MỘT BỘ SÁCH XƯA HAI NGÀN NĂM

ĐẾN NAY VẪN CÒN CÓ GIÁ TRỊ TRÊN THẾ GIỚI:

SỬ KÝ CỦA TƯ MÃ THIÊN

I

Các nhà văn học chuyên môn thế gian đã đánh giá các sách xưa của người Tàu để lại mà có giá trị về văn học, được đứng ngang hàng với các sách xưa khác có danh trên thế giới, đâu chừng có năm bộ mà thôi. Trong năm bộ đó, bộ Sử ký của Tư Mã Thiên là một.

Bởi vậy, bộ sách ấy đã được dịch ra hầu đủ các thứ tiếng, là các thứ tiếng văn chương đứng vào bậc nhứt bậc nhì trên thế giới, như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức...

Người Việt Nam ta thuở trước vẫn đọc nhão sử Tàu, nhưng chẳng mấy ai biết mặt mũi bộ Sử ký của Tư Mã Thiên ra sao. Điều đó, lỗi tại cái học khoa cử: ai nấy chỉ theo đuổi một bộ sử “quan Hành” (1) cũng đủ lấy được cử nhân, tiến sĩ, không cần tìm đến các sách gốc làm chi. Cũng có lỗi tại buổi trước, sự giao thông khó khăn, lại đồng tiền ít ỏi, nếu chẳng phải nhà giàu sang thì những sách quý ấy khó lòng mà mua được.

Cái nền sử học bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta sau nầy nếu được vững vàng rực rỡ thì bộ Sử ký của Tư Mã Thiên bề nào cũng sẽ được dịch ra. Không có lẽ người Pháp, người Anh, họ ở tận bên kia trời, chẳng có dính dấp một tí nào với văn hóa Trung Hoa mà họ lại cần phải dịch sách ấy ra chữ họ; còn ta, hàng mấy ngàn năm chịu ảnh hưởng của cái văn hóa ấy, mà đối với bộ sách có giá trị đặc biệt ấy, trong đó chứa không biết bao nhiêu là cái đáng biết, ta lại chịu làm như những người mù? ‒ Nhưng hiện bây giờ, thì dù ai cũng phải nhìn nhận rằng công việc biên dịch lớn lao ấy ta chưa có thể làm được.

Ta chưa có thể làm được công việc lớn lao ấy thì cái việc đem bộ sách Sử ký Tư Mã Thiên ra mà giới thiệu sơ qua cho ai nấy được biết, tưởng là việc nên làm lắm, nên làm hơn những việc thuật lại một tác phẩm nào hay một học thuyết nào của học giả bên Âu, bên Mỹ mà chẳng hề có ảnh hưởng gì đến xã hội chúng ta.

 

***

 

Họ Tư Mã, theo lời Tư Mã Thiên kể lai lịch trong bài "tự tự" để cuối sách Sử ký thì là một họ từ thuở nhà Châu đã đời đời nối nhau giữ việc quốc sử. Giữa chừng gặp buổi loạn, con cháu phân tán ra ở các nơi và nghiệp nhà không còn giữ được nữa. Đến đời nhà Hán, triều vua Võ Đế, Tư Mã Đàm mới lại làm chức Thái sử công. Đàm sinh ra Thiên. Thiên làm Thái sử lệnh. Cha con đều được nối dõi nghề nghiệp của tiên tổ.

Thiên đẻ ra tại đất Long Môn. Thuở nhỏ, từng phải chăn trâu cầm cày. Nhưng hồi mười tuổi đã có học qua các sách cổ. Hai mươi tuổi thì được dịp đi du lịch hầu khắp, theo như Thiên kể: "Phía nam, chơi sông Giang, sông Hoài, lên núi Cối Kê, thăm Vũ Huyệt, dòm núi Cửu Nghi, trôi nổi trên sông Ngoan, sông Tương; phía bắc, lội qua sông Vấn, sông Tứ, giảng học ở kinh đô Tề, Lỗ, xem dấu sót của Khổng Tử, tập bắn ở núi Dịch huyện Trâu, bị khổn ách ở các nơi Phồn, Tiết và Bành Thành, rồi mới đi qua Lương, Sở mà trở về". Bởi thế, người đời sau mỗi khi nhắc đến Tư Mã Thiên, đều không quên nhắc đến cuộc du lịch ấy, vì cho rằng những non nước mà người đã trải qua có ảnh hưởng với văn chương của người nhiều lắm vậy.

Bộ Sử ký ngày nay còn truyền lại, đứng tên Tư Mã Thiên, nhưng có lẽ khởi thảo từ cha người, Tư Mã Đàm, làm chưa xong mà Thiên làm nốt. Trong bài "tự tự", Thiên có nhắc lại lúc cha mình sắp chết, cầm tay con mà trối rằng: "Ta chết, mầy sẽ làm Thái sử; làm Thái sử, mầy chớ quên những điều ta muốn luận bàn!". Thiên cúi đầu khóc mà thưa rằng: "Con dù hư hèn, xin chép hết thảy những chuyện cũ mà cha đã dàn xếp, không dám để thiếu sót!".

