NGỰ SỬ ĐÀN VĂN

TIỂU DẪN – Ngự sử đàn văn là tên mục đã được Phan Khôi đặt ra từ 1929 trên tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Đây là loại mục chuyên dọn vườn văn, chỉ ra những sai sót về hành văn, về dùng từ đặt câu, về dùng thành ngữ, điển tích, v.v… trong các bài viết của đồng nghiệp trên báo chí văn học. Tiếc rằng Phan Khôi cũng chỉ duy trì mục này trong 5 kỳ báo Sông Hương. Vì có những kỳ đăng không có tên riêng, lại có kỳ có tới vài mục nhỏ, nên người biên soạn đánh số các kỳ trong ngoặc vuông [ ] cho dễ theo dõi. – N. B. S.  

 

[KỲ 1]

          Mục này năm trước có mở ra trên báo Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn được bạn đọc hoan nghinh lắm. Mới rồi có người viết thư nhắc chúng tôi, bảo nên mở nó lại trên báo Sông Hương. Chúng tôi cho là rất phải: chẳng những vì Sông Hương là một tờ báo văn học mà còn vì ở Huế nên có nhiều ngự sử, dẫu có bao nhiêu cũng không thừa.

          Ngự sử, mở mồm ra là chạm ngay quan Hồng lô Tự khanh Lê Thanh Cảnh. [a] Chẳng phải chạm ngài ở chốn triều đình hay ở Viện Dân biểu mà chạm ở trên báo Tràng An.

          Tràng An báo số 150 ra ngày 25 Août, là số bắt đầu có quan Hồng Lê đứng chủ bút. Quan Hồng ngài sốt dẻo phạm chơi mấy cái lỗi nho nhỏ, mặc, ngự sử cứ việc tham.

          Cuốn sách nhan đề là Ma mère, ông chủ bút Tràng An dịch là Mẹ tôi rất đúng viết bằng chữ Pháp, xuất bản tại Paris năm 1928, do một du học sinh Trung Hoa viết ra, người ấy tên là Thạnh Thành. Thế mà ông chủ bút lại nói là của Hồ Thích viết: một điều không đúng.

Hồ Thích học chữ Anh, đỗ văn khoa tiến sĩ bên Mỹ. Thế mà ông chủ bút lại nói Hồ Thích đỗ tiến sĩ khoa văn chương Pháp: hai điều không đúng.

          Hồ Thích là một học giả kiêm vừa văn học vừa triết học cũng giống như Nguyễn Khắc Hiếu Việt Nam; ông ấy nổi tiếng vì hay viết báo làm sách mà đứng về mặt cấp tiến, giục giã dân Tàu trên con đường tiến bộ. Thế mà ông chủ bút nói Hồ đã nổi tiếng lừng lẫy nhờ viết cuốn sách Ma mère: ba điều không đúng.

          Cuốn sách Ma mère viết bằng một lối Pháp văn rất đơn giản, toàn những chữ dễ, câu ngắn, chỉ được cái ít lỗi chứ chả phải hay ho gì. Nhờ có một văn sĩ Pháp đề tựa tưng bốc cho, mới được người ta để mắt đến. Để mắt đến là cùng chứ chẳng ai nhận cho sách ấy là kiệt tác. Thế thì dù nó là của Hồ Thích viết ra nữa, có lẽ nào Hồ lại vì nó mà nổi tiếng lừng lẫy được sao: bốn điều không đúng.

          Sợ bới nhiều quá, làm mất mặt của quan Hồng, ngự sử chỉ xin tham ngài bốn khoản ấy mà thôi.

NGỰ SỬ

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 5 (29 Août 1936), tr. 3.

Chú thích

[a]  Lê Thanh Cảnh (?-?) lúc này là quan chức triều Nguyễn, đồng thời là chủ bút nhật báo Tràng An. (Sau khi Phan Khôi thôi chức chủ bút Tràng An, từ 01/2/1936, chủ nhiệm Bùi Huy Tín kiêm nhiệm chủ bút ít lâu, sau đó mời Lê Thanh Cảnh làm công việc tòa soạn. Tuy vậy, về mặt chính thức thì từ Tràng an số 149, ngày 21/8/1936, chủ nhiệm Bùi Huy Tín mới thông báo giao toàn quyền công việc ở tòa soạn cho chủ bút mới là Lê Thanh Cảnh. Ông Cảnh lúc này là nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ.   

