bốn lần bắt đầu bày ra sự dâng người vàng như trên đây đã kể. Nhưng mỗi một lần bày ra như thế, phải tuân tuần đến bao lâu mới thôi, nghĩa là từ đầu đến cuối, nước ta dâng "người vàng" cho Tàu cộng là bao nhiêu “người” cả thảy, sự ấy nếu biết được thì hay lắm, ngặt sử chép sơ lược không thể tra ra cho biết được.

Chúng ta đọc đến sử Tây Sơn. Than ôi! Tây Sơn là một triều vua không có sử, nhưng cũng từ đó không còn có "người vàng"!

***

 

Thuở vua Quang Trung, Phúc Khang An, một vị trọng thần của Mãn Thanh chuyên chủ việc ngoại giao với nước ta bấy giờ, muốn giở cái lệ cũ ra, cái lệ mà bốn triều vua An Nam vừa nói trên kia đã nhiều lần cúi đầu vâng phục.

Phải có nạp một cỗ người vàng nữa mới được. Trong một tờ tư của quan Tổng đốc lưỡng Quảng họ Phúc, tư sang bảo như thế. Quan Tổng đốc lấy cớ rằng tự triều Trần đến giờ mỗi một lần nước An Nam có sự thay triều đổi họ là phải có dâng người vàng lên tạ ơn thiên triều.

Vua Quang Trung bĩu môi. Chúng ta phải nhận cho ông Nguyễn Huệ là anh hùng hơn cả ông Trần Quốc Tuấn, ông Lê Lợi trong việc nầy. Vì hai ông đó sau khi đuổi quân Tàu rồi cũng phải ẩn nhẫn mà chịu nhịn với họ, nhưng Nguyễn Huệ thì không.

Hoàng đế Quang Trung còn khoảnh một nước là không thèm lấy chính mình ra giao thiệp với triều đình Mãn Thanh về việc nầy, mà để cho tôn thất nhà Nguyễn bấy giờ đứng ra giao thiệp, lấy danh nghĩa bà con của vua.

Họ liên danh ký chỉ một bức thư gởi qua trả lời cho Phúc Khang An bác khước việc đó. Thư rằng:

“Thuở trước, họ Trần họ Mạc có đắc tội với Trung Quốc nên mới dâng người vàng thế cho bản thân. Chứ còn vị Quốc trưởng chúng tôi từ áo vải dấy lên, nhơn thời làm nên việc lớn. Người với vua Lê vốn không có danh phận vua tôi. Còn hay mất là tại số trời, đi hay ở là bởi lòng dân, người vốn không có ý choán lấy nước của nhà Lê như kẻ thoán đoạt.

Vả trước đây quan Tổng đốc họ Tôn (Sĩ Nghị) đem binh sang, vị Quốc trưởng chúng tôi cực chẳng đã phải tiếp, chứ không hề xâm phạm chốn biên cảnh mà hòng nói có mắc lỗi với thiên triều. Bây giờ nếu chiếu theo lệ cũ của Trần, Lê, Mạc mà phải dâng người vàng thì chẳng hóa ra Quốc trưởng chúng tôi đã đắc quốc một cách chánh đại quang minh mà trở bị coi như tiếm ngụy? Và, tấm lòng sợ trời, thời nước lớn của người bấy nay té ra cũng bị buộc tội như những kẻ đã bắt sống Ô Mã Nhi và giết Liễu Thăng hay sao?

Xin ngài nghĩ lại, nếu thế thì nó ức tình cho Quốc trưởng chúng tôi lắm!

Từ xưa, các vua chư hầu vào triều thiên tử, hoặc triều tại phương nhạc, hoặc triều tại kinh sư, có đi được thì đi, không thì sai con em thay thế. Quý một điều là có lễ nghĩa, và thông tình trên dưới với nhau. Đến như dùng người vàng thay bản thân, sự đó từ xưa Đường, Ngu, Tam đại chưa hề có! Ngài, một vị quan lớn, nên tuân thủ phép hay ý tốt của đời trước để còn dạy nước chúng tôi, làm sao lại bắt chước cái việc của hai triều Nguyên, Minh đã làm, là việc phi lý?

Xin ngài thu hồi cái mệnh lệnh để chúng tôi khỏi phải làm cái việc đúc người vàng đem dâng...”.

 

Bức thư đưa sang, Phúc Khang An thấy lời ngay lẽ mạnh, và cũng biết vua Tây Sơn chẳng phải vừa gì, nên xếp câu chuyện “kim nhân” lại mà không nói đến nữa.

Người nay hay nói: “Duy nước mạnh mới có ngoại giao”. Thật thế, triều Tây Sơn nhờ hùng cường lắm nên mới tẩy được cái nhục của nước Nam năm sáu trăm năm về trước.

Đó mới chỉ là một chuyện. Kể lịch sử ngoại giao của Tây Sơn với Trung Hoa còn có nhiều đoạn vẻ vang hơn nữa. Các bạn sẽ đọc ở một bài sau. [a]

THẠCH BỔ THIÊN

(Lấy tài liệu ở một bài khảo cứu bằng chữ Hán trong tạp chí Nam Phong)

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 19 (5 Décembre 1936), tr. 2.

Chú thích

[a] Bài này ký Thạch Bổ Thiên, giọng điệu, văn phong tỏ rõ là thuộc ngòi bút Phan Khôi.