NÊN CÔNG NHẬN “ĐỘNG TỪ KÉP”

LÀ MỘT ĐỊNH LUẬT TRONG VĂN PHÁP TIẾNG TA

Đọc báo Tiếng dân, số ra ngày 22 Août 1936 có thấy bài "Tiếng nói thông dụng với tánh tình một dân tộc", tôi xin lược trích mấy đoạn như sau này.

 

Tiếng nói là tiêu biểu cho tánh tình một dân tộc, muốn biết tính cách một dân tộc cao thấp hơn kém thế nào, xem phần ngôn ngữ cũng đoán được nhiều ít, nhất là những tiếng thông dụng.

Nếu như lý thuyết kia mà đứng vững, tôi muốn nêu hai tiếng để làm tiêu biểu cho tính cách người Pháp cùng người Nam ta: người Pháp thì tiếng làm (faire), mà người Nam thì tiếng ăn...

Trong tiếng Pháp, về động từ (verbe), mỗi một cử động gì có tiếng động từ thì dùng tiếng "faire" (làm) cai trị được cả, mà có lẽ cũng thường dùng hơn. Đại loại như:

‒  Je fais mon devoir

(Tôi làm phận sự tôi).

‒  Faites faire les hommes

(Bảo chúng làm đi).

Đó là nghĩa chính, đến dùng ra nghĩa lưu hoạt như:

‒  Cela ne fait rien

(Cái đó không can gì).

‒  Je viens de faire un voyaye au Laos

(Tôi mới đi Lào về).

Cho đến cái trời đất ngày tháng cùng vật tự nhiên trong vũ trụ cũng buộc cho chữ "faire" được cả. Như:

‒  Il fait beau. Il fait nuit. Le tonnerre se fait entendre.

(Trời tốt. Đêm đến. Sấm kêu), v.v...

Theo cách dùng chữ "faire" đó mà nghiệm thì dầu cái gì có tính chất vĩnh tịnh cũng giục giã sai khiến cho nó động đậy mà không nằm yên được. Nghiệm một tiếng đó, thấy tính chất người Pháp ưa hoạt động, mà những công nghiệp vĩ đại như đào núi, lấp biển, rút đất, thu trời, toàn do cái tính chất hoạt động làm ấy mà kéo dân tộc Pháp lên đường cạnh tranh và văn minh.

Còn tiếng ăn kia tiêu biểu cho tính cách người Nam ta thì không phải bàn nữa!

Tiếng ăn dùng về chính nghĩa như ăn cơm, ăn giỗ, ăn tiệc, v.v... không kể, ngoài ra nào ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, ăn gian, ăn lận, ăn bớt, ăn lót, ăn chùng, ăn đút, ăn hiếp, ăn sâm, ăn xin, ăn chực... cho đến làm quan ăn lộc, làm mọn ăn thừa, thợ mã ăn hồ, thợ may ăn giẻ... mỗi việc có mỗi tính chất đặc biệt mà để tiếng ăn vào thì nói thông suốt mà ý nghĩa cũng rõ ràng. Thiệt tiếng Nam ta không tiếng gì hoạt động và thông dụng bằng tiếng ăn. Bởi tiếng "ăn" trọng hơn tiếng "làm" nên ai cũng thích ăn mà không thích làm, cho đến ngày ngồi ăn núi lở, ăn đến hết nhà mà nguy đến vận mạng của quốc gia xã hội nữa!..."


***

 

Tôi đọc bài đó, nhất là mấy đoạn dẫn trên đây, thấy tác giả có sự nhận thấy mới mẻ và ngộ nghĩnh. Tôi tuy chưa dám đồng ý với tác giả mà nhận cho mấy lời đó là đúng với sự thực, chớ cũng phải chịu là nghe có lý.

Nhưng khi tôi sao lục đoạn văn ấy để vào đầu bài của tôi đây, lại không phải lấy cùng một thái độ nghị luận với tác giả, nhưng tôi có chủ ý khác.

Tôi có chủ ý về văn tự ngôn ngữ nước ta, về mẹo luật của tiếng nước ta.