Cha con họ Tư Mã tuy nối nhau giữ chức Thái sử nhưng sự biên tập sách Sử ký là lấy độc lực của cá nhân mà làm; chứ không phải như các sử đời sau bởi các sử thần ở sử quán họp nhiều người lại, vâng mạng vua mà biên tập. Bởi vậy, sách Sử ký có cái tính chất "tư thơ" (sách của nhà riêng) chứ không là "quan thơ" (sách của nhà vua). Cũng vì nó không phải quan thơ cho nên trong đó có chép nhiều chuyện thực ở triều đình mà lẽ ra, nếu là quan thư thì phải kị húy; vả lại, sự khen chê cũng do ý kiến tự do của tác giả, khỏi phải tranh ghé gì.

Theo lời Thiên nói, Đàm chết ba năm rồi Thiên mới nối làm Thái sử; sách Sử ký biên tập được mười năm thì Thiên gặp "cái họa Lý Lăng". Việc này là việc rất quan hệ của đời Thiên, và ta có thể nói rằng bao nhiêu cái luận điệu hăng hái, tức bực và rắn rỏi trong sách Sử ký đều là chịu ảnh hưởng việc ấy.

***

 

Số là, Lý Lăng, một thanh niên con nhà tướng ‒ cháu nội Lý Quảng ‒ bình nhật được Thiên coi trọng, cho là kỳ sĩ. Bấy giờ, Lăng đã làm một tiểu tướng, đem non năm ngàn binh đi đánh Hung Nô. Vào sâu trong đất quân địch mà lương cạn, tên hết, viện binh không đến, cực chẳng đã Lăng phải hàng. Tin về, vua Võ Đế nổi giận. Đình thần đều hạch tội Lăng. Vua hỏi đến Thiên. Thiên nói bô bô lên rằng: "Lăng là người hiếu với thân, tin với bạn, liều mình theo việc nước, nên trang quốc sĩ; nay gặp việc chẳng may, những kẻ bề tôi ở nhà giữ lấy vợ con lại theo mà mũi nhọt, nghĩ cũng đau đớn thật!...". Theo ý Thiên thì Lăng chịu nhục mà không chết là để kiếm dịp báo đáp về sau. Nghe thấy thế, vua cho là Thiên vì Lăng du thuyết, bèn ghép Thiên vào tội hủ hình.

Hủ hình tức là cái hình cắt dương vật. Thân làm sĩ phu mà bị cái hình ấy, Thiên cho là nhục nhã lắm, chết đi mới phải. Nhưng, trong bức thư gởi cho Nhiệm An, Thiên nói rằng: "Tôi sở dĩ ẩn nhẫn lây lấc sống là vì giận lòng riêng có chỗ chưa hết và hổ chết rồi mà văn thái chẳng bày tỏ ở đời sau... Sách của tôi một trăm ba chục thiên mới thảo sáng chưa xong thì vừa gặp họa, tiếc cho nó bị bỏ dở mà tôi đành chịu cực hình, không có sắc buồn. Tôi mà đã làm xong pho sách nầy, đem giấu nó vào chốn danh sơn, truyền cho người nào là người biết nó ở các nơi đô hội lớn, thì tôi đã đền được cái nhục trước rồi, dù muôn lần bị giết tôi cũng chẳng ăn năn!...". Coi đó thì biết Tư Mã Thiên đã để cả sự nghiệp một đời vào cái tác phẩm của mình và có lòng tự tin ở nó rất là vững chãi.

Sự Thiên bị án, Thiên lấy làm uất lắm. Về chỗ đó, trong bức thư trả lời cho Nhiệm An, còn có những câu nầy nữa: "Chút lòng trung của tôi rốt cục không sao bày tỏ được, bị vu hãm, Bề trên nghe theo mà y án. Nhà nghèo, của không đủ mà chuộc tội; bạn bè chẳng có ai cứu; kẻ thân cận tả hữu không nói đỡ cho một lời. Thân nầy chẳng phải gỗ đá, một mình làm quen với ngục lại, bị nhốt trong khám kín mít, còn biết cáo tố cùng ai!...". Trải qua cơn hoạn nạn, làm cho Thiên thấy rõ thế cố nhân tình, thành thử trong sách Thiên, có lắm đoạn văn bi phẫn. Những cái giọng cay đời dễ cho người đọc có đồng cảm; mà nhất là người đọc nào có đồng một tâm sự với người viết thì cái cảm lại mạnh lắm, cách hai ngàn năm mà như mới hôm qua!

Bài nầy, tôi mới giới thiệu con người Tư Mã Thiên cho bạn đọc; chúng ta phải để ý mà hiểu con người ấy rồi mới hiểu được sách của người. Bài kế đây, tôi sẽ đưa bạn đọc đi xem cái sử giới nước Tàu từ xưa cho đến đời Tư Mã Thiên là thế nào; xem xong, khi nghe tôi hô lên rằng Tư Mã Thiên là nhà cách mạng của sử giới Trung Hoa, bạn đọc sẽ không lấy làm lạ. [HẾT KỲ 1] [a]

PHAN KHÔI

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 20 (12 Décembre 1936), tr. 2.

Chú thích

(1) Cuối nhà Hậu Lê có ông Bùi Huy Bích, đỗ tiến sĩ làm quan Hành tham, dọn bộ sử Thiếu vi tiết yếu làm 28 cuốn. Từ đó đến sau, người mình học sử Tàu thì học sách ấy, gọi là sách “quan Hành”. (nguyên chú của Phan Khôi)

[a] Các phần sau của bài này sẽ được đăng tiếp trên Sông Hương trong năm 1937.