 

[KỲ 2]

    Hoang đường

Hoang đường hay hoang đàng cũng đồng một nghĩa. Nó là một hình dung từ thường để hình dung cái lời nói. Ta hay nói “lời nói hoang đường” hay “câu chuyện hoang đường”, nghĩa là lời nói khoác, láo, đặt điều ra, không có căn cứ vào đâu. Như những truyện thần tiên, tiểu thuyết kiếm hiệp tức là câu chuyện hoang đường.

Chính nghĩa chữ hoang đường là như thế. Song trong nhiều miền nhà quê có dùng chữ hoang đàng để chỉ sự du đãng. Như nói: nó hoang đàng lắm, tức là có ý nói nó chơi bời bậy bạ lắm. Dùng thế là sai. Có lẽ nguyên chữ hoang toàng, nghĩa là buông lung, lêu lổng, mà họ nói lầm ra hoang đàng. Người có học nên đính chánh lại, đừng nói theo họ mới phải.

Một tờ báo kia có bài nói về “Bức thư trả lời ông cố đạo” trong Sông Hương có câu rằng: “Ông có cho là một câu chuyện hoang đường, có lẽ gợi lòng dục và bày vẽ những sự không hay cho người đọc”.

Xem cả câu thì biết người viết nó đã không hiểu chữ hoang đường cho đúng nghĩa và đã dùng sai. Vậy xin chỉ ra để kẻ khác biết mà dùng đúng theo như người ấy đã dùng.

Câu chuyện hoang đường chỉ có thể xui người ta tin nhảm chứ không tài nào gợi lòng dục của người ta được.

Đã kém còn hơn

Trong bài “Chữ gia nghĩa giảm” của Sông Hương có lập một cái công lệ:

“Những chữ thuộc hình dung từ, khi dùng chữ đôi thì cái sức hình dung của nó lại giảm kém khi dùng chữ chiếc”.

Trong câu ấy, đặt chữ giảm kém như thế là đúng lắm rồi, cũng rõ nghĩa lắm chẳng còn thiếu ý gì cả.

Một ông (sẽ nói rõ ở lúc khác) dẫn câu ấy, làm một dấu chua nơi chữ giảm kém rồi chua rằng:

“Ông (chỉ tác giả bài “Chữ gia nghĩa giảm”) muốn nói “giảm kém hơn” nhưng trong câu thiếu chữ hơn, thành thử không được rõ rệt lắm”.

Ông ấy quyết thêm chữ hơn vào sau hai chữ giảm kém như thế là không được vì nó vô nghĩa, sai với văn pháp: đã kém sao còn hơn? Người ta có thể nói ít hơn được. Nhưng ít hơn tức là kém. Thế thì trong chữ kém đã có nghĩa ít hơn rồi, sao được tiếp với chữ hơn?

Hơnkém, khi dùng như vậy đều là trợ động từ cả. Có lẽ nào trong một câu lại dùng được hai trợ động từ tương phản?

Người ta có thể nói kém hơn trong khi đặt câu cách khác, như câu: “Giá gạo trong Nam kém hơn ngoài Bắc”. Nhưng khi nói như vậy thì chữ kém đã thành ra hình dung từ mà không phải trợ động từ.

NGỰ SỬ

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 6 (5 Septembre 1936), tr. 6.

[KỲ 3]

Nhân quyền và dân quyền

Một tờ báo ở đây [a] viết:

Nguyên chữ Pháp droits de lhomme tức là nhân quyền, người Nhật dịch là thiên phú nhân quyền, người Tàu dịch là dân quyền. Đem hai chữ mà so sánh thì chữ nhân đúng nghĩa và bao quát được rộng; chữ dân có hơi hẹp hơn chữ nhân.

Cứ như lời báo ấy nói đó, thì ra người Tàu dịch không đúng nghĩa bằng người Nhật.

Nhưng không phải, báo ấy nói sai.

Dịch ra nhân quyền hay ra dân quyền, cái đó là tùy theo nguyên văn của chữ Tây, người Nhật, người Tàu cũng đều thế cả.

