MỘT VÀI CÁI LẦM TRONG BÀI

“CHỮ GIA NGHĨA GIẢM”

 

     Về bài Chữ gia nghĩa giảm ở mục “Quốc văn nghiên cứu” mới rồi, tôi tự biết có điều không đúng. May sao khi báo ra ít ngày thì nhận được hai bài của bạn đọc gởi tới cải chính ngay.

     Một bài của người ký tên hiệu Lam Viên và một bài của ông Mai Xuân Nhân đăng dưới đây. Hai bài ý tứ giống nhau mà bài kia hơi ngô nghê nên đăng bài nầy. (Dù ngô nghê, bài của Lam Viên cũng có đôi chỗ khả thủ, để một kỳ sau sẽ trích cho vào mục nghiên cứu).

     Bài của ông Nhân có nhiều chỗ đủ bổ sự thiếu sót của bài trước. Duy có chữ cười cười ông ấy cho rằng hợp với công lệ chữ gia nghĩa giảm thì cũng chưa hết lẽ. Vì trong Truyện Kiều có câu: Ngọt ngào nói nói cười cười, thì cười cười chẳng phải cười nhiều lần là gì?

     Rốt bài, ông ấy khuyên tôi nên nghiên cứu kỹ càng đã hãy lập công lệ. Điều đó tôi vẫn muốn lắm chớ. Nhưng tôi tự cho là kỹ càng rồi mà nó vẫn lầm lộn thì mới sao? Việc là việc chung, người nầy lầm người khác chữa, thì mới mong trọn lành được chứ. Tôi có phải thánh đâu mà nói ra là đúng hẳn ngay! Nhưng do cái lầm ấy mà có những sự cãi cọ để được sáng chân lý là may cho học giới lắm vậy.

P. K.


***

     Ra công nghiên cứu để tìm những mẹo luật của quốc văn trong lúc nó đang bắt đầu gây dựng thật là làm một việc rất hợp thời và rất cần ích vậy. Ông Phan Khôi đã đi vào con đường bổn phận của một học giả đương kim. Nhưng tiếng ta là một thứ tiếng rất phiền phức, lộn xộn, chưa được nhất trí, cho nên muốn lập những cái công lệ cho văn pháp, thật là khó khăn hết sức vì không biết lấy gì làm tiêu chuẩn cho chắc chắn, nghiên cứu cho tường tận. Vì những cái trở lực ấy mà tác giả bài “Chữ gia nghĩa giảm” phải bị đôi điều lẫn lộn, mà theo ngu ý, sẽ rất có hại cho công trình khảo cứu của ông Phan và những người nhắm mắt theo ông mà lập luận. Vậy tôi xin giãi bày những điều mà tôi cho là sơ suất ấy ra đây để chất chính cùng Phan tiên sinh.

     Về chữ thường thường thường ông Phan nói rằng chữ thườngthường thường là hình dung từ chứ không phải như chữ toujourssouvent là trợ động từ (adverbe). Thưa ông Phan, chữ thường hay thường thường ở đây không phải là hình dung từ đâu, tuy nó hợp với công lệ của hình dung từ (chữ gia nghĩa giảm) như ông đã nói. Hình dung từ là để hình dung một sự vật gì, nghĩa là nó chỉ bổ nghĩa cho danh từ mà thôi. Chữ thườngthường thường đây là hình dung cho một sự vật, nó có bổ nghĩa cho một danh từ được đâu? Theo tôi, chữ thườngthường thường là trợ động từ như chữ toujourssouvent vậy. Như nói: tôi làm việc ấy thường, thế là chữ thường trợ nghĩa cho chữ làm (động từ) thì nó là trợ động từ rồi đấy chứ. Cũng như nói đi thường thường, ăn thường, chơi thường, những chữ thường thường thường ấy đều là trợ động từ cả. Vả lại, khi ông Phan dịch câu Je le fais toujours ra Tôi làm việc ấy luôn, thế là chữ toujours dịch là thường hay luôn cũng được. Mà chữ luôn là trợ động từ thì chữ thường cũng là trợ động từ chứ.

(Luôn = thường; luôn = trợ động từ; vậy: thường = trợ động từ).

