NGƯỜI THƯỜNG VỚI SỰ VIẾT VĂN

Người thường tôi nói đây là hạng người không lấy nghề văn làm kế sinh nhai, hay nói theo kiểu ông Dân Xanh, không đi tìm hai chữ danh, lợi trong cây bút.

Lẽ tất nhiên khi cần phô diễn tư tưởng của họ lên mặt giấy, thay lời nói của họ bằng những câu văn, hạng người ấy không sao sành sỏi bằng những người mà xã hội gọi là văn sĩ, là nhà văn, những người chỉ nhờ khéo hoa ngọn bút là đủ kéo hàng vạn con mắt sùng phục về mình. Nói thế, không phải bảo rằng hễ là người thường thì khi viết, viết thế nào cũng được, không cần phép tắc, quy củ, cũng như không cần sự sáng suốt rõ ràng.

Trái lại, phàm người thường thì, đối với sự viết văn, càng nên cẩn thận, dè dặt, bởi nó là việc quan trọng, vừa cho cá nhân, vừa cho nền văn học một nước. Quan trọng cho cá nhân, cái ấy không ai chối cãi được; nhưng quan trọng cho nền văn học một nước, hẳn có người phải lấy làm lạ.

Người ta hay lầm tưởng rằng, đối với văn học, người thường chỉ đứng ngoài vòng. Và các nhà chép sử văn học, mỗi khi dương mục kỉnh nhìn vào tài liệu, cũng chỉ thấy tên ông văn sĩ nầy, nhà thi sĩ nọ, chứ không chịu để ý đến đội quân vô danh kia tuy tối tăm nhưng lúc nào cũng quan hệ mật thiết, cũng gây ít nhiều ảnh hưởng đến văn trào. Người ta quên rằng một nền văn học thịnh hay suy là do một phần ở trình độ viết văn của đám người thường: đám người thường viết có thông thì những người xuất sắc hơn họ gọi là nhà văn, mới có thể tạo nên những tác phẩm có giá trị; trái lại, nếu đám người thường viết bất thành cú thì nghệ thuật của các nhà văn cũng vẫn theo luật tương đối mà ở vào trình độ thấp kém.

Ta xem như nước Pháp là nước có nền văn học phong phú nhất nhì trên thế giới thì dù là người không có văn tài cũng có thể, khi cần dùng, diễn đạt tư tưởng của mình lên mặt giấy một cách phân minh rõ ràng. Đừng nói trong lúc viết, đến những mẩu chuyện của họ mà tình cờ ta được nghe trên xe lửa hay trước rạp chiếu bóng trong lúc đứng chờ lấy chiếc vé vào cửa, cũng vẫn ý vị, đậm đà, văn vẻ.

Sự viết văn của người thường, đối với văn học, quan hệ là thế, vậy mà ở xứ mình, xem ra ít người để ý đến. Người ta viết rất cẩu thả, mặt chữ và văn pháp không đúng đã đành, đến việc dàn xếp ý tứ cho có mạch lạc, thứ tự, cũng bị khinh thường. Vẫn biết rằng chữ quốc ngữ chưa có mẹo luật nhất định, nhưng ít ra chúng ta phải viết thế nào cho kẻ đọc hiểu được, không vì những lời lẽ quanh co, tối tăm mà phải bực mình.

Hằng ngày chúng tôi tiếp được rất nhiều thư từ gởi đến, hoặc để tỏ lời hoan nghinh, hoặc để mua báo dài hạn. Những bức thư ấy phần nhiều viết bằng một lối văn có khi đọc đến năm bảy lần chúng tôi mới hiểu được mục đích của người viết. Lại nhiều bài lai cảo – cố nhiên là không đăng được – do mối cảm tình của bạn đọc đưa đến, nó bất thành văn đến nỗi chúng tôi đọc mà phải kinh ngạc.

Vừa rồi, một vị quan Pháp thông tiếng ta phàn nàn với chúng tôi rằng có nhiều người Việt Nam viết quốc văn đến ông xem cũng phải ngượng. Rồi ông thuật chuyện có nhiều bức thư hay là đơn gởi đến thỉnh cầu việc gì, dù đã nghiền ngẫm kỹ càng, mà rốt lại ông vẫn chưa rõ chủ định của tác giả. Còn ngờ cái sức hiểu văn quốc ngữ của mình, ông đưa cho viên thư ký người Nam của ông xem, nhưng kết cục, ông vẫn không nhận thêm được chút ánh sáng nào.

Chẳng biết tôi có nên dẫn thêm ra đây cái ca một vài ông nghị thảo bản chương trình của mình khác nào đứa trẻ mới tập viết, nhưng đại khái, trình độ viết văn của người thường ở xứ mình là như thế. Thay lời nói bằng câu văn ghi ý tưởng hay tình cảm lên nền giấy trắng, cái việc ấy, phần đông coi là không quan hệ gì, và mỗi khi cầm đến bút, họ tỏ lòng khinh suất, không thèm thận trọng.

Thật là một điều lầm lớn. Giá họ biết sự viết văn của họ có quan hệ đến nền văn học nước nhà là thế nào, giá họ tin rằng phận sự của họ trong văn học không phải nhỏ, thiết tưởng không bao giờ có sự cẩu thả, khinh thường đến như thế.

Đây tôi xin nhắc lại: trình độ một nền văn học thường đi đôi với trình độ viết văn của đám người thường. Hay, cho được dùng một tượng hình, đám người thường ví như chiếc thang chịu lấy các nhà văn: nếu chiếc thang đưa cao thì những người đứng trên nó mới với cao được, ngược lại thì chẳng những họ bị hạ thấp theo, mà có ngày phải rơi xuống không chừng.

Vậy nếu bổn phận của người Việt Nam là lo vun xới cho nền văn học nước mình hiện nay đương ở vào thời kỳ phôi thai, ngày kia trở nên phong phú, thì mỗi người trong chúng ta nên hết sức cẩn trọng trong lúc hạ bút viết văn. [a]

T. T.

Nguồn:

Sông Hương, Huế, s. 16 (14 Novembre 1936), tr. 1, 6.

Chú thích

[a]  Như đã nói trên, các bút danh T.T., T., P.T.T. trên Sông Hương có lẽ đều là của Phan Khôi; trong bài này còn tỏ rõ người viết làm việc tại tòa soạn Sông Hương.