Chữ Tây là droits de l'homme thì bất kỳ người Nhật hay người Tàu cũng đều dịch là nhân quyền. Còn chữ Tây là droits du citoyen thì bất kỳ người Nhật hay người Tàu cũng đều dịch là dân quyền.

Tức như lời Tuyên ngôn của nước Pháp năm 1789, trong tiêu đề có chữ Droits de lhomme et du citoyen thì họ phải dịch là ...nhân quyền và dân quyền.

Thế thì chính trong chữ Tây, hai cái quyền ấy đã phân biệt hẳn, tất nhiên người dịch cũng phải theo đó mà phân biệt: droits de lhommenhân quyền, droits du citoyendân quyền, chứ người Tàu dốt gì đến nỗi đáng dịch là nhân lại dịch là dân?

Nhân quyền tức là quyền làm người, ai nấy đều có, như những quyền sanh ra được tự do, bình đẳng về quyền lợi, v.v...

Dân quyền tức là quyền làm công dân, hễ là công dân thì đều có, như những quyền được sung vào công chức, được ngôn luận, tụ hội tự do, v.v...

Không có khi nào trong chữ Tây chỉ nói droits de lhomme mà người Nhật lại dịch ra thiên phú nhân quyền được. Nếu dịch vậy thì thừa nghĩa. Mà khi nào có chữ thiên phú là khi chỉ rõ cái quyền ấy tự nhiên mà có, như bởi trời phú chứ không phải bởi ai ban cho ai. Trong điều thứ hai của lời Tuyên ngôn nói trên có chữ droits naturels et imprescriptibles de lhomme: [b] có lẽ do những chữ ấy mà người ta dịch ra thiên phú nhân quyền vậy. Nhưng nếu là những chữ ấy thì đến người Tàu cũng phải dịch là thiên phú nhân quyền hay chữ gì có nghĩa giống như thế, chứ không luận người Nhật.

Báo ấy nói sai là vì như chỉ biết có chữ droits de lhomme mà không biết có chữ droits du citoyen.

NGỰ SỬ

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 7 (12 Septembre 1936).

Chú thích

[a] “một tờ báo ở đây”: ý nói một tờ báo cũng xuất bản ở Huế; có lẽ là một trong những tờ Tiếng dân hoặc Tràng an.

[b] droits naturels et imprescriptibles de lhomme (chữ Pháp): các quyền tự nhiên và không thể bị tước đoạt của con người.

[KỲ 4]

Có một tờ tạp chí, ở mục "Muốn biết", làm khôn làm khéo, viết rằng: "Ải Vân quan, nhiều người gọi lầm là Hải Vân. Chính chữ là Ải Vân quan, chỗ giáp giới tỉnh Quảng Nam với Thừa Thiên".

Phàm cái gì đã bảo người khác lầm mà chữa lại thì phải đem chứng cứ của mình ra cho rõ ràng, chắc chắn. Nay tạp chí ấy chữa lại: "chính chữ là Ải Vân Quan", thế thì cái chứng cứ ấy ở đâu? Cái "chính chữ" ấy ở đâu?

Rõ thật muốn nói bậy thì cứ nói chứ không cần căn cứ vào đâu cả.

Thảm hại thay cho cái sự làm khôn làm khéo! Trái ngược lại, nhiều người nói Hải Vân là đúng mà tạp chí ấy chữa lại Ải Vân là lầm!

Một dãy núi ngăn bờ cõi Thừa Thiên và Quảng Nam, trong đó có một hòn cao nhất, tại trên nó, người ta xây một bức tường thành và một cái cổng, trên cổng đề ba chữ "Hải Vân Quan". Chỗ này lúc trước có một đội quân canh giữ, hỏi giấy thông hành những người qua lại, nên cũng có tên là Đồn Nhất. Còn cái tên đặt bằng Hải Vân, có lẽ là lấy cảnh ngay trước mắt: ban mai ở đây trông xuống, chỉ thấy biển giáp với mây.

Cái tên "Hải Vân" đã có chép trong các sách như là: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam chánh biên liệt truyện, Minh Mạng chánh yếu và nhiều sách khác không xiết kể.