 

Từ ngày Sông Hương ra đời đến nay, tôi cũng như dăm bảy bạn thanh niên của tôi, rất chú ý về mục "Quốc văn nghiên cứu" của nó. Trong mục ấy, tôi thấy nhiều lần người ta đề cập mỗi tiếng "động từ kép" trong quốc ngữ thì tôi chưa biết nghĩ sao. Đến nay, coi lại bài của Tiếng dân dẫn trên đây, tôi mới tin quyết rằng cái luật về "động từ kép" ấy có thể thành lập được, vậy chúng ta nên công nhận cho chúng thành lập.

Chúng ta học tiếng Pháp nên cứ quen theo mẹo tiếng Pháp: động từ là động từ, sao lại có đơn có kép là nghĩa chi? Khi ấy, chúng ta quên nghĩ rằng mỗi thứ tiếng có một tính chất khác nhau, về những chỗ đó, không thể lấy tiếng Pháp làm mực thước cho tiếng ta được. Nghĩa là ta không nên lấy cớ trong tiếng Pháp không hề có động từ kép mà bảo rằng tiếng ta cũng phải không có động từ kép.

Vả tiếng ta thuộc về loại tiếng đơn âm, nó không biến hóa dễ dàng như tiếng Pháp được, vậy thì mỗi khi ta muốn chỉ một sự hành động mới, mà nguyên tiếng không sẵn có, tất nhiên là ta phải lấy hai tiếng chắp vào làm một: động từ kép bởi đó sinh ra.

Như thế, phải lấy một động từ sẵn có làm gốc rồi thêm một tiếng theo sau nữa mà làm ra động từ kép.

Như trong bài dẫn trên đây, tiếng ăn làm gốc, rồi do đó sinh ra: ăn trộm, ăn cướp, ăn gian, ăn lận, ăn lót, ăn chừng, ăn đút, ăn hiếp, ăn xin, ăn chực, v.v...

Kể ra những động từ kép cũng nhiều. Ngoài chữ ăn ra còn có đi, nói, làm, đánh, có lẽ là những chữ sinh hóa ra được nhiều động từ kép hơn hết cũng như chữ ăn.

Đi: đi thi, đi hoang, đi bộ, đi đường, đi làm, đi chơi, đi vong, đi tìm, đi kiếm, v.v...

Nói: nói khoác, nói láo, nói đùa, nói phách, nói hỗn, nói leo, nói dóc, nói liều, nói hành, nói xấu, nói phỉnh, v.v...

Làm: làm thinh, làm liều, làm phách, làm dáng, làm bộ, làm om, làm kiêu, làm mẫu, làm hạnh, v.v...

Đánh: đánh liều, đánh đố, đánh bạc, đánh lừa, đánh cuộc, đánh vĩ, đánh đấm, đánh đàn, đánh giặc, đánh đu, v.v...

Theo tôi thấy, ngoài năm chữ gốc ấy, khó mà kiếm cho ra những chữ làm gốc khác mà cũng sinh hóa được nhiều như thế. Bạn đọc thử tìm xem.

Động từ kép cố nhiên ghép với hai chữ và chữ trước cố nhiên là động từ nhưng chữ sau không cứ là động từ. Như làm thinh, đánh giặc, thinh giặc quả không phải động từ, nhưng khi ghép với động từ đi trước nó thì rõ ràng là một động từ kép, vì hai chữ nhập chung làm một nghĩa, chỉ một sự cử động mà không rời ra được. Cho nên ăn cơm không kể được là động từ kép (vì cơm làm complément của ăn), nhưng đánh giặc thì phải kể là động từ kép (vì đánh giặc nhập làm một nghĩa, chỉ một sự cử động).

Vì những lẽ nói trong bài này, tôi xin cho cái định luật về động từ kép được công nhận làm một định luật trong văn pháp tiếng ta. Và hơn nữa, nếu xét ra mà quả đúng, tôi lại xin cho năm chữ: ăn, đánh, đi, làm, nói được ở cái địa vị đặc biệt, làm gốc cho những động từ kép.

Bài này xin trình trước mặt các nhà ham nghiên cứu tiếng mẹ đẻ. [a]

BẠCH SA

(Hà Tiên, Nam Kỳ)

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 3.

Chú thích

[a] Bài của tác giả Bạch Sa ở sưu tập này lẽ ra phải đưa vào phụ lục 2 (bài của tác giả khác có liên quan đến Phan Khôi), nhưng tôi xếp chung ở đây, vì nội dung của nó gắn với toàn bộ tiến trình các bài đăng trong mục “Quốc văn nghiên cứu” của tuần báo Sông Hương. – N. B. S.