     Theo công lệ của trợ động từ, thấy chữ gia nghĩa cũng gia, nhưng chữ thường là trợ động từ mà chữ gia nghĩa giảm, cho nên phải lập cho nó một cái lệ ngoại (exception).

     Nhưng cũng có chữ thường thuộc về hình dung từ. Khi ấy nó có nghĩa là xoàng, médiocre, khác xa với chữ thường trợ động từ, ‒ và dùng chữ đôi hay chữ chiếc thì cái sức hình dung nó cũng vậy thôi, chứ không theo cái lệ chữ gia nghĩa giảm của các hình dung từ khác. Chữ gia hay giảm, nghĩa của nó cũng không khác tí nào. Ví dụ như nói: sức học nó cũng thường hay sức học nó cũng thường thường, thì ai cũng hiểu rằng chữ thường và chữ thường thường đều hình dung sức học của nó đến một trình độ như nhau không hơn không kém. Nói: gia tư thì cũng thường thường nó cũng đồng nghĩa như nói: gia tư thì cũng thường v.v...

     Nói tóm lại về chữ thường, phải lập những cái lệ ngoại cho minh bạch để khỏi lẫn lộn.

     Về chữ cười cười cười.

     Ông Phan theo cái công lệ của động từ (chữ gia nghĩa giảm) mà lập luận rằng khi nói cười, tức là cười ít, mà nói cười cười là cười nhiều. Trái lại, tôi lại nói rằng cười là cười nhiều, mà cười cười là cười ít. Ví như hai câu này:

       Tôi hỏi thì nó cười,

       Tôi hỏi thì nó cười cười.

     Chữ cười câu trên tức là cười to, cười nhiều; chữ cười cười câu dưới tức là cười sơ sơ, cười gượng, cười ít... Thế là chữ cười tuy nó là động từ, nhưng nó chữ gia mà nghĩa giảm, khác hẳn với công lệ của động từ thường. Vậy phải đặt cho nó một cái lệ ngoại về động từ.

Cũng nên để chữ chơi vào với cái lệ ngoại của chữ cười nầy vì nói chơi chơi nghĩa là ít chơi hơn nói chơi trổng, nghĩa là nó cũng chữ gia nghĩa giảm.

     Về cái công lệ của hình dung từ (chữ gia nghĩa giảm) trên kia tôi đã nói phải đặt một cái lệ ngoại cho chữ thường (hình dung từ) mà chữ tuy gia hay giảm, thì nghĩa cũng không thay đổi. Bây giờ, tôi phải nói đến một vài cái lệ ngoại khác nữa, vì có một vài hình dung từ mà chữ gia thì nghĩa cũng gia, trái hẳn với công lệ thường.

     Ví dụ như nói: trơ như đá, ấy là trơ vừa vừa, mà nói trơ trơ như đá, ấy là trơ hung lắm vậy. Cũng như, nói oanh liệt, thì sức hình dung của nó ít hơn nói oanh oanh liệt liệt (chữ oanh liệt, một hình dung từ kép, tuy nó là chữ Nho, nhưng nó đã “An Nam hóa” rồi, thành như tiếng ta rồi, nên phải để nó vào công lệ của văn pháp tiếng ta).

     Đây là tôi nói đến một ít chữ nó không ở vào công lệ thường mà ông Phan quên nói đến, mà tôi được biết đây thôi. Chứ nếu gia công tìm tòi, thì có lẽ tìm ra được nhiều chữ khác nữa.

     Tiện đây, tôi xin ông Phan ra công nghiên cứu cho kỹ càng một tí nữa, vì đặt ra một cái công lệ về văn pháp mà nó sai đi là rất nguy hiểm. Khi nào đặt ra một cái mẹo luật thì phải tìm hết những chữ không ăn vào mẹo luật ấy để đặt ra những cái lệ ngoại cho chúng nó thì mới khỏi sai lầm. [a]

MAI XUÂN NHÂN

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 5 (29 Août 1936), tr. 3.

Chú thích

[a] Phần bài của tác giả Mai Xuân Nhân ở sưu tập này lẽ ra phải đưa vào phụ lục 2 (bài của tác giả khác có liên quan đến Phan Khôi), nhưng tôi xếp chung ở đây, vì nội dung của nó gắn với toàn bộ tiến trình các bài đăng trong mục “Quốc văn nghiên cứu” của tuần báo Sông Hương. – N.B.S.