Lại câu đối ông Nguyễn Tư Giản khóc ông Phạm Phú Thứ:

"Giang thụ sào, liệt hậu tư, nhân thế gian nan thành độc vãng;

 Hải Vân quan, mộng trung lộ, giao du linh lạc thảng ngô suy".

Thế thì rành rành là Hải Vân đấy, sao còn cãi được?

Người ta cũng có gọi Ải Vân, nhưng tiếng này là tiếng Nôm.

Ải tức là cửa ải, vì đây có cái "quan" tức là cửa ải. Trong khi nói "Ải". Người ta bỏ bớt chữ "Hải" đi thành ra Ải Vân, và do đó người Tây dịch là "Col de Nuage". [a]

Người Quảng Nam có câu hát: "Tổ tiên để lại em thờ; anh ra ngoài "Ải", cầm cờ theo vua". Chữ "Ải" đó cũng tức là Hải Vân Quan.

Vậy thì "Ải Vân" cũng có, nhưng nó là tiếng Nôm, và trong khi nói như thế thì không thể thêm chữ "Quan" vào được; mà "Hải Vân Quan" mới là tiếng chính thức, mới là đúng vậy.

NGỰ SỬ

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 10 (2 Octobre 1936), tr. 2.

Chú thích

[a]  Col de Nuage (chữ Pháp): đèo mây

[KỲ 5]

            Đàn hạch Việt Báo

Trong số 40 ra ngày 3 Octobre, nơi trang nhất, cột 1-2, Việt báo [a] nêu lên cái đề đến mấy dòng chữ lớn:

"Sau khi Lâm ủy Trung Kỳ tự tuyên bố giải tán, hai ông dân biểu Phạm Văn Quảng, Lê Thanh Cảnh lại triệu tập Hội đồng bất thường để định thảo dân nguyện. Một số dân biểu phản kháng cuộc hội họp của ông Phạm Văn Quảng và tuyên bố: Không đủ quyền thảo dân nguyện mà cứ thảo là phản dân".

Rồi dưới cái đề to tướng ấy, có bài kỷ thuật [b] ngăn ngắn. Đọc suốt thì thấy là cuộc hội họp ở Viện Dân biểu ngày 25 Septembre mà những ông Hà Đằng, Ngô Đạm, Đào Phan Duân, Đỗ Tịch Trân đã bỏ ra, không chịu dự.

Việc ấy thì có thật, nhưng lạ một điều là bạn đồng nghiệp Việt báo trong mấy dòng tiêu đề đó, như có ý phao vu cho hai ông dân biểu Phạm, Lê là phỉnh phờ độc giả của mình.

Việt báo há lại chẳng biết ở xứ ta đây duy có chánh phủ mới có quyền triệu tập ở các nghị viện được sao? Lần nhóm bất thường tại Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 25 Septembre đó là do chánh phủ triệu tập, sao lại nói được rằng ông Phạm Văn Quảng và Lê Thanh Cảnh?

Viết như vậy là tỏ ra cái ác ý của người cầm bút: cố làm sai sự thực đi để gây ác cảm ra giữa nhân dân Trung Kỳ với hai vị dân biểu ấy; mà không nữa thì lại tỏ ra sự ngớ ngẩn của mình, vì chẳng hiểu cái chế độ hiện hành trong xứ mình là thế nào?

Huống chi trong ngày ấy, ở Viện Dân biểu Bắc Kỳ cũng có phiên nhóm bất thường do chánh phủ triệu tập cả, mà mục đích cũng là để thảo luận tập dân nguyện, thì sao ở Trung Kỳ, Việt báo lại giả đui giả điếc mà viết ra như thế được?

Trước mặt hết thẩy báo giới ba kỳ, tôi xin đàn hạch Việt báo về khoản ấy.

NGỰ SỬ

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 12 (17 Octobre 1936), tr. 3.

Chú thích

[a] Việt báo – nhật báo, số 1 ra ngày 18/8/1936. số cuối cùng: s. 1689 (9/2/1942); chủ nhiệm Bùi Xuân Học, tòa soạn 24 ter Đại lộ Gia Long, Hà Nội.

[b]  kỷ thuật: tường thuật.